“Vết trăng” (NXB Hội Nhà văn 2015)
là tập thơ thứ ba của nhà thơ Thy Minh, sau hai tập “Dấu thời gian” (NXB Thanh
Niên 2007) và “Mắt hoàng hôn” (NXB Hội Nhà văn 2010). Nhà thơ Thy Minh tên
thật là Phạm Thị Minh. Hội viên Hội Văn học Nghệ Thuật Lâm Đồng. Hiện nay nhà
thơ Thy Minh đang định cư tại Canada.
Có lẽ “Vết trăng” là những trăn trở gồm nhiều bài thơ đã được Thy Minh viết từ
rất lâu và cho đến bây giờ mới có dịp ra mắt cùng bạn đọc. Bao nhiêu tình yêu
thương dành cho cha mẹ với tất cả tấm lòng một người con trước lúc đi xa mà nhà
thơ đã thể hiện hết ở tập thơ này. Những tình cảm của cả cuộc đời nhà thơ đã
viết khá lâu và bây giờ chỉ còn là quá khứ, là kỷ niệm buồn. Mà không ai có thể
cấm một người quên đi quá khứ cũng như quên đi tất cả những kỷ niệm của chính
cuộc đời mình thì ở đây nhà thơ Thy Minh cũng vậy. Nhà thơ đã ảo tưởng trong
bước chân đi của mình có hình bóng trăng theo. Mà cũng chính những ảo tưởng đó
nó đã vá víu biết bao nhiêu là nỗi thương đau để nhà thơ hình thành tựa đề tập
thơ là Vết trăng. Nhà thơ đã thể hiện bằng những câu thơ với chính tiếng nói
của lòng mình khi rời xa quê nhà mà Thy Minh đã tâm đắc ghi ở bìa 4 tập thơ.
“Đường cư xá / bóng đêm trùm kín lối / Tiếng chuông ngân / Xước vết trăng
tỳ!”
Nếu như chỉ có tiếng chuông ngân mà xước cả vầng trăng thì chắc thế gian này
cũng chẳng còn trăng cho người đời than khóc. Chứng tỏ sức tưởng tượng của nhà
thơ nó mãnh liệt đến vô cùng. Tết tha phương nơi xứ người là nỗi đau không
nhỏ của một người con đang cách xa mẹ cả nửa địa cầu. Mà chỉ có nỗi lòng của
những người đồng cảnh ngộ mới thấu hiểu được nhau.
Những câu thơ nhớ về quê hương, nhớ
mẹ đến nao lòng và nhà thơ thấy mình sao còn nợ nhiều thứ quá mà vẫn chưa đền
đáp được cho mẹ. Nhớ cuộc đời còn nhỏ dại ở quê nhà. Nhất là những cơn gió lạnh
như cắt da xé thịt ở nơi đây khi mà tuyết bao phủ trắng trời thì đường về quê
mẹ tưởng chừng như khựng lại mà chỉ còn những cảm xúc dâng cao trong lòng người
thơ. Nhớ những thân yêu mà thao thiết gọi tên người khi gió cuối đông về tràn
đầy nỗi nhớ.
“Chiều cuối năm da diết nhớ
hương quê
Nhớ nhánh mai vàng, mẹ già phố núi
Tết quê rộn ràng, tha phương
buồn tủi
Sinh trưởng xứ người lắm nghịch lý mẹ ơi
Vị đắng đồng tiền khoan nhặt
đầy vơi
Nghiệt ngã gian nan nắng mưa dâu bể
Cung bậc thăng trầm chênh chao con
trẻ
Sợi nhớ ơi à... phiêu chảy miên man
Mười ngón tay thon nhặt nốt lo toan
Vẫn nợ ngày về bên hàng giậu cũ
Nợ
Nước mắt mẹ rơi lưng còng lam lũ”
Thy Minh nghĩ đến những ngày tết nhất không có mặt ở quê nhà để nhang khói cho
cha đà khuất núi nên chỉ còn biết nức nở trong thơ.
“Linh Phước ơi! tiếng cầu kinh lắng diệu bụi đời
Gửi dòng khói xanh đưa tiễn khúc chia phôi...
Từng chiều rơi! Chỉ còn mẹ... cha ơi...
Nghiêng ngả bóng chiều, tím mắt lá rưng rưng...
Đến cổng trời, cha từ biệt chốn mê cung
Trăng đơn lẽ, khuyết tình cha một nửa
Đường con đi - khát lời cha chan chứa
Chạm lối trở về! rưng rức giữa sân ga
Chạm lối trở về! rưng rức nỗi nhớ cha
Bước thăng trầm lạc mất dấu cha đi”
Người ta luôn luôn tự hỏi cho nỗi nhớ của mình liệu người ấy có hay có
biết. Mà không bao giờ tin tưởng là hai nỗi nhớ sẽ cùng một điểm. Bởi ngày về
chỉ là hoài mộng chông chênh và như là chiêm bao. Để rồi chỉ còn những câu
thơ cứ tự sự với chính nỗi lòng mình. Và không còn gì buồn hơn khi đi xa mà nhớ
về cố hương. Nỗi nhớ này nó day dứt lắm nó đau thương lắm. Mà giờ đây Thy Minh
cứ thổn thức và suy nghĩ về cuộc đời về những trả vay của kiếp người. Và tôi tự
hỏi phải chăng đó chỉ là những ý nghĩ quẩn quanh không lối thoát mà nhà thơ đã
tin vào kiếp sống con người.
“Tri âm hỡi !
Ở cuối trời Cư Xá
Tuyết rơi nhiều lá nhớ... chạm vào
đông
Tuyết gọi mùa ngăn cách nhịp qua
sông
Anh có hay nơi tinh cầu dâu bể!
Ngày em về!
Hoài mộng suốt chiêm bao
Em lang thang giữa tuyết rơi gọi
nắng”
Nhà thơ tâm sự với cha nức nở với cha nhưng liệu dưới mồ sâu kia cha của người
có thức để mà nghe con gái mình khấn nguyện. Và nhà thơ tin rằng trời đất cũng
đã an bài cho số phận của mình rồi.
“Run run tay níu mồ cha / Xanh rêu
giọt nắng xót xa từng chiều
Phải chăng trời đất lở xiêu / Kiếp
người thân mượn đắng điều nợ vay
Những gì được mất còn đây / Mà trong xanh thẳm xưa nay có mình”
Cha mẹ là nỗi nhớ mà nhà thơ Thy Minh đã trải lòng xuyên suốt tập thơ. Cho dù
mẹ có ở vào tuổi nào đi nữa thì con cũng vẫn cần có mẹ. Mẹ có tròn trăm tuổi
thì mẹ cũng vẫn phải sống với con cháu. Và cho dù mình có ở vào cái tuổi nào đi
nữa thì mẹ vẫn là người mà con cần nhất. Mẹ nhà thơ đã tròn trăm tuổi. Đó là
một may mắn và hạnh phúc quá lớn của kiếp người. Đó là ước mong cho mẹ được 100
tuổi trọn vẹn cùng con cháu. Nhà thơ đã sung sướng viết bài thơ kính dâng me
với tựa đề “Mẹ tròn trăm năm”. Viết tới đây tôi cảm thấy nhà thơ đã quá mãn
nguyện về mẹ rồi. Xin chúc mừng nhà thơ vẫn còn những phút giây để được gọi mẹ
yêu thương.
“Mẹ tròn trăm năm!
Mắt dõi ngàn sương khói
Ngồi ngóng con, đếm lệ suốt đêm ngày
Miên tưởng một thời khai hoang,mở
đất
Khai hoang miền nhớ muối mặn gừng
cay...
Mẹ tròn trăm năm!
Lưng còng như trăng khuyết”
Dù lưng mẹ có còng thì nhà thơ cũng
đã sung sướng khi mẹ mình đã thọ đến trăm năm. Cho dù có xa xôi vạn dặm đi nữa
nhà thơ cũng vẫn an ủi rất nhiều khi nghĩ về mẹ. Trăng ơi trăng sống làm sao để
được vừa lòng văn nhân thi sĩ. Khi mà cả địa cầu người nào cũng ôm trăng, níu
trăng, vịn trăng, theo trăng… Bởi vậy cho nên trăng mới ở trên cao tít tắp để
không còn nghe trần thế khóc gọi trăng. Có phải thế không "Ông trăng"
vạn đời muôn kiếp luôn soi sáng cho khắp thế gian?
“Cuối tinh cầu níu trăng... nhớ mẹ
Cong kiếp người
Cong nôi ngủ
mẹ ơi!!!”
Người đàn bà trong thơ Thy Minh cứ
âm thầm yêu thương mà xa xót. Mà chúng ta chỉ có thể lặng im ngồi đọc thơ Thy
Minh và lắng đọng trong từng con chữ mới hiểu hết được hết nỗi lòng nhà thơ dàn
trải ở "Khúc thiếu phụ"
“Người đàn bà thơ
Giữa mê cung hoang mạc
Quên lối về lạc thung lũng tình yêu
Thơ và yêu hai nửa phiêu diêu
Ghép lại mà xanh hóa thu Đà Lạt
Lặng thầm thơ - lặng thầm yêu... lặng
thầm dào dạt.
Khúc thiếu phụ nồng nàn... nắng gió Cao
Nguyên!”
Tình yêu cho dù có hàng trăm hàng
vạn hay tỷ tỷ người đặt bút viết về tình yêu thì tình yêu nào cũng đẹp cũng nên
thơ. Và không câu định nghĩa nào giống câu định nghĩa nào. Nhưng chỉ có từ nhớ,
thương, yêu là không bao giờ thay đổi. Thy Minh đã lặng lẽ trôi về tinh cầu của
phía không nhau. "Không nhau". Nếu như nghe hai từ này thì ta cảm
nhận nó bình thường. Nhưng chỉ thêm một từ "phía" vào thôi là ta thấy
nỗi đau đã chạm về miền nhung nhớ và cùng trầm mặc trong nỗi nhớ không nhau.
“Tháng tám
Trăng tàn trăng hấp hối
Cuối tinh cầu
Ai thả dối gian
Sợi tóc rơi xa lìa cung nhớ
Sợi tóc nào theo gió lang thang”
Với người thơ thì một sợi tóc cũng
nên thơ huống hồ chi khi tình yêu đã mất. Một sợi tóc thôi nhưng nó cũng đủ gợi
nhớ và nhỏ những giọt mực ướt đẫm trang thơ.
“Tuyết rơi rơi
Đau xước vai gầy
Bước độc hành vòng môi đắng
đót
Giọt rơi nào vào mắt em cay”
Còn cái lạnh nào hơn bằng cái lạnh
nơi xứ người. Nó lạnh buốt thấu tim gan. Trời lạnh. Người lạnh. Kỷ niệm lạnh.
Tất cả như một tảng băng trong lòng người thi sĩ. Có lẽ Thy Minh đang ở vào tâm
trạng này. Và kỷ niệm đẹp nhất nhớ thương nhất đã len lỏi vào vào tháng tám của
cách xa.
“Thu trút lá
Chạm ngày nức nở...
Phía không nhau mưa nhốt tình xa
Mùa áp thấp
Bẻ câu dang dở
Bến trăng xưa sóng vỗ giang hà”
Phía không nhau có thể là một cách xa mãi mãi mà nhà thơ nghĩ mình sẽ không sao
tìm lại được. Và dường như nhạc sĩ Minh Huệ cũng đã suy tư cùng "Phía không
nhau" của nhà thơ Thy Minh mà phổ thành ca khúc. Người xưa đã có những câu
nói đúc kết khá hay mà tôi nghĩ cho dù ở vào thời gian nào hay không gian nào
mình cũng thấm đẫm. "Cuộc đời là cái vòng lẩn quẩn mà con người cứ mãi đi
theo cái vòng lẩn quẩn ấy". Có lẽ cuộc sống của loài người trên thế gian
này là như vậy. Cứ hết đời này sang đời khác "cha truyền con nối". Là
tình yêu gia đình hạnh phúc. Là con cái là tất cả những gì của đời sống con
người ta phải trải. Nhưng tất cả chỉ là nỗi lòng không thể nào bày tỏ vì đó là
những riêng tư và chỉ có người thơ là nói lên được hết tâm trạng đó cho mình và
cho người. "Phía không nhau" là những khắc khoải là những tự sự mà
tôi nghĩ rằng qua bài thơ đó đã nói lên được "Vết trăng".
“Thu khóc lá
Lá tình nghiêng ngả
Giọt trăm năm
Hóa đá daị khờ
Hàng cây xanh bão trần lá đổ
Phía không nhau... trăn trở đôi
bờ!”
"Vết trăng" là một nỗi niềm trăn trở vô bờ của nhà thơ Thy Minh khi
mà người thơ đã một mình nơi xứ người lắng đọng những ngậm ngùi về tất cả những
gì đã đi qua.
“Vết trăng lăn / đắng giọt mềm / Hắt hiu miền nhớ buốt thềm trời tây / Lời
nào! / Lỗi hẹn cuồng quay / Lời nào / Trăn trở vòng tay xa người / Tiễn đưa mưa
phủ ngập trời / chao nghiêng ký ức.. / không lời / hợp tan” (Vết trăng).
“Vết trăng” là một tập thơ mà tác giả dường như đã trải hết nỗi lòng mình vào
theo từng câu từng chữ. Để rồi chỉ còn lại nỗi buồn, nỗi đơn độc đặc quánh nơi
xứ người. Nếu như không nói rằng những bài thơ của Thy Minh đang khóc cho mình
và khóc cho cuộc đời luôn là những trái ngang. “Vết trăng” đã lăn qua cuộc tình
nhà thơ, rồi lại hằn sâu vào con tim người những cồn cào thương cha và nhớ mẹ
về những năm tháng ở quê nhà. Thôi thì chúng ta hãy cùng nhau cảm nhận “Vết trăng”
của Thy Minh, và trăng có mờ hay trăng có tỏ đó là sự cảm nhận của mỗi con
người.
“Vay trời một chút nắng vàng
Vay mưa cam lộ vá ngàn nỗi đau”
Vay trời một chút nắng vàng và vay mưa cam lộ để vá ngàn nỗi đau đó là cuộc đời
của nhà thơ mà bảy trăm câu lục bát trong tập thơ “Vết trăng” của Thy Minh
đã nói lên hết được nỗi lòng mình và những câu thơ đó chính là những dòng nhật
ký về cuộc đời thực của nhà thơ. Mong các bạn hãy chia sẻ cùng nhà thơ Thy Minh
khi đã cầm trên tay tập thơ “Vết trăng”.
DUNG THỊ VÂN
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét