Phong trào siêu thực ra đời giữa hai cuộc
thế chiến, nối tiếp Tượng Trưng, DaDa và dần tách khỏi các phong trào tiền
phong trước đó để xác lập một vị thế của một trường phái.
Lý thuyết siêu thực trên những dự phóng từ
Phân tâm Học của Sigmund Freud và thuyết trực giác của Henri Bergson. Qua đó,
các nghệ sĩ siêu thực tố cáo một xã hội được cho là hư hỏng, phản ứng lại kiểu
tư duy duy lý máy móc, chống lại sự kỹ trị đang khống chế mọi thứ mà con người
bị đẩy xuống thành nạn nhân. Tâm thức này đã xuất hiện ở các nghệ sĩ của những
phong trào trước đó. Véronique Bartoli-Anglard, trong Le Surréalisme, đã đưa ra
nhận xét : “Chủ nghĩa siêu thực xuất phát
từ những thiên đường đã mất. Nếu thân phận con người thật đáng chán ngán thì
con người cần phải tìm kiếm trong bản thân phương tiện để tái sinh lại chính mình” [1]. Với “tính bộ phận và không hoàn chỉnh của các
thái độ đạo đức và chính trị”[2], họ - các nhà siêu thực – “nổi loạn chống lại các truyền thống ‘phù thịnh’ hay ‘nửa vời’, chối bỏ ‘văn
chương’ và tư duy thuần lý”[3], chú ý những cái ngẫu nhiên, ca ngợi tưởng
tượng, tìm về những giấc mơ qua việc thăm dò vô thức, hướng tới thế giới nội
tâm thay vì là một thực tại ngoại tại theo cách truyền thống.Hay nói cách khác,
các nhà siêu thực “xem xét lại những quan
điểm của phê bình về hiện thực và cái không hiện thực, cái hợp lý và sự phi lý,
sự phản ánh và sự thôi thúc, kiến thức và sự ngu dốt “chết người”, cái hữu ích
và cái vô dụng”[4], trong đó “cái thực” và “cái ảo” đều bị nghi ngờ và đặt nghi vấn về chính nó.
Siêu thực cho thấy sự phản kháng lại thực
tại được kiến tạo từ những uy quyền của xã hội, thông qua việc dán nhãn và loại
trừ cái “phi-thực”, mà ở đó lý tính đóng vai trò của kẻ kiểm duyệt. Quá trình
này, tương tự sự kiểm duyệt trong mô hình của Freud với sản phẩm là giấc mơ. Sự
giải quyền lực thực tại đưa đến việc cung cấp một thực tại khác nơi mà những giấc
mơ không bị loại trừ. Ở đây, các nhà siêu thực bằng cách đi vòng-qua những giấc
mơ để tránh khỏi nan đề được gợi ra từ quan điểm của các nhà tượng trưng về một
[cái] thực [tại] bất khả biểu đạt. Biểu tượng (symbol) với sự vẫy gọi vô tận là
một sự lựa chọn cho ý niệm mà sự đảo ngược với hiệu đích chủ quan. Mặt khác,
siêu thực đã cung cấp một-thực-tại thay thế cho cái - đã - bị DaDa hư vô hóa.
Phong trào siêu thực được lấy tên từ nhan
đề phụ của vở kịch “Les Mamelles de Tirésias” của G. Appolinaire. Năm 1924, với
“Tuyên ngôn Thứ nhất của Chủ Nghĩa Siêu Thực” và “Phong Trào Siêu Thực Và Hội Họa”
năm 1928 đã đưa André Breton lên vị trí chủ soái của phong trào này. Breton ca
ngợi chữ viết, việc thể hiện những giấc mơ và sáng tác tự đông (automatique) -
một trạng thái thuần túy vô-ý-thức với châm ngôn: “Hãy viết hay vẽ nhanh hết mức sao cho lý trí của chúng ta chưa kịp có
thời gian để kiểm soát chúng”[5]. Với phương pháp hoang tưởng tới hạn
(méthode paranoïaque-critique), Savaldor Dali – (cũng như Georges Bataille bị
buộc tội gây ly giáo năm 1920, Dali-một gương mặt điển hình của Siêu Thực, người
mà André Breton, vào năm 1934, đã từ chối nhìn nhận ) - dùng những “sự vật của thế giới xung quanh chỉ để nhằm khẳng định ý niệm bao trùm của
nó, buộc người thưởng ngoạn chấp nhận đó như một thực tại” [6].
Giấc mơ được chú trọng: mở rộng và chuyển
hóa thành đối tượng thẩm mỹ như trong cách nói của các nhà siêu thực. André
Breton, trong Tuyên Ngôn đã nhắc đến Saint-Pol-Roux cho treo tấm bảng “nhà thơ
đang làm việc” khi ông ta đi ngủ. Cũng trong tuyên ngôn này, André Breton dứt
khoát đưa ra một định nghĩa về chủ nghĩa siêu thực:
“Chủ nghĩa Siêu thực, danh từ giống đực, cơ
chế tự động của tâm lý thuần khiết được dùng để diễn đạt hoạt động đích thực của
tư tưởng hoặc bằng ngôn từ, hoặc bằng chữ viết, hoặc bằng mọi cách thức khác.
Được tư tưởng xui khiến, vắng mặt mọi sự kiểm soát của lý trí, ngoài mọi thành
kiến mỹ học và đạo đức” [7].
Chủ nghĩa siêu thực khởi sinh từ châu Âu
và nhanh chóng lan rộng ra thế giới ảnh hưởng đến các trào lưu sau đó. Maurice
Nadeau nhận định “Chủ Nghĩa Siêu Thực đã phá vỡ những khuông khổ quốc gia. Nó
bay lượn trên các đường biên giới” [8].
Vậy như thế “siêu thực có ở Việt
Nam không?” – Đây không phải là câu hỏi mới nếu không muốn nói là quá cũ -
trong tuyển tập văn chương số 5 chuyên đề về Văn chương siêu thực, và câu hỏi
này trở lại ngay trong phần nói đầu và nó được nhắc lại trong bài viết “Dấu Ấn Của Chủ Nghĩa Siêu Thực Trong Thiên Đường
Chuông Giấy” của Nguyễn Thị Từ Huy. Thay vì nỗ lực tìm một “chủ nghĩa” thuần
túy, việc khám phá dấu ấn của nó có thể xem là chính đáng hơn cả. Vì các chủ
nghĩa chủ yếu được nhập cảng vào Việt Nam không phải đi theo trình tự lịch sử.
Thụy Khuê, trong chương trình văn học nghệ thuật trên đài RFI, nhận xét “với dòng mạch thế kỷ XX – dòng siêu thực -
dòng mạch này, với phần đông chúng ta, dường như, vẫn còn là một hoang đảo, mà
trước tập Bóng Chữ của Lê Đạt cũng chỉ có một vài tên tuổi như Thanh Tâm Tuyền,
Đặng Đình Hưng…mỗi người một lối đã tìm cách bước vào”. Ngoài chúng ta có
thể kể thêm các tên tuổi Hàn Mặc Tử, nhóm Xuân Thu Nhã Tập (với Nguyễn Ðỗ Cung,
Phạm Văn Hạnh, Ðoàn Phú Tứ, Nguyễn Lương Ngọc và Nguyễn Xuân Khoát nhất là Nguyễn
Xuân Sanh)…qua những cửa ngõ khác nhau từ nội dung đến các thủ pháp tạo hình
trong thơ. Hình ảnh được phơi bày sức mạnh mà tác giả bị trượt quyền lực, trở
thành khung đóng như trong quan điểm của Aragon.
Sự ra đời của những tác phẩm siêu thực
trên những nền tảng là những tiền đề mà lý thuyết của nó được giải phóng gợi mở
những hướng tiếp - cận những diễn giải từ
các lý thuyết phê bình như phân tâm học của Freud, phê bình phân tâm vật
chất của Gaston Bachelard…
Trong khuôn khổ giới hạn của bài viết này,
không có tham vọng đi sâu vào việc phân tích hay giới thiệu lại chủ nghĩa siêu
thực. Nó như một sự hồi tưởng và phác họa với đôi nét. “Tốc họa”, một từ được
vay mượn có thể dùng để tạm gọi cho nội dung, hình thức , mục đích và những hạn
định của bài viết với một tâm thế “ôn cố” để “tri tân”.
NGUIỄN
CHÚ THÍCH
[1]
Véronique Bartoli - Anglard. Le Surréalism. Nathan.1989. Tr 62. [Dẫn theo Nguyễn
Thị Từ Huy. Viết, Cô Đơn Và Sức mạnh. NXB Hội Nhà Văn. 2014. Tr 46]
[2][3]
Patrick
Brunel. Văn Học Pháp Thế Kỷ XX. NXB Thế Giới. Hà Nội. 2006. Tr 46.
[6] Nguyễn Đình Đăng. Hiểu Hội Họa Siêu Thực
Như Thế Nào Cho Đúng.
[8]
Maurice Nadeau. Histoire du Surrealisme. Seuil. 1964. [Dẫn theo Nguyễn Thị Từ
Huy. Viết, Cô Đơn Và Sức mạnh. NXB Hội Nhà Văn. 2014. Tr 43]
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét