Hết tháng Chạp là năm cùng tháng tận.
Để chào mừng năm mới ngập tràn hi vọng, không ai bảo ai, khắp các thôn làng
trên toàn cõi đều háo hức chuẩn bị đón giao thừa, diễn ra vào những giây phút
trừ tịch thiêng liêng, đúng vào thời điểm giữa đêm, tức hết giờ Hợi của năm
trước, chuyển qua giờ Tý của năm kế. Sau đó cùng nhau Ăn Tết Nguyên Đán cổ
truyền.
Trong “ba ngày Tết” một lễ hội ẩm thực trọng thể và hoành tráng nhất
trong năm được diễn ra trong khung cảnh cực kỳ ấm cúng, vui vẻ, vừa mang đậm
tính nhân văn, vừa thể hiện rõ nét nhất bản sắc văn hoá dân tộc. Ở đó, lễ là
phần nghi thức cúng tế có tính thiêng liêng, dâng lên Ông bà, Tổ tiên những
“món ngon vật lạ”; còn hội là sự thừa hưởng những thức đã cúng như là
một sự hưởng phúc, hưởng lộc. Cỗ bàn dọn ra, con cháu cả nhà, và bạn bè, hàng
xóm cùng nhau vui say “chúc sức khoẻ” với la liệt những món ăn, thức uống do
chính mình nuôi trồng, sản xuất, đảm bảo đầy đủ dưỡng chất và hợp khẩu vị.
Trong ý nghĩa
đó, vào những ngày trọng đại này, mọi người, mọi nhà đều đồng loạt dâng lên bàn
thờ Tổ tiên thức cúng, nào hương đăng trà quả, nào món ngon vật lạ… nguyện vái
ông bà về cùng với con cháu Ăn mừng năm mới, mừng muôn loài cựa mình
sinh sôi nẩy nở do tiết (Tết) trời ấm áp, đó là lúc bắt đầu (“Nguyên”)
của một buổi sớm mai mới (“Đán”).
Dân ta Ăn Tết,
trước hết nhằm nêu cao truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn trái nhớ kẻ
trồng cây”, thể hiện cao nhất tấm lòng hiếu thảo của con cháu đối với Ông bà,
Tổ tiên; là dịp để thăm lom, chúc tụng; và biếu quà Tết (tuy giá trị chẳng đáng
bao nhiêu nhưng nói lên được tấm lòng ân nghĩa chân thành, có nghĩ tưởng đến);
đồng thời tỏ sự hân hoan chào đón những điều tốt lành, suôn sẻ
đang chờ đợi ở phía trước. Do thế mà các “trận tiệc tình thương mến thương”
liên tiếp diễn ra. Hết tiệc rượu tới tiệc trà… Cứ thế mà ngoả nguê “rửa ruột”!
Việc ăn uống
trong những ngày Tết ở Nam Bộ diễn ra rất bài bản và mang sắc thái rất đặc
trưng, chứ không phải muốn ăn gì ăn, uống gì uống. Cả đến những vật tế cúng
dâng lên bàn thờ Ông bà, Tổ tiên cũng có khuôn phép theo những quy ước nhất
định chứ không thể tuỳ tiện.
Chung nhất, dân
gian thường rất kiêng dùng những món có tên gọi “khó ưa”, đơn giản vì đã từ bao
đời nay, ai nấy đều có cách hiểu khá ngộ nghĩnh: “Đầu năm sao thì mãn năm vậy”,
do đó người ta không ăn mắm (tuy là “món ruột” rất được ưa thích, nhưng
do hiểu mắm là món ăn của hạng nghèo khổ cơ cực nên Tết phải “cử”: “Làm cho
lắm cũng mắm kho cà, làm thấy bà cũng cà kho mắm”!); tránh dùng các loại bí,
nhất là bí đao (vừa bí vừa đau); khổ qua (rước lấy khổ
sở cho mình – qua xưa là tiếng xưng mình với người nhỏ tuổi hơn);
kho tiêu (sợ tán gia bại sản); sầu đâu cũng gọi sầu đông
hay khổ luyện (tên nào cũng sầu, khổ!)… Những món được ưa chuộng phổ
biến là thịt kho hột vịt, thịt heo quay ăn với bánh hỏi, canh chua cá lóc, chả
cá thát lát chiên, các món xào, hấp, luộc, nướng, lẩu, gỏi, các món dưa chua
như dưa cải, kiệu, ngó sen, dưa tỏi… cùng là các loại rau thơm, rau rừng, dưa leo,
dưa hấu…
Những người ăn
chay thì cà hấp, rau luộc chấm nước tương, dưa leo chấm chao, các món kho, xào
chế biến từ tàu hũ, đậu phộng rang muối v.v. đơn giản mà ngon miệng.
Nhậu thì tuỳ
từng loại mồi mà nhắm rượu đế, rượu thuốc hay bia. Uống trà thì có các loại
bánh, mứt, thèo lèo, chà là… Nói chung là rất phong phú, không sao ăn hết, đến
mức “ngán tận cổ”, cho nên mặc dù toàn món ngon, nhưng không ai dám ăn no, vì
phải chừa bụng để còn phải ăn tiếp, uống
tiếp (nếu bình thường chỉ ăn ngày 3 bữa thì Tết chỉ 1 bữa: từ sáng đến tối! Tất
nhiên cái bụng no cứng thành thử không thể không “thủ” thuốc tiêu!
Thức cúng thì
“có chi cúng nấy” chủ yếu là tỏ lòng thành hiếu thảo, nhưng không cúng món mắm
(đã nói ở trên), không cúng trái táo (tên chữ của táo là cức, đồng âm
với cứt!).
Rượu thì các
loại rượu Tây, rượu Tàu (và bia) không được phép chanh ranh, vì hơn ai hết Tổ
tiên, Ông Bà không bao giờ chịu đội trời chung với những tên xâm lược này, nên
nhứt thiết phải cúng rượu đế.
Cũng như thế,
các loại bánh Tây cũng không được léo hánh vì Ông Bà không ưa, mà chỉ ưa bánh
tét (bánh tét là “bánh thiêng”, xưa người ta không dám vô cớ gói bánh tét để
ăn. Thèm thì gói bánh ú – thành phần, chất lượng cách chế biến cũng y như bánh
tét, chỉ khác hình dáng), bánh ít, bánh in, bánh phồng, bánh cúng, cốm dẹp…;
các loại chè và mứt làm từ “cây nhà lá vườn”.
Cả hoa, trái
chưng cúng cũng vậy, không ai cúng các loại “hoa Tây” (pensé, lay ơn…) mà chỉ
mai, sen, huệ, thọ, cúc, điệp… tức những loại tự trồng ở sân vườn. Trái thì dưa
hấu (đặc sản của Việt Nam – xanh vỏ đỏ lòng), xoài, cam, quýt, bưởi (các loại
này cũng đều là đặc sản của Việt Nam – xưa là vật cống, vua Trung Quốc rất
khoái vì ngon tuyệt, truyền lấy hột ươm trồng nên nay bên ấy cũng có như ở ta),
chuối, đu đủ (ngon, bổ lại mềm, ông bà rụng hết răng vẫn ăn được ngon lành).
Cho dù đã trải hàng ngàn năm, dân ta vẫn giữ tục chưng cúng “ngũ quả” nhưng
không phải 5 loại quả nhất định như xưa, mà là 5 loại quả ngon bất kỳ nào cũng
được. Tuy nhiên để thể hiện lòng thành yêu kính, người ta vẫn cúng ông
bà nhiều hơn 5; còn chưng thì chọn 5 loại quả có tên gọi như ý mong muốn
là cầu (mãng cầu) tiền (nho) đủ (đu
đủ) xài (xoài) sung. Nước thì chỉ 1 ly nước lạnh (để súc miệng,
vì ngày xưa Ông Bà ăn trầu, nên trước khi dùng bữa phải có 1 ly nước lạnh), và
một bình trà là đủ – Ông Bà rất xa lạ nước đá và cả những loại nước ngọt vô
chai, bánh Tây đóng hộp.
Tất cả đều dân
dã mà đậm đà tình quê, thể hiện rất rõ bản sắc và lòng tự hào dân tộc.
Về việc chuẩn bị
nguyên vật liệu để chế biến món ăn, phải nói là hết sức “công trận”:
- Để có heo, gà
kịp phục vụ Tết, bà con phải nuôi trước hàng 5, 3 tháng, sao cho đến Tết heo
đúng tạ, gà đúng ký, con nào cũng mập ú tròn trĩnh.
- Để có nếp mới
gói bánh, hoặc quết bánh phồng, cốm dẹp… không chỉ người nông dân phải tìm đổi
giống nếp thơm, ngắn ngày mà còn làm sao có đất gò để gieo trồng, thu hoạch
sớm.
Cả lúa nếp và
lúa gạo khi đã ra hột bà con còn phải tự tay xay (cối đất), giã (cối cây), sàng
sảy, lựa bỏ từng hạt lộn để đảm bảo nếp rặt (dẻo, ngon), gạo không còn lẫn
thóc, sạn.
Cho đến thời
thuộc Pháp khi đã có “nhà máy xay lúa” và đã có nhiều ghe thuyền ngược xuôi
sông rạch rao mời lanh lảnh “lúa đổi gạo hôn…?” nhiều người
nhất định không xay lúa ở nhà máy (và cũng không đổi, vì gạo ấy họ cũng
xay ở nhà máy), cho rằng như thế là chưa thể hiện cao nhất lòng hiếu kính đối
với Tổ tiên Ông Bà, nên phải tự xay, tự giã!
Cũng như thế đó,
để có mươi đòn bánh tét, ít chục bánh phồng dâng cúng Tổ tiên, bà con phải tự
gói, quết rất vất vả. Cực mà vui, mà cảm thấy thanh thản trong lòng. Do vậy mà
ba ngày Tết khắp nơi trong cả nước, lễ hội ẩm thực đã diễn ra rất hoành tráng –
hoành tráng cả hình thức lẫn nội dung.
Hiện nay mọi thứ
thức gì cũng sẵn, cũng nhiều, khi cần người ta chỉ việc đến chợ, hoặc “phôn” là
có đủ hàng, đủ hiệu như ý. Cho nên về ẩm thực, bà con không phải bận tâm chuẩn
bị quá đa đoan. Còn việc tỏ lòng hiếu thảo cũng không thấy có sự câu nệ đến mức
tự xay, tự giã gạo như ngày trước – mất quá nhiều thời gian!
Theo nhịp độ
cuộc sống và với nếp văn hoá vui Tết trong tinh thần tiết kiệm, nhân dân ta
không chỉ tiết kiệm trong tiêu phí tiền bạc mà còn ý thức tiết kiệm cả thời
gian, bởi “thời gian là tiền bạc”!
Tết nay vẫn diễn
ra lễ hội văn hoá ẩm thực hoành tráng, nhưng nhân dân không hề say sưa “mút
mùa” làm ảnh hưởng đến lao động sản xuất.
NGUYỄN HỮU HIỆP
___________________
Bài viết rất hay, bổ ích. Cảm ơn tác giả
Trả lờiXóa