Bác sĩ T. chào tôi bằng tờ báo cuộn tròn vỗ mạnh lên vai trước khi đi nhanh về phòng riêng. Tôi bước tới ký tên vào sổ trực cấp cứu sau bác sĩ T. và 2 y tá khác. Ê-kíp trực đêm nay chỉ có 4 người.
Thị xã về đêm đã sáng đèn. Con đường băng qua trước cổng bệnh viện chỉ còn lác đác những chuyến xe liên tỉnh hối hả chạy qua. Bệnh viện không bao giờ ngủ. Những khoa, phòng luôn sáng đèn suốt đêm trong lo âu, mệt mỏi. Ngoài kia, một xã hội thu nhỏ cũng thao thức cùng nhịp thở nặng nhọc bên trong bệnh viện. Nơi tôi đang đứng là cơ sở vật chất của một nhà thờ được sửa sang, cải tạo lại thành phòng mổ, phòng cấp cứu, phòng điều trị nội trú, X quang, hồi sức… Tất cả là sự lắp ghép tạm bợ để đáp ứng nhu cầu điều trị cấp thiết của người dân thị xã và những vùng lân cận. Sau hòa bình, đất nước gượng đứng lên với những vết thương chưa lành và những mất mát khó lấp đầy. Cán bộ lãnh đạo, bác sĩ, y tá, hộ lý, nhân viên kỹ thuật… đa số là người được lưu dụng. Họ được giữ lại để tiếp tục công tác trong khi nguồn nhân lực chi viện và đào tạo mới chưa đáp ứng kịp.
Tôi đến với ngành Y như một cơ duyên hơn là sự chọn lựa. Vợ tôi là y tá công tác lâu năm ở bệnh viện này. Sau 1975, trình diện, học tập xong, tôi lông bông chạy chợ kiếm sống bằng đủ thứ nghề, kể cả chạy xe ôm, bán hàng la… Nhờ quen biết, nhờ có bằng cấp chuyên môn, tôi từ dân mua bán chợ trời trở thành bảo vệ bệnh viện và cuối cùng, do thiếu người, tôi chuyển sang làm y sĩ dạng hợp đồng. Tôi làm nhiều việc có thể làm được để kiếm thêm chút ít tiền phụ vợ lo cho mấy đứa con đang tuổi ăn tuổi học.
Một ca trực đêm yên ổn. Tôi nghĩ thế khi đồng hồ đã nhích sang con số 2. Cả đêm chỉ có vài ca xây xát nhẹ do va chạm giao thông. Tôi và đồng nghiệp tự xử trí, không cần gọi bác sĩ trực. Tôi nghĩ bác sĩ T. cần được chợp mắt vài giờ để lấy lại sức sau hai ca phẫu thuật kéo dài suốt ngày hôm nay. Ông là một bác sĩ giỏi, tận tình trong công việc và gần gũi với nhân viên dưới quyền. Ngày mới nhận việc, khi lớ ngớ đứng trước cửa phòng nhân sự, ông chào tôi bằng cái đấm lên vai: “Làm tốt nhiệm vụ của mình nghe, anh bạn!”. Đó là ngày đầu tôi đụng tới bông, băng sau thời gian dài tưởng đã phải chia tay ngành Y.
3 giờ sáng. Sau ánh đèn chói lòa, 2 chiếc ô tô tiến qua cổng bệnh viện. Thêm một ca cấp cứu. Hai chiếc xe du lịch nối nhau dừng lại trước sân. Cửa xe mở vội, người bên trong chen nhau hối hả bước ra ngoài. Một bà cụ lớn tuổi được 2 thanh niên kè ra khỏi xe. Bà bước lê những bước chân khó nhọc, đau đớn qua bậc tam cấp. Người lớn và cả những em bé lục tục bước theo sau trong nét mặt bồn chồn, lo lắng.
Tôi ra hiệu cho y tá ngăn họ lại trước cửa. Đèn bật sáng. Ê-kíp trực bắt tay ngay vào công việc. Tôi vừa ấn tay lên bụng bệnh nhân vừa hỏi cô y tá đứng bên:
- Huyết áp?
- Dạ, 13/8. Thân nhiệt 37,5. Mạch 105 ạ!
- Được, chị qua mời bác sĩ T. xin ý kiến.
Bà cụ oằn người, nhăn nhó theo mỗi nhịp đau nơi phần bụng, mồ hôi vã ra ướt đầm thân thể. Bà cắn răng, môi mím chặt nhưng tiếng rên vẫn run run thoát ra từ cái miệng móm mém. Bác sĩ T. xuất hiện trong chiếc áo blouse chưa kịp cài khuy. Ông lướt mắt qua những con số ghi vội của cô y tá, tay ấn nhẹ dưới cạnh sườn bà cụ, hỏi người đàn ông có ria mép đứng cạnh:
- Bà cụ đau bao lâu rồi anh?
- Dạ, gần 2 tiếng – Giọng anh ta đầy vẻ lo lắng.
- Nhà có cho uống thuốc hay làm gì chưa?
- Dạ chưa, thưa bác sĩ. Thấy mẹ đau quá nên tức tốc chở vô bệnh viện – Người đàn bà mặc áo đỏ nhanh nhảu trả lời.
Bác sĩ T. trấn an:
- Cả nhà yên tâm. Không sao đâu.
Quay sang tôi, ông nói nhỏ:
- Anh cho bà cụ một mũi Propara 300mg; thêm Buscopan 20mg chống co thắt cơ trơn, tiêm bắp.
Bác sĩ T. nói đủ cho tôi nghe, rõ ràng, chi tiết và chuẩn xác. Quay sang người nhà bệnh nhân, ông hỏi:
- Nhà mình có khả năng mua thêm thuốc bên ngoài cho bà cụ không?
- Dạ có. Có ạ! Bác sĩ cứ ghi toa, loại thuốc ngoại nhập nào tốt nhất – Người có ria mép và người áo đỏ tranh nhau trả lời.
Bên ngoài cửa có thêm tiếng nói chen vào:
- Anh chị nói với bác sĩ kê loại thuốc nào hay nhất. Giá cả bao nhiêu, bán ở chỗ nào tụi em cũng tìm mua cho bằng được!
Cầm đơn thuốc bác sĩ vừa ghi, tôi ra hiệu cho người đàn ông bước ra phía ngoài phòng cấp cứu. Nhón chân nhìn qua cánh cổng sắt bệnh viện, tôi nói:
- Anh băng qua bên kia đường, cạnh quán cà phê còn sáng đèn là quầy thuốc Tây tư nhân. Giá cả tuy có cao nhưng thuốc gì cũng có!
Anh gật gù cám ơn, cầm đơn thuốc chạy nhanh về phía cổng. Tôi quay vào phòng cấp cứu chuẩn bị tiêm thuốc giảm đau và động viên bà cụ:
- Bác ráng chịu đựng thêm chút nữa, lát sau sẽ bớt đau thôi.
Bà cụ nhìn tôi bằng ánh mắt cầu cứu. Những cơn đau dồn dập làm bà co quắp người lại, mồ hôi vã ra như tắm, gương mặt nhăn nhúm thật đáng thương. Tôi đã quen nhìn cảnh thương tích, máu me, quen nghe tiếng rên rỉ, la hét của bệnh nhân trong cơn đau đớn, thậm chí tôi đã không ít lần chứng kiến cảnh người bệnh ra đi trong sự bất lực của thầy thuốc và người thân, nhưng đêm nay, đứng trước sự chịu đựng quá sức của cụ bà, tôi thấy như có ai cầm dao cứa vào trái tim mình. Hy vọng đây chỉ là một ca đau túi mật bình thường, tôi và ê-kíp trực chỉ cần thực hiện đúng y lệnh của bác sĩ, mọi thứ sẽ đâu vào đó…
Cánh cửa phòng bật mở. Người đàn ông có ria mép bước vào, giọng đầy lo lắng:
- Không có bán loại thuốc ghi trong đơn, bác sĩ ơi!
- Trời đất! Sao vậy? Anh đã hỏi kỹ người ta chưa? – Người đàn bà mặc áo đỏ giằng lấy đơn thuốc trong tay anh mình, trách móc:
- Anh đưa đây, em qua bên đó hỏi lại lần nữa.
Chị ta biến nhanh trong đêm tối như người anh của mình. Dưới ánh đèn vàng ệch trước cổng bệnh viện, tôi thấy cái bóng nhỏ nhắn của chị băng vội vã qua đường. Nửa giờ sau, không thấy chị áo đỏ quay lại, tôi đẩy cửa ra ngoài hành lang hỏi những người đang ngồi lố nhố trên băng ghế chờ:
- Người nhà của bệnh nhân có mua được thuốc chưa ạ?
Một người đứng lên, giọng ngập ngừng:
- Dạ… chưa, thưa bác sĩ!
Tôi thở hắt ra, thất vọng. Lần nữa tôi lại nhón chân nhìn sang bên kia đường, nơi có cửa hàng bán thuốc của người bạn thân vẫn mở cửa suốt đêm. Lạ thật! Hắn nói mới nhập về một đống thuốc ngoại, lẽ nào không còn loại thuốc này?
Đêm trôi dần về sáng. Xe cộ và người mua bán qua lại trước cổng bệnh viện ngày một tấp nập hơn. Lúc này tôi mới có thời gian nhìn kỹ những người đang nằm ngồi la liệt trước hành lang phòng cấp cứu. Hơn 20 người. Hình như hầu hết trong số ấy là thân nhân của bà cụ nằm trong kia, trong đó có cả mấy em bé đang ngủ gà ngủ gật, có những cô cậu tuổi mới lớn mang theo cho bà nào là gối ôm, gấu bông, mền nhung của Mỹ… Trong ánh sáng lờ mờ, họ ngồi chụm đầu vào nhau thành từng nhóm, thì thầm bàn tán. Bên ngoài sân, hai chiếc xe du lịch bóng lộn và nhiều xe máy đắt tiền đậu choán hết cả một khoảng sân. Tôi biết họ. Tôi biết cả danh tiếng của bà cụ đang nằm trong phòng cấp cứu. Họ là những người giàu có nức tiếng ở thị xã này với khối tài sản khó ai đếm hết được.
Trở vào phòng, tôi nghe tiếng rên khe khẽ của bà cụ lẫn trong tiếng gió sè sè của mấy cái quạt điện đang quay tít trên trần nhà. Bà cụ đã ngấm thuốc và êm ái đi vào giấc ngủ. Sắp hết ca trực đêm. Tôi bước ra phía cổng, hít căng phổi không khí trong lành đầu ngày. Dọc bờ tường rào bệnh viện, nhiều người vẫn còn nằm quấn chăn, co người ngủ ngon lành trên những tấm chiếu rách trải lộn xộn trên vệ cỏ ven đường. Họ là những người lao động nghèo, ngủ lăn lóc, vạ vật chờ có người gọi là chạy nhanh qua cánh cổng nhỏ để tranh nhau bán máu!
Bàn giao công việc cho ê-kíp trực mới, tôi mở toang cửa sổ phòng đón ánh bình minh đầu ngày. Bên bậu cửa xám nâu rỉ sét, tôi thấy một chiếc máy bay gấp bằng giấy trắng tinh nằm vắt ngang, sáng lung linh dưới nắng mặt trời. Một chi tiết màu đỏ trên cánh máy bay hút lấy ánh mắt tôi: đó là chữ ký của bác sĩ T. Tôi tò mò nhoài người tóm lấy món đồ chơi trẻ con ấy, mở vội ra xem. Đúng là nét chữ nắn nót của bác sĩ và chữ ký không thể nhầm lẫn của ông. Trong đêm, có đứa trẻ nào đó đã xếp tờ đơn thuốc thành chiếc tàu bay giấy này, phóng lên để nó bay trong một trò chơi và cuối cùng mắc kẹt lại trên khung cửa sổ…
Bước ra khỏi cổng bệnh viện, bạn tôi í ới gọi. Tôi khoan khoái ngồi bên chiếc bàn nhỏ kê trước hiệu thuốc, nhấm nháp hương vị ngọt thơm của ly cà phê đầu ngày. Bất chợt nhớ ra điều gì, tôi hỏi thằng bạn dược sĩ sau khi vuốt thẳng chiếc máy bay giấy đang cầm trên tay:
- Mặt hàng này hết thiệt sao ông?
Hắn sửa lại kính, nhìn kỹ vào tờ đơn thuốc, bật cười ha hả:
- Mới nhập về hôm qua. Còn… bao la!
- Hồi hôm có hai người qua đây hỏi mua thuốc này, sao ông nói hết?
- Ai? Phải ông có râu với bà áo đỏ không? Họ qua hỏi mua sô-cô-la với kẹo ngậm. Có ma nào hỏi mua thuốc đâu!
Tôi bần thần như người sắp bệnh. Nốc cạn những giọt cà phê cuối cùng, tôi nghe đắng ngắt trong cổ họng. Xếp đơn thuốc lại cho thành hình thù chiếc tàu bay, tôi cười khan khi phóng nó lên trời.
Chiếc tàu bay giấy lượn mấy vòng trên không thật đẹp – thật mỹ miều và hoàn hảo – trước khi nhẹ nhàng đáp xuống đất. Một người qua đường giẫm lên nó dưới bàn chân bước vội…
Tôi đi công tác các huyện biên giới, nửa tháng sau trở về mới biết tin bà cụ đã qua đời. Nghe nói đám tang bà tổ chức long trọng như đám tang một vị lãnh đạo cao cấp. Thời buổi khó khăn sau hòa bình, lúc cuộc chiến biên giới Tây Nam đang nổ ra nóng bỏng, vậy mà bà được đưa đến nơi yên nghỉ với sự hộ tống của hàng chục xe tang kết hoa. Khu mộ của bà nằm ở nơi đẹp nhất thị xã. Nhà mồ lộng lẫy như tòa lâu đài với mái ngói đỏ vươn cao giữa trời xanh. Một con đại bàng trắng tạc bằng đá quý gắn ở giữa chóp cao ngôi nhà mồ, hai cánh dang rộng như muốn tung cánh bay vào trời xanh.
Giữa trưa, từ cổng bệnh viện nhìn sang khu mộ táng của bà, tôi thấy con đại bàng như đang vẫy cánh! Cầu mong bà bay về cõi vĩnh hằng trên đôi cánh chim chứ không phải là cánh tàu bay giấy…
Nguyễn Lệ Ba
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét