MỢ HỮU
.
Cậu xây xong nhà ba tầng
Người cứ dần dần héo quắt
Thế rồi một sớm tinh mơ
Cậu cứ lặng im mà mất
.
Cô bác từ quê ra viếng
Thấy mợ dịu dàng mảnh mai
Mà nhà thì to đẹp thế
Biết rồi sẽ về tay ai?
.
Em chồng mắt lườm miệng nguýt
Vô tâm mợ có thấy đâu
Thương cậu, mợ không biết
khóc
Thỉnh thoảng lại hờ một câu
.
Mợ khổ từ hồi tấm bé
Mong chi lầu trắng gác xanh
Cậu chết mợ thành người lạ
Bơ vơ trong chính nhà mình
.
Chẳng thiếu kẻ đe người ướm
Nhà xinh mợ lại càng xinh
Như con thuyền nan không bến
Lênh đênh trong chính phòng mình
.
Khách khứa dập dìu lá gió
Đêm đêm chớp bể mưa nguồn
Mắt mợ dần dần hoang vắng
Họ hàng mợ cứ quên luôn
.
Mợ đáng thương hay đáng trách
Trời ơi! Tách bạch làm chi
Dòng sông muôn đời vẫn thế
Đục trong thì vẫn trôi đi
Hải Phòng, năm 1990
Trần Nhuận
Minh
Gần 20 năm viết sách và kinh doanh sách kiếm tiền, tôi không mặn
mà tới mấy chuyện thơ văn nên khi dàn trang đưa bài “Trần Nhuận Minh -
Thi Nhân “Sĩ Phu Bắc Hà”” lên trang blog Đặng Xuân Xuyến, tôi mới biết
Trần Nhuận Minh là nhà thơ tài hoa. Chả trách, nhà thơ Chu Vương Miện ở tận Hoa
Kỳ “say” ông đến “mê mẩn”.
Và cũng từ vô tình đó mà tôi biết, rồi thích bài thơ MỢ HỮU của
ông.
Vâng. Tôi thích bài thơ Mợ
Hữu đậm chất tự sự của
Trần Nhuận Minh.
Mở đầu bài thơ, là lối kể chuyện chầm chậm, nhẩn nha, như để nén
những cảm xúc sẽ ùa về, sợ sẽ làm vỡ chuyện về người cậu, người em của mẹ. Bốn
câu thơ ở khổ thơ kể về người cậu thật giản dị, mộc mạc, hệt lối nói dân dã, chân
chất của người chân quê. Chỉ thế thôi mà người đọc thấy được “Cậu” của nhà thơ
là người “một nắng hai sương”, chỉn chu, căn cơ, chất phác. Từ “cứ” được
sử dụng như một điệp từ, lặp 2 lần trong 4 câu thơ của khổ thơ như nhấn thêm,
xoáy sâu thêm vào sự bất lực, xót xa trước sức khỏe có chiều hướng xấu đi trông
thấy của người cậu. Hai từ “Thế rồi” ở câu thứ 3 thốt ra thật nhẹ, nghe
như buông xuôi, như tuyệt vọng mà sức nặng ngàn cân:
Cậu xây xong nhà ba tầng
Người cứ dần dần héo quắt
Thế rồi một sớm tinh mơ
Cậu cứ lặng im mà mất
Sau khổ thơ tự sự thật nhiều cảm xúc về người cậu, nhà thơ bắt
đầu kể về người mợ, bằng cách đặt hình ảnh “Thấy mợ dịu dàng mảnh mai”
bên cạnh “Mà nhà thì to đẹp thế” để đẩy lên nỗi xót xa của “cô bác”,
của những thân bằng quyến thuộc, dành cho người vừa mất: tài sản làm ra mà
không được hưởng. Câu nghi vấn, cũng là câu cảm thán, của lối suy diễn bạc bẽo
và đố kỵ của thói đời: “Mà nhà thì to đẹp thế/ Biết rồi sẽ về tay ai?”.
Nghe sao mà chua xót!
Nỗi đau đời được Trần Nhuận Minh đẩy cao thêm: “Em chồng mắt
lườm miệng nguýt”, làm đau hơn cái thế thái nhân tình bị sức mạnh vật chất
chi phối. Thì ra, người ta đến đám tang người thân phần ít là vì đau xót, mà
phần nhiều là vì ấm ức, đố kỵ, là ngóng kiếm chác từ khối tài sản kếch xù của
người vừa mất, xác vẫn còn đang nằm trong quan tài giữa nhà. Thật là tàn nhẫn,
bỉ ổi!
Hình ảnh “Em chồng mắt lườm miệng nguýt” làm ta nhớ tới
mối quan hệ “chị dâu em chồng” vốn đã được mặc định chả tốt đẹp gì trong tiềm
thức dân gian. Chỉ câu “Em chồng mắt lườm miệng nguýt”, Trần Nhuận Minh
đã khắc họa mối quan hệ giữa “Mợ” và “Em chồng” rõ đang ở thế gầm
ghè, căng thẳng, sắp chực trào vì sức hút của kim tiền, khiến ta chạnh lòng
thêm về hình ảnh người mẹ rất thực dụng trong ca dao: “Em đã bảo mẹ rằng
đừng/ Mẹ hấm mẹ hứ mẹ bưng ngay vào.”.
Gia đình chồng (cô bác) thì như thế. Em chồng thì như vậy. Tất
cả đều ghé mắt vào khối tài sản “Cậu” để lại mà hậm hực, mà đố kỵ. Còn “Mợ” thì
sao? Nếu ở khổ thơ trước, Trần Nhuận Minh kể “Mợ” của ông đẹp về hình thức “Thấy
mợ dịu dàng mảnh mai”, thì ở những khổ thơ này, ông kể về bản chất thật
thà, chân chất của người mợ: “Vô tâm mợ có thấy đâu/ Thương cậu, mợ không
biết khóc/ Thỉnh thoảng lại hờ một câu.”.
Và ông trần tình thêm về người mợ:
Mợ khổ từ hồi tấm bé
Mong chi lầu trắng gác xanh
Cậu chết mợ thành người lạ
Bơ vơ trong chính nhà mình
Đến đây, người đọc thấy nhói lòng, đau xót quá.
Câu ca dao “Cậu chết mợ ra người dưng” đã phũ phàng, đen
bạc chốn dân gian nhưng qua sự kế thừa của Trần Nhuận Minh, ông đẩy sự tàn
nhẫn, đen bạc đó cao lên thêm một bậc: “Cậu chết mợ thành người lạ”, bởi
“người dưng” chỉ người ngoài, người không có quan hệ họ hàng, thân
thích, còn “người lạ” chỉ người không hề quen biết, khiến hình ảnh người
mợ “bơ vơ trong chính nhà mình” càng tăng thêm ám ảnh, đau xót.
Dường như quá bất bình với những đố kỵ, hẹp hòi từ những kẻ mượn
danh người thân hòng sang đoạt tài sản của người mợ, từ những toan tính trục
lợi của những kẻ cơ hội, nhà thơ đã chua xót lật tẩy thói đời khốn nạn của
những kẻ lòng dạ nhơ bẩn, đau đáu vì tiền: “Chẳng thiếu kẻ đe người
ướm/ Nhà xinh mợ lại càng xinh”; và cảm thán sự bất lực, lẫn cả sự bất
hạnh của người mợ chân chất, hiền lành trước lũ người gian manh, đểu cáng khi
mà người phụ nữ “chân quê” đó chỉ mong có được sự bình yên nhỏ nhoi với một hạnh
phúc bình dị, giản đơn cũng không có được: “Như con thuyền nan không
bến/ Lênh đênh trong chính phòng mình.”
Nhà thơ tiếp tục đau xót với nỗi cảm thương cho người mợ bằng
những dòng thơ viết về tận cùng nỗi cô đơn: “Khách khứa dập dìu lá gió/ Đêm
đêm chớp bể mưa nguồn”; về nỗi đau âm ỉ của niềm tin, của tình nghĩa đã cạn
kiệt, héo rũa: “Mắt mợ dần dần hoang vắng/ Họ hàng mợ cứ quên luôn”. Từ
“cứ” lần nữa được nhà thơ sử dụng, như thêm một mặc định tất nhiên để
cảm thông cho người mợ.
Rồi nhà thơ tự hỏi, tự vấn lòng mình: “Mợ đáng thương hay
đáng trách”? Và kêu lên tiếng than, nửa như tự trách mình, nửa như trách cứ
người đời: “Trời ơi! Tách bạch làm chi.”, để tiếp tục lại tự trấn an
mình bằng triết lý có phần an phận, chấp nhận xuôi theo thói đời vô cảm như đã
thành thông lệ, thành chân lý của dòng đời: “Dòng sông muôn đời vẫn thế/ Đục
trong thì vẫn trôi đi.”
Bài thơ khép lại với một tiếng thở dài.
Hà Nội, chiều 07 tháng 09 năm 2018
Đặng Xuân Xuyến
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét