Khi tìm
tài liệu đọc để viết bài CHỮ TÔI, CHỮ TA VÀ CÁI TÂM LÀNH, tôi chợt có ý định
thử tìm hiểu về phong cách bình thơ của nhà phê bình văn học Châu Thạch nên cần
mẫn ngồi đọc 130 bài bình thơ của ông. Đọc xong, tôi phấn chấn, nảy thêm ý định
“tận dụng sự đọc 130 bài bình thơ” để viết một bài làm “kỷ niệm”... Tôi điện
gặp nhà phê bình Châu Thạch, nói ý định của mình, ông cười sảng khoái: - “Vâng!
Đặng Xuân Xuyến cứ viết theo đúng như những gì Đặng Xuân Xuyến cảm nhận về Châu
Thạch, như thế mới quý. Cám ơn Đặng Xuân Xuyến trước nhé.”.
Tôi liền
cặm cụi ghi lại những cảm nhận của mình về phong cách bình thơ của ông. Vì đây
là bài cảm nhận của một đọc giả về một tác giả nên cấu trúc bài viết và những
dẫn giải đưa ra sẽ không mang tính nghiên cứu khoa học, chỉ nhằm đáp ứng tiêu
chí của bài: LAN MAN VỀ PHONG CÁCH BÌNH THƠ CỦA CHÂU THẠCH. Vì thế, bài viết sẽ
có những hạn chế, những thiếu sót khiến bạn đọc không được vừa ý.
&.1
Đọc những
bài bình thơ của tác giả Châu Thạch, tôi hay gặp (nhiều) cách ông giả định khi
bình thơ, tôi tạm gọi đó là phương pháp giả định để liên tưởng và giả định để
gợi mở trong cảm thụ thơ văn. Có thể nói, đấy chính là phong cách đặc trưng, là
cách nổi trội trong phong cách bình thơ của tác giả Châu Thạch. (Đây chỉ là
quan điểm cá nhân của tôi khi đọc Châu Thạch bình thơ, không là bài phê bình
của người viết phê bình, vì thế “thuật ngữ” giả định để liên tưởng, giả định để
gợi mở và một số “thuật ngữ” khác sẽ dùng trong bài viết nếu chưa sát nghĩa
hoặc không đúng, mong quý vị thể tất.)
Chẳng hạn,
khi bình bài thơ Bến My Lăng của Yến Lan, ông đã dùng
phương pháp giả định để liên tưởng khi tiếp cận với ý thơ (tứ thơ):
“Ông lão vẫn say trăng, đầu gối sách,
Để thuyền hồn bơi khỏi bến My Lăng,
Tiếng gọi đò, gọi đò như oán trách,
Gọi đò thôi run rẩy cả ngành trăng.
Khổ thơ này cho ta liên nghĩ đến điều gì? Liên nghĩ đến vận mệnh. Vận mệnh
của một cuộc gặp, vận mệnh của một đời người, vận mênh của quốc gia không tùy
thuộc vào ta, có khi tùy thuộc vào phút giây nào đó. Bài thơ không cho ta biết
hai người có liên quan nhau không nhưng bài thơ cũng cho ta đoán định đây là
hai con người nghĩa khí. Một người có học, canh cánh bên lòng nổi u uẩn. Một
người đang mang trọng trách trong mình. Nếu họ gặp nhau và đưa nhau qua đò biết
đâu sẽ làm việc lớn, và chuyến đò kia sẽ là chuyến đò định mệnh. Vì họ không
gặp nhau, vì định mệnh không cho họ hội ngộ nên ông lái đò phải:
Bến My Lăng còn lạnh, bến My Lăng
Ông lái buồn đợi khách suốt bao trăng.
Như vậy, người khách kia đi đâu không biết nhưng ông lái đò đã phí cả thơi
gian, phí đi kinh sử, mất đi chí lớn, u uất nép mình chèo đò bao năm trên bến
My lăng để đợi một người khách sang sông, người khách sẽ làm cuộc đời ông thay
đổi. Đó là nhân vật nào ta đâu biết. Một tri kỷ? một đồng chí? Một lảnh tụ
chăng? chứ dứt khoát không phải chỉ là một chàng kỵ mã bình thường.”
Đúng ý hay
sai ý của tác giả thơ chưa biết nhưng trong trường hợp này, thì phương pháp giả
định để cảm nhận Bến My Lăng theo cách của tác giả Châu
Thạch là cách tiếp cận hợp lý.
Hay như
khi bình Một Buổi Trưa của Bùi Giáng, mà theo Châu
Thạch, thì đó là một bài thơ hay nhưng rất bí hiểm, khó lý giải trong số
“những bài thơ tỉnh táo của Bùi Giáng”. Và để bình bài thơ này, tác giả
Châu Thạch đã vận dụng phương pháp giả định để liên tưởng, giả định để gợi mở,
để “cảm” Một Buổi Trưa.
Xin mời
cùng đọc trích dẫn:
“Em có định sẽ cùng ai kể lể
Một nỗi đời hư huyễn giữa chiêm bao
Vừng hiu hắt nguyệt hờn mây nhỏ lệ
Một mùi hương nồng tụ ở nơi nào
“Em có
định sẽ cùng ai kể lể” là một câu nghi vấn mà không có dấu hỏi, nó
có công dụng cho ta biết tác giả không trực tiếp hỏi em mà tự nhủ
trong lòng mình. Câu thơ này cũng cho ta một phỏng đoán có thể em đang
ở đó và cũng có thể em không có đó, nghĩa là tác giả đang một
mình giữa bao la suy nghĩ về em. “Em” trong ba câu thơ còn lại như là
một bóng ma. Bóng ma có một cuộc đời “hư huyễn giữa chiêm bao”, sống
ở một vùng “hiu hắt nguyệt hờn mây nhỏ lệ” mà nơi đó là một nơi có
thể hiểu là nơi vô định vì nó có “một mùi hương nồng tụ” mà
tác giả không biết “ở nơi nào”.
Vế thơ này cho ta cảm giác gì? Cảm giác một bóng người lãng đãng
trong một khung trời ảm đạm. Và cho ta một cảm nhận gì? Cảm nhận đây
là linh hồn của tác giả. “Em” ở đây không ai khác là tâm thần của
người nằm mộng. Cái tâm thần đó đã trải qua bao hệ lụy của cuộc
đời, nay nó bước ra từ tâm tác giả và hóa hình vào trong cơn mơ
ấy. Cái tâm thần đó u ám trong lòng tác giả, nay nhân dịp thể xác êm
ái trong giấc trưa, nó hiển hiện trong cơn mơ làm nên một bóng dáng
của bao điều hệ lụy.”
Cũng dùng
phương pháp giả định để cảm thụ, Châu Thạch đã thả nguồn cảm hứng của ông lạc
trôi theo cánh “Chuồn Chuồn bay...”, phiêu cùng thơ Trần Mai Ngân
đến với cõi mộng:
“Chuồn
chuồn mà bay được đến cổng trời là chuyện không thể vì thân nó quá nhỏ, cánh nó
quá mỏng. Vậy chỉ có con chuồn chuồn hóa thân vào linh hồn tác giả thì
mới đến được cổng trời trong mơ ước. Con chuồn chuồn bây giờ trở nên vô hình vì
nó nằm trong ảo tưởng. Đây thật sự là một giấc mơ với muôn vàn khắc khỏai. Đây
thật sự là tấm lòng ăn năn của người trong cuộc, ăn năn vì số phận ly tan,
duyên trời chia cách chớ không phải ăn năn vì phụ bạc tình nhau. Bởi vì con
chuồn chuồn đã yêu sâu đậm và thủy chung đến suốt một đời: “Ví dầu…dẫu mộng
không thành/ Buồn, vui vẫn đậu…ngọt lành vẫn xin”. Chuồn chuồn mà bay đến cổng
trời cũng có thể hiểu được là người xưa có thể đã trở thành người thiên cổ
không còn ở thế gian. Câu chuyện chẳng khác chi Điệp ngày xưa đã đến cổng chùa
để tạ lỗi với Lan. Điệp còn biết có Lan khi dây chuông bị cắt đứt nhưng
con chuồn chuồn của Trần Mai Ngân chỉ đến cổng trời trong mơ ước mà thôi. Chính
hình ảnh đó cho ta hiểu được niềm quặn thắt triền miên của người ở lại giữa
cuộc đời nầy. Hình ảnh cánh chuồn chuồn chuồn mỏng manh mà bay đến tận cổng
trời cũng cho ta thấy được tình yêu vĩ đại chất chứa trong lòng người đi tìm
quá khứ. Vế thơ thứ nhất đưa con người vào mộng, vế thơ thứ hai đưa con người
vào đau, một nỗi đau lớn chất nặng trên cánh con chuồn chuồn bé bỏng. Cái đẹp
được pha trộn nỗi đau làm tăng thêm nỗi đau và nỗi đau làm tăng thêm cái đẹp.
Người đọc thơ ở đây sẽ hưởng được thi vị trong nỗi đắng cay vì những câu thơ
rất đẹp lướt qua một cuộc tình ngang trái.”.
&.2
Tuy phương
pháp giả định được ông vận dụng khá nhiều trong các bài bình thơ nhưng không
phải phương pháp này được ông ưu tiên làm chính yếu, mà trong nhiều trường hợp,
ông đã linh hoạt khi tiếp cận để tìm tòi, khám phá sự “đặc biệt”, tinh tế về
cấu tứ, âm điệu, kỹ thuật... của bài thơ, lấy đó làm “nguyên liệu” cho việc
“cảm” và bình thơ. Đấy cũng là một điểm nhấn đáng lưu ý trong phong cách bình
thơ của Châu Thạch.
Gặp được
bài thơ hay, ông phấn khích, ông “sướng nâng” như bị “lên đồng”. Chẳng hạn, khi
đọc“Thềm Xưa, Em Đợi Người Về”, trước kỹ thuật sử dụng ngôn ngữ
khá “đắc địa” của Hà Nhữ Uyên, ông như chịu sự tác động của một loại chất kích
thích cực mạnh, buộc ông “tự nguyện” thả hồn phiêu cùng Hà Nhữ Uyên, “tự
nguyện” “lên đồng” cùng Hà Nhữ Uyên:
“Thú
thật, bốn câu thơ ở vế đầu đã làm tôi sướng nâng và đọc những vế thơ kế tiếp
tôi có cảm nhận mình đã thèm, đã thèm như chất kích thích đầy hương vị của “Ly
phin đá nhẩn nha từng giọt đắng” ngấm vào trong thớ thịt:
Em đợi người bên Thềm Xưa trầm lắng
nhặt bâng quơ hạt nắng ngủ trên bàn
ly phin đá nhẩn nha từng giọt đắng
nhặt hoài mong lạc mười ngón tay đan.
Câu thơ tôi yêu mến đầu tiên là câu “nhặt bâng quơ hạt nắng ngủ trên bàn”:
Bài thơ này tác giả dùng chữ “em” nghĩa là viết thay cho một người con gái, và
câu thơ này cho thấy được hết cả cái tâm hồn uỷ mị của cô em, cũng cho ta thấy
hết được cái khung cảnh cô liêu nơi cô ngồi, cả sự lãng mạn trong suy tư của
em. Nhặt hạt nắng là hành động của một kẻ tâm thần, nhưng tất nhiên cô gái
không là kẻ bị bệnh tâm thần, vậy nhặt hạt nắng là một cử chỉ siêu lãng mạn của
con người đa cảm, một hành động vô tâm nhưng bày tỏ một tính cách rất nên thơ
có trong một tâm hồn rất đẹp.
Câu thơ thứ hai tôi thích là “nhặt hoài mong lạc mười ngón tay đan”. Ở câu
thơ trên ta thấy cô gái”nhặt bâng quơ hạt nắng”, ở câu thơ dưới ta thấy cô gái
“nhặt hoài mong”. Vậy thì trong vế thơ này sự hoài mong của cô gái được thể
hiện trên hạt nắng. Cô gái nhặt hạt nắng như nhặt sự hoài mong của mình, và tất
nhiên hạt nắng thì trôi tuột qua “mười ngón tay đan” nên sự hoài mong cũng trôi
theo hạt nắng. Câu thơ liên kết sự mong đợi với hạt nắng ngủ trên bàn thật là
lý thú. Cái vô hình trong tâm được thể hiện bằng cái hữu hình trên bàn, và cả
hai được lồng trong bức tranh tỉnh vật chứa đựng sự sâu kín trong hồn hoà điệu
cùng phong cảnh.”
Nhưng cũng
có trường hợp ông nhấn sâu vào âm điệu của bài thơ, xoáy sâu vào cấu trúc của
bài thơ để chọn cấu trúc, âm điệu của bài thơ làm “chất xúc tác” cho việc cảm
thụ và bình thơ. Ví dụ như khi ông bình bài thơ “Chấp Chới” của
Đặng Xuân Xuyến:
“Se sắt buồn
Ơi người “xe chỉ luồn kim”
Ơi người nhớn nhác đi tìm
Đầu ghềnh cuối bãi
Lời xưa có còn mê mải...
Người “xe chỉ luồn kim” là người vợ. Câu thơ cho ta biết cô gái
“líu ríu theo chồng” đã thành người “xe chỉ luồn kim” cũng buồn “se
sắt”. Còn người ở lại thì lang thang đầu ghềnh và mê mải trong tâm đi
tìm quá khứ.
Khổ thơ với những vần thơ có thể gọi là “cà giựt”, nghĩa là nó
ngắt khúc từng ý thơ và tứ thơ không dính dáng gì nhau, nhưng chính
cái “cà giựt” đó làm cho tiếng thơ trở nên dập dồn, kích thích
người đọc, làm căng thẳng cảm xúc và trọn vẹn gói vào đó niềm đau
của đôi trai gái thất tình.
Qua khổ thơ thứ ba tác gỉả dùng từ ngữ như những nhát búa đập
liên tục vào điểm yếu của con tim, làm cho đau đớn, làm cho rỉ máu,
làm cho nghẹn ngào, uất ức:
Tìm ai...
Kìa ai...
Lừng chừng câu hát
Gió gằn ràn rạt
Trời mưa...
Chấp chới cánh diều.”
&.3
Một điểm
nhấn nữa trong phong cách bình thơ của Châu Thạch là ông bình thơ bằng tâm thế
của người cảm thụ thơ nên trước hết ông thả hồn vào bài thơ để phiêu cùng tác
giả tới mọi ngóc ngách của bài thơ, để tìm cho được sắc thái riêng của bài thơ,
để cảm thụ được hết vẻ đẹp của bài thơ và khi viết lời bình, ông cố gắng tiết
chế cái tôi của người “phê bình văn học” sao cho hài hòa, hợp lý để lời bình
được chân thực, khách quan.
Ví dụ, Mơ
Trăng tôi viết trong tâm trạng: khi thấy người yêu vội vã tận
hưởng những phút giây ân ái, cuống quýt thỏa mãn cơn khát thèm thể xác, tôi
lặng người, đớn đau, thấy tội nghiệp cho tình yêu em đang dâng hiến, và cũng
xót xa, tội nghiệp cho cuộc tình của cả hai. Tôi muốn đẩy em ra, muốn hét lên:
- Đừng yêu anh nữa! Hãy tránh xa anh đi! Nhưng tôi không làm được. Đúng ra là
tôi không thể làm thế nên lại quấn lấy em, gồng lên để hòa vào cơn khát thèm
thể xác với em. Tôi đã tả rất chân cuộc tình ấy, ngay từ khổ thơ đầu:
Em rướn mình hà hít nụ hôn anh
Tê tái lắm. Cuộc tình mình thật tội
Môi khóa môi mà sao xa vời vợi
Đêm cuống cuồng khỏa lấp nỗi chơi vơi.
Và tôi run
người khi đọc những lời bình của ông vì đã gặp lại mình trong cuộc tình ấy: “Bây
giờ có hai Đặng Xuân Xuyến, một Đặng Xuân Xuyến đang vùi trong hương hoa
của tình yêu và một Đặng Xuân Xuyến đang vùi trong trũng sầu bi, khắc
khỏai và đắng cay. Lúc này nhà thơ đương yêu hay là không yêu? - Đâu biết
được. Chỉ biết nhà thơ đang ôm một khối tình, khối tình nóng cháy
như hỏa diệm sơn mà cũng rét cóng như băng giá miền cực bắc.”
“Phải
chăng thứ tình yêu bình thường, những ân ái bình thường không đáp ứng
được cho một trái tim nhạy bén, một tâm hồn thơ luôn mơ mộng sự trong
trẻo, sự vô biên, dây quyến luyến vượt quá cuộc đời. Con người thật
của Đặng Xuân Xuyến ra sao ta đâu biết được nhưng thơ Đặng Xuân Xuyến
quả là đúng như vậy.”
Tôi không
biết các nhà thơ khác sáng tác thế nào nhưng những bài thơ tôi viết là những
tiếng lòng chân thật của tôi, dù đớn đau hay vui mừng, dù chán chường hay phấn
chấn thì những cảm xúc trong thơ của tôi cũng phản ánh rất chân thật tâm trạng,
tình cảm của tôi, tuyệt không hư cấu. Vì thế, khi đọc những dòng cảm nhận của
ông về thơ của tôi, tôi như lần nữa được sống lại với những tâm trạng, cảm xúc
mà tôi đã mượn thơ để giãi bày. Nếu không thả hồn để phiêu cùng bài thơ, để tìm
cho được cái hồn, cái sắc thái riêng của bài thơ thì Châu Thạch không thể viết
được những dòng cảm nhận như được moi ra từ gan ruột của tác giả.
Ví dụ, khi
đọc tập thơ Cưỡng Xuân, Châu Thạch đã viết: “đọc“Cưỡng
Xuân” của Đặng Xuân Xuyến, ta có hai sự rung động cùng một lúc. Đó là sự rung
động của con tim yêu chân tình, say đắm và độ lượng. Cùng lúc đó cũng bốc lên
trong bầu máu nóng của ta một thứ hương tình cúa thể xác. Hai thứ hương đó
quyện vào nhau cho ta sự khoái lạc lạ lùng trong nỗi đau khổ quặn thắt. Khoái
lạc vì thơ Đặng Xuân Xuyến như ngùn ngụt ngọn lửa của ái ân thể xác và của âu
yếm tinh thần. Đau khổ vì thơ Đặng Xuân Xuyến làm lạnh con tim, nỗi sầu được
diễn tả như bông lơn nhưng làm cho người nghe quặn lòng se thắt. Thơ đó không
phải là thứ thơ hư cấu. Thơ đó là thứ thơ nở ra như những bông hoa trường trải
được nẩy mầm từ hạt của nó, hạt ấy đã bị vui dập trong bao nhiêu biến động của
đời.”.
Hay khi
đọc Em Về Nhặt Chút Hương Phai của Huỳnh Gia, Châu
Thạch đã không đứng phía bên ngoài để “cảm” thơ mà ông thả hồn mình phiêu cùng
nữ sĩ Huỳnh Gia để cùng Huỳnh Gia cảm nhận bài thơ bằng những cảm xúc chân thật
được cất lên từ tiếng lòng của nữ sĩ:
“Mai em về thăm
xuân chưa ấm nổi đất trời
tìm đến đồi Cù
tìm về khung trời cũ
bức rào chắn phân ranh
cỏ úa màu trách cứ
mỏi mắt tìm không thấy điểm hẹn xưa
Trong vế thơ này hai câu thơ “Cỏ úa màu trách cứ/ mỏi mắt tìm không thấy
điểm hẹn xưa” làm người đọc thấy khung trời hoang sơ rộng vắng của đồi Cù, mà
sự rộng vắng có giới hạn ấy trở thành mênh mông vô tận trong tâm hồn tác giả
khi “mỏi mắt tìm” điểm hẹn xưa mà không thấy nữa. Cái lạnh của cuối đông vẫn
còn vì “xuân chưa ấm nổi đất trời” sẽ càng lạnh thêm biết bao khi người về gặp
“bức rào chắn phân ranh”. Đây là bức rào chắn phân ranh khung trời cũ trên địa
thế đồi Cù nhưng nó cũng là bức rào chắn phân ranh quá khứ và hiện tại trong tâm
hồn người quay lại. Vế thơ cho ta thấy tất cả sự tiêu điều, se lạnh của khung
cảnh trùm lên tâm hồn và nỗi dằn vặt trong lòng cũng thể hiện ra trên cỏ úa,
trên bức rào, trên điểm hẹn đã bị mất đi. Cảnh bây giờ hình như cũng gây trắc
trở cho người vì có lẽ cảnh và người ở đây cùng chung số phận, định mệnh như
nhau.”
&.4
Thêm một
điểm nhấn “son” nữa về phong cách bình thơ của Châu Thạch là khi bình thơ, ông
chịu khó tìm tòi để phát hiện ra những tinh tế, những sáng tạo của nhà thơ
trong bài thơ, rồi truyền tải nguyên vẹn, thậm chí có phần dầy hơn, đẹp hơn
những cảm xúc được thăng hoa của nhà thơ tới bạn đọc.
Cảm nhận
về Hà Nội Quê Tôi của Lê Mai là một ví dụ:
“Chùa Diên Hựu là của tôi!
Đóa sen tâm bừng nở ngát cõi người cho tôi hiểu vì sao người Hà Nội cấp gạo
thuyền giặc chết khỏi tha hương.
“Chùa Diên Hựu hay chùa Một Cột, là một trong những
biểu tượng của thủ đô Hà Nội, có kiến trúc độc đáo như một bông sen
từ dưới nước vươn lên. Nhà thơ đem cái bông sen đó làm biểu tượng cho
tấm lòng nhân đạo của người Hà Nội ngày xưa, cùng với dân ta đem lúa
gạo của mình cấp cho quân giặc Minh xâm lược bị thua trận có cái ăn
mà quay về bản xứ. Cấp gạo cho giặc và xây chùa Một Cột không liên
quan nhau, nhưng nhà thơ đã khôn khéo dùng hình tượng hoa sen của chùa,
lấy kỳ quan đất nước sừng sững ngàn đời thể hiện cho lòng vị tha
của dân tộc là một kết cấu giữa văn hoá vật thể và văn hoá phi
vật thể vô cùng nhuần nhuyễn để tôn cao ý nghĩa của hai cái đẹp
giữa lòng thủ đô Hà Nội.”
Hay như
đoạn được trích dẫn dưới đây trong bàiVài Lời Biện Hộ Về Thơ Nguyễn Khôi,
ông luận bàn thật “đắt” về từ “tắt trăng”, một sáng tạo độc đáo của nhà thơ
Nguyễn Khôi:
“Với
tôi Nguyễn Khôi dùng chữ “tắt trăng’ trong câu chót là một tứ thơ sáng tạo, độc
đáo, khác lạ và tuyệt hay đã nâng cả bài thơ lên tầm cao thị vị. Nếu tác giả
dùng chữ “lịm” hay chữ “khuất” thì câu thơ “Để cả bầu trời phải lịm trăng” hay
“Để cả bầu trời phải khuất trăng” chỉ có ý nghĩa là trăng nhìn thấy sự lõa thể
mà mê mẩn đến mờ đi ánh sáng hay trốn vào đâu đó để ghé mắt nhìn trộm. Tứ thơ
này đã cũ quá và đã lạc hậu vô cùng vì đã có hàng ngàn thi nhân viết rồi từ xưa
đến nay. Nguyễn Khôi dùng chữ “tắt trăng” đã đưa trăng có cái nhân cách người,
có cái đạo đức của chính nhân quân tử khi trăng tự tắt ngọn đèn của mình, hay
quay lưng đi không nhìn những người phụ nữ tắm ao. Tứ thơ này hoàn toàn
mới, diễn đạt một ý thơ chỉ sự thanh cao của trăng, cũng chính bộc lộ sự thanh
cao của tâm hồn tác giả mà từ xưa đên nay chưa một ai nghĩ đến trong thơ.”
&.5
Bên cạnh
những phương pháp chủ quan, bao gồm cả phương pháp giả định và các phương pháp
tiếp cận để cảm thụ thơ văn như đã dẫn giải ở trên, Châu Thạch cũng có khi dùng
cả phương pháp khách quan cho việc tìm tòi, khám phá và cảm thụ thơ văn của
ông. Ẩm Trời - Thơ Đặng Xuân Xuyến: Một Phong Cách Tình Khác Lạ là
một ví dụ:
“Ẩm
Trời” là một bài thơ ngắn gọn tưởng như nó bày tỏ một mối tình qua
loa hời hợt nhưng không phải thế. Đọc thơ, ta hiểu được tính cách của
người trong thơ. Họ phải là những người đã lăn lộn trong cuộc đời,
vấp ngã trong tình trường, dày dạn trong đối nhân xử thế, tinh tế
trong lời nói. Họ có thể yêu nhau nhưng cuộc đời còn nỗi éo le ta
không biết được. Ta chỉ biết họ trân trọng nhau trong lời nói bộc
trực tưởng như là thô thiển.
Bài thơ hay là hay ở chỗ đó, diễn đạt cái kín đáo mà bề ngoài
không mấy ai thấy được, không mấy ai trân trọng, có khi còn khinh ghét
nữa. Bài thơ hay cũng là hay ở chỗ “nói tục giảng thanh”. Đọc “Ẩm
Trời” ta nghe tiếng thơ như của một nhân vật bất cần đời, một cặp
trai gái ngổ ngáo xem tình như cỏ rác, nhưng ngẫm kỹ, đọc đi đọc lại
nhiều lần ta tìm thấy ở đó những tâm hồn đẹp mà ta yêu quý, một
mối tình có thể làm cho ta se lòng và cảm mến..”
Rõ ràng, ở
đoạn vừa trích dẫn, tác giả Châu Thạch, bằng phần nào sự hiểu biết của ông về
tuổi tác, con người và tính cách... của (tác giả thơ) Đặng Xuân Xuyến, ông đã
dùng phương pháp khách quan - thông qua “tiểu sử” tác giả - để “cảm thụ” bài
thơ Ẩm Trời. Đây là một phương pháp được các nhà phê bình văn học sử dụng khi
phương pháp chủ quan yếu thế, có thể sẽ không phát huy được hiệu quả như khi sử
dụng phương pháp khách quan trong việc bình thơ.
Hay như
trong bài Vài Lời Biện Hộ Về Thơ Nguyễn Khôi, tác giả Châu
Thạch đã dùng phương pháp khách quan - những hiểu biết của bản thân từ thực
tiễn về tiếng “nai tác” - để phản biện chỉ trích của Tiến sĩ Ngữ văn Nguyễn
Ngọc Kiên về chữ “nai tác” trong bài thơ Đêm Mộc Châu của
nhà thơ Nguyễn Khôi:
“Tiến
sĩ viết như sau:
Nguyễn Khôi đã viết:
Đêm Mộc Châu lần đầu nghe nai “tác”
Dân đốt nương núi cháy xém vầng trăng
Mới hay cuộc sống còn đói khát
Đốt cả đất trời kiếm miếng ăn
Theo chúng tôi đây cũng là một bài thơ hay của Nguyễn Khôi. Hai câu đầu là
tả thực. Hai câu cuối có sức khái quát lớn. Tuy nhiên, theo chúng tôi, ở nơi mà
đã có “dân đốt nương núi cháy xém vầng trăng”, tàn phá rừng, hủy hoại môi
trường như thế thì không còn nghe thấy tiếng “nai tác” được nữa. Có chăng chỉ
còn nghe tiếng thạch sùng mà thôi!” Sau đó tiến sĩ còn khẳng định: “Ở đây
Nguyễn Khôi chắc cũng trong cơn ngái ngủ, mê sảng mà nghe thấy tiếng “nai tác”.
Vậy nên ta cũng không nên “chẻ sợi tóc làm tư” mà làm gì miễn là đó là thơ
hay!”
Đây là một nhận xét thật sự sai lầm. Người viết bài này đã từng nhiều lần
nghe suốt đêm tiếng nai tác trong một vùng tàn phá môi trường hàng ngàn dặm.
Sau 1975 tôi được điều đi khai hoang sản xuất trên vùng rừng núi. Chúng tôi
thường nghe tiếng nai “tác” bi thương kéo dài trong đêm. Hỏi ra mới biết
đó là tiếng của những con nai lạc bầy do môi trường bị hủy hoại. Bởi sự thay
đổi của núi rừng làm cho những con nai con thường lạc mẹ, thế là con gọi mẹ hay
mẹ tìm con cứ “tác” suốt đêm trường. Tiếng gọi ấy của nai khắc khỏi trong đêm
vọng vào hồn tôi cũng đang khắc khoải vì những biến động của cuộc đời tôi thuở
ấy.”
&.&
Có thể
nói, Châu Thạch là một cây viết sung sức, đầy nội lực, viết nhanh, viết khỏe và
viết nhiều. Tôi không biết chính xác ông đã hạ bút viết bao nhiêu bài phê bình
thơ (và cả văn) nhưng để lan man tìm hiểu về phong cách bình thơ của tác giả
Châu Thạch như bài viết này, tôi đã phải ngồi tham khảo chừng 130 bài bình thơ
của ông mà theo số liệu thống kê của văn sĩ Thái Quốc Mưu thì tính đến tháng 07
năm 2017, chỉ riêng bình thơ, tác giả Châu Thạch đã “xuất xưởng” trên 200 bài.
Quả thật, sức viết của ông rất đáng kính nể.
Những điểm
mạnh trong phong cách bình thơ của nhà phê bình văn học Châu Thạch khá nhiều,
còn hơn những gì người viết đã lan man dẫn giải nhưng trong phong cách bình thơ
của ông vẫn còn vài điểm hạn chế mà theo người viết, nhà phê bình văn học Châu
Thạch rất cần khắc phục.
Đó là:
1. Việc
chọn bài còn để lọt những bài thơ chưa thật sự hay, chưa đúng như tiêu đề bài
viết. Điều này có thể do tình thân hữu, sự cả nể khiến ông “tặc lưỡi”. “Nội
lực” bài thơ không có nên dù người bình cố “tán”, cố “đẩy” thì bài thơ vẫn chỉ
như bông hoa kém tươi, lạc lõng giữa vườn hoa đua sắc khoe màu. Vô tình, những
bông hoa “cả nể” đó đã làm vườn hoa đẹp của nhà phê bình văn học Châu Thạch
giảm nhiều hương sắc.
2. Phương
pháp giả định được ông vận dụng với mật độ khá dầy trong các bài bình thơ, đã
ít nhiều tạo ra hiệu ứng đơn điệu, đều đều, nhàm chán trong việc tiếp thu, cảm
nhận thơ văn của bạn đọc, khiến bạn đọc nảy sinh tâm trạng nghi ngờ nhà phê
bình đang cố “tán”, cố “lái” bài thơ theo dòng cảm xúc đã được định hướng.
3. Việc
“đồng màu chỉ khen không chê” trong hàng loạt bài bình thơ của nhà phê bình văn
học Châu Thạch. Có thể vì là người trọng tình cảm nên ông tránh làm tổn thương
người khác; hoặc có thể vì trân quý những tìm kiếm, những thành công của tác
giả thơ nên ông “không nỡ” nêu ra hạn chế, sợ tác giả thơ sẽ nhụt chí... Cho dù
với lý do gì thì việc “chỉ khen không chê” cũng làm thiệt thòi cho cả 3 đối
tượng: nhà thơ (không biết được yếu kém để sửa chữa, nâng cao tay nghề), bạn
đọc (không nâng cao được khả năng học và cảm thụ thơ văn) và nhà phê bình (tác
phẩm tạo ra đồng màu, đơn điệu).
ĐẶNG XUÂN XUYẾN
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét