1. Tại phòng chờ sân bay Nội Bài, tôi tình cờ nghe câu chuyện của hai người đàn bà, tuổi chắc đã ngoài sáu mươi. Một người có mái tóc trắng như bông, trông rất đẹp; một bà cao gầy, mái tóc muối tiêu. Hai bà đang nói chuyện về quê quán. “Lần này bà về quê luôn à?”. “Định năm lần bảy lượt về quê mà lần nào cũng bận, lần này quyết tâm bà ạ! Xem như về quê dối già”.
“Nghĩ cũng buồn bà nhỉ... Tôi có quê mà lần nào về cũng ngại! Mang tiếng là dân ở Sài Gòn, không có chút quà cáp cho họ hàng, thân tộc, con cháu… người ta thắc mắc, bàn ra tán vào… Buồn bà ạ!” - Người đàn bà cao gầy chép miệng. “Dân mình vẫn thế! Về quê mà không có cái gì làm quà là ngại lắm!”, bà tóc trắng đồng tình. Rồi hai bà mỗi người nhìn mỗi hướng, cái nhìn có vẻ xa xăm, diệu vợi. Bỗng dưng tôi cũng thấy... buồn!
2. Cái nỗi buồn vô cớ cứ xâm chiếm lấy tôi, chong chao qua khung cửa sổ máy bay, mây trắng mênh mang. Màn hình video hiện lên chiếc máy bay đang bay trên bầu trời miền Trung quê nhà. Tôi chợt ngậm ngùi vì mình cũng lâu rồi chưa ghé thăm quê. Trong mịt mờ ký ức, thăm thẳm nỗi nhớ nhung, bất chợt lại nhớ những câu thơ của nhà thơ Tường Linh trong bài Đi giữa đôi bờ: “Mai sớm tôi đi, thuyền xuôi dòng/Đôi bờ, xin gửi chút thương mong/Quê hương chớ gọi tôi là khách/Bài độc hành ca viết chửa xong”. Hóa ra lâu quá, người xa quê về với quê hương có khi được coi… như khách. Mọi kỷ niệm, cảnh vật đã lắng chìm sâu vào lớp bụi thời gian. Cả những con người, dù trong dòng tộc vẫn thấy… lạ bởi thời gian, bởi xa cách…
Anh bạn thân của tôi, bôn ba xứ người, mỗi lần về quê đều chuẩn bị… đến từng đồng bạc lẻ, chai dầu gió xanh. Anh thường nói: “Dù sao cũng mang tiếng Việt kiều, không có món quà làm kỷ niệm, rất khó coi, và có thể bị đánh giá là keo kiệt, bủn xỉn…”. Mấy năm sau này anh ít về, điện thoại hỏi thăm, anh than thở làm ăn thất bại, sức khỏe kém, nhớ quê nhà lắm nhưng không dám về... vì không có tiền và không có quà. Lẽ nào tình quê trong người xa xứ cứ buồn mãi vậy sao?
Nhiều, rồi nhiều người xa xứ, kéo theo cha mẹ, anh em và cả họ hàng, đến chừng nhớ quê thì không còn quê để về… vì chỉ còn những người không thân thiết. Quê bỗng trở thành mịt mù sương khói với thời gian…
3. Màn hình video vẫn hiển thị chiếc máy bay đang xa dần, xa dần vùng trời quê yêu dấu. Thời tiết dường như cũng bất thường, nhiều cụm mây đen, cánh máy bay dường như chong chao hay lòng tôi đang chòng chành, nôn nao khi vừa đi qua vùng trời quê nhà. Tôi cố nhắm mắt và tĩnh tâm lại… Thấy chân mình đang chạm vào đất quê, muốn cúi xuống nhặt lên hòn đất, đưa lên môi hôn mà bẽn lẽn thẹn thùng trước ánh mắt nụ cười của cô hàng xóm năm xưa cùng chăn trâu, bắt bướm… và tắm mưa. Ánh mắt, nụ cười đã có những nếp nhăn.
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét