Em về nhặt chút hương phai | thơ Huỳnh Gia
Mai em về thăm xứ lạnh mù sương
tìm nhánh thông non xưa chung tay vun gốc
mấy mươi mùa trôi
mấy mươi mùa cô độc
có lẽ cỗi già trơ bóng ngóng xa xôi
Mai em về thăm
xuân chưa ấm nổi đất trời
tìm đến đồi Cù
tìm về khung trời cũ
bức rào chắn phân ranh
cỏ úa màu trách cứ
mỏi mắt tìm không thấy điểm hẹn xưa
Mai em về nhặt vài hạt nắng thưa
nâng niu giữ bằng nhịp đầy khuôn ngực
nghe tích tắc tiếng thời gian thổn thức
thõng thượt câu chờ - rơi vỡ giữa bao la
Mai em về
gió kể chuyện hôm qua
có một người đã bao lần đứng đợi
và một người vì đâu không kịp tới
loáng qua - lạc mất một nửa đời
Em về thăm dường trễ hẹn - để rồi
thung lũng tình yêu chiều nay yên ắng quá
men lối tìm toàn những gương mặt lạ
gió thở than trầm đục điệu ru buồn
Nhặt chút hương phai
kỷ niệm trượt cuối nguồn
mang trở lại gửi miền quê nắng gió
mượn hơi ấm đang lượn lờ trước ngõ
ủ cho nồng và giữ đến ngàn sau
Mai em về thăm… dù hư ảnh nhạt màu
Không khó khi tìm nhiều bài thơ hay viết về Đà Lạt, nhưng cũng khó khi
tìm một bài thơ hình dung Đà Lạt trong ký
ức mù sương, không hoa, không trăng, không suối mơ huyền mà vẫn thấy
hay. Bài thơ “Em về nhặt chút hương phai” ước hẹn một ngày về để nhìn Đà Lạt cằn
cỗi, nhưng lạ sao! Đà lạt vẫn đẹp trong thơ và khối tình tan vỡ làm Đà Lạt trở
nên huyền thoại trong đời.
Người ta chiêm nghiệm nỗi cô đơn cùng tận ngay ở đoạn thơ đầu:
“Mai em về thăm xứ lạnh mù sương
tìm nhánh thông non xưa chung tay vun gốc
mấy mươi mùa trôi
mấy mươi mùa cô độc
có lẽ cỗi già trơ bóng ngóng xa xôi”
Trong xứ lạnh mù sương, nhánh thông mới trồng ngày nào
nay đã thành cỗi già qua mấy mươi mùa trôi trong cô độc. Và câu thơ “Có lẽ cỗi
già trơ bóng ngóng xa xôi” không phải để chỉ cây mà để chỉ người, vì cây thì
không ngóng được, chỉ có người mới “ngóng xa xôi”. Ở đoạn thơ nầy, con người
được đem hoá thân vào cây. Cây lớn lên từng ngày như nỗi mong chờ lớn lên, già
đi và cằn cổi với thời gian. Cây mang trọn tâm tư người, không những của người
đợi mà kể cả của người đi, vì người đi cả tâm tư cũng khắc khỏi hướng về cây suốt
năm tháng xa nhau. Đọc đoạn thơ ta thấy hiu quạnh nhuộm lên không gian của “xứ
lạnh mù sương”, nhuộm lên thời gian của “mấy mươi mùa cô độc”. Cây trở nên não
nuột như hình tượng “hòn vọng”, không phải “hòn vọng phu” mà “hòn vọng người về”.
Đoạn thơ lấy cây làm ẩn dụ để phát hoạ quanh nó không gian, thời han, tâm tư người
ở lại và người ra đi là một đoạn thơ trọn vẹn nghệ thuật cấu tứ của bàn tay nghệ
sĩ tài hoa.
Đoạn thơ thứ
hai nói rõ ràng một Đà Lạt “hồn thu thảo”, một Đà Lạt “bóng tịch dương” trong
con mắt tưởng tượng của kẻ thất tình:
“Mai em về thăm
xuân chưa ấm nổi đất trời
tìm đến đồi Cù
tìm về khung trời cũ
bức rào chắn phân ranh
cỏ úa màu trách cứ
mỏi mắt tìm không thấy điểm hẹn xưa”
Trong đoạn thơ nầy hai câu thơ “Cỏ úa màu trách cứ / mỏi
mắt tìm không thấy điểm hẹn xưa” làm người đọc thấy khung trời hoang sơ rộng vắng
của đồi Cù, mà sự rộng vắng có giới hạn ấy trở thành mênh mông vô tận trong tâm
hồn tác giả khi “mỏi mắt tìm” điểm hẹn xưa mà không thấy nữa. Cái lạnh của cuối
đông vẫn còn vì “xuân chưa ấm nổi đất trời” sẽ càng lạnh thêm biết bao khi người
về gặp “bức rào chắn phân ranh”. Đây là bức rào chắn phân ranh khung trời cũ trên
địa thế đồi Cù nhưng nó cũng là bức rào chắn phân ranh quá khứ và hiện tại
trong tâm hồn người quay lại. Đoạn thơ cho ta thấy tất cả sự tiêu điều, se lạnh
của khung cảnh trùm lên tâm hồn và nỗi dằn vặt trong lòng cũng thể hiện ra trên
cỏ úa, trên bức rào, trên điểm hẹn đã bị mất đi. Cảnh bây giờ hình như cũng gây
trắc trở cho người vì có lẽ cảnh và người ở đây cùng chung số phận, định mệnh
như nhau.
“Mai em về nhặt vài hạt nắng thưa
nâng niu giữ bằng nhịp đầy khuôn ngực
nghe tích tắc tiếng thời gian thổn thức
thõng thượt câu chờ - rơi vỡ giữa bao la
Mai em về
gió kể chuyện hôm qua
có một người đã bao lần đứng đợi
và một người vì đâu không kịp tới
loáng qua - lạc mất một nửa đời”
Hai đoạn thơ nầy lời thơ ướt át, thể hiện sự dịu dàng
của người con gái, thể hiện tình yêu thương, sự âu yếm của cô đối với người xa
cách. Lời thơ của cô gái không còn mang nổi đau nữa mà chất chứa ở đây sự vỗ về
thắm thiết yêu thương. Dễ hiểu thôi vì trong bài thơ cô gái chỉ tưởng tượng
“mai em về” chứ không phải cô gái về thật sự. Sau cái giây phút chợt tỉnh nhớ
người xưa và hình dung một khung trời bi thảm thì lòng ăn năn trổi dậy trong cô,
khiến phản ứng tự nhiên muốn lấp đầy những mất mát, muốn đền bù sự thiệt thòi
cho kẻ chờ mong. Hai đoạn thơ làm cho cuộc tình hết bi thảm, biến cuộc tình thành
nên thơ, chung thuỷ, nhẹ nhàng và đẹp trong ký ức đời người.
Cô gái lại đi tìm về một điểm hẹn ngày xưa trong ký ức.
Cô tưởng tượng thung lũng tình yêu bây giờ cũng trở nên xa lạ. Cô không đau lòng,
cô “nhặt chút hương phai” rồi đem chút hương phai đó “ủ cho nồng và giữ đến ngàn
sau”. Cuộc tình buồn thảm đã qua, cô gái chấp nhận một cuộc tình đơn phương rất
mới và cô trả ơn hậu cho cuộc tình khi cô mang hết kỷ niệm ngày xưa về xuôi là
một “miền quê nắng gió” có “hơi ấm lượn lờ trước ngõ”
“Em về thăm dường trễ hẹn - để rồi
thung lũng tình yêu chiều nay yên ắng quá
men lối tìm toàn những gương mặt lạ
gió thở than trầm đục điệu ru buồn
Nhặt chút hương phai
kỷ niệm trượt cuối nguồn
mang trở lại gửi miền quê nắng gió
mượn hơi ấm đang lượn lờ trước ngõ
ủ cho nồng và giữ đến ngàn sau”
Người đọc đến dây hình như thấy lòng ấm áp, nỗi buồn cô
liêu phút ban đầu vơi đi trong hình ảnh thơ tươi thắm hơn và cao thượng thêm lên.
Cuối cùng cô gái quyết định: “Mai em về thăm…dù hư ảnh nhạt màu”. Đã hư ảnh rồi
mà còn nhạt màu nghĩa là, dầu hình ảnh ngoài đời phôi pha hết, cô vẫn tìm về để
giữ lại hình ảnh còn trong ký ức mình cho đến ngàn sau.
Khác với nhiều bài thơ có cuộc tình đóng lại trong bi
thương, “Em về nhặt chút hương phai” của Huỳnh Gia quan niệm cuộc tình mở ra không
dóng lại. Tình yêu dầu trắc trở đến đâu cũng không thành bi thảm khi nó còn giữ
trong lòng, vì “hơi ấm” nó sẽ “ủ cho nồng” cho đến ngàn sau.
Bài thơ cho ta những hình ảnh trở thành hình tượng,
lung linh quanh hình tượng ẩn dụ những tứ thơ mượt mà. Bài thơ mở ra một khung
trời u ám nỗi buồn rồi ánh sáng của chân lý cao thượng, của thuỷ chung tâm hồn
làm ấm áp tâm hồn người trong cuộc và người thưởng thức bài thơ. Cuối cùng bài
thơ có âm hưởng một tiếng thở dài trút bỏ nổi buồn để quyết định đứng lên nhìn
ngoài kia trời lại sáng với hương thơm thoang thoảng đâu đây.
Châu Thạch
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét