Vào lúc 18 giờ ngày 31 tháng 10 năm 2014, nhà thơ, soạn giả Kiên Giang - Hà Huy Hà đã từ giã cuộc chơi làm người dương thế để về nơi tiên cảnh, gặp người bạn thân chí cốt “ông già Nam bộ” nhà văn Sơn Nam để cùng hàn huyên tâm sự... Mới đó mà đã một năm ngày ông ra đi. Nhớ về ông, nghĩ về ông và qua những vần thơ của ông, có lẽ không một nhà thơ Nam bộ nào có cách viết, cách sử dụng câu chữ vừa dân dã, chơn chất đậm sệt chất Nam bộ như ông. Trong lòng tôi, ông mới chính là nhà thơ Nam bộ chính hiệu!
Trong bài thơ rất nổi tiếng “Hoa trắng thôi cài lên áo tím” của ông, sáng tác tại Bến Tre năm 1957, cái mộc mạc chơn chất đã thể hiện qua hai câu thơ: “Lạy Chúa! Con là người ngoại đạo/ Nhưng tin có Chúa ngự trên trời...”, mà trong cuộc sống đời thường nó đã trở thành câu nói đầu môi của bất kỳ chàng trai miền Nam nào không có đạo nhưng lỡ yêu người con gái là “tín đồ của Chúa”, và tôi dám khẳng định là đến bây giờ vẫn còn nhiều người dùng câu thơ này khi đã “trót yêu”. Hay câu thơ “Thuở ấy anh hiền và nhát quá”, lời giãi bày rất chân thật, vụng về nhưng lại rất dễ thương, cũng được nhiều người yêu nhau lặp lại. Trong bài thơ ấy còn có câu thơ “Lần lữa anh ghiền nghe tiếng chuông...”. Cái từ “ghiền” người Bắc gọi là “nghiện” lại rất dân dã, bình dị, và trong thơ miền Nam chỉ có mình nhà thơ Kiên Giang dám sử dụng, và sử dụng rất thành công trong bài thơ này. Cũng giống như từ “tóc để gáo dừa” (có bản in “Miểng vùa”) trong bài thơ “Tiền và lá”: “Ngày thơ tóc để gáo dừa”, cũng là từ đặc trưng Nam bộ, để chỉ cách hớt tóc của con nít ngày trước, Kiên Giang là người duy nhất “sở hữu” từ này rất đặc sắc và cũng rất hình tượng. Sau này có Nguyệt Lãng “học tập” sử dụng trong bài thơ “Rau đắng đất”. Bài thơ “Tiền và lá” cũng có những câu thơ giản dị, nhanh chóng trở thành câu nói của người Nam bộ “Tiền là giấy bạc em ơi/ Tiền là giấy bạc của người làm ra” và “Người ta giấy bạc đầy nhà/ Cho nên mới được gọi là chồng em”...
Không dụng công trau chuốt câu chữ, từ ngữ hình ảnh đầy chất Nam bộ, phóng khoáng nhưng giàu cảm xúc, câu thơ “Cỗ xe bò thành cỗ xe tang” ( bài thơ Nhạc xe bò), là hình ảnh thường thấy ở vùng quê của Nam kỳ lục tỉnh xưa và cũng là hình ảnh hiếm người sử dụng. Hay hình ảnh trong bài thơ “Màu mực tím”: “Mỗi lần trái mồng tơi tím/ Anh hái làm mực tím/ Tặng cô bạn nửa ve bầu/ Cô đem mực tím nhuộm màu áo thơ”. Chỉ có ở những học trò nghèo, hái trái mồng tơi làm mực, rồi hình ảnh “nửa ve bầu” tên gọi cái bình mực mới mộc mạc và cũng đơn sơ như món quà đem tặng nhưng lại rất xúc động, bởi người thương “nhuộm màu áo thơ” rất lãng mạn và cũng rất đáng yêu. Cùng những câu thơ tả lễ hội của đồng bào Khơ-me: “Tiếng trống cơm hòa nhạc ngũ âm/ Trong ngày Đưa nước hội trăng rằm/ Dù kê hát bội vui chùa miễu/ Sống thái bình quên cả tháng năm” ( Bánh ống Trà Vinh). Rồi câu thơ “Mồ hôi ươn ướt, ốc tay tròn/ In dấu lem nhòe trang giấy thơm...” (Đồng xu giấy chặm). “ốc tay” trong thơ chính là “hoa tay” hay dấu “vân tay” và cũng chưa thấy ai sử dụng ngoài Kiên Giang? Còn nhiều, nhiều nữa câu thơ rất đặc trưng, mang lời ăn tiếng nói của người dân quê Nam bộ trong thơ ông nhất là những bài thơ viết về Mẹ, làm nao lòng những người yêu thơ và yêu mến chính ông: “Xé vạt áo may thêm tả lót/ Mùi thơm khai sánh tựa hương trầm” (Ngủ bên chân mẹ) và “Con ngỡ trở về thời bú mớm/ Nghe bên thềm vẳng tiếng ầu ơ”...
Ngoài làm thơ, viết báo, Kiên Giang còn là một soạn giả cải lương nổi tiếng với những vở tuồng kinh điển “Áo cưới trước cổng chùa, Người vợ không bao giờ cưới”, và vở cải lương “Người vợ không bao giờ cưới” đã giúp cho cố nghệ sĩ Thanh Nga đạt giải Thanh Tâm, trở thành ngôi sao sáng trong giới cải lương. Cũng như nhiều vở tuồng, bài ca của ông đã giúp cho rất nhiều nghệ sĩ đạt các giải cao trong sự nghiệp, đạt các danh hiệu NSND, NSƯT v.v... Nhưng suốt cuộc đời của ông, ngoài “danh hiệu” người đời phong tặng là “nhà thơ, soạn giả” ông cũng chẳng được nhà nước phong tặng gì, và ông cũng không hề thắc mắc hay đòi hỏi điều gì. An nhiên, đắm đuối với nghiệp Tổ với “nàng thơ” đến lúc về cõi vĩnh hằng.
Nhớ đến những bài thơ “Hoa trắng thôi cài trên áo tím, Tiền và lá v.v...” những người yêu mến thơ, mộ điệu với những vở tuồng cải lương một thời vẫn luôn nhớ đến ông, nhà thơ, soạn giả Kiên Giang - Hà Huy Hà, một cây bút tiêu biểu, mang đậm phong cách Nam bộ của nền thơ ca miền Nam cuối thế kỷ 20 đầu thế kỷ 21 này...
TRẦN HOÀNG VY
___________________
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét