Thơ
Nhiều người than phiền: Thơ bây giờ sao đọc khó hiểu, nhiều câu từ đọc líu cả lưỡi hay phải đánh lưỡi đến… trẹo bản họng. Chi tiết hình ảnh thô tục lẫn siêu phàm hoặc khô cứng, lên gân. Đọc khó nhớ mà nhức cả óc!...
Thời các cụ đa phần thơ làm theo lối truyền thống, vần điệu thanh thoát, nhẹ nhàng, câu chữ tinh lọc. Trong mỗi bài thơ đều có truyện nên dễ đọc, dễ nhớ và dễ hiểu. Thơ đơn giản là cảm xúc của tâm hồn có khi chở theo “đạo lý” của Nho gia, của Phật, của Thiền.
Thơ ngày nay đa dạng về thể loại, không quá gò bó trong vần điệu, niêm luật lại gắn với đời sống hiện đại nên nhiều khi “gánh” quá nhiều những tư tưởng “siêu phàm” siêu nhiên, siêu hình, siêu thực, hiện sinh, hiện đại, hậu hiện đại…nên chắc chắn là khó hiểu. Ngay cả khi hỏi tác giả bài thơ cũng chưa chắc trả lời… suôn sẻ những điều mình đã viết ra?
Thời trước, trong nhật ký, sổ tay và ngay cả những bức thư… tình thơm nức mùi nước hoa, người ta cũng chép vào đó một vài câu thơ hay bài thơ ưng ý. Trong bão lửa chiến tranh, thơ như người bạn đồng hành cùng chia sẻ những hiểm nguy gian khổ, ghi lại những hy sinh mất mát của bạn bè đồng đội thân yêu.
Thơ bây giờ phải “cạnh tranh” với… đô la, vàng bạc, danh lợi và cả thời gian gấp gáp của những mưu sinh. Nhiều người coi thơ như một sự giao tiếp, thù tạc, trao đổi thậm chí “chế” và “nhái” theo thơ trong những khi trà dư tửu hậu hay những trận nhậu “quắc cần câu” cần có thơ để thêm vui!
Cái ngôi vua của văn, cái ngôi hậu của thơ dường như cũng nhạt nhòa như gió bụi của chặng đường siêu tốc, hiện đại. Những chức năng vinh dự của thơ dần bị phá bỏ. Thơ bơ vơ lạc lối trên thăm thẳm dặm dài của văn chương…
Nhà thơ
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đã có lần phát biểu: “Việt Nam là cường quốc của thơ ca”. Ngày trước ta ra ngõ gặp anh hùng, bây giờ ra ngõ gặp Nhà thơ!
Các câu lạc bộ cấp ấp, xã, phường, huyện. các Hội VHNT cấp tỉnh, thành phố, Hội Nhà văn Việt Nam, đều có nhà thơ sinh hoạt và làm thơ. Danh xưng nhà thơ bỗng rẻ… như bèo, và nhiều như nấm sau mưa? Máu nhà thơ có ngay từ khi mới sinh ra, trưởng thành, có thể bộc lộ tài năng nhưng cũng có khi ấp ủ mãi tới lúc… về hưu mới bộc phát để trở thành những “nhà thơ trẻ” bất đắc dĩ một cách hào hứng tại các câu lạc bộ thơ.
Không biết nhà thơ Tây, nhà thơ ngoại quốc tính khí như thế nào, chứ nhà thơ ta, mỗi người là một… cái rốn vũ trụ mà không ai có thể đại diện, thay thế. Ngoài việc được xưng danh, được gọi là nhà thơ, nhà thơ ta còn thích đọc thơ! Thơ đọc mọi lúc, mọi nơi. Trong những tiệc nhậu ở Sài Gòn với các nhà thơ. Có qui định “Cấm đọc thơ”, ông nào đọc thơ phải bỏ tiền ra tương đương vài lon bia cho một bài thơ gọi là trả… “nhuận nghe”, nhưng khi đã cao hứng, có người sẵn sàng góp tiền để đọc tròn chục bài thơ! Có ông còn có trí nhớ tuyệt vời, đọc suốt buổi không dứt, kể cả trường ca dài ngót nghét ngàn câu thơ. Đáng nể phục!
Nhà thơ đa phần bây giờ ít đọc thơ nhau nhưng nếu cần khen cứ khen nhau xoen xoét, tôn nhau là thi vương, thi bá thậm chí thi hào. Còn không ưa nhau thì cứ sổ toèn toẹt, chê đến cả dấu chấm. Dấu phẩy. Song “thảm họa” là có người một đêm có thể … “chế tạo” ra hàng trăm bài thơ rồi gắn mác “thơ nhập đồng” hoặc “thơ thần”. Có người lại xào ở đâu đó một chút, đạo một chút ý tưởng, một chút chi tiết và cho rằng bài thơ mình là “tót vời”, thiên hạ chỉ có một.
Chợt băn khoăn và buồn cười trước hai câu thơ của một người làm thơ Hà thành: “Đêm nằm nghĩ mãi không ra/ Tại sao thằng đó lại là nhà thơ?”.
Sách thơ
Ngày trước để in một tập thơ thực là công phu và cực khó! Ngày nay mọi chuyện thật dễ dàng, chỉ cần bỏ ra một số tiền thì có… “cò” hoặc nhà xuất bản sẵn sàng phục vụ quý thượng đế nhà thơ từ A đến Z. Cần có lời bạt hay giới thiệu cho sang trọng, hay cần ra mắt linh đình, PR trên báo hoành tráng, có tiền là xong tất, người in thơ, nghiễm nhiên là… nhà thơ như lấy đồ trong túi…
Sách thơ bây giờ in đẹp, trình bày trang nhã, bắt mắt. Ban đầu mới lên giá sách, bán theo giá bìa cũng ngất ngưởng. Vài tháng, thậm chí một năm, mọi sách thơ, không phân biệt cất lượng tên tuổi tác giả đồng loạt “seo-op” 2000 Việt Nam đồng một quyển.
Phần lớn sách thơ bây giờ in ra là để nhớ một sự kiện như kỷ niệm sinh nhật, kỷ niệm 5, 10 năm ngày viết… Lấy chồng, lấy vợ, hoặc tham dự một giải thưởng của… công ty, của Hội, hoặc để giao tiếp, trao đổi hay đơn giản in cho có… đầu sách, bởi các hội chuyên ngành hàng năm đều có kinh phí đầu tư, hỗ trợ cho sáng tác. Việc để có một tập thơ chỉ cần có đủ bản thảo, hay dở hồi sau mới tính.
Và vì thơ… xuống giá, bán ít ai mua, để thơ đến tay mọi người, có bạn đọc, cách tốt nhất là… đem tặng, tức biếu không. Dĩ nhiên tác giả là người thiệt đơn, thiệt kép. Vừa tốn thời gian công sức gửi tặng, lại tốn tiền phong bì, cước phí có khi lên đến… bạc triệu! May mắn có sự phản hồi khen chê, hay có một bài viết của bạn bè tử tế giới thiệu trên báo đã thấy “sướng rơn” và hạnh phúc lắm. Sui xẻo bị “ném đá” hay người được tặng không đọc, vứt lăn lóc hay bán ve chai thì thật “đau đớn lòng!”.
Chợt nhớ câu thành ngữ của vùng biển Phan Thiết: “Văn chương không bằng xương cá mòi” mà buồn đến nẫu ruột, nẫu gan mà kêu lên: “Bao giờ cho đến… ngày xưa?” hỡi thơ và nhà thơ?…
TRẦN HOÀNG VY
__________________
Người viết bài này có cái nhìn thiển cận về lớp thơ cách tân và hậu hiện đại hiện nay :)
Trả lờiXóa