- Trang chủ
- |
- Giới thiệu
- |
- Quy ước
- |
- Tác giả
- |
- Thư ngỏ
- |
- Lá thư Bông Tràm
Tác phẩm kỷ niệm 10 năm hoạt động của Bông Tràm, có sự góp mặt của 50 tác giả với trên 100 tác phẩm. Sách dày 312 trang, khổ 13 x 19 cm, giá 100.000 đồng.
“Em về với phố. Cứ mỗi lần em về với phố trong nhà bỗng thưa vắng đi những nụ cười, chiếc mâm bốn người bỗng vắng đi một đôi đũa, ba mẹ và cả tôi thèm những bữa cơm đông đủ đến độ tiếc ngẩn ngơ. Nay em đi làm xa xứ, những tiếng cười heo hắt chỉ đọng lại trong mỗi bữa cơm, cuộc sống bôn ba, đủ để tôi nhớ về em, hiện tại chẳng thể nào bắng kí ức. Điều ấy, đôi lúc nghĩ thật đau lòng.”
Chị em tôi lớn lên bên nhau, yêu thương và thiết thân
đến độ chẳng khi nào có ngày hai đứa sẽ xa nhau dù sóng gió cuộc đời có đưa đẩy
cả hai đến mức nào chăng nữa. Tôi hãy còn nhớ có bận, hai đứa ngồi coi phim,
nhìn thấy cảnh hai chị em nhà nọ cãi nhau, nó đương không ngồi khóc tu tu:
- Chị ơi, chị hứa nha, mình đừng bao giờ cãi nhau như
vậy hết... Cãi vậy là xấu lắm, xấu lắm.
Tôi vuốt tóc em thơ, miệng thay những nụ cười rất rõ. Chị
em tôi quấn nhau mà lớn lên, ba mẹ biền biệt theo những chuyến hàng xa, thứ để
lại duy nhất cho con là sự đủ đầy nhưng đong tràn nỗi nhớ. Hai đứa tôi thương
nhau mà lớn. Còn nhớ có bận bão chợt về, nhà dột tứ tung, hai đứa quấn mền
thành một cục với nhau, thanh âm duy nhất trong đêm là tiếng nước nhỏ trên mái
rơi xuống xô nghe toong toong thấy vui tai. Em ngồi cạnh tôi, ánh đèn dầu không
cũng làm em thấy sợ. Nhà lúc ấy tường thì ngấm nước tỏa hơi rất lạnh. Hai chị
em ngồi nhìn mưa suốt cả đêm. Nhà cạnh bờ ao, nước tràn cả ruộng rau muống
trước ngõ. Em hỏi tôi:
- Có khi nào sáng ngày rắn dưới ruộng bò lên bờ không
hả chị?
Tôi cốc đầu em cái tội giỏi nhát mình. Ấy thế mà lúc đó,
một khúc củi trôi vào làm tôi giật bắn, khóc ngẩn ngơ, em lật khúc củi đang
trôi hững hờ cười như nắc nẻ. Lũ trẻ xóm tôi thích những mùa nước nổi hơn là
người lớn bận bịu với những bữa mưu sinh. Vì mỗi khi mưa về, nước từ ao tràn
lên xóm nhỏ, đủ tới đầu gối, đồng thời cá cũng tràn lên một ít. Chúng tôi thích
những hôm sáng trăng, từng đàn cá chốt nhỏ xíu bơi lượn trên đường làng, và
chúng tôi thi nhau mang rổ mà úp, mà vục về nấu cháo. Nhưng mấy anh chốt nhà ta
cũng tinh ranh đáo để lượn rất nhanh, mà trên người lại có những thứ hơi nhọn
như gai chích vào tay sẽ dễ chảy máu. Mưa về, người lớn chẳng buồn xuống nước
vì dầm nước cả sáng ngày, chỉ có lũ trẻ, đứa này níu tay đứa kia, lội nước đi
vớt cá. Thi thoảng tôi phải hét lên với đám nhỏ:
- Mấy đứa đừng có lại gần chỗ đó, vớt ở chỗ phía trong
này này, ra đó là gần mép ao rồi, hụt chân, sâu lắm đấy.
Vậy mà tụi con Út Ngọc, Út Thu cứ mon men theo mấy chú
cá lại gần đó, có bận suýt té được mấy đứa giữ lại tự nhiên ôm nhau khóc rình
rang. Tưởng bận này sợ nhưng hôm sau vẫn vác rổ đi vớt cá cho kỳ được. Đám trẻ
nhà quê chúng tôi ham chơi thì ít mà thương ba thương mẹ thì nhiều.
- Nghĩ bọn bây
không đi nữa. Chưa tởn à?
Con Út Ngọc thỏ thẻ:
- Không đi sao đặng? Nước ngập lúa bữa giờ, ba má tao
chẳng đi làm chi được. Lúa trắng đồng
cũng chỉ tổ béo cho mấy lũ vịt.
Rồi nó cười hì hì, nhanh tay vục. Em tôi chẳng nói
tiếng nào, lại gần nhỏ, đổ nguyên cả giỏ cá vào rổ:
- Mày mang về nấu cháo cho ba má mày đi. Hôm qua mày
dầm nước cả ngày rồi khéo bệnh.
Con Út Ngọc rưng rưng, đám trẻ thấy thế chẳng ai bảo
ai, cũng chia sớt cho nó một ít, thằng Cả Lạc hay ghẹo nó cũng nhanh nhảu trút
vội mớ cua vừa mò, nhưng "chảnh" thế nào lại hất cằm lên chống nạnh
bảo:
- Mớ cua ấy mới mò, nhà tao chả ai thèm ăn, tao cho
mày tất.
Làm cả lũ phì cười. Nhỏ xách giỏ cua lững thững về,
chúng tôi nghe trong gió dội về tiếng nó khoe: "Mấy đứa cho con đó má,
mình nấu cháo nồi thiệt bự chia cho tụi nó nữa nha má". Tôi bất giác nhìn,
những đứa nhỏ xóm tôi vẫn đang hì hục vớt cá nhưng đứa nào cũng nở nụ cười. Em
tôi xách giỏ cá còn chút ít lội về kho, trong nhà, nước đã thấp đi chút ít, độ
cao hơn mắt cá chân, hai đứa nấu cơm muộn, vả nước ở chân cho khô leo lên tấm
phản nhỏ ngồi, cơm nghi ngút khói, miếng cá kho còn thơm mùi mắm.
- Chừng ba má về mình cũng vớt cá, cũng làm kho cho ba
má ăn chị ơi.
- Đần, ba má về có còn nước nổi nữa đâu.
- Hay giờ mình kho để đó ba má về ăn chị?
- Càng đần nữa, đợi ba má về cho cá nó thiu hết à?
Nhìn nó tiu nghỉu chẳng hiểu sao lại thấy thương ôm
vào lòng: “Cứ ráng học kho cá thiệt ngon đi, đợi ba má về kho cá khác”. Chân
trời tuổi thơ của tôi là với nó, với những lần đùm bọc nhau những ngày như vậy,
rau cháo nuôi nhau. Nó học giỏi, chẳng bù với tôi lúc nào cũng lao vào những
trò đùa nghịch. Khi tụi tôi bước vào cấp ba, ba mẹ ngừng những chuyến đi. Gia
cảnh bắt đầu bước vào những khó khăn, ba tôi hay trở trời đau nhói bởi vết
thương đau chân hành hạ, mẹ lại yếu. Hai đứa tôi vừa làm vừa học, tới bận tôi
phát hiện mình bị đau gan, cũng may là chưa biến chứng nhưng thi thoảng lại trở
đau không làm gì được, chỉ biết nằm nhà. Em tôi miệt mài theo má gánh lúa ra
đồng, chân hong nắng đỏ hỏn, lúc nào cũng thế, học xong trước tôi rồi phụ mẹ,
vỗ ngực tự hào: "Chị ngồi học đi cho vững, em phụ má được rồi". Nó
thay ba đảm việc nhà, cứ như trụ cột gia đình, từ một cô bé yếu đuối thành một
người mạnh mẽ, mái tóc cũng ngắn dần đi. Bàn tay em yếu đuối nhỏ bé ngày nào
bắt đầu thấm những vết chai, tôi vào đại học.
Lên đại học bắt đầu học nặng, tôi học trường nhỏ,
nhưng kinh phí cũng đè nặng cả gia đình, học được một năm em tôi nhận giấy báo
vào trường đại học trên phố, khỏi phải nói gia đình tôi hãnh diện cỡ nào. Ngày
trước khi nó xách balo đi hai đứa tôi cùng nằm cạnh nhau không ngủ được. Qua
những chấn song bằng gỗ của cái cửa sổ mái tranh không bao giờ khép, ánh trăng
vàng vọt hắt vào. Nó hỏi tôi:
- Nếu không học đại học mình cũng đỡ khoản tiền chị
nhỉ?
Tôi lắc đầu quầy quậy:
- Bậy, em mà không đi học người ta sẽ xem như em là kẻ
vô học, người ta nói ba má mình không còn gì hết đó.
Em im lặng không nói tiếng nào. Sớm sau thức dậy tôi
không thấy nó, nghĩ nó đi mà sợ tôi buồn nên không từ biệt, bẵng tới hôm nó
cùng má về sau buổi làm đồng. Tôi ngơ ngác:
- Ơ, con bé này, sao chưa đi?
- Nghĩ lại thì em không nên đi chị ơi. Tiền đã không
có, em nghĩ em nên để nhượng lại cho năm sau cũng được, cứ để chị học cho hết
đã.
Chẳng hiểu vì lẽ gì mà trong lòng tôi vừa giận dỗi,
vừa uất ức mà lại thấy vừa bất lực trong lòng, miệng tôi như thuộc về một kẻ
nào đó thật ác độc:
- Nuôi mày lớn chừng này cho mày học cho nên người chứ
không phải để mày thành kẻ ăn bám cha mẹ, học không ra học, chơi không ra chơi.
Em sững lại nhìn tôi không nói gì, cả tối hôm đó hai
đứa không nhìn mặt nhau, hôm sau, em đi. Em đi từ khi còn khá sớm, và chúng tôi
không còn liên lạc từ đó. Cứ như một sự mất tích, em biến mất. Không thông tin
gì về em, ba má khóc hết nước mắt, còn tôi đắng lòng chẳng nói rõ thành lời.
Đầu óc tôi chỉ quanh quẩn với những nghĩ suy rằng việc em bỏ nhà ra đi là tại
tôi, tại những câu mắng em của tôi ngày hôm đó. Ngày này qua ngày khác, tôi lân
la hỏi khắp nơi về em, tóc ba sau những đêm bạc trắng, tiếng mẹ khóc thổn thức
mỗi đêm, tôi như một cô bé thu mình lại trong bốn bức tường. Phần vì lo cho em,
phần vì dằn vặt. Bẵng đi mấy tháng, em về. Ba mẹ ôm em khóc như mưa, còn tôi
chỉ biết đứng sững nhìn em phía trước. Em đã có công việc ổn định trên phố,
không học tiếp con đường đại học còn đang dang dở. Em không nói nhiều về cuộc
sống em nơi phố thị, chỉ xin lỗi thật nhiều, còn ba mẹ chỉ biết ngồi khóc rưng
rức.
- Có phải ngày ấy em đi là vì chị không?
- Không, vì em nhận ra mình không có điều kiện học
tiếp. Nếu số phận em đã dang dở em không muốn chị cũng như thế. May thế nào lại
có công việc ổn định trên phố, bởi thế em muốn lo thật chu tất mọi việc rồi mới
về. Em muốn có thể lo được cho gia đình mình.
Nghe em nói tôi chỉ biết im lặng trước những nghĩ suy
trẻ con của mình.
- Làm trên phố ổn không em?
- Ôn mà chị. Em không quan tâm vất vả, quan trọng là
nhớ nhà, và cứ mỗi khi nhớ nhà, em lại cố gắng làm thật nhiều, nỗ lực thật
nhiều - Rồi đột nhiên, em im lặng - Chị có ghét em không? Khi em bỏ đi đột ngột
như thế? Quãng thời gian ấy chắc chị đã suy nghĩ rất nhiều...
- Nhiều chứ. Nhưng trên hết chị bất lực khi nghĩ rằng
tại chị mà em đi. Chị đã không biết những gì em chịu đựng khi bỏ đi ước mơ đại
học của mình. Chỉ biết bất lực và trách em mà thôi.
Em ôm tôi lại không nói gì nữa. Hai đứa ngồi ngắm sao
đêm, cả một trời tuổi thơ dập dìu phía trước. Có khác chăng giờ hai đứa cả hình
hài lẫn tâm hồn không còn vô tư lự như ngày xưa nữa, đều đã thuộc về những miền
rất khác, những khoảng trời người lớn mà hai đứa phải đón nhận. Tôi không hỏi
nhiều về cuộc sống nơi phố thị của em, bởi nhìn bàn tay gầy guộc, và chai sạn
của em dường như tôi đã hiểu cả. Chẳng phải vì tôi không quan tâm em mà tôi
hiểu, em tôi, đến một lúc nào đó khi thật sự cần thiết, khi em quá mệt mỏi và
chán chường, em sẽ tìm đến tôi, ôm lấy tôi. Vì tôi biết cô em bé bỏng của tôi,
có những thứ nó biết, nó cần, nó sẽ tự nói ra, chứ đừng bao giờ quyết định thay
nó. Và cứ mỗi bận về thăm nhà ngắn ngày xong em lại đi, bươn chải nơi phố thị,
đỡ đần cả nhà qua yêu thương xa xứ…
Em về với phố
Ba mẹ nhớ tiếng cười đến độ khóc ngẩn
ngơ
Tôi vuốt tóc em còn thơ
Thèm nghe tiếng em tới mức như phát cơn
rồ dại
Lê Hứa
Huyền Trân
© Tác giả giữ bản quyền. Vui lòng ghi rõ nguồn Bông Tràm khi sử dụng lại nội dung này.
|
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét