Cách đây 50 năm, Châu Đốc là một thị trấn nhỏ nhoi ở phía cuối trời Tây nam, nằm ven biên giới hoang vu u tịch. Phía đông là sông Cửu Long mênh mang sóng nước, phía tây là dãy Thất Sơn uy nghi xanh thẳm chân trời. Sông Hậu chảy ngang Châu Đốc bị cù lao Cồn Tiên tách thêm một nhánh sông tạo thành ngã ba sóng nước thơ mộng, hữu tình. Tiền tam giang, hậu thất lĩnh… ai cũng cho rằng nơi đây là vùng địa linh nhân kiệt.
Trường trung học công lập Thủ Khoa Nghĩa được thành lập, rồi sau đó là trường trung học bán công Nguyễn Hữu Cảnh, qui tụ những thanh thiếu niên ưu tú của vùng đất nầy đến dùi mài kinh sử. Tuy Châu Đốc là vùng biên viễn, nhưng phong trào văn nghệ tiếp cận khá nhanh với những thành phố trung tâm. Truyền thống thi ca được phát triển từ thời Nho học cho đến khi chuyển sang sáng tác bằng quốc ngữ, và phong trào thơ mới cũng sớm hình thành với các nhóm thơ ca nở rộ vào đầu thập niên 60 của thế kỉ 20. Những tập san, tạp chí văn học nghệ thuật được những nhóm sáng tác trẻ liên tay thực hiện như Hiện diện, Trình diện tuổi đất, Khai hoang, Khai phá… đã để lại ấn tượng cho người xem và có thể sánh vai với các tỉnh bạn. Những gương mặt đôi mươi đầy nhiệt huyết với văn nghệ hiện đại: Mây Viễn Xứ (Lâm Hảo Dũng), Ngô Nguyên Nghiễm, Mặc Lan Hoài, Lưu Nhữ Thuỵ, Hàn Thanh, Yên Nhược Nguyên, Trần Biên Thuỳ, Phạm Yến Anh, Uyên Linh, Thuỳ Linh Thuỵ Vũ, Ngô Hoài Uyên Phương, Mộng Lynh, Thạch Cương, Mai Thanh Tuyền, Hoài Ziang Duy, Giang Thu, Mặc Nghiệm Tường, Phương Thảo Huyền… đã làm nên một diện mạo văn nghệ Châu Đốc khá sung mãn thời bấy giờ. Là một trong những gương mặt xuất hiện đều đặn trong nền văn học trẻ của Châu Đốc, Uyên Linh hiện diện thường xuyên trên các tập san văn học nghệ thuật của địa phương cũng như một số báo, tạp chí ở Sài Gòn.
Từ trái sang phải các nhà thơ Uyên Linh, Trịnh Bửu Hoài, Ngô Nguyên Nghiễm
Thời áo trắng hồn nhiên, lãng mạn với những ước mơ cháy bỏng, những cảm xúc dạt dào bất tận đã khơi mở mạch nguồn sáng tạo cho những tâm hồn yêu mến thi ca. Nhưng tiếc rằng lúc bấy giờ chiến tranh ngày càng ác liệt, nhiều học sinh phải ngậm ngùi rời xa mái trường yêu dấu khi tuổi xuân đang phơi phới với bao hoài bảo và ước vọng. Bạn bè ly tán, mỗi người một số phận, một hoàn cảnh; có khi ở hai chiến tuyến và vô tình nhìn nhau qua đầu mũi súng. Uyên Linh cũng bị dòng đời cuốn đi, mang một nỗi niềm hoài hương, tiếc nhớ canh cánh bên lòng:
Thương con đò nhỏ xa bờ
Ai trông ai nhớ ai chờ ai đi
(Điệp ca thuỷ triều)
Có những lúc ngồi nghiệm lại một quãng đời đã sống, trôi dạt như loài chim bạt gió, anh cảm thấy tuổi trẻ của mình bị tước mất tất cả:
Trắng tay trắng cả tình yêu
Trắng đời lớp lớp, mây chiều trắng vương
Trắng hồn, trắng áo, trắng thương
Trắng câu chung thuỷ, trắng phương học hành…
(Trắng)
Cuộc sống không định hướng, là người mang tâm hồn đa cảm, anh nghe lòng trĩu nặng một nỗi niềm khắc khoải, xót xa: Tôi bỏ quên tôi giữa chợ đời. Tuổi trẻ thành thị bấy giờ gần như mang tâm trạng chung, bế tắc, bập bềnh trôi nổi, công danh sự nghiệp ví như là:
Ví như giọt nước li ti
Nghìn sông ra biển sá gì trời xanh
(Tình tôi)
Nhưng dù trong hoàn cảnh nào, trái tim đôi mươi ấy vẫn dồi dào sức sống của tình yêu. Một thời biết yêu và biết khổ để có những vần thơ:
Ta lại trách mình quá ngẩn ngơ
Tình xưa theo gió rụng trên thơ
Biết buồn là tuổi vào đôi chín
Biết khổ khi yêu lúc đợi chờ…
(Những ngày xa)
Trên đường phiêu dạt, tình yêu và thân phận đã tạo nên những vần thơ lang bạt, một Uyên Linh hào khí cổ phong:
Gõ nhịp ngựa già vung kiếm bạc
Phượng Cầu réo rắc nhớ Tầm Dương
Xiêm y ủ kín hồn ngơ ngác
Nửa mảnh trăng treo mấy dặm trường
Ta khóc người xưa, lá khóc hoa
Rêu phong Hoàng Hạc khách xa nhà
Trời tây nghiêng bước đâu bờ bến
Soi bóng Trường Giang ta tiễn ta…
(Điệu buồn mùa thu)
Năm 1975, đất nước hoà bình, Uyên Linh trở về đoàn tụ với gia đình như hàng vạn gia đình khác sau khi chiến tranh kết thúc. Anh làm trạm thu mua thuỷ sản, tụ tập bạn bè văn nghệ bù khú, ăn nhậu, đờn ca. Anh có biệt tài nấu nướng, làm mồi rất ngon. Và cách chơi của anh cũng rất hào sảng, kiểu người Nam bộ. Bạn bè anh nhiều phen kinh ngạc, sáng sớm mở cửa thấy cá quẫy trước sân, sau mới biết cái của từ trên trời rơi xuống ấy là của Uyên Linh thẩy vào khi xe cá đi ngang lúc rạng đông.
Khoảng mươi năm trở lại đây, công việc làm ăn chửng lại, anh sống đạm bạc, ít giao tiếp với mọi người. Trong thời gian nầy, anh có nhiều bài thơ cám cảnh về cái nghèo, thấm thía về sự đời. Anh viết rồi để đó, không phổ biến. Bằng lòng với cuộc sống an nhàn, mỗi chiều dăm cốc rượu, thường là anh uống một mình:
Khoảnh khắc đời người tựa lá rơi
Thoáng qua tóc bạc lại da mồi
Bạn bè thân thiết giờ xa cách
Uống rượu bên hè tôi với tôi…
(Uống rượu một mình)
Qua 60 năm cuộc đời, anh có nhiều suy gẫm về tình người, tình đời và cái tuổi già len lén đến bên mình lúc nào không hay:
Nghìn xưa cát bụi mịt mờ
Nghìn sau ta chạy quanh bờ càn khôn
Giật mình tóc trắng như sương…
(Cát bụi)
Đã trót phong lưu nên phải lụy
Nợ tình chưa trả kiếp phù sinh…
Cái chữ nghèo cũng ám ảnh thơ anh. Nhưng anh đã làm cho chữ nghèo đó sang trọng hơn, tự hào hơn trong tâm hồn của một kẻ sĩ.
Người ta hơn tớ chữ giàu sang
Tớ lại hơn ai một chữ nhàn…
Nhìn trời nhìn đất ta không thẹn
Thẹn với vợ con một chữ nghèo
Yêu được đời, vui được mình, hiểu được người… và tạo cho mình một cuộc sống cỏn con, đó là cái cốt của đạo Tiên. Là người một thời mang chí lớn, Uyên Linh rủ bỏ tất cả và đã tìm được sự an bình cho mình khi bước vào tuổi thất-thập-cổ-lai-hy.
Một cốc men nồng, ít vần thơ bay, và trời cho thêm chút ánh trăng vàng, Uyên Linh ngày ngày lang thang trong xứ mộng của riêng mình với nụ cười luôn nở trên môi, và anh đã gặp, hoặc sẽ gặp, những người bạn đồng cảm, cùng hát lên khúc ca thanh thoát:
Qua vòng nhật-nguyệt trời chưa sáng
Đến bến càn-khôn bóng xế tà…
TRỊNH BỬU HOÀI
__________________
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét