Vào đầu tháng 10 tới, Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Bắc Ninh sẽ tổ chức hội thảo Nâng cao chất lượng sáng tác văn học, nghệ thuật trong giai đoạn mới và hoạt động của Tạp chí Người Kinh Bắc. Trong nội dung thư mời tham luận hội thảo có đề cập đến những vấn đề thiết yếu như: Thực trạng hoạt động của tạp chí, báo văn nghệ tại các tỉnh, thành phố và những giải pháp nâng cao chất lượng. Phải chăng đó cũng là những vấn đề rất cấp thiết với mỗi tờ báo/tạp chí và chứa đựng trong đó những điều rất riêng với mỗi địa phương.
Lâu nay, nhắc tời các tờ tạp chí, báo văn nghệ tại các địa phương sẽ khiến nhiều người vừa có cảm giác quen thuộc vừa xa lạ. Xa lại ở chỗ dù ấn phẩm ra đời tại địa phương nhưng có nhiều người đọc lại không biết tới bởi ít được bày bán công khai tại các sạp báo (có thể do số lượng người mua ít). Hay, vì nó vẫn phát triển theo những hướng đi cũ kĩ mà độc giả ít tìm thấy sự mới mẻ trong hơi thở cuộc sống, từ những vấn đề thời sự văn học nóng hổi. Nhưng ở một phương diện khác nó cũng trở nên quen thuộc đến mòn sáo với nhiều người bởi những tên tuổi, các chuyên mục và cách viết. Vậy mà với các biên tập viên (BTV) ở các tạp chí ấy, để có được những trang báo, tạp chí như thế để mỗi tháng ra được một số ấn hành đâu có đơn giản.
Mỗi tờ báo, tạp chí vốn là cơ quan ngôn luận, diễn đàn của các hội VHNT địa phương. Hay nói cách khác, đó là diện mạo, linh hồn của nền văn học, nghệ thuật của mảnh đất ấy. Nơi mà các cây bút trong và ngoài hội, nhiều thế hệ cầm bút, lứa tuổi, trình độ… bộc lộ xúc cảm, tâm sự, tình yêu với quê hương, đất nước, với các giá trị văn hóa bản địa. Về cơ bản, những ấn phẩm văn nghệ này ngoài việc đăng tải các sáng tác còn là những trang tư liệu quý giá mang giá trị hiện thực cao. Tuy nhiên, gần với các tác giả, với cuộc sống địa phương nhưng rất nhiều ấn phẩm lại khó “cất mình” lên bởi những điều khó thay đổi.
Trước hết phải kể đến đội ngũ các BTV. Trong khi các nhà thơ, nhà văn, nhà nghiên cứu văn hóa… có kinh nghiệm, tên tuổi dần lui lại phía sau thì lực lượng trẻ kế tận đang khá hiếm hoi cả về số lượng và năng lực. Mặc dù, nhìn vào đội ngũ cán bộ ở các tòa soạn vẫn đông đúc nhưng số lượng các BTV thực sự lại không nhiều, chưa nói đến khả năng tác nghiệp. Cái khó ấy có nhiều nguyên nhân từ khách quan đến “tế nhị”, từ chuyện lớp trẻ không còn số lượng đông đảo người đam mê văn chương đến việc lựa chọn người có năng lực biên tập thực sự chứ không phải chỉ dừng ở việc viết một bài thơ, bài ghi chép.
Lâu nay, thường có rất nhiều tiêu chí để lựa chọn, đánh giá vị trí BTV như thế. Khác với các tờ báo thông thường, BTV ở các báo, tạp chí văn nghệ phải hội tụ đủ tiêu chuẩn về bằng cấp (tốt nghiệp các khoa văn, ngữ văn, sáng tác), có tác phẩm đăng trên các tạp chí, báo ở trung ương và địa phương và có danh tiếng. Tuy nhiên, để trở thành người biên tập đúng nghĩa có lẽ cần đến tầm kiến văn rộng, năng lực viết văn ít nhất là ngang tầm với các cộng tác viên. Nhưng, không chỉ có vậy mà còn cần đến cái tâm của người làm báo và sự khách quan, minh bạch, công tâm cũng như chịu được áp lực công việc. Bởi, việc tác giả này “nói khó” muốn được đăng bài, tác giả kia “khó chịu” vì không thấy đăng bài của mình âu cũng là việc thường thấy.
Ở các báo, tạp chí địa phương, quan điểm, cách thức lựa chọn bài viết cũng là chuyện sống còn. Có những ấn phẩm chỉ đăng bài của tác giả trong tỉnh vì cho rằng tờ báo, tạp chí của mình là “sân chơi” của riêng các hội viên. Ngược lại, có nơi tòa soạn rất hào phóng đăng bài của tác giả ngoài tỉnh, coi đó là nguồn bài làm phong phú cho tờ báo. Tuy nhiên, cách làm thứ hai thường được đa phần các tạp chí, báo lựa chọn. Chỉ có điều họ tạo ra một tỉ lệ hài hòa. Đăch biệt, sự có mặt của các tên tuổi lớn sẽ góp phần làm phong phú hơn cho tờ báo của họ.
Cuối cùng, một, một vấn đề tưởng như phi chuyên môn nhưng sẽ giúp cho các tạp chí văn nghệ địa phương khởi sắc chính là mức nhuận bút. Vấn đề kinh tế ở đây không phải là động lực trực tiếp nhưng lại trờ thành một sự khích lệ, thể hiện sự trân trọng với giá trị của những sáng tác ấy. Người viết thấy bài viết của mình được trân trọng, có thể đem số tiền đó mua một cuốn sách hay, rủ bạn văn ngồi hàn huyên tại một quán cà phê nào đó.
Suy cho cùng, tạp chí, báo văn nghệ vẫn là diện mạo sáng tác của một hội văn học nghệ thuật. Ở đó quy tụ những cây bút xuất sắc nhất của địa phương, phản ánh hiện thực đời sống và những suy tư của con người. Bởi thế, khí tờ báo, tạo chí khởi sắc sẽ đem lại những lợi ích cho văn chương.
LÂM VIỆT
___________
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét