Nắng chiều
gay gắt rọi vào phòng học tầng trên cùng, nơi mà ánh mặt trời chiếu
thẳng vào nhiều nhất, một buổi chiều nực nồng. Những buổi chiều như
thế, vốn đã là cực hình cho đám học sinh phòng số 29 với tiết Toán
trái buổi đầy mệt mỏi.
Tiếng nói
chuyện rì rầm bên tai, sự ồn ào đầy khó chịu và cả cái không gian
nóng bức khiến đầu Hy gần như muốn nổ tung. Trông Hy cặm cụi làm bài
nhưng thực chất hắn đang cầu mong cho tiếng chuông báo giờ về sớm vang
lên. Hy cần một giấc ngủ, từ hôm qua tới giờ hắn đã ngủ nghỉ được
gì đâu, những bài kiểm tra của tháng đến hẹn là lại ập đến với
lớp hắn như bão táp mưa sa.
-
Hôm nay lớp
chúng ta được xông hơi miễn phí, các em nhỉ!
Cô Hoa ngồi
ở bàn Giáo viên xăn cả hai ống quần lụa dài lên. Cô cầu mong một
trận mưa ào xuống ngay để dịu bớt đi không khí oi nồng. Cô chán nản nói:
-
Các em về
nhà, đi học thêm có tiếng rưỡi nữa thôi. Cả ngày hôm nay tôi dạy hết
năm tiết buổi sáng, năm tiết buổi chiều, bốn tiết dạy thêm tối nay
nữa là mười bốn tiết một ngày… Không biết thời khóa biểu xếp kiểu
gì!
Lũ học sinh
bất ngờ trước lịch đi dạy của cô, chúng mệt mỏi đưa mắt nhìn nhau.
Mắt Hy bấy
giờ lim dim, chốc chốc hắn lại gục đầu xuống, chốc lại ngửng lên vì
sợ cô nhìn thấy. Nếu được ngủ ngay lúc này, chắc hắn sẽ đánh luôn
một giấc tới giờ về mặc đống bài tập, mặc bạn bè lên bảng sửa bài đúng
sai thế nào, mặc kệ hết! Hắn chỉ cần ngủ. Hy không còn chút sức
lực nào nữa, trời nóng, tiếng ồn, và cả mớ bài tập trước mắt. Tất
cả những thứ đó đã rút kiệt tinh thần hắn. Tất cả giống như những
thứ quái gở trong một cơn ác mộng. Hắn chỉ mong hồi chuông báo giờ
về sớm reng lên, cứu hắn thoát khỏi cái lò nung này. Bỗng từ một
phòng học nào gần đó dội lại tiếng la mắng rất lớn của một thầy
giáo, giọng thầy Thời làm cả lớp hắn giật mình. Cô trò phòng 29 im
phăng phắc, ai nấy dỏng tai nghe xem chuyện gì khiến thầy nổi cơn thịnh
nộ, chắc là thầy mắng mấy đứa chưa kịp học bài.
Nhìn những
gương mặt ngơ ngác đầy sự khiếp sợ của đám học trò, cô Hoa nhỏ nhẹ:
-
Ở trường
mình, thầy Thời là một trong những giáo viên rất thương học sinh.
-
Vâng, thầy rất
nhiệt tình cô ạ!
Một học
sinh trả lời. Cô nói tiếp:
-
Ừ, hồi mới đi
dạy, tôi cũng nhiệt tình với học sinh lắm! Nhưng bây giờ thì… cảm
thấy thật là chán!
-
Tại sao vậy
cô? – Lũ nam sinh nhao nhao hỏi.
-
Bởi vì con
người càng lớn tuổi thì càng mất đi sự tâm huyết. Không tin, các em
cứ để ý những giáo viên lớn tuổi sẽ rõ. Những ngày đầu mới đi
dạy, cô cũng cảm thấy rất say mê với công việc của mình. Nhưng hết
năm này đến năm khác, mọi việc cứ diễn ra đều đều. Những công thức
và các dạng bài tập này các em học hết năm nay rồi thôi, còn tôi,
năm nào tôi cũng phải “học” lại hết năm này đến năm khác. Để rồi
đến một ngày, tôi nhận ra mười mấy năm dạy học của mình… chẳng là
gì cả.
Hy cúi mặt
xuống vở tiếp tục làm bài, hắn miên man nghĩ ngợi về những điều cô
vừa nói. Hy thấy thương cô và cũng nghĩ về những bước đường ở tương
lai phía trước. Năm nay là năm cuối hắn mài đũng quần trên ghế nhà
trường, suốt cả năm nay hắn cật lực luyện thi để mong vào đại học –
bước vào con đường tươi sáng nhất.
Đậu đại học rồi, phải cố gắng
tốt nghiệp đại học. Tốt nghiệp đại học rồi, lại phải chạy vạy,
mỏi mòn đi xin việc khắp nơi. Có công ăn việc làm ổn định rồi thì
lại cảm thấy mọi thứ mà mình phấn đấu trong suốt bao nhiêu năm qua
chẳng là gì cả, như cô Hoa vừa nói. Vậy mục đích cuối cùng của đời
người là gì?
Tiếng chuông ra về reng lên một hồi, tiếng
chuông ngập ngừng, ngắt quảng như chính hơi thở mệt mỏi của hàng trăm học sinh
chờ đợi tiếng chuông cuối buổi từ lúc đầu giờ vào học. Tiếng chuông mà Hy
mong suốt tiết học rồi cũng đến. Hy mệt mỏi thu dọn đề cương và tập
vở vào cặp, nhanh chóng rời khỏi “căn phòng xông hơi” đó. Tiếng chuông
báo hiệu kết thúc buổi học trái buổi ở trường và cũng là tiếng
chuông bắt đầu cho bốn tiết học thêm tối nay của hắn. Phải chăng! Hy
luôn mong đợi những tiếng chuông cuối buổi học như thể mong đợi một giấc ngủ ngắn. Để
rồi, cảm thấy mệt mỏi khi biết rằng sau mỗi sự nghỉ ngơi ngắn ngủi
ấy, mình lại phải tiếp tục học tập vất vả.
Rời khỏi
phòng 29, Hy bước thong thả qua dãy hành lang bóng tối đã bắt đầu
sụp xuống. Gió dìu dịu khiến hắn thấy đỡ ngột ngạt hơn lúc nãy.
Qua hết mấy bậc thang tối om, hắn ra đến sân trường, ngồi xuống một
chiếc ghế đá trống, ngắm buổi chập choạng tối quen thuộc ở sân trường.
Bóng tối
bắt đầu lan ra mọi chỗ, len qua hàng cau, kẽ lá, từ từ tràn xuống
cả những băng ghế trống gần đó. Chợt Hy không muốn bóng tối sụp
xuống quá nhanh thế này. Hy muốn thời gian dừng lại. Dừng lại lúc
này. Vì ngày mai hắn có tới mấy tiết trả bài. Vì tối nay hắn phải thức khuya
để làm cho kỳ hết núi bài tập về nhà, mai cô kiểm tra vở nên hắn
rất sợ bị có tên vi phạm trong sổ đầu bài. Nếu có, giáo viên chủ
nhiệm sẽ phạt hắn đi lao động vào tuần sau. Như thế nghĩa là hắn
không thể học bài kịp cho ngày mai. Đành chịu. Thà “hy sinh” tiết kiểm
tra miệng ngày mai chứ Hy quyết không thể để mất buổi luyện thi nào!
Hy sợ nhất là đi lao động ở trường, nếu bị bắt đi, hắn buộc phải bỏ
buổi luyện thi đại học mà tương lai hắn lại nằm ở đó, hắn nghĩ.
Hy mê viết
văn và rất thích đọc sách báo văn học, những ngày hè năm trước, hắn vùi đầu
vào việc đọc sách. Mỗi khi bất chợt có cảm xúc hay có ý tưởng gì trong đầu là
Hy bày tỏ tất cả vào con chữ, vào vần thơ. Hy dành trọn ba tháng hè… không! Ba tháng hè là
xưa rồi, bộ Giáo Dục đã rút bớt lại những tháng hè của học sinh trong mấy năm gần
đây chỉ còn vỏn vẹn khoảng hai tháng, hắn dành trọn những ngày hè ít ỏi ấy cho
việc đọc sách và viết lách. Thậm chí, Hy còn tự mình tìm tòi những tài liệu văn
học để đọc, tự mình nghiền ngẫm, suy tưởng những vấn đề trong đó, hắn không thấy
chán mà thấy thú vị vô cùng. Bạn bè mà thấy hoạt động ngày hè của hắn chắc sẽ bảo
hắn là thằng không được bình thường. Hắn nghỉ hè mà trông như hắn đi… học, thì
đúng là hắn cần mùa hè để có thời gian… học Văn, tìm hiểu sâu lĩnh vực hắn thích chứ gì nữa!
Những ngày đó; hắn không phải học theo kiểu chạy hì hục theo bài giảng, không phải cố ngốn đầy một
bụng các công thức tích phân, không phải nhăn trán nhớ điện trở bằng hiệu điện
thế chia cường độ dòng điện hay cường độ dòng điện chia hiệu điện thế. Các công
thức, các bài tập quanh đi quẩn lại, cả xấp đề cương Văn buộc hắn phải nhai
nhanh nuốt lẹ như mì ăn liền đã bó chặt trí sáng tạo và khả năng tìm tòi, tư
duy của đám học sinh như hắn.
Mùa hè vừa
qua Hy phải bỏ những việc yêu thích, chạy đôn chạy đáo tìm chỗ luyện thi đại học.
Trừ môn Văn, Hy không có “năng khiếu” về các môn xã hội khác và hắn càng chẳng hứng thú với
các ngành mang tính xã hội. Nếu chọn ngành xã hội, có lẽ hắn chỉ thích
làm nhà văn. Nghề nhà văn nghèo, gia đình Hy không cho, không có tiền thì lấy
gì nuôi sống bản thân và gia đình! Yêu văn học thì yêu, nhưng miếng cơm manh
áo vẫn là tối cần thiết. Vậy mà, những bài viết của hắn được đăng báo vẫn
cứ như thôi thúc, động viên hắn. Những tác phẩm, những bài thơ trên cuốn tạp
chí văn học ngày càng làm bùng lên trong lòng hắn ngọn lửa lý tưởng về nghệ thuật.
Hắn như một dòng sông nhỏ với hành trình tìm đường đổ về biển lớn.
Và thế là Hy vẫn
viết văn, làm thơ. Nhưng hắn cần phải chọn một ngành nghề nào đó có thể cho hắn
một cuộc sống với đồng lương ổn định để hắn nuôi sống gia đình; và cũng là để hắn
yên tâm viết văn mà không phải vướng bận nỗi lo cơm áo.
Hy chọn thi
khối B, cha hắn vẽ trước con đường tương lai cho hắn đi. Chưa vào đại học mà
cha Hy đã lo đến việc làm sau này cho hắn, lo đến văn bằng hai đại học, đến bằng
cấp tiếng Anh nào dễ xin việc, đến chuyện học thạc sĩ,… Sự đầu tư quá kỹ lưỡng
của bố khiến Hy thấy
một sức ép nặng nề, một trách nhiệm lớn lao đối với niềm tin, hoài bão của bố
và cũng là niềm tin, hoài bão của mình.
Thi tốt nghiệp,
thi đại học – hai kỳ thi quốc gia ấy như
đang nhìn Hy bằng con mắt đầy đe dọa ở một cự ly gần. Ngước mặt
lên nhìn bóng tối âm u đổ ập xuống sân trường, hắn thấy tất cả trở nên khô khan, bức bối, ngộp thở như bị thiếu
ôxi. Hắn nhớ những vần thơ, nhớ lắm, nhưng sức lực hắn dẫu có vắt kiệt vẫn
không ra nổi một giọt thơ.
-
Sao ngồi đây
có một mình vậy Hy?
Đứa con gái
nhẹ nhàng cất giọng nhưng đủ làm Hy giật mình, giống như một
bàn tay nhẹ nhàng nhưng đột ngột bứng một cái cây ra khỏi đất mà gốc rễ của
nó vẫn còn nằm sâu trong lòng đất. Trong bóng tối, Hy lờ
mờ nhận ra nhỏ Diễm bạn cùng lớp. Nhỏ bạn quen thuộc, cái giọng nói
nghe cũng… quen quen nhưng sao hắn không nhớ mình từng nghe ở đâu. Hy tưởng như
giọng nói ấy vọng từ một thế giới khác, bởi hắn cũng vừa mới trở về thực tại từ một thế giới khác, rất
xa, thế giới chỉ lạc loài mình hắn:
-
À, mình ngồi
chờ tới giờ học thêm.
Hy nhếch mép
cười.
Ngỏ Diễm
ngồi xuống cạnh hắn, tiếng thở dài nặng nhọc của họ tan vào trong
bóng tối đã tràn
ngập xung quanh. Diễm hỏi hắn về bài vở ngày mai:
-
Học Sử chưa?
-
Chiều giờ mới
học xong phần Chiến dịch Biên giới Thu Đông à! Cô Nhàn mới giao hôm thứ tư tới tám phần thì
mai thứ sáu đã bắt mình trả bài rồi, học sao kịp!... Đã vậy, cô Hoa
còn kiểm tra bài tập toán nữa chứ! Bạn học được gì chưa?
-
Chưa… lớp mình
chưa ai học gì hết đó! Hôm qua lớp mới kiểm tra Sinh, kiểm tra Toán,
làm gì có thời gian mà học! Chắc mai tụi nó xin cô dời sang tuần
sau.
Hồi chuông
đổ báo hiệu đến giờ vào lớp học thêm Toán buổi tối. Hy tạm biệt
người bạn rồi tất tả chạy lên lớp. Cái cầu thang dẫn hắn
lên chỉ tầng hai thôi mà hắn thở không ra hơi vì nó vừa hẹp lại vừa
dốc. Vác cái cặp nặng như đá tảng, Hy cảm thấy sức nặng của học vấn
đang đè trên vai và cả độ dốc của học vấn cũng lớn như độ dốc của
cái cầu thang này. Dẫu biết Học
tập là công việc suốt đời, nhưng phải học như thế nào mới hiệu
quả? Học như thế nào để thay đổi được con người mình, để cảm thấy
tri thức là đẹp nhất và quý giá nhất trên đời? Hay học tập thực
chất chỉ là sự đánh đổi những giờ đọc sách báo, đánh đổi những giây
phút cảm nhận cuộc sống để có thể viết nên những bài làm văn từ cảm xúc thật! Để rồi, khi
bước qua khỏi giai đoạn này, mình quên và quên tất cả những kiến thức
cũ. Lên cấp Ba, Hy hiếm khi trò chuyện hay đi dạo phố với bạn như hồi cấp Hai.
Trước sự lo lắng quan tâm của cha đối với mình; Hy suốt ngày chỉ vùi đầu vào
bài vở, vào việc luyện thi, chọn trường đại học, chọn ngành,... Hy tận dụng mọi
thời gian trống kể cả giờ giải lao ở trường để học và làm bài tập trong khi các
bạn cùng lớp Hy đang túm tụm ngồi chuyện trò, đùa giỡn. Hôm nào mệt quá, hắn gục
đầu xuống bàn ngủ để lấy sức. Buổi tối bạn bè rủ nhau đi chơi, lên facebook; thì
hắn đang ngồi ở chỗ học thêm hay đang học bài ở nhà. Sớm nào đến lớp,
bọn bạn chưa làm bài cũng rối rít mượn vở Hy chép lấy chép để.
Cái gì sẽ
còn đọng lại trong con người Hy sau những năm tháng đến trường học
tập? Tiếp tục say mê học tập cho tới khi trút hơi thở cuối cùng hay
ngán ngẩm nhìn lại thời phổ thông mà thở phào nhẹ nhõm vì mình
vừa thoát khỏi một cơn ác mộng khủng khiếp?
Hy sợ, rất sợ một
ngày nào đó, cảm xúc của hắn chai sạn. Hy sợ đầu óc hắn bỗng trở
nên kém linh hoạt, lười suy nghĩ trước những thực trạng của xã hội
mà hắn vốn quan tâm. Vì hắn đã được “rèn luyện” và “trang bị” đầy
đủ bởi một chương trình học đòi hỏi hắn phải nhanh chóng thu nạp
kiến thức mới, phải trình bày bài văn theo một khuôn mẫu nhất định,
đánh giá năng lực của hắn bằng các kỳ thi và các bài kiểm tra liên
miên.
Tới đầu
cầu thang, hắn rẽ phải, bước vào căn phòng học có đèn quạt sáng
trưng đang hăm hở đợi hắn. Hồi chuông dài lại vang lên, tiết học lại bắt đầu…
NGUYỄN KHÁNH TUYẾT VY
____________________________
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét