“Cúi nhặt” là tập thơ thứ 7 của nhà thơ nữ Lê Thanh My, quê miệt đồng Châu Đốc, An Giang, khổ nhỏ xinh xắn 12x21cm, dày 88 trang với 39 bài thơ ăm ắp cảm xúc nhưng cũng thật đầy tính nhân văn, khi nhà thơ nhận ra rằng: “Yêu một người từ trong giá rét/ Sẽ hiểu được tình yêu quý giá dường nào/ Cứ như toa tàu/ Không cần mặc cả trước sau/ Chỉ biết có đi và đến” để rồi sẵn sàng chấp nhận và chân thật giãi bày: “Chỉ cần anh lặng lẽ đứng nhìn/ Em không mơ lời xin lỗi tỉ tê/ Không cần thanh minh/ Không hề nổi sóng/ Trái tim đàn bà dẫu cạn cùn vẫn là bể rộng/ Bởi vì anh đã bỏ cuộc/ Khi bơi chưa đến tận bến bờ/ Em có dại khờ vẫn không thể dại khờ hơn/ Anh gian dối không thể thêm một lần trước em mà gian dối” (Lặng im trước sóng, trang 72).
Tập thơ đầy những hình ảnh nồng nàn tha thiết: “Gói vào canh thâu những lời đường mật/ cho đêm rẽ dọc những đường tơ”(Trú thân buồn, trang 6), “Em sẽ khắc bóng người vào tĩnh mịch/ Đêm diệu kỳ trộn bóng với ưu tư” (Khắc, trang 14), hay như: “Hãy nhuộm đêm bằng hơi ấm xuân thì/ Đời người có bao nhiêu mà hối tiếc”(Nhuộm trăng, trang 17) và: “Con sóng muộn vẫn chồm về phía bãi/ Giống như em yêu người nhẫn nại”(Biển và em, trang 41), song cũng đầy những trăn trở hoài nghi bởi những cảm nhận rất đàn bà: “Đàn bà ư?/ Nông nổi chỉ do mình…/… Người ấy quay đi/ Chưa biết có quay về…”(Biển và em, trang 41). Bâng khuâng mà luyến nhớ: “Thôi thì, dẫu một mình em vẫn cứ đi/ Phố rộng tựa lòng ai đáy rỗng/ Cứ ôm hết những hẹn hò mong ngóng/ Chất đầy trên tóc trên da” (Sài Gòn không anh, trang 64), và Lê Thanh My vẫn tin trong tình yêu: “Rót vào tim/ chút lặng thinh/ để khi lắng lại/ lòng mình nhẹ tênh…/…Rót vào nhau chút ngọt ngào/ để mai chia biệt/ cúi chào rồi xa.” (Rót, trang 65).
Đọc thơ Lê Thanh My, ta dễ dàng nhận ra thông điệp mà nhà thơ muốn nhắn gửi trong những nồng nàn tha thiết, dẫu có một mai cách xa, vẫn dành cho nhau những mến yêu, thương nhớ một thuở, lời tự tình thú nhận: “Kiếp sau nếu có thể sống lại/ là tùy vào sự nhẫn nại của con tim chân thật/ vì nguyện thề xưa/ thể nào em cũng sẽ quay về” (trang 72), quay về ư? Đó là nơi chốn nào của mù sương cuộc sống, nơi ta đã một lần thoáng qua: “Về thôi!/ Nơi bắt đầu của em và anh/ Mình sống lại những ngày xưa thơ dại/ Chân cứng đá mềm, lòng ta nhẫn nại/ Cứ vô vi cho đất nở môi cười”. (Về bên núi, trang 83). Cứ tưởng trong khó khăn công việc, người ta mới cần đến hai từ “nhẫn nại” hóa ra đối với Lê Thanh My, tình yêu vẫn rất cần đến sự nhẫn nại: “Nhẫn nại của con tim chân thật” và “lòng ta nhẫn nại”, “Yêu người nhẫn nại”…
Có chút gì đó muộn phiền dẫu: “Sài Gòn rưng rức/ mưa như trút hồn…” (Tiễn một chiếc lá lìa cành, trang 20) hay như nhà thơ khẳng định “Buồn xưa đã khép” thì cũng “Trăm năm cũng lạ/ Thổi tình bao dung…” (trang 68). Lê Thanh My đã nhận ra “Cúi nhặt” là: “Những người đàn ông đi ngang qua mặt đất/ Có người biết đứng lại trước nỗi buồn/ Nhất định/ Sẽ cúi xuống bên em” (trang 49). Và vì niềm tin rất hồn nhiên và cũng rất… bản lĩnh ấy, mà My mạnh dạn khẳng định: “Sống nếu không biết tự gạt mình/ Sẽ chết trước khi mặt trời soi rõ” (Ảo tưởng, trang 51)
Những nhập nhòa tình yêu, rồi rối ren thân phận, nhưng trái tim đa cảm, bao dung trong tình yêu ấy đã: “Nỗi nhớ trong mỗi người mang hình cánh chim/ Sẽ bay về hướng nghìn trùng xa lắc”. Người đàn bà trong thơ Lê Thanh My bỗng trở nên đáng yêu và trân trọng biết mấy, khi mà nàng đã thủ thỉ rằng: “Vờn mây, đùa gió/ Đủ rồi!/ Về bên em/ Để nghe lời suối reo/ Có mòn/ Mòn mảnh trăng treo/ Lỡ mai tăm cá/ Biết nơi mà tìm…” (Về bên em, trang 5). Và tôi tin người đàn bà ấy sẽ rất hạnh phúc trong tình yêu của mình, bởi đã hiểu “tình yêu quí giá đến nhường nào”…
Bên bờ Vàm Cỏ, 30/9/2015
TRẦN HOÀNG VY
____________________
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét