Cuộc sống với biết bao công việc, và những nổi lo toan thường
nhật, ngày lại ngày tất bật ngược xuôi, riết rồi muốn quên đi ngày tháng, quên
đi các mùa tiết trong năm. Chiều nay đi ra cánh đồng phía sau nhà, bất chợt bắt
gặp những cánh hoa Điên điển nở vàng lác đác mới chợt hay mùa lủ miền Tây lại về.
Là một loại hoa nhưng thật ra Điên điển chỉ được gọi là bông một cách hết sức mộc
mạc dân dã. Bông Điên Điển sinh ra không phải để trang hoàng cho đời thêm lộng
lẫy, nó không có vị trí ở chỗ bình hoa trong phòng khách, mà nếu nó
có vào được phòng khách thì cũng chỉ là đi từ đường bếp lên, và cũng chỉ ở trên
một trong những đĩa thức ăn trên bàn. Bông Điên điển mộc mạc chân chất như những
cô gái quê miền Tây. Dù mùa tiết có như thế nào, dù nước nổi có lên đồng hay
không, bông Điên điển vẫn âm thầm trổ bông, không ồn ào khoa trương hương sắc,
chỉ đơn giản điểm tô cho ruộng đồng bằng một màu vàng tươi dịu hiền trong nắng ấm
phương nam.
Trước đây khi trên đồng Nam bộ còn trồng lúa nước, mùa lũ về cả cánh
đồng ngập nước trắng xoá, mênh mông trời nước. Để chắn gió trong mùa lũ, dọc
theo bờ vườn bờ ruộng nông dân sạ những đám Điên điển dày dặc, tạo thành một bức
tường thiên nhiên, tránh sóng khi có gió lớn trên đồng. Tháng sáu âm lịch Điên
điển bắt đầu trổ bông, nhưng nhiều nhất là vào tháng tám khi nước lên đầy trên
đồng ruộng. Vào thời điểm này, bông Điên điển trổ đầy cây, từ xa nhìn vào chỉ
thấy vàng rực một màu. Đồng nước như thêm phần thi vị với chiếc áo màu vàng tươi
ấm áp.
Bây giờ hãy cầm lấy một cây cần câu và lên xuồng nhé, nhẹ nhàng thôi,
hãy len lõi trong đám Điên điển rồi buông câu chờ đợi. Từng chùm, từng chùm hoa
vàng tươi đong đưa theo gió. Trên mặt nước, những cánh hoa Điên điển rụng đầy, bồng
bềnh theo những con sóng nhỏ. Ngày trước khi còn đồng lúa nước, có những đám
Điên điển chạy dài mút mắt, trong mùa nước nổi cũng góp phần giúp đở rất
nhiều gia đình nghèo giải quyết công ăn việc làm. Chỉ cần có một
chiếc xuồng con và chịu khó thức khuya đi hái bông Điên điển. Điên điển trổ bông
đều dặn hàng ngày cho đến khi nước rút khỏi đồng. Lúc này thân cây được nông
dân nhổ lên có thể sử dụng để làm dàn muớp, khổ hoa hoặc làm chất đốt cho
cả mùa khô.
Bông Điên điển ngon nhất là được hái vào lúc sáng sớm và khi hoa chưa nở bung
ra, những cánh hoa vẫn còn khép chặt, ôm giữ đầy đủ nhụy hoa,
phấn hoa, tạo nên một mùi vị đặc trưng nhất là khi ăn sống. Có thể nói trong ẩm
thực mùa nước nổi ở miền Tây, bông Điên điển cũng có một chỗ đứng không đến
nổi quá khiêm tốn. Điên điển được sử dụng như một món rau có thể ăn sống hoặc
chế biến thành các món ăn khác nhau.
Đơn giản nhất là hái xuống rồi rửa sạch ăn
sống. Còn gì tuyệt vời hơn bửa cơm chiều đạm bạc trên đồng nước nổi với tô cá
Linh hay cá Rô đồng kho lạc bốc khói. Cho một tí nước chanh vào, một tí ớt nữa
cùng với một dĩa bông Điên điển vừa mới hái tươi roi rói cùng vài cọng bông
súng, một bửa ăn đơn sơ dân dã nhưng tôi chắc rằng bạn sẽ cảm nhận được sự đậm
đà khó quên của một hương vị đồng quê. Cho một ít bông Điên điển, vài cọng bông
súng vào chén rồi để một muỗng nước cá kho vào. Vị Điên điển vừa nhẫn một
tí, bùi một tí, cộng với mặn một tí, chua một tí và cay một tí, tất cả chỉ là
một chút, một chút, nhưng khi chúng hoà vào nhau trong miệng tạo nên một hương vị
hết sức độc đáo, hết sức riêng tư.
Ăn lẩu mắm trong mùa nước nổi mà trong thành
phần rau không có bông Điên điển cũng sẽ là một thiếu sót lớn. Khi để sống,
bông Điên điển có thể sử dụng như một thứ rau, kết hợp với rất nhiều món ăn. Nếu
không thích ăn sống chúng ta có thể chế biến thành những món ăn khác nhau.
Một dĩa Điên điển xào với những con tép đồng tươi roi rói, chấm với nước mắm
chanh ớt, không sang trọng nhưng vẫn sẽ thấy khó quên.
Đến miền Tây trong những
ngày nước nổi mà không thưởng thức một nồi canh chua bông Điên điển nấu với cá
Rô đồng thì quả thật sẽ là một sự tiếc nuối. Múc một muổng canh nóng hổi, bốc
khói, mùi rau canh chua thơm lừng xông lên mũi cộng với vị nhẫn nhẫn đặc trưng
của bông Điên điển dường như đọng lại mãi trên đầu lưỡi. Gắp một ít bông Điên
điển rồi chấm vào chén nước mắm đồng nguyên chất dầm ớt, rồi hít hà với những
chua cay mặn ngọt.
Bông điên điển cũng được xào chung với tép hoặc thịt ba rọi
để làm nhưng bánh xèo, một món ăn quen thuộc của người miền Tây. Ở vào thời điểm
nước nổi, ghé vào những quán cơm sườn ở An Giang, bên cạnh rau muống ngâm giấm,
bạn củng sẽ thưởng thức được món bông Điên điển làm dưa chua, ăn với cơm sườn nướng
thì còn gì ngon hơn cho một bửa điểm tâm sáng.
Chỉ là một thứ hoa dân dã, bông Điên điển đã gắn bó từ lâu đời với đồng nước nổi
miền Tây. Không rực rở khoe hương sắc, Điên điển chỉ lặng lẽ dâng cho đời chút
hương vị mộc mạc, cho cuộc sống một vùng quê thêm phần thi vị. Những năm gần
đây người ta làm đê bao ngăn lũ lên đồng để trồng lúa vụ ba, cây Điên
điển mất đi vai trò chắn sóng cho đồng ruộng. Vả lại giá trị kinh tế của nó
không cao, nên cây Điên điển cũng không được nông dân chú ý.
Có lẽ bạn sẽ hiếm
có dịp bắt gặp những đám Điên điển chạy dài mút tầm mắt, trổ hoa vàng rực cả một
góc trời. Tuy nhiên Điên điển vẫn trổ bông khắp nơi trên đồng ruộng miền Tây,
chừng nào vẫn còn mùa nước nổi thì vẫn sẽ còn đó những chùm hoa vàng, bình dị
đong đưa trong gió, lặng lẽ mang lại cho miền Tây chút hương vị riêng tư mộc mạc.
PHAN VÕ HOÀNG NAM
______________________
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét