- Trang chủ
- |
- Giới thiệu
- |
- Quy ước
- |
- Tác giả
- |
- Thư ngỏ
- |
- Lá thư Bông Tràm
Tác phẩm kỷ niệm 10 năm hoạt động của Bông Tràm, có sự góp mặt của 50 tác giả với trên 100 tác phẩm. Sách dày 312 trang, khổ 13 x 19 cm, giá 100.000 đồng.
Con gái lão, cái con bé mơ mộng ấy đã bỏ lão mà đi lên
thành phố, để lại một mình lão. Nó đã quyết định làm theo ý muốn của nó, trở
thành một ca sĩ, bất chấp mong muốn của lão. Lão chỉ muốn nó trở thành một cô kỹ
sư nông nghiệp, rồi sau này làm việc trên chính mảnh đất nơi nó đã sinh ra, nơi
lão đã gắn bó cả cuộc đời và nuôi nó lớn khôn. Nơi có bao kỉ niệm về mẹ nó, người
vợ quá cố của lão.
Lão lập gia đình muộn nên có nó khi đã hơn 40 tuổi.
Ngày vợ lão về với tổ tiên sau một cơn bạo bệnh, nó còn đỏ hỏn. Cũng nhiều người
mối lái cho đám nọ đám kia, nhưng lão đều từ chối. Lão quyết định ở vậy nuôi
con. Lão không muốn con bé chịu cảnh mẹ ghẻ con chồng. Vậy là cũng ngót nghét
hai chục năm rồi. Con bé giờ đã thành một thiếu nữ xinh xắn, khiến đám thanh
niên trong xóm ngoài làng nhiều kẻ thầm thương trộm nhớ. Giờ nó đi xa, ngôi nhà
và cả khu vườn của lão vắng vẻ và im lặng như một vùng đất chết. Chỉ có tiếng ếch
nhái nỉ non hòa với tiếng rơi lộp bộp của những chiếc là khô rụng xuống mỗi lần
gió thổi qua.
Mai, con gái lão đã tốt nghiệp phổ thông trung học.
Tương lai chưa có gì rõ ràng nhưng có một ý định rất mơ hồ và đầy hấp dẫn cứ lớn
dần trong cô đó là ánh đèn sân khấu, nhà hát và những chuyến đi xa.
Mai là người thích đọc sách từ nhỏ. Vì đọc nhiều nên
cô thường mường tượng thấy mình sống ở một xứ sở nào đó kỳ ảo, khác hẳn với
vùng quê, ngôi nhà cổ và mảnh vườn cũ kỹ của cô. Cô mường tượng thấy mình vào một
buổi sáng tinh sương bước chân lên những bãi cát mịn để lại những dấu chân bé
nhỏ hứng lấy chùm ánh nắng phơn phớn xanh của ông mặt trời vừa mới mọc. Có lúc
cô thấy mình đang đứng trên lưng chừng những vách đá dựng đứng của những rặng
núi mờ sương. Tai cô nghe thấy tiếng suối chảy róc rách, tiếng thác đổ ầm ào.
Và thật hơn bao giờ hết cô cảm nhận được những dòng thác mát lạnh đang ào ào chảy
xuống, những bọt nước bắn tung tóe thành những đám bụi nước chạm vào da thịt cô
mát rượi. Cô cứ mải mê đọc và sống với những ước mơ của mình về những vùng đất
mới lạ.
Người cha đã rất lo lắng. “Một con bé mơ mộng, rồi
không biết cuộc đời sẽ dành cho nó biết bao nhiêu là phiền muộn đây” - lão thầm
nghĩ. Nhưng trái lại với sự lo lắng của lão, mỗi khi say sưa đọc sách đôi mắt của
cô con gái lại ánh lên vẻ hân hoan, dường như con mọt sách kia đang tìm thấy một
cái gì đó rất kỳ diệu ở một nơi rất xa, tồn tại bên ngoài trái đất.
Khi cô bé nói cho ông biết ý định sẽ trở thành một ca
sĩ, lão đã gào lên: “Không được, mơ mộng thế đủ rồi”. Lão tự thấy mình là một
người làm vườn có đầu óc thực tế. Trong suốt cuộc đời mình, lão luôn mong mỏi
cho cô con gái những điều tốt nhất. Và với lão, cái ước mơ trở thành ca sĩ của
nó thật là một điều phù phiếm. Đối với lão, ánh đèn sân khấu, những cuốn tiểu
thuyết, hay thơ ca mà con bé yêu thích chỉ là những thứ sặc sỡ, lòe loẹt và rồi
sẽ nhanh chóng úa tàn.
Công bằng mà nói, Mai có một thân hình khá phù hợp với
sân khấu. Cô là một cô gái dong dỏng cao, da trắng và đặc biệt có có một chất
giọng mê ly. Mái tóc đen dài lúc nào cũng được tết thành hai chiếc đuôi sam khiến
cô trống giống như nàng công chúa trong các câu chuyện cổ tích.
“Chả biết nó giống ai” - lão thường phàn nàn với bà giáo
bên hàng xóm. Bà là người gần gũi nhất với con bé. Nó thường hay sang chơi với
bà, mượn những quyển sách của bà về đọc
- Nó giống ông chứ còn giống ai nữa - Bà giáo nói quả
quyết.
- Bà nói gì vậy. Sao lại giống tôi? - Lão đáp lại một
cách hơi khó chịu - Tôi là người thực tế và không bao giờ dành thời gian cho những
thứ viển vông. Tôi muốn nó học trở thành kỹ sư nông nghiệp, còn nó, nó chỉ
thích ca hát. Ca hát mà làm gì, chỉ là mua vui cho người khác, không hơn không
kém.
Bà giáo hỏi lại:
- Thế ông trồng hoa để làm gì. Để bán à?
- Tôi chưa bao giờ bán một bông hoa nào - Lão đáp đầy
tự hào - Hoa của tôi chỉ để ngắm và làm quà biếu mà thôi. Bà thấy không những
bông hoa đủ màu sắc, trăm hồng nghìn tía thế kia thật là hiếm đó. Lão chỉ tay
ra khu vườn đầy hoa của lão.
- Thế nó mang lại lợi lộc gì thiết thực cho ông?
- Tôi không hiểu bà nói gì! - Lão ngạc nhiên - Bà
không thấy là những bông hoa này làm cho cuộc đời trở nên đẹp hơn hay sao?
- Ông thấy chưa, nghệ thuật khiến cho cuộc sống đẹp
hơn. Nó sáng tạo ta những con người phẩm giá, nó nuôi dưỡng tâm hồn con người.
Con gái ông và ông đều yêu nghệ thuật. Ông có thể trồng những khóm hoa tại sao
ông lại cấm nó ca hát.
Lão im lặng, dù sao thì bà ấy cũng là giáo viên, lão
làm sao nói lý với bà ấy được. Tuy nhiên, lão nhất định không cho con bé theo
nghiệp ca hát. Không đời nào.
Hôm đó, trời đã nhá nhem tối, những ánh đèn từ các ô cửa
sổ đã hắt ra con đường mòn quen thuộc dẫn về nhà lão. Xa xa vọng lại tiếng loa
phóng thanh của một đoàn hát trên thành phố về biểu diễn. Đoàn hát về đã mấy
hôm, đám trẻ làng lão thích lắm, đặc biệt là cô con gái lão. Mấy hôm nay nó cứ
quanh quẩn ở đó suốt.
Chốc chốc lão lại nhìn ra cổng, vẫn chưa thấy cô con
gái đâu cả. Lão vớ lấy chiếc đèn pin và đi ra vườn, định bụng kiểm tra lại mấy
cái cọc rào lão vừa đóng ban chiều. Lão thấy cô con gái đang ngồi lặng lẽ trên
chiếc ghế dài cũ kĩ. Nó ngồi im phăng phắc. Nhìn thấy nó mà lão phát hoảng, nó
ngồi im lặng như một cái bóng không hồn. Lão tiến gần và ngồi xuống cạnh nó:
- Con làm sao thế, hình như con bị ốm.
- Con không sao ba ạ. Nhưng mà ba ơi - con bé khóc nấc
lên - ba cho con đi theo đoàn hát nghe ba, con thi đỗ rồi. Họ đã nhận con.
- Không! - Lão hết lên - Không được. Không hát hò gì hết,
ở nhà, đi học rồi thi vào trường Nông nghiệp. Ba đã quyết rồi.
- Con xin ba, ba cho con đi, ba sẽ không phải hối hận
đâu - Con bé khóc nức nở.
- Ba không đồng ý - lão quả quyết - nếu con đi theo họ
thì đừng về cái nhà này nữa.
Đêm hôm đó con bé bỏ ăn, ngồi ngoài vườn mãi tận khuya
mới vào nhà đi ngủ. Lão chờ con bé lên giường rồi mới tắt đèn. Ngày hôm đó là một
ngày khá mệt mỏi và căng thẳng. Lão nằm một lúc rồi thiếp đi lúc nào không hay.
Sáng hôm sau khi những ánh nắng đầu tiên của ông mặt
trời chiếu le lói xuyên qua những đám lá xanh trong khu vườn nhà lão, lão đã tỉnh
dậy. “Con bé hôm qua chưa ăn gì chắc đói bụng lắm đây” - lão thầm nghĩ. Phải ra
vườn hái mấy ngọn rau cải non nhất về nấu cho nó bát mì. Con bé rất thích ăn
như vậy.
Lão ghé mắt vào phòng con bé. Mới sáng sớm mà nó đã đi
đâu. Lão nhìn quanh quất, chiếc tủ quần áo của nó mở toang. Bên trong trống
không. Lão tìm thấy một mẩu giấy con bé để lại dưới cái ấm pha trà: “Con xin lỗi
ba, nhưng con không thể bỏ lỡ cơ hội này được, đây là mơ ước của con. Con sẽ về
chịu tội với ba khi đã thành công. Ba tha lỗi cho con nghe ba và ba nhớ tự chăm
sóc sức khỏe cho mình. Con xin lỗi ba, con yêu ba”.
Mấy dòng chữ nhòe nhoẹt nước mắt của nó làm lão đau
nhói. Lão lật đật chạy ra chỗ đoàn hát vừa tá túc hôm qua. Họ đã ra đi từ bao
giờ. Lão gọi điện thoại cho con bé. Không có tín hiệu. Lão ngồi phịch xuống đất.
Từng giọt nước mắt hiếm hoi cứ thế mà lăn dài trên khuôn mặt lão. Vậy là nó đã
bỏ lão mà đi thật rồi.
Từ ngày nó đi, lão không nhận được tin gì của nó cả.
Ngôi nhà của lão trở nên trống vắng như ngôi nhà hoang. Cả khu vườn cũng trở
nên xơ xác, những luống hoa không được ai chăm sóc trở nên cằn cỗi, phần lớn đã
chết hết cả chỉ còn sót lại vài khóm hồng cổ, lá đã héo rũ. Thi thoảng chỉ có
bà giáo ghé qua hỏi han lão vài câu. Nghe đâu đoàn hát đó ở Hà Nội, nhưng lão
cũng không đi tìm con bé. Lão vẫn còn giận lắm.
- Ông vào mà xem con Mai nó trên tivi kìa, tiếng ai
như tiếng bà giáo gọi với sang sân nhà lão.
Lão bừng tỉnh lật đật chạy vào nhà. Tivi đang có
chương trình ca nhạc, một cuộc thi nào đó. Lão không biết bởi lão chả bao giờ
quan tâm đến mấy cái cuộc thi vớ vẩn. Nó chỉ dành cho giới trẻ. Trên màn ảnh là
con gái lão. Đúng rồi, con bé ăn vận thật lộng lẫy, khác hẳn lúc ở nhà với lão,
những lão vẫn nhận ra nó. Nó đang hát một bài hát về cha. Giọng hát của nó thì
khỏi phải chê, nó ngọt ngào và đi vào lòng người biết bao. Khán giả vỗ tay rào
rào, ban giám khảo khen hết lời. Mặc dù còn giận nhưng lão cũng thấy hả hê lắm
lắm. Khi người dẫn chương trình bảo nó chia sẻ vài lời với khán giả, con bé nói
trong nghẹn ngào:
“Bài hát này con xin gửi tới ba, người con yêu quý nhất,
con biết là con đã có lỗi với ba, ba ơi xin ba hãy tha lỗi cho con”. Con bé
khóc nấc lên, và lão cũng khóc. Lão khóc trong vui sướng và hạnh phúc.
Trái tim lão se lại, phải rồi lão đã sai, lão đã sai
khi ngăn cản niềm đam mê của nó. Phải để nó đi thôi, lão không giận nó nữa.
Nhưng ở lại thì một mình lão thui thủi trong căn nhà tự cào bới mảnh vườn của
mình lão biết sống sao đây. Tốt hơn là đi cùng nó. Lên Hà Nội. Ở đó lão sẽ được
gần nó, được chăm sóc cho nó, đời lão chỉ có nó là niềm vui duy nhất. Ngày mai
lão sẽ ra ngân hàng rút hiết tiền tiết kiệm, gửi lại mảnh vườn cho bào giáo chăm
sóc. Lão sẽ đi Hà Nội.
Đêm đã khuya, chương trình ca nhạc đã hết từ lâu, lão
vẫn ngồi lặng yên trước màn hình. Ngoài khu vườn, những ngọn gió đang xào xạc
thổi, thoang thoảng mùi hương của nhưng bông hồng cổ. Loài cây thật lạ, lão đã
bỏ quên không chăm sóc tưới tắm mà vẫn ra hoa. Lão phải ra Hà Nội với con lão,
lão phải chăm lo cho nó không thể để nó xơ xác như khu vườn bị bỏ quên kia. Mặc
dù điều đó có nghĩa là lão sẽ rời khỏi ngôi nhà thân yêu, bỏ lại quê hương bản
quán. Ở đó lão sẽ phải làm lại từ đầu, nhưng bù lại cha con lão sẽ được ở gần
nhau. Lão đứng dậy vào bước vào nhà, trong giấc mơ của lão đêm ấy, khu vườn của
lão lại hồi sinh.
© Tác giả giữ bản quyền. Vui lòng ghi rõ nguồn Bông Tràm khi sử dụng lại nội dung này.
|
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét