- Trang chủ
- |
- Giới thiệu
- |
- Quy ước
- |
- Tác giả
- |
- Thư ngỏ
- |
- Lá thư Bông Tràm
Tác phẩm kỷ niệm 10 năm hoạt động của Bông Tràm, có sự góp mặt của 50 tác giả với trên 100 tác phẩm. Sách dày 312 trang, khổ 13 x 19 cm, giá 100.000 đồng.
Tôi và nó là hai chị em sinh đôi nhưng lại sống ở hai
nhà khác nhau. Nó ở nhà ngoại còn tôi ở nhà nội. Vì ba mẹ tôi dong ruổi theo
những con tàu bám biển ngày đêm nên chúng tôi được bà nuôi dưỡng, dẫu thế, nhà
nội hay nhà ngoại đều nghèo nên không thể nuôi cả hai đứa mới chia ra ở như
vậy. Tuy nhiên, nhà hai bà lại chỉ cách nhau một bờ kênh, chỉ cần băng qua hai
cánh đồng với một cây cầu là đã tới nhà người kia nên khi nhớ nhau, chúng tôi
chỉ cần gặp nhau trên cây cầu mỗi khi đến lớp là được. Nó giống tôi như tạt. Từ
bờ môi, ánh mắt, nụ cười, nên nhiều người cứ hay nhầm lẫn hai đứa. Họ lại ít
thấy hai đứa đi chung với nhau nên hễ tôi tạt qua xóm nó hay nó ghé xóm tôi là
cứ y như rằng người ta nghĩ chúng tôi là nhau. Từ khi lên bốn lên năm chúng tôi
đã xa nhau nhưng không hiểu tại sao tình thương và nỗi nhớ nhung máu thịt chưa
khi nào vơi bớt.
Cứ mỗi cuối tuần bên ngoại lại dẫn nó về nội nhưng
chưa khi nào dẫn nó vào nhà mà chỉ dẫn đến rồi lại đi. Cũng bởi hai nhà không thuận
nên chúng tôi ngày đó ít có điều kiện gặp nhau. Là máu thịt nhưng khi mới gặp
nhau tôi lại như có cảm giác lạ lẫm, tính tôi trầm ít nói còn nó thì lại vui
tươi hớn hở, vừa thấy tôi nó đã ôm thốc vào, rồi hai đứa xoắn xít đi chơi. Nội
tôi khó chứ không dễ chịu như ngoại, nội cấm tôi không được bước chân qua bên
kia cây cầu. Ngày nhỏ thì bảo băng hai cánh đồng là xa lắm, đến lớn thì lại nói
thẳng ra là không thích ngoại. Tôi được nội nuôi dưỡng từ bé, những lễ giáo
dường như có từ thời phong kiến ăn sâu vào máu thịt của tôi, từ việc ăn cơm
không phát ra tiếng động, khi ăn không nói chuyện cho đến những trò đùa nghịch
của lũ trẻ cũng phải giữ ý từ tốn. Ngoại tôi thì khác, rất dễ tính nên em tôi
lúc nào cũng hiếu động tự do được sống như tuổi của mình.
Lúc mới gặp nó, nó đứng yên lặng ngoài sân, nội bước
ra uy nghiêm, còn tôi đứng khép nép lẳng lặng bên cạnh. Vừa thấy tôi, nó đã
chạy ào tới:
- Chị, chị.
Trong tôi dấy nên một nỗi xúc động mạnh không nói
thành lời, bỗng nội xô nó ngã cái uỵch và hắng giọng:
- Con gái con đứa, đi đứng ăn nói cho lễ giáo, từ tốn,
không phải cứ gặp người thân là thốc vào thế được.
Lòng tôi đau một cơn, mắt nó nhói một cơn, nhưng tôi
còn bé quá không dám bước ra đỡ nó dậy. Cũng cùng một gương mặt, cũng là cháu
nhưng dường như nội chẳng thích nó vì nó đã chọn ở với ngoại. Bữa ăn nó cứ chọc
nội la miết, còn tôi ý tứ kín đáo ngồi ăn nhưng lúc nào cũng nghĩ giá như bữa
cơm nào cũng vui vẻ như có nó thì thật tốt. Tối về, nó ngủ lại để sớm hôm sau
ngoại tới đón về, nội phạt nó hư không cho ngủ trong phòng, hai đứa tôi ngủ
cách một tấm tường mỏng. Nửa đêm, tôi hay khó ngủ, cứ lăn qua trở lại. Vì nhà
nội sát bờ sông, tính tôi lại nhát nên nghe tiếng ếch nhái kêu là sợ cứ thức
trắng mệt quá mới thiếp đi. Bỗng tôi nghe tiếng nó hỏi nhỏ:
- Chị, chị không ngủ được hả?
- Ừ, tại chị sợ.
- Chị đừng có sợ. Có em đây mà, này nhé, mỗi khi chị
khó ngủ, chị gõ vào bức tường, em sẽ gõ lại, có em thức rồi chị hãy ngủ đi.
Nó nói rồi làm thật. Tự nhiên tôi có cảm giác an tâm
mà ngủ được. Có những khi nó về không có nó bên cạnh, đêm chẳng rõ vì sợ hay vì
nhớ nó mà tôi thức trắng, bỗng đưa tay ra gõ vào bức tường, phía bên kia cũng
có tiếng gõ lại thật nhẹ, tôi vội chạy ra, cạnh cái lu tối hù là nó.
- Sao em lại ở đây? Tối rồi. Hơn nữa, nội thấy nội
mắng chết,
- Rảnh em mới qua đây, đợi chị ngủ rồi em về nè.
Tự nhiên tôi đứng khóc tả tơi còn nó luống cuống không
biết làm gì. Thì ra nó đã băng hai cánh đồng trong ngày tối để có thể chờ tôi
ngủ rồi lại tất tả về trong đêm. Vì thương nó tôi tập quen với nỗi sợ để nó
không phải về giữa đêm như thế nhưng hễ có nó bên cạnh là tôi bỗng trở nên yếu
mềm, vì tôi biết khi tôi không ngủ được đã có em tôi bên cạnh.
Khi chúng tôi bắt đầu đi học, vì học chung một lớp nên
chúng tôi hầu như gặp nhau mỗi ngày. Bạn bè trong lớp cứ luôn cho rằng sinh đôi
là điều gì đó lạ lắm nên cứ quấn quýt cạnh hai đứa tôi. Ở quê thì không thiếu
gì để chơi nhưng cứ cách nhau một cây cầu là thế giới của tôi và nó dường như
khác xa nhau lắm. Có những buổi đi học nó dạy tôi chơi đánh đáo, chơi nhảy dây,
tôi cứ một mực từ chối vì : “ Nội bảo con gái phải ý tứ không nhảy cẫng cẫng
lên thế được.” thì nó lại bảo:” Chị cứ như thế thì mất cả một đời tuổi trẻ.”
Cái kiểu nói như chắc nịch lại tở vẻ người lớn khi mới chừng ấy tuổi đầu làm
tôi phì cười. Thỉnh thoảng những mùa lúa lên, nó và đám bạn lại kéo tôi đi thả
diều, chạy suốt trên những triền đê theo những cánh diều tự do, nó hay nhìn thơ
thẩn rồi nói:
- Chị biết em ước gì không? Em ước ba mẹ sẽ về ở luôn
với hai đứa mình và em sẽ về ở với chị.
Tôi nhìn nó ngẩn ngơ. Rồi chưa kịp để tôi nói gì nó
nhảy như con ếch vồ lấy một chú cào bên cạnh.
- Món này chiên lên là mấy bát cơm đáy chị.
- Eo ơi, em ăn cả món này cơ à?
- Ngon đáo để đấy chị.
Từ khi có nó tôi lao theo những cuộc vui không đầu
không cuối, từ một cô gái khó gần trong mắt bạn bè vì quá kín đáo và ý tứ tôi
dần cởi mở hơn. Nó hay dắt tôi ra đồng để gặt lúa phụ ngoại, những lúc ấy tôi
lại dối nội có những buổi học thêm, nó dạy tôi cách bắt cào cào, cách bắt lũ
cua rồi chính nó lại bị những chị cua kẹp đứng khóc giữa đồng. Nó tinh tướng
nói chuyện với lũ vịt chạy đồng:
- Chúng mày nhé, tao vớt hết lúa, rồi còn sót lại cho
chúng mày tất.
Làm tôi phì cười. Nhưng dẫu thời gian có trôi qua,
chúng tôi lớn dần lên thì mỗi khi về nội giứa hai đứa vẫn có một tấm vách ngăn.
Khi tôi lên cấp ba, mỗi khi khó ngủ, tôi lại gõ vào tấm vách, nghe tiếng gõ lại
đều đều tôi lại mải miết ngủ say. Những hôm về nội, nó thường mang về cả rổ cua
vì biết tôi thích ăn, nhìn cách nó ngồi chàng hảng cả hai chân để rổ cua ở
giữa, rồi cậy gạch tôi lấy làm tò mò. Nội tôi nhìn thấy chỉ nhai vội miếng trầu
bỏm bẻm:
- Gớm, cái kiểu ngồi, cứ như ngoại nó.
- Trời, nội nói hay. Ngồi sao thoải mái là được chứ.
Cũng có ăn là được mà.
Nội dường như đã quá quen nên cũng chẳng buồn nói lại.
Tự nhiên trong mắt tôi khi ấy nó cứ như … một anh hùng vì đã dám… cãi nội. Nó
ngồi cậy gạch tỏa nắng vàng ươm còn tôi ngồi nướng bánh tráng bên cạnh. Trưa
nay nó trổ tài nấu món riêu cua ăn với bánh đa. Nó đưa tôi cái tăm nhỏ rồi bảo:
- Thử không chị?
- Thôi không dám. Kinh chết, bên đây chú hay làm, chứ
con gái mà cứ xé toạc ra như thế thì…
Chưa nói hết câu nó đã ấn vào tay tôi. Tôi thử làm,
nhìn miếng gạch như nở hoa trong cái bát tôi thấy có gì đó vui vui. Nó nhìn tôi
mỉm cười rồi quăng vội mấy cái yếm cho mấy chị gà chờ giành ăn cho đám con. Bát
cơm hôm đó dẫu món riêu đã bị tôi cho hơi quá lửa nhưng tôi vẫn thấy rất ngon,
chỉ có nội tôi thi thoảng tặc lưỡi còn nó vẫn cứ bưng húp xì xụp.
Đến khi tôi chuẩn bị vào đại học thì sau hàng chục năm
bôn ba kiếm tiền nuôi sống gia đình cuối cùng ba mẹ cũng về. Hai chị em tôi
cuối cùng cũng về dưới một mái nhà thì tôi hay tin đậu đại học trên phố. Thế là
chúng tôi lại xa nhau. Bốn năm đi học xa, tôi quyết về cống hiến để đổi mới quê
mình chứ không ở lại phố. Nó đã trở thành một cô thôn nữ xinh đẹp hiền lành và
dịu dàng hơn rất nhiều. Hai đứa tôi vẫn ở hai phòng khác nhau vì nhà đã có điều
kiện hơn, để mỗi người tự do trong khoảng trời riêng. Bỗng nửa đêm, chẳng hiểu
vì mệt hay sao tôi lại khó ngủ, bỗng nhớ tới lời nó hơn chục năm về trước, tôi
gõ thử vào bức tường rất nhẹ, phía bên kia, có những tiếng gõ lại thật êm, tôi
bỗng yên tâm chìm vào giấc ngủ.
Lê Hứa Huyền Trân
© Tác giả giữ bản quyền. Vui lòng ghi rõ nguồn Bông Tràm khi sử dụng lại nội dung này.
|
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét