Ánh nến lung
linh, hương hoa thoang thoảng, tiếng nhạc của một điệu van cất lên nhè nhẹ và
chàng trai lịch lãm kéo ghế mời tôi ngồi:
- Chúc mừng
em nhân ngày sinh thứ hai sáu của mình.
Tất cả làm
tôi ngây ngất. Chàng rót rượu ra ly. Màu rượu đỏ thẫm, sóng sánh được ánh nến
chiếu vào và từ đấy hắt lên một thứ ánh sáng mờ ảo mà có mỗi một mình tôi nhìn
thấy. Thứ ánh sáng của sự thỏa mãn. Thế này mới là cuộc đời, thế này mới là
sống chứ. Tôi muốn dang tay kêu to cho tất cả những cô gái có nhan sắc như tôi
nghe được.
- Các em ơi
đừng có lãng phí tuổi thanh xuân của mình. Đừng có lãng phí nhan sắc của mình.
Hãy yêu đi! Hãy hưởng thụ đi khi chúng ta còn có thể.
Chúng tôi
cạn chén. Hơi rượu bốc bừng lên mặt. Tôi nhìn sang chàng và bắt gặp ánh mắt đắm
đuối đến ngây dại của chàng. Gặp ánh mắt ấy, người tôi như bị thôi miên. Một
cảm xúc không thể diễn tả bằng lời dâng trào trong tôi. Cảm xúc ấy tôi đã gặp
trong đời nhưng nó đã chết từ lâu lắm rồi. Từ khi tôi đi lấy chồng.
Tình yêu và
nỗi si mê! Trời ơi sống trong cái cảm xúc ấy mới tuyệt vời làm sao. Con người
bỗng nhẹ bỗng bay bổng. Thời gian dừng lại. Vũ trụ tan biến chỉ còn hai người
với ánh nến lung linh.
- Chúc em
luôn trẻ đẹp như đóa hồng này.
Chàng rút
một bông hồng nhỏ trong bình hoa đặt ở trên bàn gài vào ngực áo tôi.Bàn tay
chàng cố tình chạm nhẹ vào bầu vú. Một cái cố tình không che dấu. Chàng muốn
tôi hiểu và tôi đã hiểu. Chàng chìa tay ra cho tôi:
- Anh mời em
nhảy một bài.
Tôi đứng
lên, choàng tay qua vai chàng. Tay chàng riết chặt lấy eo tôi. Mùi
nước hoa đắt tiền của Pháp thoang thoảng,tiếng nhạc êm dịu. Tôi lướt đi trong
sóng nhạc. Cả người tôi bay lên trong tiếng chàng thì thầm xa xăm:
- Em lộng
lẫy biết bao.
Bước nhảy
của tôi chợt vấp. Người tôi chao nghiêng. Tôi gục ngã vào vòng tay của chàng.
Mười một giờ rưỡi đêm tôi về đến nhà. Con bé vẫn thức chờ tôi. Nghe tiếng
chuông nó chạy vội ra mở cửa:
- Mẹ! - Nó reo
to và nhảy bổ lại ôm chầm lấy tôi - Sao mãi tận bây giờ mẹ mới về? Hai bố con
con đợi mẹ mãi.
Nghe cái
giọng ngây thơ đầy mong đợi của nó trong lòng tôi thoáng một chút gợn nhưng rồi
nó lập tức tan biến. Tôi bế bổng con bé lên, lấy ra một con búp bê của tây mà
Jôn đã gửi tôi về cho con bé.
- Chú…. -
Suýt nữa thì tôi buột mồm nói “Chú Jôn gửi cho con” may mà tôi đã gìm lại kịp -
Đây mẹ đền cho con.
- Em búp bê
xinh quá.
Con bé ôm
ngay lấy con búp bê reo lên. Hai mẹ con vào trong nhà.Trên cái bàn ở giữa nhà,
một cái bánh ga tô to, trên cắm những chiếc nến sinh nhật và một lọ cắm hai
mươi sáu bông hồng đỏ thắm đang nhè nhẹ dâng hương.
- Anh bảo
con đi ngủ lúc nào em về anh sẽ gọi nhưng nó không chịu, nhất định đòi thức để
chờ mẹ. Mà em đã ăn uống gì chưa? Để anh đi hâm nóng lại thức ăn cho em.
Những lời
anh nói làm lòng tôi lại gợn lên một một chút gợn. Vết gợn này lớn hơn vết gợn
lúc tôi ôm con khi nãy nhưng rồi nó cũng lại tan biến ngay.
- Em ăn rồi.
Thôi ta thắp nến cho con ăn để cho nó còn đi ngủ.
Chúng tôi
thắp nến.
- Em ước gì
đi
Chồng tôi
bảo. Tôi chắp tay, nhắm mắt lại. Bên tai tôi vẳng lên tiếng nhạc của điệu van
và tiếng chàng thì thầm “Ôi! Em lộng lẫy biết bao”. Trong tâm tưởng, một câu
nói bỗng thốt lên.
- Xin cho
chàng là một phần của cuộc đời con.
Chao ôi! Nếu
chồng tôi mà được biết tôi đã ước nguyện gì trước những cây nến do chính tay
anh thắp thì anh chắc sẽ đau đớn biết bao. Mãi mãi về sau này tôi luôn luôn tự
hỏi “Cùng một buổi tối có hai bữa tiệc sinh nhật sao tôi chỉ nghĩ một bữa tiệc
mà không nghĩ đến bữa kia?”. Hai bữa tiệc cùng có bánh, cùng có hoa, cùng có
ánh nến lung linh mà sao ánh nến của chàng lại lung linh hơn ánh nến của anh? Anh
đừng trách em dù rằng em đã có lỗi với anh, với con mà anh hãy tự trách chính
mình. Bữa tiệc anh tổ chức cho em có tất cả nhưng lại thiếu đi những lời thì
thầm đầy quyến rũ nhưng lại thiếu đi ánh mắt mê đắm đến dại khờ. Mà đàn bà
chúng em đâu có cần bánh. Đâu có cần rượu. Ánh mắt mê đắm kia, những lời thì
thầm kia đâu rồi anh ơi?
Tôi nhanh
chóng tắt nến, cắt bánh cho con ăn rồi lên giường đi ngủ. Lúc lên giường, tay
anh thò sang định ôm lấy tôi, tôi lạnh nhạt gạt tay anh ra.
- Em mệt lắm
rồi. Anh để cho em yên.
Nói xong tôi
quay lưng lại anh, kéo chăn chùm kín đầu mơ màng nhớ đến làn môi nồng nàn đến
cuồng loạn. Những tiếng thì thầm đứt quãng trong tiếng thở gấp “Thiên thần của
anh”. Người tôi căng ra, uốn cong đón nhận niềm khoái cảm đến tột đỉnh.
Tôi nghe
thấy anh thở dài nhè nhẹ, bàn tay thu về, xoay người quay lưng lại phía tôi.
*
*
*
Sáng hôm
sau, tôi gặp cái Vân ở cổng công ty. Nó kéo tôi vào một quán cà phê. Vừa ngồi
xuống nó đã hỏi ngay:
- Sao? Tối
qua tuyệt vời chứ?
- Không phải
là tuyệt vời mà phải nói là thiên thần.
Tôi cười
tươi như hoa bảo nó. Nó nhìn sang xung quanh rồi hạ thấp giọng hỏi nhỏ.
- Sướng chứ?
Tôi đỏ mặt,
nhìn ra xung quanh rồi cũng hạ thấp giọng trả lời.
- Ừ! Sướng.
Lâu lắm rồi tao mới lại được hưởng điều đó.
Nó cười.
- Chuyện!
Tây mà lại. Cái gì mà chẳng hơn. Mà mày còn được hưởng nhiều cái sướng hơn nữa
kia. Rồi mày xem.
Cái Vân là
người đã đưa tôi đến với chàng. Một hôm, nghe tôi than thở về cuộc sống nhàm
chán của mình nó đã bảo với tôi.
- Sao mày
không đi bồ bịch?
- Bồ bịch?
Tôi trợn
tròn mắt nhìn nó. Nó cũng tròn mắt nhìn tôi ngạc nhiên như nhìn thấy một người
trên sao hỏa rơi xuồng rồi nó bật cười thương hại.
- Bây giờ
cái ấy là mốt, là thời thượng đấy con ngốc ạ. Trẻ, đẹp như mày không bồ bịch
thì thật phí đời.
- Nhỡ lão
chồng tao lão ấy mà biết thì sao?
- Biết thế
nào được. Mày làm ở một công ty của tây thiếu gì lí do để vắng nhà. Mà ăn vụng
thì phải biết cách chùi mép chứ. Mày cứ thử một lần cho biết. Thật là tuyệt
vời!
Nó ngửa mặt
nhìn lên trời mơ màng. Ở công ty này nó là một đứa sống bạt tử. Nó có chồng
nhưng đã ly hôn chỉ sau một năm chung sống. Từ đấy nó cặp bồ với hết người này
đến người khác nhưng không bao giờ nghĩ đến chuyện lấy chồng. Hỏi nó thì nó
bảo.
- Chỉ có
những con điên mới nghĩ đến chuyện lấy chồng. Được người ta hầu không muốn lại
muốn đi hầu người.
Tôi thấy
sống như nó cũng hay hay. Ít nhất cuộc sống của nó cũng không nhàm chán bởi gia
đình như tôi.
- Mày có
muốn không? Để tao thiết kế cho một chàng.
Tôi không
gật đầu mà cũng không ừ thế nhưng nó vẫn cứ tìm cách đẩy tôi vào vòng tay của
chàng.
Mà nó nói
đúng thật. Đến chiều thì tôi có quyết định điều lên làm thư kí riêng cho chàng
thay cho một cô bé mới làm thư kí cho chàng được hai tháng. Mọi người xúm lại
chúc mừng tôi. Cô bé bị tôi thay chân cũng đến chúc mừng. Tôi lúng túng nói với
cô bé.
- Chị không
hề có ý định chiếm chỗ của em.
Con bé cười
tươi tỉnh.
- Ồ không.
Em có trách gì chị đâu. Trái lại nữa là khác. Em hài lòng với mức lương hai
trăm đô của mình.
Nghe con bé
nói thế tôi mới yên lòng. Mãi đến cuối buổi tiệc, lúc chia tay nhau ra về con
bé mới bảo tôi:
- Cái gì
cũng có giá của nó cả chị ạ. Tám trăm đô của chị cũng thế.
Con bé đi
rồi, tôi ngẫm nghĩ mãi câu nói của nó mà không thể hiểu được nó muốn nói gì.
Tôi cứ như
một con thiêu thân lao vào giữa một đám lửa tình rừng rực cháy. Tôi bất chấp
tất cả. Tôi đã đổi khác, cuộc sống đơn điệu, tẻ nhạt đều đặn như tiếng tích tắc
của chiếc đồng hồ đã chấm hết. Giờ đây, mỗi một thời khắc đều ẩn chứa một sự
bùng nổ. Có đêm mười một rưỡi rồi mà chuông điện thoại nhà tôi vẫn reo và tiếng
chàng thầm thì.
- Em có nhớ
anh không? Còn anh nhớ em đến không ngủ được đây này. Hay là em đến với anh một
lúc đi. Chỉ một lúc thôi em yêu.
Nghe cái
giọng nài nỉ của chàng là tôi cầm lòng không được, Tôi lại tìm một cớ gì đó để
đến bên chàng.
Tôi cứ tự
bảo mình phải tỉnh táo. Đây chẳng qua chỉ là một cuộc vui cho cuộc đời đỡ tẻ
nhạt. Dù sao cũng phải giữ lấy gia đình mình nhưng không hiểu sao tôi không thể
tỉnh táo được. Tôi cứ như mê đi trước những lời nói ngọt ngào, trước những món
quà nho nhỏ, trước những đóa hoa chàng trao tặng. Sau này, khi con thiêu thân
tôi đã bị ngọn lửa tình ấy thiêu chết, ngồi nghĩ lại, tôi mới thấy mình thật là
mù quáng và ngốc nghếch. Thật ra cái tôi nhận từ chàng, một thỏi son môi, một
đóa hoa hồng hay một bộ váy mới có đáng kể gì đâu so với cái tôi sẽ mất đi.
Hạnh phúc gia đình. Nhưng anh ơi! Liệu em có còn là đàn bà nữa không nếu như em
nghĩ được điều đó giữa một cuộc tình say đắm? Đàn bà chúng em mềm yếu, cả tin,
nông nổi, dễ bị cám dỗ nhưng, anh ơi, đàn ông các anh say mê chúng em vì cái
gì? Chẳng phải vì những đức tính ấy hay sao? Đức Chúa trời đã lấy một dẻ xương
sườn của người đàn ông các anh để tạo nên người đàn bà chúng em. Sao Người không
lấy một mẩu não của người đàn ông để tạo ra người đàn bà? Mà nếu Người làm như
thế thật thì liệu các anh còn say mê chúng em nữa hay không? Vậy thì lỗi tại ai
hả anh? Tại anh hay tại em? Sao anh không giữ gìn dẻ xương sườn của mình lại để
cho một con chó tha đi mất?
Nhưng đấy là
những suy nghĩ của mãi sau này khi tôi còn lại một mình cô đơn trên cõi đời chứ
còn lúc này đây thì tôi luôn nghĩ là mình đã đúng kể cả trước những lời khuyên
bảo của bố tôi. Hôm ấy, ông bảo vợ chồng tôi sang ăn cơm nhân một ngày lễ. Sau
khi ăn xong, cả nhà ngồi quây quần bên nhau uống nước ông mới hỏi hai vợ chồng
tôi.
- Anh chị đi
Tây, đi Tàu nhiều rồi vậy bố muốn hỏi các con một điều “Cái gì là cơ bản tạo
nên sự khác nhau giữa nền văn hóa Việt Nam và văn hóa phương Tây nói chung và
văn hóa Mỹ nói riêng?”.
Chồng tôi
ngẫm nghĩ một lúc rồi trả lời
- Theo
con văn hóa phương Tây đề cao sự tự do cá nhân còn văn hóa Việt Nam đề
cao gia đình.
Bố tôi nhìn
sang tôi:
- Còn con?
Tôi tán
thành ý kiến của anh.
- Vâng! Con
cũng nghĩ như thế.
Bố tôi lắc
đầu. Ông từ từ nói:
- Các con
sai rồi. Đề cao sự tự do cá nhân và đề cao gia đình đấy không phải là
nguyên nhân tạo ra sự khác biệt của hai nền văn hóa. Thực ra nó chỉ là hệ quả.
- Thế theo
bố nó là gì ạ?
Điều ông nói
làm tôi háo hức. Tôi đang yêu một anh chàng người Mỹ nên tôi cũng muốn biết về
nền văn hóa này.
- Nền văn
hóa Mỹ là một nền văn hóa của hôm nay hay nói một cách triết học thì là một nền
văn hóa hiện sinh. Hãy sống hết mình với hôm nay, hãy tận hưởng tất cả những
gì ta có được trong hôm nay. Còn văn hóa Việt là nền văn hóa của ngày mai
hay nói khác đi nó là một nền văn hóa vị lai. Hãy sống vì ngày mai tốt đẹp hơn.
Đấy mới là cốt lõi của sự khác nhau giữa hai nền văn hóa. Người Mỹ có thể cả
đời đi thuê nhà nhưng người Việt thì dứt khoát phải “An cư mới lạc
nghiệp”.Trong hôn nhân cũng vậy.
Nói đến đây
ông hơi dừng lại nhìn sang tôi. Tôi chột dạ, cúi đầu nhìn xuống. “Hay là ông
biết điều gì rồi chăng”, tôi tự hỏi.
- Nền văn
hóa hiện sinh cho phép người ta quan hệ xác thịt với bất cứ ai mỗi khi bản năng
đòi hỏi mà không cần đến tình yêu. Vì nó coi quan hệ xác thịt đơn thuần
chỉ là một sự hưởng thụ còn nền văn hóa vị lai lại coi quan hệ xác thịt là kết
quả cuối cùng của một mối quan hệ tình cảm. Chính vì vậy mà trong ca dao ta mới
có câu: “Kim đâm vào thịt thì đau / Thịt đâm vào thịt nhớ nhau suốt đời”. Tất
yếu hiện sinh sẽ đề cao sự tự do cá nhân còn vị lai sẽ đề cao gia đình vì chỉ
có gia đình mới là sự đảm bảo cho ngày mai tốt đẹp. Vậy anh thích nền văn hóa
nào?
Ông quay
sang hỏi chồng tôi nhưng mắt lại nhìn sang tôi, chồng tôi cười trả lời:
- Còn trẻ
thì con thích hiện sinh nhưng về già thì con lại thích vị lai.
Bố tôi cũng
cười. Ông gật gù.
- Ừ ! Giá mà
ta có thể sống được trong cả hai nền văn hóa như thế nhỉ. Thế nào con gái, liệu
người ta có thể sống trong cả hai nền văn hóa rất khác biệt như thế được không?
- Ông hỏi tôi nhưng không đợi tôi trả lời ông đã từ từ nói tiếp - Không được
phải không vì cái ngày mai của văn hóa Việt lại được xây dựng từ hôm nay. Cái
câu “Nhân nào quả ấy” là nhằm nói lên điều ấy. Mà càng ngẫm, bố càng thấy các
cụ nhà mình thật sâu sắc. Các cụ dùng từ nhân và quả. Từ khi trồng cái hạt
xuống đến khi nó nảy mầm, thành cây rồi ra quả là cả một thời gian rất dài. Đến
khi ra quả rồi mới biết quả ấy không ăn được thì tất cả đã quá muộn không thể
sửa chữa được nữa.
Ông dừng
lại, châm một điếu thuốc rít một hơi dài rồi giọng ông bỗng trầm hẳn xuống nửa
như nói chuyện nửa như tâm sự:
- Chúng ta
là người Việt, chúng ta sống trong một cộng đồng người Việt. Bình thường
ta không thấy sức mạnh của nền văn hóa đó. Nhưng khi nào ta đi ngược lại với
truyền thống văn hóa, ta sẽ thấy nền văn hóa đó có một sức mạnh khủng khiếp. Nó
sẽ nghiền nát cuộc đời ta, sẽ làm cho ta không bao giờ được sống thanh thản.
Các con phải nhớ lấy điều đó.
Tôi cúi mặt
không dám nhìn ông. Tôi hiểu bố tôi muốn nói gì. Bố tôi là người tinh tế và sâu
sắc. Ông không bao giờ can thiệp một cách thô bạo vào cuộc sống riêng của tôi.
Nếu có điều gì vợ chồng tôi không phải thì ông thường đưa ra những lời khuyên
bảo theo dạng như buổi nói chuyện này. Thường thì tôi vẫn rất nghe lời ông
nhưng lần này không hiểu do ma xui, quỷ khiến thế nào mà tôi lại bỏ ngoài
tai những lời ông khuyên bảo và tôi bắt đầu phải trả giá vì điều đó.
Hôm ấy chàng
bảo tôi mang một tài liệu xuống cho phòng kế hoạch. Tôi cầm tài liệu đến phòng
định gõ cửa thì chợt nghe thấy một ai đó nói:
- Con Hà
điếm ấy à? Bây giờ ở công ty thì nhất nó rồi.
Nghe thấy
tên mình, tôi vội vàng dừng lại lắng nghe. Tiếng một ai đó hỏi.
- Sao ông
lại gọi nó là điếm?
- Thì không
là điếm thì là gì - vẫn tiếng người ấy nói - Chỉ khác là nó thì làm điếm với
một người còn bọn điếm kia làm điếm với nhiều người nhưng bản chất thì có gì
khác đâu.
Tôi choáng
váng. Tôi vẫn kiêu hãnh bước đi bên cạnh chàng, thích thú khi được lái xe mở
cửa xe cho mình. Tôi cứ nghĩ mọi người đang nhìn theo tôi với một ánh mắt thèm
muốn, ngưỡng mộ và còn pha vào đấy một chút gen tỵ. Hóa ra không phải.
Hóa ra họ nhìn tôi với ánh mắt khi nhìn một con điếm. Bây giờ thì tôi mới hiểu
câu “Cái gì cũng có giá của nó cả. Tám trăm đô của chị cũng thế” của cô bé mà
tôi đã thay chân. Tôi không dám vào phòng kế hoạch nữa vội bỏ đi và nhờ người
khác cầm tài liệu vào hộ.
Tôi cũng lờ
mờ nhận thấy mọi người đối với tôi có gì đó khang khác nhưng tôi cũng không để
ý lắm. Một lần tôi nói chuyện với cái Vân.
- Tao thấy
mọi người đối với tao dạo này thế nào ấy. Họ cứ lành lạnh không vui vẻ như hồi
xưa.
- Hơi đâu mà
để ý đến bọn rỗi hơi ấy - con Vân bảo tôi - Lại chuyện gen ăn, gét ở đấy mà.
Cái chân thư kí tổng giám đốc của mày nàng nào mà chả mơ. Mà mày cũng kin đáo
một tý. Lộ liễu quá khiến thiên hạ ngứa mắt.
Tôi cũng
nghĩ đó là việc ghen ăn, ghét ở nhưng hóa ra không phải vì đây là lời của
cánh đàn ông. Không một ai trong số họ lại mơ tưởng đến chân thư kí tổng giám
đốc cả vì nó chỉ dành cho phụ nữ.
Đầu óc nặng
trịch, tôi trở về nhà. Tôi không thấy con bé chạy ra đón tôi như mọi bận. Vào
trong nhà, tôi thấy nó đang chơi đồ hàng với con búp bê nội mà anh đã mua cho
nó từ trước. Tôi sán ngay lại chỗ con.
- Sao con
không cho em này chơi với.
Vừa nói, tôi
vừa để con búp bê mà Jôn đã mua tặng cho nó vào đám đồ hàng. Con bé lập tức ném
ngay con búp bê ấy ra ngoài.
- Con ghét
nó. Nó hư lắm.
Tôi như bị
một cái tát. Tôi quay sang bắt đầu xửng cồ với anh.
- Chuyện của
người lớn sao anh lại đi nói xấu tôi với con?
Anh nhìn tôi
với ánh mắt băng giá. Nhìn ánh mắt ấy tôi biết: mọi việc đã kết thúc.
- Tôi không
nóí gì với con cả dù chỉ một lời. Còn thái độ của con đối với cô thì cô phải tự
hỏi chính mình chứ sao cô lại đi hỏi tôi.
- Anh không
nói mà con nó lại biết. Anh là thằng hèn.
- Cô nói gì?
- anh gầm lên và thẳng cánh giáng cho tôi một cái tát - Cô bước ngay ra khỏi
nhà tôi.
Anh chỉ tay
ra cửa. Mặt tôi cũng vênh lên.
- Đi thì đi.
Anh tưởng tôi báu ở đây lắm đấy à. Làm vợ một người như anh thật phí cả nhan
sắc.
Tôi thấy
mạch máu ở cổ anh giật giật. Răng nghiến lại. Hai bàn tay nắm chặt. Tôi vào
phòng thu dọn quần áo rồi quay ra bảo con bé.
- Con ra đây
với mẹ.
Con bé nước
mắt chan hòa. Nó ôm chặt lấy chân anh và lắc đầu.
- Không! Con
ở nhà với bố.
Tôi sững
người. Trong tôi bắt đầu có cái gì đó đổ vỡ. Một cái gì đó vô hình bắt đầu đè
xuống trĩu nặng trong lòng. Tôi cúi đầu sách va li bước ra khỏi nhà. Khi đi qua
hàng nước chỗ đầu nhà, tôi nghe thấy bà lão bán hàng nước chép miệng nói.
- Rõ khổ. Có
thì không biết giữ. Mất thì lại tiếc cho mà xem.
Ra ngoài
đường, tôi băn khoăn không biết là nên đến nhà Jôn hay về nhà bố mẹ mình. Tôi
gọi điện cho chàng. Nghe tôi kể lại mọi chuyện, chàng bảo.
- Càng tốt.
Tạm thời em cứ về ở với bố mẹ em rồi sau ta sẽ tính.
Thấy tôi
xách va ly trở về, bố tôi không nói gì chỉ thở dài rồi lặng lẽ vào phòng mình
đóng cửa lại, còn mẹ tôi bà lo lắng ra mặt, bà đợi cửa phòng bố tôi đóng hẳn
lại mới bảo với tôi
- Liệu có
sao không hả con. Mẹ lo lắm. Ngộ nhỡ… - bà chỉ nói đến đấy thì dừng lại - Hay
là đến tối mày thử nói chuyện với bố xem sao.
Đến tối, tôi
pha hai tách cà phê mang vào phòng bố. Ông đang ngồi đọc sách. Thấy tôi vào,
ông bỏ sách xuống, tháo mục kỉnh:
- Sao! Bây
giờ thì con định tính sao?
- Con sẽ lấy
Jôn bố ạ. Anh ấy yêu con mãnh liệt.
Bố tôi trầm
ngâm. Ông gõ gõ cái kính vào lòng bàn tay:
- Nó yêu con
mãnh liệt hay nó chỉ thèm khát con mãnh liệt? Hai cái ấy khác nhau đấy con ạ!
Câu
hỏi của bố làm tôi bỗng giật mình. Quả thật tôi cũng không biết Chàng yêu tôi
hay thèm khát tôi nữa. Hay là cả hai? Một nỗi lo lắng bắt đầu nhen lên trong
tôi.
- Vả lại nếu
nó yêu con mãnh liệt thật thì con cũng nên nhớ hai người với hai nền văn hóa
khác nhau việc chung sống cũng không phải dễ dàng. Nhưng bây giờ đấy là phương
án tốt nhất.
Tôi ngần ngừ
định hỏi một điều như nghĩ thế nào tôi lại thôi. Bố tôi chăm chú nhìn tôi rồi
hỏi.
- Con muốn
nói điều gì?
- Bố! Liệu
có cách nào cứu vãn được cuộc hôn nhân của con không?
Bố tôi thở
dài rồi bảo:
- Bố nghĩ là
rất khó. Người Việt rất bao dung nhưng riêng về việc ấy lại rất khắt khe con ạ.
Phụ nữ có thể phạm sai lầm trước khi cưới nhưng sau khi cưới người phụ nữ
không được phép phạm sai lầm. Ngạn ngữ có câu “Lấy đĩ về làm vợ chứ không lấy
vợ về làm đĩ” là vì vậy.
- Thế nếu
Jôn không định cưới con thì sao?
- Thì con
đành phải trả giá cho cách sống buông thả của mình thôi.
Sau cuộc nói
chuyện với bố, tôi bắt đầu cảm thấy sợ hãi. Đúng là tôi không còn con đường nào
khác ngoài cách phải túm chặt lấy chàng. Tôi dành nhiều thời gian cho chàng hơn
và đành phải phớt lờ dư luận để tìm cách trói chặt lấy chàng. Nhưng cũng đúng
như bố tôi đã nói. Phải giả điếc trước những lời xì sào, phải giả mù trước
những ánh mắt khinh thị, phải dùng đến thủ đoạn để trói giữ người yêu, cuộc
sống của tôi bắt đầu trở nên nặng nề. Chân trời mầu hồng của tôi đã trở thành
xám ngắt.
Hai tháng
sau, tôi nhận được giấy báo của tòa án gửi đến cơ quan. Tôi cầm tờ giấy gọi của
tòa lên phòng tổng giám đốc mà lòng trĩu nặng. Vừa vào phòng, chàng bảo tôi
khóa trái cửa lại rồi kéo tôi vào lòng. Mọi khi, những lần như thế này, tôi
thường chiều chàng nhưng hôm ấy, trong đầu còn lấn bấn với cái giấy gọi của tòa
án, tôi gỡ tay chàng ra.
- Thôi anh.
Để lúc khác. Hôm nay em không có hứng.
- Nhưng anh
thì lại đang rất hứng.
Vừa nói
chàng vừa bế bổng tôi lên, đặt tôi lên chiếc bàn làm việc, tốc váy tôi lên, kéo
khóa quần của mình và cứ thế thúc mạnh. Mắt tôi tối sầm. Tôi có cảm giác như
mình đang bị cưỡng hiếp. Xong việc, tôi chạy vào toa lét, nhìn thấy đầu tóc
mình rối bù, váy áo xộc xệch. Tôi ôm mặt. Một cảm giác cay đắng tràn ngập trong
lòng. Câu nói “Không là điếm thì là gì?” lại vang lên trong đầu. Nhưng tôi làm
gì còn con đường nào khác.
Ngày nghỉ
nào tôi cũng ở nhà chàng. Tôi hi vọng sự gần gũi của tôi sẽ làm cho chàng cảm
thấy tôi là một phần không thể thiếu trong cuộc đời chàng. Chủ nhật ấy chàng có
khách. Một người bạn mới từ Mỹ sang làm việc ở Việt Nam. Jôn giới thiệu tôi với
bạn. Anh ta nhìn tôi với ánh mắt đầy ngưỡng mộ. Ánh mắt ấy khiến tôi vui thích.
Tôi để hai người ngồi lại với nhau, còn tôi sang phòng bếp pha cà phê cho hai
người. Lúc ra khỏi phòng tôi nghe thấy bạn chàng bảo:
- Bạn gái
của mày đấy à? Xinh thế.
Tôi mỉm cười
sung sướng. Lúc mang hai tách cà phê lên phòng khách, qua cửa phòng khép hờ,
tôi nghe thấy bạn chàng hỏi giọng háo hức:
- Thế gái
Việt Nam thế nào? Nhiều không? Dễ không?
- Dễ nếu như
mày có tiền.
- Tao không
hỏi bọn gái điếm - bạn chàng cáu kỉnh - Tao hỏi bọn gái tử tế kia. Còn bọn gái
điếm thì ở nước nào mà chả dễ.
- Thì tao
cũng đang nói đến bọn con gái tử tế đấy chứ. Nhưng chúng nó cũng chẳng khác bọn
điếm là mấy đâu. Nếu mày có tiền, thỉnh thoảng đưa chúng nó đi nhà hàng, mua
tặng chúng nó vài thứ đắt tiền thì chúng nó bu lại quanh mày như ruồi ngay. Mà
bọn gái Việt Nam nhàm chán bỏ mẹ. Chúng nó chỉ có hai việc. Lên giường và trưng
diện.
- Thì tao
cũng chỉ cần nó ở trên giường thôi mà.
Hai người hô
hố cười với nhau trong phòng. Đột nhiên tôi nghe thấy chàng hỏi:
- Mà mày có
thích con bé vừa nãy không? Tao nhường cho mày đấy.
Hai ly cà
phê rơi xuống đất vỡ tan. Tôi bỏ chạy.
*
*
*
Hơn một
tháng sau chúng tôi ra tòa. Tôi không dám cầu xin anh tha thứ và tôi cũng tự
biết tội lỗi của tôi không thể tha thứ nhưng tôi xin anh để cho tôi được nuôi
con. Anh suy nghĩ một lúc rồi bảo:
- Thôi được.
Việc này tôi sẽ để cho con bé quyết định.
Hôm ra tòa,
chúng tôi nhanh chóng đạt được tất cả những thỏa thuận. Còn việc quyền nuôi con
anh để con bé quyết định như đã hứa với tôi. Khi vị chánh án hỏi con bé:
- Cháu muốn
ở với ai? Với bố hay với mẹ?
Tôi ngồi ở
dưới chằm chằm nhìn con bé. Người tôi căng ra. Tay nắm chặt lấy thành
ghế chờ đợi. Nó! Chính nó mới là vị quan tòa hôm nay.
- Con ghét
mẹ
Con
bé kêu lên rồi chạy lại phía bố.
Tôi
ôm mặt lắng nghe lời phán quyết của một nền văn hóa!
NGUYỄN THẾ DUYÊN
_____________________
ĐÓN ĐỌC BÔNG TRÀM CHUYÊN ĐỀ ĐẶC BIỆT
5 MÙA HOA PHƯƠNG NAM
>> Vui lòng nhấp chuột vào hình ảnh phía dưới để vào mục lục số đặc biệt <<
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét