Tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nhà văn Việt Nam khoá IX nhiệm kỳ 2015-2020. Một số ý kiến của một số hội viên góp ý xây dựng Hội tại Đại hội Khu vực Tp. Hồ Chí Minh, Đại hội Khu vực Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long:
Nhà văn Trần Thanh Giao:
Tôi nhận thấy hình như Ban Chấp hành Hội nhiệm kỳ qua chưa quán xuyến hết công việc của hội viên ở các tỉnh phía Nam. Một Ủy viên Ban Chấp hành ở một khu vực nào đó của phía Nam hình như chưa bao quát được hết công việc. Hình thức “cắm” uỷ viên chấp hành như vậy chưa phát huy tác dụng rõ rệt. Nên chăng thay bằng hình thức tổ công tác, trực tiếp với Ban Thường vụ Hội để giải quyết các vấn đề phát sinh hiệu quả hơn? Thứ hai, hoạt động Hội sôi nổi hơn các khoá trước, nhưng chủ yếu ở Hà Nội và các tỉnh phía Bắc (đi thực tế, nhà văn nữ, nhà văn cao tuổi, dự trại, tài trợ sáng tác...), vì vậy có người nói đùa tên là Hội Nhà văn Việt Nam nhưng hoạt động như Hội Nhà văn miền Bắc! Thứ ba, những nhà văn cao tuổi cũng là hội viên, cũng cần có nghĩa vụ và quyền lợi như mọi hội viên khác (đi thực tế, dự trại sáng tác, tài trợ xuất bản...). Tôi là Phó ban Nhà văn cao tuổi ở phía Nam nhưng chưa một lần được họp bàn công việc, chưa có chút kinh phí nào để thăm hỏi hội viên cao tuổi, chưa một lần được mời đi trại suốt cả nhiệm kỳ và chưa lần nào được tài trợ xuất bản dù đã gửi đơn và bản thảo theo qui định...
Làm sao để Hội hoạt động tốt hơn? Câu hỏi này đặt ra thật khó, nhưng có lẽ vấn đề chủ yếu vẫn là ở con người. Nếu người lãnh đạo Hội biết hy sinh vì hội viên, không tư lợi, thì hoạt động Hội sẽ tốt hơn? Lấy gì chứng minh? Như nhà văn Lê Văn Thảo đó, mới có một khóa mà anh đã rút lui... Hội viên miền Nam mong sao có được người như Lê Văn Thảo...
Tôi cho rằng báo cáo tổng kết của Hội về nhiệm kỳ qua còn hơi sơ lược, cần phân tích, đánh giá sâu hơn tác động từ hoạt động của Hội đối với đời sống văn học và hội viên. Chẳng hạn, Ngày Thơ Việt Nam, Liên hoan Thơ châu Á - Thái Bình Dương, Hội nghị Quảng bá văn học, Hội thảo về thơ chống Mỹ,… là những hoạt động tích cực. Tuy nhiên, các hoạt động ấy chủ yếu diễn ra ở phía Bắc. Hội viên ở phía Nam ít được chú ý, từ việc tài trợ, đầu tư sáng tác đến dự trại, đi nước ngoài,… Tôi thấy đại diện Ban Chấp hành Hội ở phía Nam mà trung tâm là Tp. Hồ Chí Minh chưa kết nối được quan hệ với các cấp lãnh đạo, làm cho văn học lạc hậu so với sự phát triển với kinh tế - xã hội. Các ấn phẩm của Hội, mà diễn đàn chính là tuần báo Văn nghệ, chủ yếu đăng bài của các nhà văn ở phía Bắc, nên tờ báo này nhiều năm nay vắng bóng dần đối với bạn đọc phía Nam. Văn phòng miền Nam từ lâu không tổ chức họp mặt cộng tác viên.
Đến nay, Hội Nhà văn Việt Nam gần như là hội nghề nghiệp lớn duy nhất chưa có được Văn phòng đại diện tại Tp. Hồ Chí Minh. Tôi đề nghị cần sớm xây dựng và hoạt động Văn phòng đại diện Hội ở phía Nam để kết nối hội viên. Đồng thời, Hội cần tổ chức một ấn phẩm về Văn nghệ dành riêng cho phía Nam.
Làm sao để đưa tác phẩm văn học của chúng tôi, các nhà văn, nhà thơ Việt Nam, hội nhập quốc tế, là điều tôi quan tâm hiện nay. Trong thời gian qua, theo dõi trên trang điện tử của Hội Nhà văn Việt Nam, tôi được biết Hội đã tổ chức nhiều cuộc tiếp xúc, giao lưu và gặp gỡ với các nhà văn, nhà thơ ở các nền văn hoá - văn học của dân tộc các nước qua các cuộc Hội nghị Quốc tế Quảng bá văn học Việt Nam và Liên hoan thơ châu Á - Thái Bình Dương, Giải thưởng Văn học Mê Kông… Tôi rất mừng. Nhưng là hội viên ở các vùng biên giới xa xôi của đất nước cũng chỉ có thể ngưỡng vọng thôi và hương hoa của các cuộc hội nghị, các cuộc gặp gỡ giao lưu trên thì vẫn rất xa chúng tôi; và tôi cũng biết, vừa qua, Hội cũng đã thành lập một Trung tâm Dịch thuật Văn học… để làm nhiệm vụ gạch nối văn học trong và ngoài nước, việc này rất tốt và rất hay, chúng tôi rất tán thành và ủng hộ! Nhưng thật ra, các dịch giả trong nước đã dịch rất nhiều, có khi là rất đầy đủ, các tác phẩm hay của nước ngoài vào cho bạn đọc ở Việt Nam; nhưng ở đầu ra, phần chọn lọc và chuyển ngữ tác phẩm của các nhà văn, nhà thơ trong nước ra tiếng nước ngoài để giới thiệu ra thế giới còn hạn chế và rất khiêm tốn. Tôi đọc thấy, trong dự thảo báo cáo của Hội Nhà văn Việt Nam nhiệm kỳ VIII và phương hướng nhiệm kỳ IX của Hội, có ghi: “sẽ chọn lọc để dịch và giới thiệu…”, nhưng, tôi ước chừng, nếu như hội viên đang sinh sống ở các vùng miền xa xôi của đất nước đợi đến lượt mình được Hội chọn dịch và giới thiệu, chẳng biết đến bao giờ; có khi đến kiếp sau! Chúng tôi mong được Ban Chấp hành Hội lưu ý đến vấn đề này.
Tôi nghĩ, hay là chúng tôi tự liệu, không chờ đợi xếp hàng đến lượt ở trong kế hoạch của Hội; chúng tôi tự tìm cách tự chuyển ngữ tác phẩm của mình và cùng với các nhà xuất bản hiện nay trong nước liên kết xuất bản? Mới đây, tôi được biết, trong Làng Văn của chúng ta có nhà thơ Mai Văn Phấn làm được việc này và tôi hết sức thán phục. Tôi cho rằng, trong không khí tự do sáng tác và xuất bản như hiện nay của nước ta, nếu như tác phẩm của chúng tôi đảm bảo chất lượng, có nội dung yêu nước và trung thành với Tổ quốc thì việc chuyển sang một ngữ, hay hai ba ngữ của nước ngoài, chắc chẳng gặp khó khăn gì. Nhưng không phải, ai trong chúng tôi cũng đều có đủ sức để chuyển ngữ tác phẩm của mình ra tiếng nước ngoài. Trong trường hợp, hội viên chúng tôi tự liệu việc xuất bản tác phẩm chuyển ngữ của mình thì Trung tâm Dịch thuật Văn học của Hội có giúp đỡ được gì cho chúng tôi về mặt chuyên môn? Và việc phối hợp ấy sẽ được thực hiện ra sao? Dẫu sao, hội viên chúng tôi cũng vẫn rất cần sự giúp đỡ của Trung tâm trong công việc chuyển ngữ tác phẩm văn học của chúng tôi và đưa ra với cộng đồng thế giới; như vậy, chúng tôi mới có thể hy vọng tác phẩm của chúng tôi - là những người hội viên đang ở vùng sâu, vùng xa được giới thiệu ra đến nước ngoài.
Tôi nhận thấy có ba vấn đề lớn của Hội còn tồn tại. Một là, việc kết nạp hội viên chưa chú ý đến những vùng miền mà chỉ tập trung vào một vài thành phố lớn. Số lượng xét kết nạp cũng quá ít so với số đơn xin gia nhập. Hai là, Ban Chấp hành Hội chưa chú ý đến các Ban Công tác Nhà văn ở khu vực, kinh phí hoạt động gần như bằng không. Điều này cũng tạo nên sự khó khăn nhất định cho hoạt động của các Ban Công tác khu vực. Ba là, báo Văn nghệ có những lúc thiếu tính vùng miền, thiếu sự phong phú, đa dạng mà chỉ tập trung vào những khu vực lớn. Trang thơ của báo Văn nghệ có những số rơi vào việc quá cách tân, quá cầu kỳ nhưng thiếu hơi thở của cuộc sống, chưa gần với bạn đọc.
Để nhiệm kỳ tới, Hội hoạt động tốt hơn, tôi kiến nghị Hội phải chú trọng đến Ban Công tác khu vực vì đây là cánh tay nối dài của Hội bằng cách cấp kinh phí hoạt động thường xuyên, ít ra mỗi năm cũng có một cuộc họp khu vực một lần. Với khu vực, Hội cũng nên mở các trại sáng tác theo cách hoán đổi. Có nghĩa là khu vực này sẽ tham dự trại ở khu vực khác. Như vậy sẽ tạo được động lực và hứng khởi cho nhà văn sáng tạo ra nhiều tác phẩm hay hơn, có tính đa chiều hơn. Ngày Thơ Việt Nam cần có kế hoạch, hướng dẫn thật cụ thể, tránh rơi vào việc các địa phương tổ chức hình thức, không thu hút công chúng và lãng phí. Những nhà thơ lớn, những thành viên trong Ban Chấp hành Hội cũng cần đến tham dự Ngày Thơ ở địa phương thay vì chỉ tập trung ở Hà Nội. Chính sách đầu tư, đãi ngộ cho nhà văn phải rõ ràng, minh bạch. Vận động xã hội hóa các giải thưởng của Hội để có thêm kinh phí nâng cao giá trị của giải thưởng như là một sự khích lệ các nhà văn đầu tư công sức và trí tuệ vào tác phẩm của mình. Cần có một cuộc hội thảo đánh giá sau bốn mươi năm từ 1975 đến 2015, văn học miền Nam có những thành tựu, hạn chế nào để có giải pháp khắc phục.
Tôi thấy những điều cần phải khắc phục sau mỗi nhiệm kỳ Đại hội Hội Nhà văn là không mới, chúng ta bước đi còn chậm so với sức vận động của thời đại nên việc không theo kịp các trào lưu là tất yếu. Không khó khi nhận ra một giai đoạn văn học của cả nước là mỗi thứ một chút đang mở ra: tác phẩm, tài năng, học thuật, lý luận phê bình… Khu vườn của Hội có phát triển nhưng lại có gì đó hơi tầm tầm, rời rạc. Và nếu như cái gì chúng ta cũng có nhưng lại như chưa có gì thì sẽ dễ chán lắm!
Một nhiệm kỳ đã qua, theo báo cáo tổng kết đánh giá tác phẩm thì nhiều nhưng chất lượng chưa tương ứng, tính chuyên nghiệp chưa cao. Lĩnh vực lý luận phê bình chưa mạnh, công tác hỗ trợ đầu tư chưa chuyên sâu, nhiều yếu kém lâu nay chưa được khắc phục… Có một vài diễn biến không tích cực trong tư tưởng hội viên do những tác động bên ngoài và bên trong gây ra. Tuy nhiên, theo tôi nếu không có những khó khăn, gập ghềnh, những chướng ngại trước mắt thì sẽ khiến ta chủ quan hơn trên bước đường của mình, do vậy những cái khó trong mỗi nhiệm kỳ sẽ giúp cho Hội ta mạnh hơn, khéo hơn trong mọi hoàn cảnh, sự trải nghiệm này là rất cần thiết.
Với mỗi nhà văn, cái cần phải khắc phục ngay bây giờ phải chăng là sự ỷ lại trong quá trình làm nên tác phẩm của chính mình.“Tre tàn thì măng mọc”, tôi không biết mình có chủ quan hay không khi thấy rằng có nhiều lớp măng đã mọc lên rồi, dù tre vẫn chưa tàn. Đó là điềm tốt trong quang cảnh của Hội Nhà văn Việt Nam hiện tại. Những thế hệ vẫn hăng hái nối tiếp nhau dấn thân vào con đường văn học vốn rất gian nan, họ chưa cảm thấy mệt mỏi thì chúng ta vẫn còn hy vọng.
Tất cả còn đang ở phía trước. Làm thế nào để Hội hoạt động tốt hơn? Tôi thì không dám nghĩ về những điều lớn lao ấy, nhưng những người có trách nhiệm, nhất là Ban Chấp hành Hội nhiệm kỳ mới phải dám nghĩ nhiều hơn, làm nhanh hơn và chắc chắn hơn so với nhiệm kỳ qua. Chúng ta hay nói về những cái “khó” nhưng làm thế nào để vượt qua được những cái khó đó thì không ai dám nói.
PV báo Văn nghệ khu vực miền Nam
_________________________________
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét