<< Tranh nhạc sỹ Trịnh Công Sơn do chính tác giả Phan Võ Hoàng Nam thực hiện bằng chất liệu đá granit Bảy Núi
Tôi biết đến nhạc Trịnh trong một lần đến chơi và ngủ lại nhà đứa bạn cùng lớp. Lạ nhà, nên chỉ mới hơn bốn giờ sáng là tôi đã thức giấc. Không gian ở miền quê thật yên tĩnh. Tôi định xuống giường, mở cửa để ra sau vườn hít thở không khí trong lành buổi ban mai. Bỗng trên lầu vọng xuống tiếng đàn guitar từ chiếc máy cassette, rồi một giọng nữ cất lên thật ngọt ngào và sâu lắng. “Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi…”
… Những ca từ và giai điệu đầu tiên đã cuốn hút tôi. Có gì đó vừa xa, vừa gần, vừa lạ, vừa quen, nữa như lời kinh, nữa như lời trò chuyện. Hồi ấy, những năm đầu thập niên 1980, lũ học trò cấp ba chúng tôi chỉ được nghe những bài nhạc đoàn đội trong các buổi sinh hoạt ở trường, hay nghe những bài hát chiến đấu phát trên đài phát thanh qua chiếc loa đặt ở đầu ngõ. Bây giờ nghe những bài nhạc này, tôi bỗng như phát hiện một thế giới âm nhạc hoàn toàn khác. Buổi sáng trong lúc quây quần bên mâm cơm, chú Phương (là cha của người bạn tôi) cho biết đó là nhạc Trịnh Công Sơn qua tiếng hát Khánh Ly.
Từ hôm ấy tôi bắt đầu tìm nghe và yêu nhạc Trịnh từ lúc nào chẳng biết. Không chỉ nghe ca sĩ trình bày, tôi còn học đánh đàn guitar và tập hát nhạc Trịnh. Dĩ nhiên là hát cho mình những khi vui buồn, hát với bạn bè lúc tìm được sự đồng cảm. Tôi chưa và cũng chẳng bao giờ có thể là bạn của nhạc sỹ Trịnh Công Sơn nhưng nhạc Trịnh thật sự đã là người bạn đồng hành của tôi trong suốt bao năm trời. Trong những thăng trầm cuộc sống, khi buồn, cũng như lúc vui, nhạc Trịnh vẫn lặng lẽ bên tôi từng ngày, từng ngày sẽ chia. Ở mỗi cung bậc đời người tôi đều tìm thấy một chút đồng cảm từ nhạc Trịnh.
Đầu năm 2010, tôi bắt đầu bị những cơn đau ngang thắt lưng rồi lan dần xuống hai chân. Những cơn đau cứ tăng dần từng ngày. Chưa đầy ba tháng tôi đã bắt đầu đi đứng khó khăn, tôi phải xin nghỉ dạy để đi điều trị khắp các nơi. Từ cơ sở vật lý trị liệu, phòng khám chẩn trị đông y cho đến các bệnh viện tuyến tỉnh, gần cả năm trời bệnh tình chẳng những không thuyên giãm mà ngày càng nặng hơn. Những cơn đau nhức kéo dài như xé toang da thịt. Hai chân hầu như không bước đi được nữa. Cuối cùng bệnh viện Chợ Rẫy chẩn đoán tôi bị thoát vị đĩa đệm, thoái hóa và lao cột sống. Bản thân tôi suốt tám chín tháng nghỉ không lương, vợ tôi cũng bỏ cả mọi công việc để đưa tôi đi khắp nơi điều trị, số tiền để dành được bao lâu nay đã cạn, giờ đây phải đi phẫu thuật, tôi thật sự gặp khó khăn về tài chánh. Một nắm khi đói bằng một gói khi no. Bạn bè trong hội cựu học sinh cấp ba, đồng nghiệp, anh em văn nghệ đến thăm thấy hoàn cảnh của tôi đều chung tay giúp đỡ, mỗi người đóng góp một ít, tạo điều kiện cho tôi đi có đủ chi phí đi chửa bệnh.
Sau một năm rưỡi điều trị với biết bao nhiêu là thuốc thang và hai lần phẫu thuật tôi vẫn chỉ nằm một chỗ. Mọi sinh hoạt từ ăn uống, thuốc men đến vệ sinh đều phải nhờ vào vợ tôi. Những cơn đau nhức tuy có giảm hơn trước khi phẫu thuật nhưng vẫn âm ỉ suốt ngày ở hai chân. Điều trị thuốc chống lao cột sống cùng những loại thuốc tân dược trị nhức trong một khoảng thời gian dài khiến bao tử, gan, thận của tôi thứ nào cũng bị ảnh hưởng bởi tác dụng phụ của thuốc. Sáng thuốc, trưa thuốc, tối thuốc, mỗi ngày tôi chỉ ăn được lưng bát cháo. Tôi lại bị mất ngủ. Ban ngày hầu như hoàn toàn không ngủ, đêm về nằm thao thức đến gần sáng mới có thể chập chờn nữa tỉnh nữa mơ. Tôi gầy như một xác ướp.
Bạn bè, đồng nghiệp đến thăm đều an ủi động viên tôi cố gắng vươn lên, nhưng sâu trong đáy mắt mọi người là sự thương cảm, xót xa cho một người bạn không may mắn. Tôi như một ngọn đèn chỉ còn leo lét chút ánh sáng cuối cùng. Nhìn tôi, không ai nghỉ rằng tôi sẽ vượt qua kiếp nạn lần này. Người phụ trách công đoàn nhà trường an ủi vợ tôi – Chị đừng buồn, ai cũng có số mệnh. Chị ráng giữ gìn sức khỏe để còn lo chuyện mai hậu cho anh ấy.
Bản thân cũng đã tôi đã thật sự quá mệt mỏi. Đời người ai không phải chết, sớm hơn hay muộn hơn thì có gì khác biệt. Liệu tôi có bình phục lại được không? Với hai ống chân chỉ còn lại da bọc xương thế này, nếu khỏi bệnh, tôi còn có thể đi lại được hay cũng chỉ là một phế nhân. Điều trị bao nhiêu lâu nay, sức khỏe chẳng những không cải thiện mà tiền bạc cũng chẳng còn, càng kéo dài càng làm khổ thêm những người thân của mình. Vợ tôi vẫn kiên trì chăm sóc, động viên tôi, cô ấy bảo tôi không được đầu hàng cho dù chỉ còn lại mong manh một tia hay vọng. Nhưng tôi đã bắt đầu chán nản, hờ hững tiếp nhận thuốc men, hờ hững với mọi sự quan tâm. Cái ý nghĩ muốn được kết thúc cứ luôn ám ảnh tôi. Tôi nằm đó chập chờn trong cơn mơ, tỉnh và chờ đợi…
Một buổi sáng tinh mơ khi mọi người trong nhà còn chưa dậy, tôi nằm im trong màn, mệt mỏi đợi ngày lên. Bỗng một giai điệu nhẹ nhàng, dìu dặt vang lên, rồi tiếp theo là giọng hát của chính nhạc sỹ Trịnh Công Sơn như một lời tự sự rót vào tai tôi “Đừng tuyệt vọng…Tôi ơi đừng tuyệt vọng...”. Lời ca không thôi thúc, giục giã mà như một lời tâm tình, khuyên nhủ thật chân thành của bạn bè “Tôi là ai…mà yêu quá đời này”. Tôi chợt bừng tỉnh. Mỗi người chỉ có một cơ hội làm người, tôi vẫn còn cơ hội mà. Mở cho tôi nghe bài hát này vợ tôi cũng muốn tôi đừng từ bỏ cơ hội ấy. Đóng góp cho tôi có đủ tiền phẫu thuật, những người bạn ấy cũng đã dành cho tôi một cơ hội. Tôi làm sao có thể buông xuôi phó mặc cho số phận. Vâng tôi sẽ không tuyệt vọng, tôi sẽ giành lấy cuộc sống của tôi dù thế nào đi nữa. Tôi bắt đầu tập đi, ban đầu thì dựa vào vách nhà, sau đó là chống gậy và tự nói với mình hãy tiếp tục thêm một bước nữa. Mỗi sáng tôi lại nghe Trịnh Công Sơn hát “Tôi ơi đừng tuyệt vọng”, và tôi lập lại với mình “Đừng tuyệt vọng…tôi ơi đừng tuyệt vọng”. Chính những ca từ như một lời tâm sự ấy đã giúp tôi hiểu cuộc sống quý giá biết dường nào, giúp tôi có được nghị lực, ý chí tiếp nhận điều trị, vượt qua căn bệnh.
Bây giờ tôi đã qua được giai đoạn hiểm nghèo. Mặc dù không thể hoàn toàn bình phục như xưa nhưng tôi đã có thể trở lại công việc đi dạy của mình. Bạn bè gặp tôi đều nói rằng tôi đã gặp kỳ tích. Tôi không biết có phải như thế không. Ơn trời tôi vẫn còn có cơ hội làm người của mình. Cảm ơn vợ tôi đã sát cánh cùng tôi vượt qua giây phút hiểm nghèo bệnh tật. Cảm ơn những bạn bè, đồng nghiệp và cảm ơn anh - Trịnh Công Sơn, chính âm nhạc của anh đã mang lại cho tôi tình yêu vào cuộc sống, cho tôi nghị lực để yêu đời, cho tôi niềm tin để hiểu rằng ở trong mỗi phút giây của cuộc đời, cho dù có khó khăn đến đâu cũng hãy nói với chính mình “Tôi ơi đừng tuyệt vọng”.
PHAN VÕ HOÀNG NAM
________________________
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét