1. Cơn mưa rả
rích từ quá trưa tới chạng vạng. Tiếng côn trùng ngái giấc kêu rân, ngừng bặt rồi
lại kêu rân.
Hắn
như một lữ khách tưng tưng dọc bờ sông. Lau lách dạt nước bắn tung tóe vào mặt.
Chẳng thèm quan tâm cảnh vật chung quanh, đến bãi trống hắn dừng lại tìm chỗ
ưng ý ngồi nghỉ. Bên kia sông quần tụ phố xá, đèn giăng mắc sáng lung linh mời
gọi dù trời chưa tối hẳn. Chỉ cách nhau một con sông đầy lục bình trôi mà khác
nhau một trời một vực. Không ai nhìn thấy hắn trong nhờ nhợt tối.
Chẳng
bao lâu, hắn đứng dậy, đi ngược lại, leo lên một lối mòn rồi biến mất. Hắn về
nhà, ngôi nhà tôn ẩm thấp nấp dưới vòm cây tối đen.
- Mày đi đâu về đó?
Hắn
hậm hực chẳng trả lời mẹ, leo lên chiếc chõng tre nằm ngủ. Đêm suông, tiếng thở
dài thườn thượt của mẹ nghe đến nghẹn lòng.
Đứa con trai duy nhất, đã hơn hai mươi tuổi vẫn chưa có việc làm. Việc đồng
áng thì nhiều lắm nhưng có khi nào nó chịu nhúng tay vào đâu. Chẳng biết chum gạo
đầy hay lưng, ảng nước còn hay hết. Cứ mơ xa, xa hơn hẳn cái trình độ lớp 9 của
hắn.
Mẹ
biết hắn đã đi đâu về. Chỗ hắn ngồi là bến đò. Nói cho oai chứ cả xóm chỉ năm
ba nhà có đò. Hằng ngày hắn chèo đò đưa mẹ qua sông bán năm bó rau lang, chục
bó rau cải đổi mắm muối gạo dầu rồi trở về. Hắn xấu hổ vì bộ đồ xỉn nâu mốc mưa
sém nắng trên người nên chẳng khi nào chịu lên bờ. Cứ ngồi mũi đò nhìn người
qua kẻ lại và mộng tưởng.
Chợ
cách sông một con đường mới được xây dựng chưa hoàn thiện. Lần nào cũng vậy,
khi chèo đò đưa mẹ về, nhìn đám bèo bọt chung chinh chùng chình, hắn cũng thảy
một câu duy nhất:
-
Chắc đông vui lắm!
Và
mẹ hắn cũng hắt lại một câu duy nhất:
-
Có mày sẽ đông vui hơn!
Hôm
nào có ông Tư, bà Hoan đi nhờ đò thì góp thêm vài câu:
-
Mày chịu khó vào chợ mà xem, nhiều cô bán hàng trạc tuổi mày xinh lắm. Con trai
gì chỉ biết có một mình mẹ.
Hắn
yên lặng chau mày khó chịu.
2. Xóm Cồn vốn
yên bình lặng lẽ bỗng dưng ồn ào hẳn lên.
Như
thường lệ, hắn chèo đò đưa mẹ sang sông, khi trở về, một gã đàn ông mặt mày đầy
đặn, sực nức mùi thơm, ăn diện sang trọng xin qua sông. Hắn nhìn bộ vét nâu
trên người gã một cách chăm chú. Đôi giày đen mà sáng loáng làm hắn sẩy mắt.
Chưa khi nào xóm hắn đón một người khách sang trọng như thế.
Mẹ
hắn tò mò:
-
Ông đến tìm ai ở xóm Cồn?
Gã
cứ nhìn bên kia sông chỗ cỏ dại mọc um tùm:
-
Chẳng tìm ai cả. Tôi đi mua đất. Bà biết
ai bán đất chỉ cho tôi mua.
Mẹ
hắn có chút ngạc nhiên, bao đời này có ai thăm hỏi chi cái xóm này đâu.
-
Đất ở đây thì nhiều lắm. Nhà nào cũng cả nghìn mét vuông chứ chẳng ít đâu. Mà
ông mua chi cái đất nhú chua nảy mặn này?
Gã
nheo mắt làm ra vẻ ta đây đang mang lợi lộc đến xóm này.
-
Cần thì mua, nhưng không mua rẻ của bà con đâu. Nghìn mét vuông đất cũng cả vài
chục triệu đó. Bà bán bớt cho tôi để làm chi cho cỏ dại cỏ khờ nó mọc như vách
dựng kia kìa.
Hắn
nghe rất rõ, nhen những tia nhìn không chớp. Hắn tấp đò vào một lối mòn mịn cỏ.
Gã đàn ông nhảy lên bờ theo mẹ con hắn vào xóm. Đi đến đâu gã cũng lảnh lót một
bài.
-
Cả chục triệu đó, bán đi tôi mua hết.
Ông
Tư có con trai con gái làm ở xã nên rất cảnh giác, thủ thỉ với mọi người:
-
Đừng có vội nghe lời gã, thong thả xem động tĩnh đã!
Mấy
tháng sau, người ta khởi công xây một cây cầu bắc qua sông. Câu chuyện đổi đời
xóm Cồn bắt đầu từ đó. Ông Tư, bà Hoan, mẹ con nhà hắn và bà con trong xóm bận
rộn cả lên, ai cũng hớn hở hơn mọi ngày, niềm vui và nỗi niềm cứ đan xen trong
từng hơi thở. Ngoài giờ chèo đò, hắn mom men theo mấy thợ làm cầu tìm hiểu:
-
Bao giờ xong hả anh?
-
Độ nửa năm
-
Xây cầu rồi làm gì nữa?
-
Xong cầu thì làm đường, xóm Cồn của bạn sẽ thành phố xá, điện sáng, nước sạch,
xe cộ tấp nập như bờ bên kia kìa. Rồi một mét vuông đất cũng cả chục triệu chứ
không ít!
-
Thì ra thế!
Hắn
buột miệng thốt lên. Chục triệu là một mét vuông chứ không phải chục triệu là
nghìn mét vuông như gã kia rao mua bữa trước. Đổi đời rồi bà con ơi. Hắn hoạt
bát hẳn lên, rêu rao cho cả xóm biết. Hắn vui mừng là có lý do riêng. Học xong
lớp 9, vì nhà nghèo hắn phải nghỉ học, tạm quên đi bao ước mơ dự định hằng ấp ủ.
Nó lầm lì với mẹ, nín lặng với bà con chòm xóm chỉ là bề ngoài thôi! Nhưng rồi,
hôm nay...
Ông
Tư khen:
-
Giỏi lắm! Phải xông xáo mới theo kịp thời
đại con ơi!
Ông
Tư đâu biết được trong bộ dạng ông lữ sông quê hắn đã mài nhẳn tư duy, năng động
hết cỡ. Nấp trong lau lách già nua, nhìn từng cánh chim cò hoang dại hắn đã vẽ
lên mặt sông bình yên nào bến bờ thanh xuân sôi động, nào thuyền ngược xuôi buồm
căng gió lộng, nào bãi bờ hoang vu sẽ mọc lên những ngôi nhà mới mấy tầng cao
và những gió lao xao lẫn trong dáng kiều tha thướt. Chiều chiều hắn ném lên mặt
sông tối ngầu bao ước mơ dự định.
Hắn
thả mồi không chỉ để bắt bóng, trước mắt, một ông lữ sông quê, hắn ném vào lòng
sông sâu những miếng mồi ngon và chờ đợi…
Đợi
cá cắn câu? Đợi phố xá mọc lên, điện giăng sáng lóa? Đợi gã đàn ông hôm trước?
Hắn đợi tất.
Một
chiều, trong lúc đang giật cần khi cá cắn câu hắn đã thấy gã đàn ông đi mua đất
ngày nọ không biết từ đâu đang đi đến gần.
-
Cậu câu được nhiều chưa?
Bận
gỡ con cá hắn không trả lời, chỉ hơi gật đầu mỉm cười chào. Gã cũng kịp nhận ra
hắn là người đã chèo đò đưa gã sang sông.
-
Làm nghề chèo đò phải không? Có cầu rồi ai đi đò nữa đâu! Theo anh làm ăn rồi cậu
sẽ phất lên cho mà xem.
Hắn
không cười nữa, chăm chú nghe. Gã dừng lại nhìn hắn, nụ cười tinh ròng trên
môi. Gã lại tiếp:
-
Cậu làm cho anh, lương mỗi tháng trước mắt là năm triệu, chỉ việc ăn mặc sang
trọng, ngồi trong mát, cho khách xem bản đồ quy hoạch khu dân cư mới này.
Hắn
tập trung thần lực để nghe không sót một lời. Mặt nước động đậy, cá lại cắn câu
chăng?
-
Cho cậu chiếc điện thoại này, đồng ý thì gọi cho anh. Anh sẽ may cho cậu bộ đồ
giống như anh để đi làm việc.
Gã
lấy chiếc điện thoại chần lên nửa tờ lịch có ghi nguệch ngoạc mấy con số đặt cạnh
giỏ cá rồi đi mất. Mặt hắn nống ra. Giờ thì rõ rồi. Công việc chẳng nặng nhọc
gì, lương cũng hậu hĩnh lại được ăn diện sang trọng. Hắn mềm lòng, chắc mẩm sẽ
lên đời, hứng khởi vác cần ra về.
3. Khu đất dưới
chân cầu mọc lên một cái ki-ốt góc cạnh, bốn bề lộng gió. Hắn với bộ vét nâu,
đôi giày đen chễm chệ trên chiếc ngai vàng xoay xoay đắt tiền. Phía sau lưng hắn
là một bản đồ quy hoạch khu dân cư mới to tướng làm nền. Trên bàn làm việc, tấm
bản đồ thu nhỏ đặt dưới tấm kính như một màn hình phẳng.
Những
ngày đầu đi làm hắn mắc cỡ như chiếc độc mộc quê giữa hào nhoáng sông hồ. Có
lúc như người mộng du, bay từ cõi này đến cõi khác, nhưng lại rất tự hào vì
không hề có đôi cánh nào nâng đỡ. Tự ban phép và tự huyễn. Ngồi ngắm mình hằng
giờ nhấm nháp thời gian chống chếnh trôi cho đến khi ứ đầy vị chán. Lại ngáp vặt
như gió nấc. Lại nhận lương bọc bị. Người dân ở đây chẳng ai đến thăm hỏi gì bởi
cái bản đồ này giống hệt cái bản đồ treo trước ủy ban nhân dân xã. Cũng có vài
ba người ở nơi xa đến tò mò dòm dòm ngó ngó rồi bỏ đi. Hắn chẳng tốn chút công
sức gì.
Thi
thoảng gã chủ của hắn cho người mang giấy tờ gì đó cho hắn ký. Lần đầu tiên
trong đời hắn biết ký tên, chữ ký như vệt vôi như bóng khói. Sướng thật! Hắn lơ
ngơ nghĩ rằng mình đang là vua cái kinh đô thành quách dưới chân cầu này.
Thế
mà trước đây mẹ cứ ngăn cản. Còn nhớ, khi hắn mang tấm bản đồ về nhà, nhờ con
ông Tư làm ở ủy ban xã xem xét, mẹ mới chịu đưa chứng minh nhân dân của hắn cho
kia gã làm hợp đồng hợp điếc gì đó. Ông
Tư thì luôn miệng dặn dò coi chừng bọn đặt bày mưu mẹo lừa đảo, phải làm đúng
những lời gã kia đã hứa.
Ngày
nhận tháng lương đầu tiên hắn run như thể trúng độc, vật vã mồ hôi, mang cả về
đưa cho mẹ. Mẹ hắn run cũng chẳng kém. Vừa mừng vừa lo. Mừng thì rõ rồi. Lo cái
gì chứ? Công việc không phạm pháp, không lừa dối ai, chẳng mua chẳng bán gì. Chỉ
là cánh tay nối dài của nhà nước công khai minh bạch dự án khu dân cư, xã họ
cũng rất đồng tình! Mà sao trái tim người mẹ cứ dấm dứt, khản nhịp.
-
Mẹ cất giùm đây, khi nào cần thì mày lấy mà tiêu.
Hắn
nói chắc nịch:
-
Tiền đó là của mẹ, lương những tháng sau là của con.
-
Ừ! Mày nhớ tiêu xài vừa phải, ông trời trêu ngươi thì khổ! Trước đây, không có
mấy đồng tiền chửa non này, có chút bấp bênh nhưng mẹ con mình vẫn sống đó
thôi.
Hắn
định nói với mẹ điều gì đó, như một oán trách, nhưng lại biết kiềm chế và yên lặng.
Mẹ gói mấy triệu đồng trong chiếc khăn cũ, bỏ vào cái mẹt, chần lên một miếng
mo cau rồi mang đi cất giấu. Đã mấy tháng rồi, mẹ cũng quên mất không biết cái
mẹt tiền nằm ở đâu!
Chẳng thấy trái gió trở trời chi mà sao mới nhận
được tháng lương thứ tư thì hắn bị bắt. Có sự nhầm lẫn chăng? Mẹ hắn kêu gào thảm
thiết, thấm vã máu tươi.
Không
ai tin cả, cho đến khi con ông Tư đi tìm hiểu rồi giải thích lại bà con xóm Cồn
mới vỡ lẽ ra. Gã kia dựng hắn lên làm giám đốc một công ty lừa đảo ở trên tỉnh
mà hắn không hề hay biết. Ba tháng ngập ngà ngập ngọng ký giấy tờ chiếm đoạt
hàng tỉ đồng. Cái ki-ốt, tấm bản đồ và công việc rất thật hằng ngày dưới chân cầu
chỉ là cách để hắn chiêu dụ lạc hướng mọi người.
Cơ
đồ hoang mộng ở chốn giang đầu vỡ phiên nước lớn.
Trước
tòa, hắn chẳng biết nói gì, thực lòng hắn không biết gì để nói. Cái gã chủ sực
nức mùi thơm kia đã cao bay xa chạy nơi thâm sơn cùng cốc hay vẫn nhởn nhơ trước
thanh thiên bạch nhật, đi tìm những vùng đất mới, những cây cầu mới, quệt lời
trăng hoa lên đất, dụ dỗ đám lục bình dễ trôi như hắn.
Cái
án tù năm năm rạng lửa đốt tuổi thanh xuân thành tro bụi. Những mộng tưởng với
mơ xa gói ghém trong bốn bức tường không còn lộng gió.
Còn
mẹ?
Ngay
tháng lương đầu tiên đã bào mòn từng hơi thở. Đồng tiền dưới mẹt mo cau lãng
quên rúm ró.
Rồi
những năm năm, nỗi đau, nỗi quạnh vắng, nỗi tủi nhục, nỗi uất ức lặm vào tâm
can, thất thần, điên loạn.
4. Ngày
ra tù, mẹ đã không còn nhận ra hắn nữa. Bà con xóm Cồn đã cưu mang mẹ hắn cái
ăn, cái mặc, cả thuốc men chữa bệnh nhưng không thể nào chữa được tâm bệnh của
bà.
Xóm
Cồn đã thay đổi nhiều. Ngôi nhà cũ biến mất. Mẹ hắn ở một nơi hắn đi tìm một
ngã. Đường sá vào xóm cũng lạ lẫm. Cứ tưởng sau năm năm xa mẹ, giờ là lúc hắn
chăm sóc mẹ già, trả ơn trả hiếu, ai ngờ...
Một
đêm không trăng, dưới ánh đèn nhờ nhạt, hắn mời ông Tư ra bờ sông nhâm nhi rồi
thưa gởi:
-Thưa
chú Tư, con sẽ đi xa kiếm sống...
Ông
Tư nghe như sét đánh bên tai, có chút men rượu làm ông giận dữ:
-
Mày nói gì, mày bỏ mẹ già bệnh tật rồi đi sao? Đồ bất hiếu!
Hắn
vẫn bình tĩnh, dường như biết trước sự phẩn nộ của ông Tư:
-
Con xin nhận là đứa con bất hiếu nhưng...
-
Không nhưng không nhị chi cả, tau không nghe nữa!
Ông
cầm chai rượu ném xuống dòng sông, chẳng nghe động tĩnh chi bởi dòng sông quá
xa và chai rượu thì quá nhỏ. Hắn vẫn nói, có thể là nói với chính mình.
-
Mấy năm qua không có con, mẹ con vẫn được các bác các chú cưu mang, nếu con đi
tù mười năm thì sao, bà con vẫn cưu mang mẹ con phải không chú? Do nhà nghèo
con phải thất học, nhưng con biết mẹ luôn mong con trở thành người có học, có
ích cho xã hội. Biến ước mơ của mẹ thành hiện thực mới là trả hiếu. Con đi năm
năm nữa, trăm sự ở nhà nhờ chú Tư và bà con lối xóm lo giúp.
Ông
Tư cũng đã bình tâm trở lại nhưng rất lấy làm lạ cách báo hiếu của hắn, liệu hắn
nói đúng hay ông nghĩ sai.
-
Mày làm ăn gì mà phải đến năm năm?
Hắn
sụp xuống vái lạy làm ông không kịp tránh.
-
Con sẽ vừa làm vừa học, chú hãy tin con!
Hất
hắn qua một bên, trước khi bỏ đi ông Tư còn ném vào mặt hắn một câu cho bỏ ghét
bỏ tức.
-
Hừ! Đồ hư đốn!
Sương
đêm ướt cả áo, hắn vẫn một mình nhìn dòng sông lặng lờ trôi, đám lục bình trôi
theo chẳng biết về đâu! Hắn biết sẽ phải làm gì chứ không như đám lục bình kia
nữa.
Ngày
mai xóm Cồn sẽ không nhìn thấy hắn, chẳng khác gì năm năm qua, cứ nghĩ như vậy
cho mọi việc thoải mái hơn, như hắn đã nói, nếu ở tù mười năm thì sao!
Nguyễn Bá Hòa
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét