Trúc Thông được biết đến nhiều nhất với bài thơ Bờ sông vẫn gió. Có thể nói đây cũng là bài thơ sáng giá nhất trong gia tài thi ca của ông. Đọc Bờ sông vẫn gió và một số bài thơ khác có xuất hiện hình tượng Sông (nho nhỏ mùa thu; nhớ mẹ sông Châu;chợt quê; đứng ở chợ sông; lát sông quê; cuối năm ở nhà; đi Ninh Bình, nhớ con; bên sông Thương…) chúng tôi nhận thấy ấn tượng thẩm mỹ bao trùm nhất chính là trạng thái phôi pha, trôi chảy. Phôi pha, nhòa nhạt, càng níu lại, càng trôi đi, phai đi chính là trạng thái thường trực của Trúc Thông khi đứng trước sông và nghĩ về cuộc đời, về những gì đang diễn ra, đang mất đi xung quanh mình, rộng hơn là xung quanh cõi người.
Con người sinh ra đã là một thất bại. Bởi lẽ, ngay khi cất tiếng khóc chào đời, con người đã chính thức bước vào cuộc đấu tranh chống lại cái chết và không thể nào tránh được cái chết. Trong một ý nghĩ điên rồ, cái chết phải chăng chính là kẻ thủy chung, bền chặt nhất bên cạnh ta. Chỉ có sự sống là luôn bội phản, từng giây phút rời bỏ ta, đẩy ta gần thêm cái chết. Ý thức hiện hữu bởi thế càng riết róng ở người nào có ý thức cao về sự sống và cái chết, sự phôi pha, trôi chảy. Sông cũng như cuộc đời vậy. Nghĩa là luôn trôi chảy, luôn rời bỏ, ra đi. Triết gia cổ đại Heraclite nói không ai tắm hai lần trên cùng một dòng sông cũng bởi tất cả chẳng bao giờ vẹn nguyên như nhất. Trúc Thông là người kỹ tính và tinh tế trong việc cảm nhận thời gian, hơi thở của sự sống, niềm gắn bó và cả những phôi pha trong từng khoảnh khắc. Bởi vậy, sông như là biểu tượng của cảm xúc và nhịp điệu đời sống trong cảm quan của thi sĩ: lá ngô lay ở bờ sông/ bờ sông vẫn gió… người không thấy về/ xin người hãy trở về quê/ một lần cuối... một lần về cuối thôi/ về thương lại bến sông trôi/ về buồn lại đã một thời tóc xanh/ lệ xin giọt cuối để dành/ trên phần mộ mẹ nương hình bóng cha/ cây cau cũ giại hiên nhà/ còn nghe gió thổi sông xa một lần (bờ sông vẫn gió). Chỉ xin chú ý đến hình tượng sông trong trích dẫn này: lá ngô lay ở bờ sông, bờ sông vẫn gió, bến sông trôi, gió thổi sông xa, người đọc sẽ nhận thấy ý thơ khởi phát bằng một cảm thức rất xa vắng. Xúc cảm được gợi lên bằng sự đối lập của cái còn và mất, cái hiện diện và cái xa khuất. Tuy vậy, đọc từ âm bản, lại thấy rằng, lá ngô lay ở bờ sông/ bờ sông vẫn gió… là một mô tả rất thờ ơ. Bởi lẽ, khung cảnh ấy nhợt nhạt và vô vị. Nguyên do cũng bởi thiếu vắng đi hình bóng của “người”. Tứ thơ thành hình ở đoạn sau đó khi cảm xúc hút sâu về phía “người không thấy về”. Thành ra, tứ thơ bắt đầu nỗi da diết bằng trạng thái thờ ơ với cảnh vật, với thiên nhiên. Đó là tâm trạng thẫn thờ của người con khi nhận ra mọi vật vẫn diễn ra như thế mà vắng bóng mẹ. Mạch thơ diễn tiến theo hướng trôi về phía không thấy người, ở cuối của đôi mắt trông dõi và kiếm tìm. Hai lần hình ảnh sông xuất hiện phía sau chỉ làm tăng thêm sự trống vắng. Bến sông trôi, gió thổi sông xa không gợi lên niềm gặp gỡ nào. Sông trôi đi, gió thổi mất dáng hình của mẹ trên bến sông, trong không gian, chỉ còn neo đậu trong ký ức người con mong mỏi và chắc đã biết rằng không bao giờ còn thấy lại dáng hình thân yêu ấy nữa. Phôi pha, trạng thái diễn ra giữa hi vọng và tuyệt vọng, giữa níu giữ và không thể níu giữ. Bởi vậy, sông đã xuất hiện nhiều lần trong thi phẩm này như một hiện diện cụ thể của trạng thái tâm lý và tình cảm. Câu cuối cùng của bài thơ chính là thức nhận của người con trước thực tế không thể níu giữ ấy: con xin ngắn lại đường gần/ Một lần… rồi mẹ hãy dần dần đi. Dần dần đi cũng là chảy trôi, phôi pha mất. Có thể, trong ký ức của con hình ảnh mẹ chẳng thể phôi pha, nhưng trên bình diện là một ý niệm của nhân sinh, mẹ dần dần đi, sông dần dần trôi, đời người không dừng lại là một quy luật. Bởi thế, ký ức đọng lại càng rõ, lại càng đau, càng nhớ. Càng đau lại càng thức nhận rõ hơn một điều rồi sẽ “chầm chậm tới mình”. Chầm chậm tới mình cũng là chầm chậm tới tất cả. Trạng thái phôi pha trở thành “cảm niệm triết học về thực tại” (Chu Văn Sơn) có tính phổ quát trong thơ Trúc Thông (để ý rằng tên các tập thơ của Trúc Thông làm nên một ý niệm có tính xuyên suốt về sự day dứt, níu giữ, phôi pha, còn - mất: Chầm chậm tới mình - Maratong - Một ngọn đèn xanh - Vừa đi vừa ở).
Ý niệm về sự phôi pha xuất hiện nhiều trong thơ Trúc Thông và trở thành trạng thái thường trực. Ý niệm đó hiện hữu trong hình tượng sông với các dạng thức: cỏ mùa thu ngả đượm chút vàng/ Sông Sa Lung tháng bảy nước chảy phù sa/ Trời mây rộng rãi, gió nhè nhẹ trải (nho nhỏ mùa thu); có con đò nào xuôi về hơn ba mươi năm trước, cho tôi lại được ngồi nhỏ nhoi bên mẹ/ Mẹ áo nâu dài gương mặt hiền lẳng lặng/ sông Châu trôi như êm dịu không cùng (nhớ mẹ sông Châu); sông Châu gió đầy đôi bờ gần lắm/ hai cô gái nhỏ đi sau nghìn năm (chợt quê); bến vẫn bèo xưa trôi xuôi sông Châu (đứng ở chợ sông); bên kia sông đã vợi nắng chiều/ nhịp chuông vọng qua sông theo bóng chiều đổ gấp (lát sông quê); con sông Châu sương nước lặng lờ/ ngọn cau nhớ ông bà xa khuất (cuối năm ở nhà); sông Đáy chảy mà hoang mang thế/ đang ngoái về… mắt đỏ phù sa (đi Ninh Bình, nhớ con); bên con sông Thương/ tuềnh toàng gió (bên sông Thương)… Sông Châu có lẽ là dòng sông gắn bó nhất, bởi thế cũng ám ảnh nhất trong ký ức Trúc Thông. Đó là dòng sông quê mẹ. Sông Châu, sông Sa Lung, Sông Đáy (sông Châu thuộc lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy), sông Thương (nơi tiễn biệt người lên biên ải xưa)… vừa là dòng sông của hiện thực, vừa là những dòng chảy trừu tượng trong ý niệm của thi sĩ về những gì đã từng gắn bó và chậm chậm khuất xa (dĩ nhiên, có những dòng sông gắn với bạn bè ông ở những vùng đất khác nhưng đã trở thành cảm thức, thành ý niệm về sự mất đi, rời xa của họ). Mặt khác, quan trọng hơn, trong thể loại thơ, có lẽ không cần lắm việc định danh một con sông có thực nào đó. Bởi lẽ, thơ là một trạng thái, một ấn tượng thẩm mỹ thể hiện thế giới nội cảm của thi sĩ. Do vậy, những dòng sông đã hợp lưu và chảy thành một dòng mỹ cảm xuyên qua những không gian của trải nghiệm, ký ức, tưởng tượng. Những dòng sông địa lý trong thơ Trúc Thông nhòa đi, để còn lại là dòng chảy không ngừng nghỉ của đời, của người, của thời gian và vạn vật, của sinh và diệt, còn và mất. Người đọc có thể nhớ về dòng sông của mình và tất cả ký ức hiện diện, trôi chảy bên dòng sông ấy. Chính bên các dòng sông, con người có sẵn ký ức dài rộng về lịch sử, về sự tụ hội, sinh sôi rồi lặng lẽ mất đi. Ngay ở âm điệu những câu thơ của Trúc Thông đã thấy vọng lên những sắc thái về sự phôi pha này. Cứ phảng phất như lá ngô lay ở bờ sông, như gió thổi, như bèo xưa trôi xuôi, như tiếng chuông vọng trong chiều vợi nắng, như mắt đỏ hoang mang bên dòng phù sa… ý niệm về sự biến mất luôn ám ảnh thi sĩ, làm cảm thức luôn day dứt không yên. Không thể nào né tránh, chối bỏ được quy luật thế nên thơ vọng lên, làm hiện diện trạng thái vừa xa xót khẩn cầu, vừa ngậm ngùi chấp nhận: muốn sang đò ngang, ra giữa dòng, ngắm và nghe những gì thật lắng/ của mẹ của cha của tuổi thơ xa lắc/ vẫn sông Châu êm lặng thế thôi mà (lát sông quê).
Thơ là hình thái biểu hiện ý niệm, cảm xúc chủ quan của thi sĩ về thực tại. Chính vì thế, thế giới nghệ thuật thơ là thế giới hiện hình của những trạng thái cảm xúc, suy tưởng, tưởng tượng thông qua và bằng ngôn từ, hình ảnh, nhịp điệu… Thơ Trúc Thông mang nhiều trạng thái tình cảm của một con người sống cần mẫn, tỉ mỉ, giàu trắc ẩn và rất tinh nhạy. Những phẩm tính đó như là căn nguyên tạo nên ý niệm về sự biến mất, phôi pha, trôi chảy của cuộc đời. Và, trong sự “lựa chọn” của mình, Trúc Thông tìm đến với sông như một hiện thực trực tiếp để chuyển hóa ý niệm thành hình tượng, đồng thời cũng trừu tượng hóa dòng sông cụ thể với phẩm tính của nó thành ý niệm thi ca, ý niệm sống. Ngay tại nơi hai quá trình đó diễn ra thơ đã xuất hiện và thi sĩ đã sống. Chầm chậm hay Maratong, đi hay ở dẫu có làm chúng ta bận lòng, nhưng với Trúc Thông, bên dòng sông thi ca, thi sĩ đã thắp lên Một ngọn đèn xanh như là một phương cách để đối thoại với tồn tại, để chống lại phôi pha!
NGUYỄN THANH TÂM
________________________
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét