- Trang chủ
- |
- Giới thiệu
- |
- Quy ước
- |
- Tác giả
- |
- Thư ngỏ
- |
- Lá thư Bông Tràm
Tác phẩm kỷ niệm 10 năm hoạt động của Bông Tràm, có sự góp mặt của 50 tác giả với trên 100 tác phẩm. Sách dày 312 trang, khổ 13 x 19 cm, giá 100.000 đồng.
Con Ngọc mặc đồ cũn cỡn, cái áo lòi cả lỗ rốn, cái quần không còn chỗ nào ngắn hơn nữa đi ngang qua chỗ mấy ông đang ngồi nhậu trên bậc thềm nhà dì Tư. Thằng quỷ nhỏ Liêm ngắm mãi bộ ngực tròn đầy của con Ngọc uống hết ly rượu mà nói vọng ra, chẳng nhằm vào ai cả:
- Nhìn mà chảy nước miếng á hì! Rót cho tui ly nữa na Hải quắn.
Con Ngọc quay quắt lại, sưng xỉa với thằng Liêm:
- Cái đồ mất nết, của bà thích thì bà khoe chứ mắc chi rứa, coi chừng bà đó nghen.
Thằng Liêm giận quá, đứng bật dậy, lớn giọng:
- Ê cái con nhỏ kia, mày nói ai mất nết? Coi chừng tao đó nghen!
Con Ngọc cũng không vừa, trả treo lại: Tui có réo tên ai ra nói mô, tự dưng vơ vô mình rồi tức, coi chừng đột quỵ đó!
Mọi người trong bàn nhậu can ngăn không thì có cuộc chiến đã xảy ra. Thằng Liêm đưa ly rượu dứ dứ về phía con Ngọc như dọa dẫm: Mọi người không can là tao trị cho mày cái tội hỗn xược rồi. Con Ngọc nghe vậy quay quắt, vênh mặt lên thách thức:
- Có ngon thì nhảy ra, chưa biết ai xấu mặt đó nha!
Dì Tư thấy tình hình căng thẳng nên chạy ra khuyên con Ngọc nói bớt đi một câu có chết ai được đâu, đi đâu cho khuây, trách gì mấy đứa đang nhậu. Trong bàn nhậu vẫn có những người lớn tuổi mà.Trước khi quầy quả bỏ đi con Ngọc còn trừng mắt với thằng Liêm “Nể dì Tư tui bỏ qua đó nghen, chứ ông coi chừng tui đó, tui hổng sợ đâu mà hù với dọa”. Thằng Liêm định nhấp người đứng lên nhưng chú Năm lừ mắt nên nó im re, tức anh ách.
Chuyện đơn giản chỉ có vậy thôi nhưng sáng hôm sau, tại quán cà phê cóc ở đầu phố của Bác Thìn “tám” thì tiếng chị Nga bán bánh mì: “Chiều hôm qua, thằng Liêm ghen với thằng bồ mới của con Ngọc, nên hai đứa đánh nhau một trận tơi bời”. “Mô tui lại nghe nói, con Ngọc chọc tức thằng Liêm, con gái mà đanh đá quá có ai ưa mô”, chị Tâm “nail” cũng chen vào. Bác Thìn cũng nói vọng ra từ sau quầy: “Mà hình như là thằng nhỏ thích con đó thiệt rồi, chứ mắc chi ngứa mắt mà lên tiếng rứa hè”. “Ủa chứ ren tui nghe nói thằng nhỏ đòi hôn con Ngọc nên mới bị ăn bạt tai á mà” Thím Ba Nghị giả giọng người thuyết minh chen ngang làm cả quán phải phì cười.
Chỉ một chuyện nhỏ đó thôi mà cả phố rộn ràng bàn tán xôn xao. Đi đâu cũng cái đề tài đó. Nghĩ lại nhiều khi cũng thấy vui. Chị ba Nhạn đang uống cà phê bàn bên cũng góp vui cho tiết mục này: “Tình trong như đã mặt ngoài còn e” rồi phe phẩy quạt, lim dim đôi mắt.
Thằng Chính đang ăn mì ở quán bên cạnh của bà Chín, nghe mọi người bàn tán về anh trai của mình, chưa kịp trả tiền vội vàng vọt lên xe chạy ra chỗ làm của Liêm để gặp anh trai của mình. Liêm đang đẩy xe cát chuẩn bị trộn hồ thì thằng Chính sấn đến, hỏi cộc lốc: “Chứ chiều hôm qua rãnh rỗi sinh nông nỗi hay sao mà lại đi sàm sỡ cái con Ngọc đó rứa?”. Thằng Liêm trừng mắt nạt ngang: “Tao có làm gì đâu mà mi nói sàm thế!”. Thằng Chính xẳng giọng lại: “Hổng có sao đi đâu em cũng nghe người ta đồn rần rần lên thế? Không có lửa thì sao có khói được!”. “Họ nói mặc xác họ, tao không làm là tao nói không làm. Mày tin anh mày hay tin mấy bà “tám” của phố, chưa biết chi đã sớn xác bình loạn… tùm bậy…”. Thằng Chính gằn giọng với anh: “Sao người ta không nói chú Hạnh, chú Chung, hay anh Hải “quắn”… Bàn nhậu thì đông mà sao…”. “Mày đi hỏi mấy con mẹ nhiều chuyện kia kìa, sao lại hỏi tao, tao có biết mô!” Liêm tức tối đáp lại. “Lớn đầu rồi mà làm chi chẳng chịu suy nghĩ, đừng để nhà mình mất mặt đó nha! Ai không chọc lại chọc cái con Ngọc dở hơi hay là…”
Bỏ dở câu nói thằng Chính rồ xe chạy mất hút, không để cho Liêm được nói lời nào. Thoáng chốc, chỉ còn là vệt khói màu đen. Liêm chợt thấy hụt hẫng, trống rỗng, cúi gằm xuống tiếp tục công việc của mình. Bố mẹ qua đời sớm, chỉ có hai anh em nương tựa vào nhau cho đến bây giờ, biết thằng Chính rất thương mình nên mới vậy. Nó biết anh nó hi sinh cuộc sống cho nó rất nhiều dù bản thân học rất giỏi…
*
Chưa lắng chuyện “tình tay ba” của thằng Liêm thì đến anh Hùng Kỳ. Hai vợ chồng có với nhau thằng Phúc. Anh cần cù chịu khó lắm nhưng cái nghèo chẳng thể buông tha. Sáng Chủ nhật khi mọi người còn say giấc nồng thì anh hớt hãi chạy quanh phố. Sáng ni thức dậy, anh Hùng chỉ thấy thằng Phúc nằm bên cạnh, còn vợ đâu mất tiêu. Tưởng vợ dậy sớm đi đâu đó, anh chờ mãi, chờ mãi mà không thấy về. Anh chạy đi kiếm khắp nơi nhưng tin tức người vợ mà chú yêu thương nhưng chẳng thấy đâu. Đến tám giờ tin tức ấy lại loan truyền một cách nhanh chóng. Tại quán cà phê cóc, chị Ba Nhạn là người châm ngòi đầu tiên: “Con vợ của lão Hùng đã theo trai rồi mọi người nghen”. “Tui nghe nói là do ông Hùng đánh bả nên bả tức nên khuôn gói bỏi về quê ngoại” Chị Tâm “nail” cắt lời chị ba. “Hôm trước tui đã nghi nghi vì nó được đưa đón bằng ô tô ở chợ”. Chị Nga từ nãy đến giờ vẫn im lặng, trầm ngâm suy tư không lên tiếng, vì chị hiểu vì sao vợ anh bỏ đi… Câu chuyện chưa có hồi kết thì chị Nga lái câu chuyện sang câu chuyện của chú Kiện: “Tính ra đàn ông phố mình chung tình nhưng trắc trở trong đường tình duyên, chứ chú Kiện đó kìa, vợ anh Hùng biết đâu chị đi đâu đó rồi sẽ về”. Thế là câu chuyện bị vợ bỏ lại nóng hổi dù chuyện đó đã xảy ra cách đây gần hai mươi năm. Chú rất chung tình từ đó đến nay vẫn quay quắt nỗi nhớ vợ. Chú Nguyên Đen đã bao lần giới thiệu nhiều mối để chú đi bước nữa nhưng chú lại từ chối. Gần hai mươi năm rồi, chưa có ngày nào chú quên dõi mắt nhìn dáo dác vào đám đông, hay những người phụ nữ có cái dáng hao hao vợ mình. Tìm vợ không được, chú đâm ra hận đàn bà, hận một cách cực đoan. Dù vậy chú vẫn mong một ngày nào đó vợ chú sẽ về. Chú vẫn mong tha thứ cho người vợ, vẫn muốn gặp mặt một lần. Chú Nguyên Đen kêu: “Coi lấy vợ khác đi, hơi sức đâu mà chờ. Mà vợ của mầy thì không xứng đáng với tấm chân tình của mầy mô”. Chú Kiện lại quay đi che giọt nước mắt đậu quanh bờ mi: “Tui quên hổng được anh Nguyên ơi!”. Hồi vợ chú mới bỏ nhà đi, mỗi lần cái Lan bi bô hỏi “Má đi đâu mà lâu rứa ba, con nhớ má quá!” là chú Kiện ôm nó khóc rấm rứt như con nít. Bây giờ, mỗi lần nhậu say về, chú hay đem chuyện đàn bà ra nói cái Lan: “Mình nghèo, lấy chồng thì phải biết làm cho nó mê mầy để nó hổng bỏ đi nghe hông”. Cái Lan nghe mãi điệp khúc ấy nên ngán ngẫm, nó sụt sịt: “Ba đừng nói ba cái chuyện ấy nữa được hôn. Con hổng lấy chồng đâu. Thấy cuộc đời của ba là con ngán tới cổ rồi, hổng chồng con gì hết cho khỏe!” Chú lại lừ lừ nhìn nó mà ruột gan quặn thắt lòng, như ai cào ai xé, ai xát muối. Có đám đến tìm hiểu là con bé lại trốn tránh như trốn tránh quá khứ của mình. Chú nhắm cái Lan cho thằng Liêm rồi nhưng hình như thằng Liêm lại say mê cái con nhỏ Ngọc thì phải? Cùng chỗ làm nhưng chú nào đâu dám hỏi. Chắc có cơ hội thì chú… Tội nghiệp đứa con gái bé bỏng của mình “Ba thương mày lắm có biết không hả Lan?”. Cái Lan thương ba lắm, thương cái sự cần mẫn, thương cái chung tình. Nó luôn lấy ba làm mẫu chuẩn để chọn chồng sau này dù biết rằng…
*
Chuyện anh Hùng với chú Kiện bị vợ “cắm sừng” còn chưa hết bàn tán trong khu phố thì đến chuyện thím Chu xây nhà mới. Thím Chu là hộ nghèo nhất nhì khu phố, vậy mà đùng một cái xây nhà, nhờ vậy mà chuyện chú Kiện, anh Hùng, thằng Liêm dần đi vào quên lãng, thay vào đó là chuyện người ta đi tìm câu trả lời tiền đâu thím Nhã xây nhà? Chồng thím mới mất cách nay năm năm, bỏ lại một bầy con nheo nhóc ba đứa. Lúc ấy, con Ngọc Trai là con gái lớn, chỉ mới mười sáu tuổi, còn thằng Tý “sún” mười tuổi, con út Thoa chỉ mới ba tuổi. Từ ngày chồng mất, quang gánh bán dạo của thím như trĩu nặng hơn, và đôi chân lại đi xa hơn, bán về đến tận khuya. Tuy nhiên, gánh hàng của thím cũng không thể nào kham nổi cho bốn đứa con đang tuổi ăn, tuổi lớn. Cho nên con Ngọc Trai phải nghỉ học đi phụ giúp quán Karaokê ở phố bên kia để giúp mẹ nuôi em. Ngày con Trai đòi nghỉ học đi phụ quán, thím Chu không cho. Thím nói thím lo được, dù ăn uống kham khổ nhưng nhất quyết không để đứa nào phải bỏ học. Nhưng đó là ý của thím, còn con Ngọc Trai thì không chịu nổi cảnh nghèo túng, không chịu nổi cảnh hàng ngày mẹ gánh gồng nặng trĩu trên vai, đi từ trưa đến khuya lắc khuya lơ mới về. Nó cũng không chịu nổi cảnh những hôm trời mưa, hàng ế, mấy chị em phải ăm cơm chan với nước mắt, nuốt không trôi. Và khi nhìn vài đôi mắt trũng sâu, vết nhăn chằng chịt, nó cũng không chịu nổi. Để cho mẹ yên tâm con Trai vẫn đi học bình thường nhưng thực ra là đi phụ bán ở quán Karaokê. Đến khi thím biết được cũng là lúc nhà trường gởi giấy thôi học. Thím như chết đi sống lại, vật vã cầu xin con nhỏ nhưng nó đã quyết không có gì lay chuyển được. Chuyện con Trai phụ ở quán Karaokê, thay đổi ăn mặt trét son phấn lòe loẹt cũng đã từng là tâm điểm nóng được đưa ra ở “Hội nghị bàn đào” tại quán cà phê cóc. Từ hồi con nhỏ theo đám bạn qua Malai xin việc thì chuyện của nó cũng lắng dịu dần. Hôm chia tay, thím Chu có hỏi con Trai qua đó làm cái gì? Con Trai trả lời nhỏ vừa đủ nghe “Thì phụ bán quần áo, bán quán nhậu chứ chi má, mà thôi má khỏi lo đi, con kiếm thật nhiều tiền để đỡ gánh nặng cho má”. Nghe con nói vậy thì thím Chu tin như vậy, chứ nó qua bên đó làm gì thì ai mà biết. Nó động viên má nó cứ yên tâm rồi cuộc đời sẽ sang trang mới. Thím chỉ biết lặng thinh mà tiễn biệt con đi làm giàu xứ người. Đùng một cái thím Chu xây nhà mới, nghe đâu còn lên một tấm nữa, làm mọi người ngả ngửa, hỏi nhau tiền đâu thím Chu xây nhà? Bà Xuyên gánh gánh bánh bột lọt đi ngang quán cà phê cóc của Bác Thìn, nghe mọi người trong khu phố uống cà phê, uống sữa, bàn tán chuyện thím Chu xây nhà, Bà Xuyên đặt gánh xuống: “Chắc là con nhỏ qua bển gởi tiền về cho bả cất nhà chứ bả làm gì có tiền mà xây!?”. Dì Tư cãi lại: “Con nhỏ đi mới hơn nửa năm làm gì có tiền gởi về cho bà Chu xây nhà? Chắc là bả trúng số độc đắc mà giấu mọi người nè”. Chị Nga bán bánh mì chen: “Trúng số đâu mà trúng số, từ hồi nào bả có mua vé số đâu mà trúng, hay là có tay đại gia nào góa vợ đang ngầm giúp đỡ bả đó”. Chị Tâm “nail” chu cái mõ dài ra: “Trời qươi! Nghe nói ngộ ghê mấy thằng cha đó chỉ tìm đến với những đứa chân dài, nõn nà chứ bả vừa già, vừa xấu ai mà rớ vô”. Chị Hồng khách ruột của chị Tâm bực bội cắt ngang: “Tui nghe đồn là con nhỏ qua đó làm gái đó, mà nói vậy thôi chứ lọt tai mẹ nó là tui đi đời đó nha!” Mọi người ngớ người ra, vì thấy lí do mà chị Hồng đưa ra có vẻ hợp lí nhất nên nhận sự đồng tình rất cao. Dì Tư thở dài: “Chắc là thiệt rồi!”. Đến trưa thì thông tin ấy đến tai thím Chu. Quẩy vội quang gánh tất bật chạy về. Vừa về tới đầu phố, thím Chu chửi đổng từ ngoài vào: “Đứa nào? Con nào dám nói con tui đi qua bển làm gái hả”. Không có tiếng trả lời, con phố vắng lặng trả lại sự thanh bình. Chửi mà không có tiếng trả lời thím Chu tức lắm, ngồi bệt ra đất thở dốc rồi lại rấm rứt khóc, ngửa cổ lên trời “Ba nó ơi, sao ông bỏ tui đi sớm rứa? Để bây giờ mẹ góa con côi, thiên hạ khinh cho đó kìa. Ông ơi là ông!” Tiếng khóc của gì như câu hỏi, hỏi giữa khoảng không vắng lặng.
*
Chuyện nhà thím Chu chưa biết sao thì đến chuyện nhà anh chị Đợi lại bị đuổi ra khỏi nhà. Chị Huyền quỳ trước sân trước mặt bà Châu van xin rối rít. Trời mưa ngày càng nặng hạt. Vệt nắng cuối chiều le lói. Chị Huyền cố gắng: “Mẹ ơi, đáng lẽ con cũng chẳng muốn là gánh nặng của gia đình mình, nhưng tiền bạc tốn biết bao nhiêu nhưng…”. Bà Châu lạnh lùng: “Hổng nhưng nhị gì hết, tui mệt mỏi lắm rồi”. Thấy vợ quỳ khóc lóc, anh Đợi cũng khóc theo mà nói: “Tui có phải là người đàn ông vô dụng không? Vợ khổ mà có chia sẻ được mô? Sao hồi đó em cứ để cho người ta tống tiễn anh về bên kia cho rồi. Mẹ đừng nói ác cho vợ con như thế”. Hai vợ chồng ôm nhau khóc, tiếng khóc ai oán làm sao: “Anh ơi, nếu anh có mệnh hệ gì thì em sống làm sao đây. Mẹ cũng vì giận quá mà nói vậy thôi”. Bà Châu quầy quả bỏ vào nhà còn liếc xéo chị một cái: “ Không đẻ được, chồng chăm cũng không xong thì hỏi có phải là người đàn bà vô dụng không? Tao ăn ở có thất đức mô mà chừ con trai tao phải gánh hả?”. Anh Đợi với theo: “Con đã nói mẹ bao nhiêu lần rồi, lỗi do con chứ có phải là do Huyền đâu?”. Bà Châu đóng sầm cửa lại như thông điệp đoạn tuyệt không muốn nghe thêm lời nào. Anh Đợi trong một lần chở vịt đi bỏ mối thì bị mấy tên choi choi đua xe tông phải nên anh mất đi chân trái, xương sống cũng có vấn đề. Gia đình anh mất đi trụ cột. Chị Huyền bán cả gia sản để lo chữa trị cho anh, nên vợ chồng dắt díu nhau về sống ở nhà bà Châu. Nhưng oái oăm thay là sau vụ tai nạn đó việc có con với anh cả là một vấn đề, nhưng mẹ chồng chị lại đỗ lỗi cho chị và hôm nay nhất quyết đuổi hai vợ chồng ra khỏi nhà. Bà Xuyên đang gánh bánh đi về, nghe vậy chạy sang. Biết chuyện, bà bảo hai vợ chồng bà tạm thời qua nhà bà rồi tính tiếp. Bà Xuyên đi vận động trong khu mỗi người một ít. Nghe chuyện, chị Nga bán bánh mì móc túi: “Tui còn hai trăm bảy để mai lấy bánh mì, à mà thôi kệ”, chị Tâm “nail”, chị ba Nhạn, bà Chín “mì quảng”, bác Thìn bán cà phê, chú Chung, chú Hạnh, Chú Nguyên, anh em thằng Liêm - Chính, cả cái con Ngọc đanh đá nữa chứ… cũng móc túi góp tiền cho chị Huyền tạm thời trong khoảng thời gian này. Còn chỗ ở đã có bà Xuyên lo. Chú Hùng mới vừa đi công chuyện về, chở con Lan về đến nhà rồi chạy qua nhà bà Xuyên. Thấy anh Đợi ngồi đau đáu, đôi mắt tối mịt, cúi gằm xuống đất chú Hùng đến bên an ủi: “Chú là người hạnh phúc nhứt rồi, đừng buồn nữa nghen!”. Anh Đợi chua chát: “Hoàn cảnh của con bi đát như vầy chưa đủ sao mà chú còn nói là hạnh phúc? Con muốn chết đi cho xong”. Chú Hùng nói với anh mà như tự an ủi mình: “Chú đừng suy nghĩ như vậy tội nghiệp vợ con, cuộc sống có giàu sang nhưng không có tình cảm, vợ chồng không hòa thuận, còn chú thì sướng rồi, cô Huyền là người tốt, ráng sống sao cho đừng phụ tấm chân tình của vợ nghen”. Chị Huyền đang làm cơm tối với bà Xuyên nghe chú Hùng nói vậy nước mắt chảy dài. “Ôi cái tình làng nghĩa xóm sâu đậm thế này? Trong khi mẹ ruột thì…”. Sáng hôm sau, chuyện bà Châu đuổi vợ chồng chị Huyền đi vì không đẻ được cháu đích tôn cho bà lại là đề tài được đưa ra quanh quán cóc. Dì Tư khuya hôm qua đi ra nhà bạn chơi, sáng nay ra mì quảng ngoài quán bà Chín mới biết chuyện. Ăn uống qua loa, dì chạy sang quán bác Thìn. Mới bước chân vào chưa kịp ngồi đã nghe giọng oanh vàng của chị ba Nhạn véo von: “Ủa, bà Châu tối ngày đi chùa, ăn chay, cúng dường mà cư xử như vậy sao ta. Kỳ cục thiệt”. Thím Ba Nghị chen vô: “Mọi người đừng có nhìn vậy mà đánh giá vậy! Bả đi làm từ thiện có thiếu chỗ mô đâu mà đối xử với con ruột của mình thế. Thiệt tình chẳng biết đâu mà lần, nhìn thì ai mà biết được đâu?” Dì Tư thở dài: “Dò sông dò biển dễ dò, mấy ai lấy thước mà đo lòng người”. Mọi người im lặng nhìn nhau tưởng chừng như cả không gian lắng đọng lại. Tiếng chim lạc bầy khắc khoải trong sớm mai ở khu phố. Một sáng mà âm thanh chẳng đủ khuấy động…
*
Từ hôm qua nhà bà Xuyên về đến giờ chú Hùng lại thở ra thở vào. Ngôi nhà không có người quạnh quẽ, lạnh tanh. Cái Lan luôn thay má chăm sóc tốt cho ba nhưng từ bữa đến giờ chú lại thèm hơi ấm của vợ - người đàn bà phụ tình. Vì vậy chú nói với cái Lan chú sẽ đi một chuyến. Chú muốn nghe từ miệng vợ giải thích vì sao lại bỏ hai cha con mà đi biệt tăm biệt tích, chừng nớ là mãn nguyện lắm rồi, chết cũng đáng. Cài Lan nghe xong giãy nãy như đỉa gặp vôi: “Má hổng về thì thôi chứ mắc chi ba đi tìm, mà đất trời mênh mông biết ở đâu mà tìm hả ba?”. Chú Hùng đáp lại giọng buồn thiu: “Biết mô được, duyên số của con người như sợi dây vô hình trói buộc con người ta. Duyên giữa tao với má mày chưa dứt đâu, bao nhiêu năm qua bao nhiêu người tìm đến nhưng có nên cặp đâu nào”. Cái Lan chua chát: “Tại ba thương con cái cảnh mẹ ghẻ con chồng chứ chi, thôi ba đừng đi! Chẳng phải ba nói rồi sao duyên nợ còn ắt sẽ gặp được?”. Chú Hùng lặng thinh, ánh mắt buồn thăm thẳm. Cái Lan nói xong chạy vô phòng đóng cửa khóc như mưa. Nó thương ba vô cùng.
Khu phố lại xầm xì, bàn tán. Chị Tâm tấm tắc: “Chú Hùng coi bộ cục mịch mà chung tình ra phết chứ nhỉ!”. Thím Ba Nghị chống nạnh: “Cái ông ni bị khùng hay sao? Người ta đã dứt áo ra đi rồi chẳng luyến tiếc làm gì. Họ có cần mình mô”. Chị Ba Nhạn vừa nhâm nhi nước trà vừa đưa ra ý kiến: “Cũng không trách được đâu, cái duyên cái nợ chưa đoạn tuyệt hẳn nên ổng không thể quên người đầu ấp tay kề, chứ không thì đâu có ở vậy phải không thím Nghị hì?”. Thím Ba Nghị trừng mắt: “Con quỷ này, có ai chọc mày mô, tự dưng tao vào chi rứa!”, bác Thìn lên tiếng: “Người chung tình như rứa thì ai cũng muốn là chồng của mình, đó là nhu cầu chính đáng mà, chứ nhìn một số lão chồng khác là tao phát ngán”. “À mà quên chồng tui cũng nằm hàng top hiếm đó nghen!”. Cả quán cười thật rộn rã để đón chào một ngày mới. Thím Ba Nghị hiểu ẩn ý trong câu nói của Nhạn nhưng đó là quá khứ rồi.
Nói vậy chứ con gái nài nỉ quá chú Hùng không đi nữa. Đùng phát cái tin thằng Liêm sang nhà xin cưới hỏi cái Lan làm cả khu phố một phen té ngửa. Chuyện vui của phố lại được tiếp thêm bởi những người... Hạnh phúc đến… Niềm vui đến… Dù chuyện phố còn bao điều trăn trở…
Phạm Thị Mỹ Liên
© Tác giả giữ bản quyền. Vui lòng ghi rõ nguồn Bông Tràm khi sử dụng lại nội dung này.
|
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét