Tác phẩm kỷ niệm 10 năm hoạt động của Bông Tràm, có sự góp mặt của 50 tác giả với trên 100 tác phẩm. Sách dày
312 trang, khổ 13x19 cm, giá 100.000 đ. Mời quý bạn đọc ủng hộ!
Chưa xa lắm, đước ở bán đảo Cà Mau mênh mông nhiều. Đất phù sa mới bồi lắng ngày đêm màu mỡ nuôi hằng hà sa số một loài cây bản địa có sức sống kỳ lạ trong nắng gió bão táp mưa sa của vùng đồng bằng thấp thuộc mấy tỉnh này là Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang.
Đước sinh sản bằng trái, dài chừng gang tay, thon nhọn hình thoi. Khi đến kỳ, trái rụng găm vào phù sa bên dưới mọc rễ thành cây con, hay trôi theo dòng nước mặn phát tán khắp nơi, tấp vào bờ bãi nào mọc xanh rì nơi ấy một cách dễ dàng.
Đước phát triển có hình thù riêng: thân cao nhiều nhánh mang chỉ chít lá, rể tỏa từ thân trùm xuống bên dưới hình chiếc nôm cá vững chắc, đủ tháng năm, rể đạt độ lớn bằng chừng cổ tay người lớn còn thân không kém các loài cây lâu năm.
Đước cắm bộ rể
thấp cao nhiều tầng xuống sâu đất phù sa mềm, mỗi cây độ vậy có một không gian
rộng cả trên cao và mặt bùn. Trên các tàng cây được chim chóc làm tổ ríu ran rộn
ràng, bên dưới bộ rể các loài thòi lòi, ba khía, cua... sinh cư. Nếu đước mọc
bên dòng kênh chảy xiết, bộ rể của nhiều tàng đước kết thành bờ kè ăn sâu giữ đất
chống sạt lở lại tạo cảnh quan.
Đước có ở bán đảo từ xa xưa, cùng mắm, vẹt, cóc, tràm... tạo nên thảm rừng trù phú đặc thù. Đước mênh mông ở Đất Mũi, Ông Trang, Năm Căn, Đầm Dơi.... Ở đấy đước thành rừng, ngoài ra, ở vùng xa hơn của bán đảo về hướng miệt trên tiếp giáp vùng nước ngọt, đước rải rác mọc ven các dòng kênh, trong vương tôm...
Một thời đước là tài nguyên chủ yếu ở rừng Cà Mau và phụ cận, của bán đảo, nguồn gỗ đước xem như chất đốt căn bản tại chỗ và vận chuyển bán đi xa, lên tới Sài Gòn. Dân Khải thác đước đi xuồng ghe từ các nơi vất vả vào sâu các khu rừng, tương tự dân khai thác gỗ ở Miền Đông, có điều không dùng xe mà dùng ghe xuồng lên lỏi trong các con rạch, ăn dầm nằm dề ở rừng để chọn đước tốt đốn hạ đem ra ghe, rồi vật lộn cùng dòng nước chảy xiết mang đước rời cánh rừng. Đước tốt, thẳng, vòng thân to, có thể xẻ gỗ đóng đồ mộc gia dụng loài bình dân. Đặc điểm thân gỗ cứng, thô, dễ nứt, khó dùng đinh, không thuộc gỗ tốt nhưng dùng được, giá hạ. Loại thân đước thẳng có thể chọn làm kèo cột cất nhà, một thời nhà cột đước, mái lá dừa nước phổ biến ở các làng quê và cả chợ búa vùng bán đảo.
Đước nhỏ, công, khó dùng xẻ làm mộc hay cột nhà, dùng làm củi. Người ta cưa đước thành khúc, chất cao đo thước bán. Bà con mua về chế ra chụm lò ít khói, nóng, khá sạch nếu so với gỗ khác, như mắm chẳng hạn. Cũng có chỗ cưa chẻ sẵn chất cao đo thước mua về chụm liền.
Đước còn dùng làm than, gỗ tươi hầm trong lò đất ủ kín giữ nhiệt bằng bùn bên trên, đủ nhiệt, đủ thời gian cho mẻ thân đen huyền có nhiệt lượng khá.
Người ta còn từng nghĩ ra tận dụng mùn gỗ đước trong các xưởng xẻ gỗ để đun nấu bằng lò riêng.
Vậy đó, đước dùng làm tủ bàn, nhà cửa, làm củi, từ xa xưa của vùng đất này. Đốn hạ, cây non lớn lên lấp đầy rừng, bao nhiêu trăm năm tài nguyên đước vẫn duy trì. Nhưng đó nhiều nguyên nhân mang tính xã hội, như phát triển dân số, khó khăn kinh tế... đã diễn ra “phong trào” khai thác rừng đước mãnh liệt sau ngày giải phóng, trãi hết thời bạo cấp, kiểm lâm vở trận cho dù các biện pháp mạnh đã áp dụng, nhiều vụ án chết người do và chạm dân đi rừng đước và hạt kiểm lâm đã diễn ra. Đước cạn dần, môi trường sinh cư của loài thú hẹp dần, có rừng đước bị xóa sổ và phong trào trồng rừng đước diễn ra khi đước đã mất quá nhiều.
Người ta, ở bán đảo, đã trồng và thành công với một số giống loài thực vật ngoại lai, nhưng sức sống, sự thích nghi tự nhiên của đước là không thể thay thế, nên đứt ruột cho những gì đã mất, bao nhiêu héc ta đước xanh tươi thành rừng - một biểu tượng của bán đảo, đã không còn.
Đước thân thuộc như thế, tạo nên mái nhà, ấm áp chái bếp, thành hình chiếc bàn hay tủ đẹp, bây giờ đã xa.
... Ngắm vài cụm đước xanh rì ở bãi sông hay vuông láng, rồi vài chỗ còn bán chút than đen huyền chất phù sa, nhớ những cánh rừng đước ngày nào. Và mơ một giấc mơ từ mồ hôi, tâm huyết, những kế hoạch dài hơi, đước sẽ lại phủ xanh bên các dòng kênh rạch, những thảm rừng, như ngày nào ở xứ sở vốn là thánh địa của loài thực vật ngập mặn cắm rễ vững chãi trên bùn kết tạo bởi phù sa.
Hoài nhớ một thời, đước ơi!
Nguyễn Thành Công
© Tác giả giữ bản quyền. Vui lòng ghi rõ nguồn Bông Tràm sử dụng lại nội dung này.
|
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét