Chiều 30 tháng 09 năm 2019, nhận
được tập thơ “Nhà Không Có Đàn Bà” của nhà thơ, họa sĩ Phan Võ Hoàng Nam
gửi tặng, tôi háo hức ngồi đọc. Sách dày 96 trang, khổ 13x21cm, gồm 46 bài thơ,
chủ yếu được viết ở thể thơ tự do, là những hồi ức, những cảm xúc về quê hương,
cha mẹ, bạn bè, người xưa cũ...
Quê hương, trong ký ức tuổi thơ
của nhà thơ, nhạc sĩ Phan Võ Hoàng Nam thật hiền hòa, thơ mộng, với những hình
ảnh bình dị, trong trẻo, đẹp đến nao lòng:
"Ừ, đã xa.
Thuở ôm cây chuối lội sông.
Ba bốn đứa tranh nhau trái cà na
thơm lựng.
Xuồng nhỏ tròng trành, cha quăng
mẻ lưới.
Chiều xóm quê!
Canh chua rau nhút thơm lừng.
Mùa nước về quê,
Thuyền xuôi ngược trên đồng.
Mẹ đón cá ra sông ủ thêm lu nước
mắm.
Em đến trường xắn quần lội qua
cầu khỉ.
Con nước rong,
Trăng giỡn giữa đồng."
(Xa rồi mùa cũ)
Chỉ với 12 câu thơ trong 2 khổ
thơ, nhà thơ Phan Võ Hoàng Nam đã tái hiện sinh động nhiều hình ảnh quê hương,
nhiều kỷ niệm xưa với bạn bè, với cha mẹ, với người yêu...
Cách viết không bó buộc câu chữ,
không ràng buộc bởi bất kỳ niêm luật nào, cứ thoải mái phóng bút theo cảm xúc,
cũng chẳng chủ ý gieo vần trong Xa
Rồi Mùa Cũ đã tạo nhiều
ấn tượng với người đọc. Có lẽ vì tình yêu quê hương trong Phan Võ Hoàng Nam sâu
lắng và diết da lắm nên đã tự bật ra những thi tứ, thi ảnh và ngôn từ đậm chất
sông nước miền Tây để Xa
Rồi Mùa Cũ dễ dàng thẩm
thấu vào cảm xúc của người đọc. Cách viết tự nhiên, phóng khoáng như thế, Phan
Võ Hoàng Nam thành công không chỉ ở một vài bài.
Ngay cả khi viết về quê hương
với nỗi lo cơm áo gạo tiền thì những mảnh đời được anh khắc họa cũng phóng
khoáng, tự nhiên, cũng ấm áp tình, tươi rói niềm tin như bản tính vốn chân
thành, mộc mạc của những người con sông nước miền Tây. Nếu không nặng lòng với
quê hương, không thao thiết gửi trọn niềm tin vào ngày mai tươi sáng thì Phan
Võ Hoàng Nam không thể viết được những câu thơ ấm áp, căng tràn sức sống thế
này:
"Gã trai lực điền gật gà
giấc ngủ.
Hồn phiêu diêu. Chốn cũ, vườn
xưa.
Bàn tay ấm ngày bỏ quê lên phố.
Con đò trôi.
Cô thôn nữ dịu dàng."
(Chuyến xe chiều cuối năm)
Những hình ảnh đẹp như thế xuất
hiện khá nhiều trong thơ Phan Võ Hoàng Nam. Tuy ở một vài bài thơ, gặp ở vài
câu thơ viết về gánh nặng mưu sinh của những phận đời bươn chải như một quy
trình “nối dài những nốt trầm ngọt đắng”: “Phố rồi lại phố” / “Mùa
lại những mùa dong ruổi”.Những mảnh đời đáng thương như thế, xuất hiện
không nhiều trong “Nhà Không Có Đàn Bà”:
Phố rồi lại phố.
Mùa lại những mùa dong ruổi.
Tiếng rao đêm nối dài những nốt
trầm ngọt đắng.
Rao bán bình yên
Mua thân phận làm người.
(Tiếng rao đêm)
Đọc những bài thơ: Tháng Sáu, Xa Rồi Mùa Cũ, Sao Không Về Mỹ Đức, Khói Chiều Đồng Nước, Nắng Đồng Bằng... tôi
chạnh lòng nghĩ về quê tôi. Cũng là làng quê Việt Nam, cũng là những người dân
một nắng hai sương, chân chất hiền lành, sao An Giang quê anh giữ được nét mộc
mạc, hồn nhiên, với những trong trẻo niềm tin vào cuộc sống yên bình, hạnh
phúc, còn quê tôi thì sự đổi thay đang từng ngày tàn phá chất quê, hồn quê, để
những người con xa xứ chúng tôi phải nghẹn ngào nuốt lệ.
Hay những câu thơ viết về Mẹ, dù
là những ngậm ngùi "Mẹ một đời qua bao mùa lũ", "bủa
lưới đồng sâu", "leo lét đèn dầu" để tần tảo lo toan
cho cuộc sống gia đình thì tiếng lòng của nhà thơ Phan Võ Hoàng Nam vẫn ngân
lên âm hưởng của những câu lý sâu lắng, những điệu hò ngọt ngào sóng nước miền
Tây, không hề vương chút bi lụy,
yếu đuối. Hồn Mẹ hồn Quê cứ đan quyện vào nhau, cứ trong trẻo ngân lên trong
tâm tưởng của người con hiếu thảo:
"Mẹ một đời qua bao mùa lũ.
Thời con gái theo chồng bủa lưới
đồng sâu.
Leo lét đèn dầu.
Xuồng câu dập dềnh sóng nước
Đói no, buồn vui
Con nước lớn ròng."
(Khói chiều đồng nước)
Tôi khựng lại khi gặp những câu
thơ hay, bàng bạc buồn nhưng mà đẹp anh lặng viết về Mẹ:
"Cây ô môi sau vườn còn hoa
đỏ.
Lũ sâu ngủ đông mơ cánh bướm rộn
ràng.
Chiều.
Mẹ ra sông ngẩn ngơ đò dọc
Biền biệt người từ độ thu
xưa"
(Nắng đồng bằng)
Viết về Mẹ thì hầu như nhà thơ
nào cũng có vài bài và đó thường là những bài nổi trội hơn cả của các nhà thơ.
Có lẽ vì tình Mẹ bao la, sự hy sinh vô bờ của Mẹ với gia đình, với quê hương,
đất nước nên thơ viết về Mẹ thường đằm sâu, thao thiết:
"Tháng chạp.
Mẹ chọn từng hạt nếp
Góp tình quê đợi phút sum vầy
Phía dòng sông cơn bấc còn se
lạnh
Mẹ đã nghe ấm lửa đêm
xuân."
(Xôn xao tháng Chạp)
Hay:
"Bến cũ còn đây,
Mẹ giờ xa khuất nẻo.
Cánh buồm trôi về chốn hư vô.
Ổ bánh nóng giòn, cánh hoa sao
trong gió.
Trẻ thơ ơi lạc đâu mất lời
ru."
(Tháng Bảy và Mẹ)
Đọc những câu thơ như thế hỏi ai
không chùng lòng, không cắn môi để ngăn dòng lệ vì quắt quay nhớ Mẹ. Tôi cũng
thế, khi đọc những lời thơ anh viết dâng Mẹ, tôi nhớ Mẹ tôi nhiều lắm. Tôi nhớ
dáng xiêu xiêu với đôi quang gánh trên vai Mẹ tất tả về nhà. Tôi nhớ bữa cơm
độn nhiều khoai sắn, Mẹ luôn giục chị em tôi ăn nhiều cho no bụng, rồi cuối bữa
Mẹ chậm rãi vét miếng cháy, miếng khoai còn thừa, và nói: - "Mẹ ăn cho
đỡ phí.". Vì thế, khi đọc những dòng thơ anh viết về Mẹ, tôi mấy lần
phải buông sách đứng dậy, đi đi lại lại để ngăn dòng lệ chực trào.
Viết về sự cách biệt âm dương
với Mẹ thì "Lá trầu vàng"
/ "trái cau xanh héo úa", được nhiều nhà thơ sử dụng, không
mới, nhưng những hình ảnh bình dị, đời thường như thế, khi được Phan Võ Hoàng
Nam đặt cạnh những hình ảnh: "Con ngẩn ngơ" / "Bờ lau
trắng chiều xuân" của rất riêng anh thì lại có sức truyền cảm mới mẻ,
làm lay động lòng người về sự nhớ thương Mẹ mỗi khi Tết đến Xuân về:
Lá trầu vàng.
Trái cau xanh héo úa.
Lễ tổ tiên cánh phượng bay xa.
Dòng sông trôi, con đò tách bến.
Con ngẩn ngơ .
Bờ lau trắng chiều xuân.
(Góc quê Xuân và Mẹ)
Bên cạnh những bài thơ viết về
quê hương, về Mẹ, là những bài tình thơ đôi lứa chiếm dung lượng khá nhiều
trong “Nhà Không Có Đàn Bà”.
Và tôi đã từng quan niệm: - “Tình yêu! Phải có những lườm nguýt “ứ hự”, phải
có những cắn, cấu, cong người, những “nổi loạn”, hả hê... thì mới sướng, mới
khoái, mới đã, mới đích thực là tình yêu, chứ cứ lượn lờ mây trôi cá lội, í a í
a thì quá chán...”. Với tôi, yêu là phải “máu lửa”, phải có những “đè”,
“cắn”, “cấu”, “quấn”... nên không thích đọc những bài thơ dán nhãn thơ tình mà
toàn những ỉ ôi mây trôi cá lượn, ne né từ xa để tránh diễn tả những hưng phấn
(ham muốn) thể xác mà cuộc tình đó, đoạn tình đó nên có, phải có,... Thế nhưng
khi đọc Phan Võ Hoàng Nam viết về tình yêu đôi lứa, mà lạ là những bài thơ đó
chỉ viết những nhớ nhung anh dành cho (không ít) người yêu cũ, dù thiếu vắng
những “cắn”, “cấu”, “cưỡng”, “ghì”... tôi lại chăm chú ngồi đọc. Có lẽ bởi tình
yêu đó sâu lắng, thuần khiết, được chiết xuất từ trái tim cũng chỉ thuần khiết
yêu?!
Tôi muốn viết thêm vài cảm nhận
về thơ tình sâu lắng, thuần khiết của Phan Võ Hoàng Nam nhưng vì lưng đau quá,
nên mảng thơ tình của anh xin hẹn sẽ đề cập vào một dịp khác.
Hà Nội, 1giờ30 ngày 01.10.2019
Đặng Xuân
Xuyến
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét