Ngày Tết cận kề, người người nôn nao chờ
một năm mới sắp đến. Nếu màu cam và xanh biển là màu của mùa hè, màu vàng và
nhung đỏ gắn liền với mùa thu, màu xanh lơ của bầu trời thuộc về mùa đông lạnh
thì mùa xuân là sự hội tụ của tất cả các màu sắc tươi đẹp.
Là nụ cười rạng rỡ
của ai đó khi cầm miếng dưa hấu đỏ tươi trên tay báo điềm may mắn cho một năm
mới sung túc. Là màu vàng rực rỡ của cây mai nở đúng vào ngày đầu năm. Là màu
xanh thẫm của mấy đòn bánh tét mới ra lò của các bà các chị.
Có cái Tết xa nhà. Là khi cách nhau chỉ
một cái màng hình máy tính nhưng thật xa. Là sự bước đi không bao giờ quay lại
khi người ta chỉ kịp chào quê hương mình một lần cuối.Tôi nhớ về màu xanh của
món quà ngày Tết. Không hiểu sao những ngày cuối năm này, cảm giác trong tôi
hệt như những ngày cuối năm khi ấy.
Hồi đó,ba mẹ ba mẹ bận việc nên tôi sống
chung với ngoại và mấy đứa cháu khác. Mỗi lần mà nghe Tết về là bọn trẻ
con tụi tôi mừng khỏi phải nói. Tết thì được nghỉ học, được ở nhà phụ ba mẹ dọn
dẹp tết, và vui hơn hết là được ngoại dẫn đi sắm quần áo Tết. Chúng tôi chỉ
được đắt đi mua đồ mới hai lần một năm, một lần là đầu năm học mới và một lần
nữa là vào dịp gần Tết như thế. Ngoại kêu gì cũng dạ, ngoại bảo gì cũng làm vì
ai trong chúng tôi cũng nhớ lời ngoại nói mấy hôm trước: “Muốn ngoại mua áo mới
cho thì phải nghe lời biết hông bây.’’.
Vợ chồng thím Mười bạn của mẹ tôi bỏ hai
mẫu ruộng đang trồng lúa để trồng bông cúc bán Tết. Ngoại tôi cho mượn tiền để
thím Mười trồng bông, nói bao giờ trả cũng được. Tôi nhớ những hôm ra đồng với
ngoại, mấy khóm cúc xanh èo xanh uột còn chưa ra nụ. Ngoại lắc đầu nói: “Vầy
rồi sao Tết đem bán cho ai được đây.”. Tôi lúc đó không hiểu ngoại nói gì,
trong suy nghĩ tôi hiện lên cảnh một cánh đồng vàng rực lung lay trong từng cơn
gió mới. Và rồi thì những ngày gió lạnh cuối năm cũng trôi qua.Ngày thu hoạch
đã đến. Từng búp dài được đặt vào từng chiếc giỏ tre bé xinh. Mấy giỏ tre đặt
chật hết cả một khoảng sân nhà ngoại. Hôm đó là chiều hai mươi lăm Tết.
Những nụ hoa nhỏ xíu, xanh non như sợ sệt
phải nở. Hoa sợ mùa xuân hay hoa quá mỏng manh để khoe cho người ta biết vẻ đẹp
của mình. Thím Mười dọn hàng ra vỉa hè trước nhà ngoại. Người qua người lại ghé
vào xem nhưng rồi không mua và quay đi. Người ta chê hoa gì đâu mà toàn nụ với
nụ, mua về có nước đem cất. Người tiếp tục đi và tìm cho mình những thi vị của
ngày cuối năm. Người ở lại nuôi niềm hy vọng về một cái Tết no đầy. Đêm, từng
nụ hoa trắng xanh, nõn nà tinh khôi như từng đóm lửa nhỏ bé, soi rọi những tâm
hồn còn lắm lo toan.
Ngoại tôi ra bán phụ, khách mua chủ yếu là
người thân, bạn bè và phụ huynh trong lớp của ngoại. Có cô khách dừng xe mua
hai giỏ bông rồi nói tại vì cô giáo bán nên em mới mua đó, hoa này có nước mồng
bốn mới nở. Ngoại cười nhưng mà buồn lắm chứ. Tụi con nít chúng tôi chẳng biết
làm gì nên mỗi đứa ôm một chậu bông ra mấy ngã tư chào hàng. Chúng tôi tự hỏi
nhau rằng khi nào ngoại sẽ được ngoại dẫn đi mua áo mới. Tối hai chín Tết trôi
thật chậm.
Tết đến. Ngày chú thím Mười về quê có tặng
cho ngoại tôi hai chậu bông cúc còn sót lại. Ngoại nói ngoại không lấy tiền
lời, coi như cho mấy đứa cháu dưới quê đó mà. Tôi suốt ba ngày Tết cứ chờ cho
hoa nở. Mấy thằng anh lớn cứ cam đoan hoa của tôi sẽ héo trước mồng năm rồi đem
vứt cho coi. Hoa nở thật, nở nhiều là đằng khác,hoa màu xanh như màu của nụ.
Một năm nữa đã qua rồi. Tôi không còn sống
với ngoại như hồi bé, không còn những bông cúc xanh đêm ba mươi Tết như năm
nào. Một năm, tôi hiểu rằng để thành công và toả sáng thì phải biết đợi chờ chứ
không phải lúc nào cũng phải đi trước và làm trước. Chờ đợi để sống, đợi để
tích luỹ và đợi để hoàn thiện nhiều hơn. Tôi nhớ đến những bài học của ngoại,
nhớ ai nói với tôi rằng quá khứ và hiện tại luôn có sợi dây mắt xích gắn kết
nhau. Tết này, có ai tặng tôi một chậu cúc xanh.
LÂM LÊ KHÁNH HẢO (tác giả giữ bản quyền)
___________________________________________
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét