Tác phẩm kỷ niệm 10 năm hoạt động của Bông Tràm, có sự góp mặt của 50 tác giả với trên 100 tác phẩm. Sách dày
312 trang, khổ 13x19 cm, giá 100.000 đ. Mời quý bạn đọc ủng hộ!
Hoa dong mật ngọt thanh tao
Tuổi thơ rất thích khác nào bướm ong
Hương thơm dịu nhẹ trong lòng
Cho ta say nhớ! Tình còn trinh
nguyên...
Hoa dong riềng
còn gọi là hoa chóc, là loại hoa mà giờ đây thế hệ trẻ ngày nay ít ai biết. Hoa
này thường mọc ra từ cây dong riềng trồng trong vườn nhà. Hoa dong riềng màu đỏ, trông rất đẹp mắt và đặc biệt, nhụy hoa
có nhiều mật, mật ngọt, thơm rất dễ hút khi ta hái từng bông để thưởng thức hương
vị tinh tế của hoa dong riềng chiết xuất ra, làm cho lũ trẻ thơ tôi thời điểm
ấy rất thích thú. Cây dong riềng trưởng thành cho củ và phát triển ra nhiều
thành bụi dong riềng giống như trồng gừng, nghệ vậy. Khi củ già có nhiều tinh
bột, người dân quê tôi đào dong riềng lấy củ, cắt hết rễ, rửa sạch luộc chung
với củ sam, môn, khoai lang để ăn thay cơm trong thời bao cấp.
Cần phân biệt
cây dong riềng khác với cây dong mọc trong rừng. Vì cây dong đó lấy lá để gói
bánh chưng, bánh ổ (tổ), còn cây dong riềng không hái lấy lá để gói bánh.
Hồi đó, những năm 80, 90 của thế kỷ trước, gia đình tôi thường xuyên luộc một nồi tổng hợp gồm các loại củ như: Củ dong riềng, củ sam (củ mành tinh), củ khoai lang, củ môn và củ sắn. Sau khi chín, thì đổ ra rổ, mùi thơm bốc ra ngào ngạt, cả nhà quây quần xung quanh thưởng thức hay nói đúng hơn ăn thay cơm, nhưng thời điểm đó nó ngon làm sao ấy. Cứ như tằm ăn lên. Nhưng tôi thích nhất là củ dong riềng. Vì củ dong riềng luộc chín nhiều tinh bột, có vị ngọt, thơm rất dễ ăn. Chỉ cần dùng dao tách lấy vỏ, chẻ củ ra thành từng miếng và chấm với muối mè, hay muối đậu phụng (lạc) thì khỏi phải chê. Và tôi xin bọc bạch bằng thơ:
Củ dong riềng tinh bột thơm
Khi xưa thưởng thức thay cơm mỗi ngày
Bây giờ đất nước đổi thay
Nhưng không phụ bạc dong này tin
yêu
Còn củ sam tuy vị ngọt, nhưng xơ nhiều, hay mắc răng, nên tôi ít ăn; khoai lang và môn thì hiếm (ít) hơn, nên phải chia phần, để các thành viên trong gia đình ai cũng được thưởng thức.
Mùa đông lạnh, hay những tháng hè nắng hạn, khi cây lúa không thể trổ bông, cho hạt, thì củ dong riềng như vị cứu tinh, cho người dân quê tôi ấm bụng, ấm lòng, có năng lượng để tiếp tục lao động sản xuất, làm ra nông sản cho xã hội và sinh tồn.
Ngoài ra, củ
dong riềng còn làm bột dong. Cách làm, rửa sạch củ dong riềng để ráo, dùng thân
dây gai mây dài khoảng 1 m (mây nước) to như cán rựa, thân có gai và dùng tay
cầm củ dong riềng mài lên thân dây gai mây để thành bột và hứng ở dưới bằng cái
nồi to hoặc chậu; sau đó dùng miếng vải màn để lọc bột khỏi bã dong. Hồi nhỏ
tôi cũng đã từng làm. Nhưng cần chú ý, phải cẩn thận không gai đâm vào tay khi
mài củ dong riềng.
Bột dong riềng
phơi khô để dành làm bánh dong riềng (giống như bánh đúc) hay bánh bột lọc,
dùng vào bữa nửa buổi khi có người làm đổi công cho gia đình như gặt hái, gieo
trồng vào thời điểm vụ mùa của nhà nông. Đặc biệt, bột dong riềng là nguyên
liệu chính chế biến thành miến dong; trong đó, phải kể đến miến dong Hà Nội là
nổi tiếng, ngon nhất nước.
Ngày nay cây
dong riềng hầu như không còn, nhưng tôi thích cách gọi cây dong riềng theo tên
mộc mạc như người dân xứ Quảng quê tôi từng gọi là cây củ chóc, dù đã đi vào dĩ
vãng. Cũng không biết nguyên do vì sao người dân quê tôi không còn trồng cây củ
chóc. Nhưng có lẽ, vì người dân không muốn cái nghèo, cái khổ cứ đeo bám mãi
chăng?
Tôi muốn viết
lại bằng tình cảm chân chất của mình dành cho một trong những loại cây cho củ,
đã gắn bó với tuổi thơ tôi trong thời gian dài, góp phần nuôi sống người dân
quê tôi trong những năm tháng khó khăn thiếu thốn, cơm không đủ no, áo không đủ
ấm khi gió mùa đông Bắc lại quay về hằng năm. Hay thời điểm chưa giáp hạt hoặc
những tháng hạ khi ruộng đồng nức nẻ, cây lúa không thể nào ra bông, kết hạt.
Vì thời điểm ấy, quê tôi chưa có công trình thủy lợi và kênh mương dẫn nước vào
ruộng, phải phụ thuộc vào nước trời mưa.
Cây dong riềng giờ không còn thấy nữa, có chăng là những hình ảnh được lưu giữ lại. Song với tôi, cây rong riềng hay cây củ chóc đã cho những bông hoa đỏ tươi tắn và củ chóc là cái tên khai sinh mộc mạc, hay nói cách khác tên “cúng cơm” dung dị, nhưng thanh tao vẫn luôn đậm in trong tâm trí những đứa trẻ miền quê sống trong thời bao cấp, khi đất nước còn nhiều khó khăn và mãi là kỷ niệm đáng nhớ, không phai mờ trong tiềm thức của tuổi thơ tôi!
Ngày 11.06.2021
Võ Văn Thọ
© Tác giả giữ bản quyền. Vui lòng ghi rõ nguồn Bông Tràm sử dụng lại nội dung này.
|
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét