Chợ mà tôi nói
là một ngôi chợ làng, rất bé. Đường đi trải dài phần lớn là cát bủn mà xe rất
khó đi. Lưa thưa vài ngôi mộ bên đường, vài ngôi nhà lá cũ kỹ, rất nhiều tre và
ngôi nhà nào cũng có một bụi rơm cao ngất ngưỡng cạnh nhà. Tôi thường được nội
bế, có lúc thì lon ton chạy khắp nơi rồi lại giật mình khi có người đánh chiếc
xe bò trong nhà chạy ra hay níu áo nội khi có một đàn gà to to, tỏ vẻ “hung
hãn” và “muốn cắn con kìa, nội ơi”.
Nội thường ra
chợ. Có lúc xách trên tay là nải chuối, có lúc là cá, có lúc lại là gà…Phiên
chợ quê không có như chợ tỉnh. Vui lắm! Người đi đông như hội. Tôi không hiểu
vì sao giữa làng quê êm đềm, chợ nổi lên lại nhộn nhịp đến thế. Có lẽ, vì chợ
tọa lạc tại một ngã ba.
Gọi là ngôi chợ
cho vui, thật ra đâu như chợ thị xã, chợ tỉnh với sạp hàng bày bán trong nhà
hay tập trung lại một trung tâm lớn. Ở đây, mọi người ngồi bệt ven đường, lót
dép hay lá chuối làm ghế ngồi cho đỡ bụi. Ngày xưa mà, làm gì có cá nuôi. Người
ta bán rất nhiều cá bắt được vào buổi sớm, ngoài ruộng, ngoài sông, trong ao
nhà… Tiếng vịt cạp cạp, tiếng người chen lấn, tiếng trả giá, lâu lâu lại có mấy
chú đánh xe bò đi ngang, mọi người phải dọn hàng sang một bên tránh đường chiếc
xe đi, vừa tránh sang, vừa lầm bầm câu gì đó.
Nội dọn hàng ra,
để tôi ngồi cạnh bên, dặn tôi “Nội đi mua đằng này một lát, con ngồi ở đây
nghen, có ai hỏi gì thì cứ nói lát nội quay lại liền”. Thế mà nội vừa quay đi,
có người hỏi mua nải chuối, tôi không biết, lại hoay hoay tìm nội. Không thấy
bóng dáng nội đâu, tôi lo âu ngồi dậy rồi lững thững tìm nội giữa phiên chợ
đông người. Rơm rớm nước mắt khi không thấy nội đâu, tôi khóc òa, thì mấy bà
bán vịt hỏi lớn “con ai đi lạc nè”. Đang nước mắt nước mũi sì sụp thì nội đến
bên, lau mặt tôi rồi hỏi “sao con lại ra đây, lỡ lạc thì sao?”. Mấy người bạn
của nội ngồi cười. Để rồi nội lại dỗ đứa cháu bự đầu hay nhõng nhẽo bằng mấy
cái bánh bò trắng, xanh.
Niềm vui ở quê
tưởng chừng như không dứt. Chợ lúc nào cũng vui, nhưng vui nhất vẫn là ngày
Tết. Nhà nhà đều trồng hoa mai trước cửa, có nhà chỉ một, có nhà lại trồng
nhiều. Màu vàng của cánh hoa nở được chen bởi màu đỏ của bao lì xì treo lủng
lẳng trên cành nhìn rất thích mắt. Ngày Tết, nhà nhà đều có dăm ba chiếc xe
ngoài cửa của họ hàng, bạn bè tới chúc Tết hay quét mộ. Tiếng leng keng khi hai
cúc rượu chạm vào nhau, tiếng hô “một, hai, ba, dô…”, tiếng trẻ nít rượt nhau
trước thềm nhà, khúc nhạc xuân… Mơ hồ một điều gì đó muốn níu lấy tôi, mong ở
lại đây mãi.
Không phải lúc
nào tôi cũng được về ngay dịp Tết. Hè, về với ngôi nhà tường của nội, ngồi
trước thềm ba, nghe tiếng gió lay hàng tre xào xạc, hàng ngày rượt đuổi bầy gà
chạy tán loạn khắp sân và những chuyến “thám hiểm” đến gần hàng me ngọt sát bờ
rào mà người ta hay đồn là có ma vì nhà quanh nhà nội là đồng trống. Nhà nội
được bọc trong hàng rào tre dày và gần gốc me là những ngôi mộ tổ tiên. Là
những khoảng thời gian ngồi hàng giờ ngắm con kênh chảy qua trước ngõ, hay sau
những cơn mưa, lao xuống thửa ruộng vừa được bơm cát lại ngập nước, rượt theo
những con nòng nọc bơi dọc, bơi xuôi.
Những ngày lang
thang dọc bờ ruộng cũng làm tôi mau chán. Ruộng bờ lụp xụp, cô cháu đèo nhau
trên chiếc xe Honda cô Phượng vừa mua, để rồi ngã nhào lên cỏ. Cỏ mềm, ướt
những sương, cháu lóp ngóp ngồi dậy, mặt lấm lem những cát. Thương đứa cháu nhỏ
mặt buồn vì ở quê chỉ vỏn vẹn với khu vườn cùng con gà, con vịt, cô Phượng dắt
tôi ra chơi trò đá banh. “Đá banh” lạ lắm! Trái banh là viên bi tròn nằng nặng,
trẻ con thường “đá” trên chiếc bàn bé hơn bàn bi-a một chút với tám tay cầm,
mỗi tay cầm gắn với những hình nhân bằng nhựa cứng, người ta xoay tay cầm để di
chuyển hình nhân, hệt như một cầu thủ đang đá một trái banh thật sự. Và trận
đấu, chỉ vỏn vẹn xoay quanh chiếc bàn ấy. Thế mà mọi người vẫn xúm quanh và hò
hét rôm rả.
Quê! Tôi gọi quê
gắn liền với ngôi nhà của nội, với khu vườn dày những tre, thơm mùi hàng nguyệt
quế mà ông nội trồng hai hàng trước nhà, xanh um theo dăm cây xoài cát đã có từ
rất lâu và chua cay cùng bụi ớt, cây chanh sát sàn nước. Xoài thơm lắm, nội
thường dành cho tôi những quả to nhất mỗi lúc tôi theo cha mẹ về quê. Tôi nhớ
hoài, nội thường nói: “Tiếc quá, hôm qua có mấy trái chín rồi bị dơi ăn, nếu
không thì đã hái cho cháu nội tui rồi”. Thương nội quá, nội ơi!
Thời gian trôi
qua, tôi vẫn thường về nội cùng cha. Ngôi chợ làng của ngày hôm nay đã không
còn như cũ. Không còn người nhộn nhịp như trước, những ngôi nhà vách lá đơn sơ
đã được thay vào bằng những ngôi nhà tường khang trang hơn trước. Đã ít hơn
những chiếc xe bò lục cục, đã thưa dần tiếng chào mời í ới. Nhìn mọi vật mới
hơn, đẹp hơn, sao tôi lại cảm thấy thiếu vắng một điều gì. Cảnh vật úa đi, hay
do lòng tôi vẫn mang hoài hình ảnh của làng quê cũ?
Hơn một năm rồi
không có dịp về quê. Những bộn bề việc học, công việc gia đình ngày Tết làm tôi
quên đi những kỉ niệm thời thơ ấu của mình. Đạp xe dưới cơn mưa rào nơi thành
thị, tôi chợt bắt gặp hình ảnh một cụ bà, tay bế đứa cháu, tay cầm nải chuối,
chiếc nón lá nghiêng sang che cho đứa bé khỏi ướt, những hình ảnh của ngày xưa
thoáng qua thật nhanh, không biết buồn hay vui. Tôi chỉ đứng lại nhìn hình ảnh
hai bà cháu khuất xa dần.
Tôi đã từng hỏi
cậu Út: “Út ơi, quê hương là sao ạ ?” và tôi nhận được một câu trả lời sau một thoáng
im lặng của Út “Cậu cũng không biết nữa, tùy con thôi”…
PHAN TRỌNG HIẾU (tác giả giữ bản quyền)
_______________________________________
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét