Hình như sau mỗi mùa lũ đi qua với những cơn mưa rừng như thác đổ, đất trời sông núi và cỏ cây hoa lá của Tây Bắc lại được gột rửa để trở nên đẹp đẽ, trong sáng hơn rất nhiều. Con đường mùa khô đi ngang thảo nguyên Mộc Châu rồi vượt đèo Pha Đin và chạy dài tới Điện Biên qua Mường Lay, Mường La, Phong Thổ… vắt sang Sa Pa, nhiều đoạn trông như những sợi dây thừng chăng ngang níu các quả núi lại với nhau như thể đang được hong khô bởi cái ánh sáng vàng tươi, thơm giòn, đậm đà của tiết trời mùa đông. Cái thứ ánh sáng mới mẻ, tinh khôi ấy cứ chảy mãi, lan dài và mềm mại như áng tóc thướt tha của người sơn nữ buông trải trên khắp các sườn non, sông suối. Những tia nắng nhí nhảnh của miền sơn cước Tây Bắc cứ hiền khô khác hẳn cái nắng hanh khô khó chịu lại đỏng đảnh của mùa đông nơi đồng bằng Bắc Bộ. Muôn ngàn tia nắng vàng ươm như kén đang tuôn chảy ấy như vừa được chưng cất, thanh lọc bởi cái bầu khí quyển trong lành với những đá núi cây rừng trên độ cao hàng trăm, hàng ngàn mét (so với mực nước biển) và hòa vào sắc vàng của hoa sơn quỳ (tên thường gọi là dã quỳ, tôi thích dùng chữ sơn quỳ hơn vì đây là hoa của núi, hoa trên núi…) gợi nên một cảm giác rất dễ chịu, làm thức dậy cả núi sông, gây mê mẩn cho bao khách lãng du và những người yêu thích ảnh.
Con đường thiên lý xuyên miền Tây Bắc ngoằn nghèo hàng trăm cây số chập chùng trên các triền núi của dãy Hoàng Liên Sơn sừng sững, khổng lồ không chỉ mãn nhãn người xem với những cảnh vật non cao, vực thẳm, sông dài của đất trời hùng vĩ mà còn làm nao lòng người qua bởi những hương sắc của vùng cao phương Bắc. Non cao Tây Bắc bây giờ mùa khô đang vào cuối vụ nên chẳng có sắc trắng của hoa ban, hoa mận và cũng chưa có ánh hồng của những cánh đào phai. Những chúa hoa ấy vốn đã ngự trị và nổi tiếng từ lâu của hương rừng Tây Bắc nhưng bù lại chúng ta được thưởng thức một sắc màu mê mải, hoang dã của sơn quỳ cuối vụ trong cái rét ngọt của chốn thâm sơn với mây vờn gió núi, bóng cả cây già. Khắp chốn cùng nơi và suốt các cung đường hàng trăm cây số của đất trời hùng vĩ, giữa mùa đông gió rét, những bụi sơn quỳ hoang dã trổ hoa rực rỡ. Những cánh hoa được nhuộm vàng như những đốm lửa, sưởi ấm không gian bên các triền đồi, dưới các chân núi và dọc hai bên đường đi... Sắc màu của loài hoa ấy như thể xua tan những màn sương mù buổi sớm, gọi ánh bình minh lên cao để đón chim về véo von, tha thiết trên những vách núi chuẩn bị cho một mùa xuân mới đang sắp trở về.
Mùa đông Tây Bắc, núi rừng một thuở vốn rất lạnh lẽo, âm u nay cũng có khi tiết trời xuống tới âm độ và tuyết rơi phủ trắng các đỉnh núi, trên các cành cây. Nghe nói, mấy hôm trước khi chúng tôi lên, cả vùng núi cao này từng trải qua những đêm giá rét lạnh buốt của những trận gió mùa đông bắc tràn về. Ấy vậy mà sơn quỳ vẫn cứ lặng lẽ vươn lên trên bạt ngàn đất đá xám xanh để rồi tỏa ra một màu vàng tươi làm ấm cả đất trời, sông núi. Hình như, tiết trời cành lạnh càng làm cho những bông hoa sơn quỳ vàng hơn. Cái lạnh như thể làm cho sắc vàng trong khắp chốn không gian của rừng núi Tây Bắc ngưng tụ lại vào muôn cánh hoa sơn cước. Bởi thế xe chúng tôi đi giữa rừng sơn quy mà như thể đang đi giữa biển vàng của của hoa của nắng. Cái ánh sáng dịu nhẹ tươi mới, đặm đà sau những ngày giá lạnh hòa trong màu vàng của muôn thảm hoa lộng lẫy cùng sắc xanh biêng biếc của cành lá rung rinh làm bừng lên giữa không gian một thanh sắc rực rỡ, tráng lệ và khôi nguyên. Núi rừng Tây Bắc hiện lên trong mắt tôi tựa như một bữa tiệc festival sơn quỳ làm thổn thức, ngây ngất bao con mắt lần đầu mới được đặt chân lên chốn sơn nguyên vốn còn đầy hoang sơ và bí ẩn.
Sơn quỳ Tây Bắc có một nét duyên thầm đáng yêu khó lẫn vào sơn quỳ trên mọi vùng miền để làm nên một dáng nét độc đáo, khó lẫn. Này nhé, đất Việt yêu thương của ta từng có Đà Lạt là thánh địa của sơn quỳ làm mê đắm người phương Nam. Núi Tản Ba Vì từng náo nức người Hà Nội với sơn quỳ vào lúc tàn thu. Và còn có biết bao sơn quỳ trên khắp mọi miền khác nữa … Cứ tính theo trục thời gian, nếu đất phương Nam là nơi khởi đầu cho mùa hoa sơn quỳ trên dải đất hình chữ S này thì Tây Bắc lại có cái vinh hạnh làm nơi khép lại cho cái vòng tuần hoàn của mùa hoa ấy. Có lẽ, đất trời đã sắp đặt cái chu kỳ tuần hoàn hoa nở như thế nên sơn quỳ Tây Bắc lúc này như thể đang ở trong độ hồi xuân rất đẹp. Tôi chưa được ngắm sơn quỳ của thành phố trong sương vốn được mệnh danh là đất ngàn hoa trên cao nguyên Langbiang kia nhưng so với sơn quỳ chốn núi Tổ ở non Đoài thì sắc vàng của nàng công chúa cuối đông trên miền Tây Bắc này có vẻ như rạng ngời, rực rỡ và tươi sáng hơn. Mênh mông trên những triền đồi hay bạt ngàn trên các cung đường, sơn quỳ ngập tràn, căng đầy sức sống và trổ hoa vàng rực như để xua đi cái u ám, lạnh giá của tiết trời phương Bắc. Muôn ngàn bông hoa căng nhụy, vàng rực, tròn xoe, rạng rỡ như những ông mặt trời tí hon rung rinh trong gió khoe sắc điểm trang duyên dáng cho các bản làng và muôn ngàn núi non trùng điệp ...
Mải mê ngắm nhìn những cung đường sơn quỳ trên dải Hoàng Liên Sơn trập trùng qua miền Tây Bắc ta dễ có cái liên tưởng về sự tương sinh của những cánh hoa và khí hậu mùa đông. Dường như, càng phải chịu cái khắc nghiệt của tiết trời phương Bắc sắc vàng của sơn quỳ càng có vẻ đậm màu hơn. Những bông hoa trong buổi sớm mai kia như còn đương ngậm hơi sương khí núi. Muôn cánh hoa mỏng manh, mềm mại, thướt tha đung đưa trong gió thoảng làm cho không ít khúc cua trên con đường lam xám vốn đã cũ kỹ của mùa đông nơi rẻo cao cực Bắc trở nên tươi sáng, ấm áp, sinh động đến mê hồn, khiến người qua phải thảng thốt, ngỡ ngàng, phấn chấn, thích thú rồi vỡ òa với biết bao cung bậc cảm xúc khác nhau rất thú vị. Dưới muôn ngàn tia sáng óng ả, giòn thơm thanh khiết của cái nắng mùa đông, sắc vàng của những cánh sơn quỳ như được cộng hưởng và khuếch tán muôn phương. Những con đường hoa trùng trùng điệp điệp càng trở nên nổi bật, sáng rực để khoe sắc giữa thanh thiên. Bởi thế mùa hoa sơn quỳ vãn vụ đã làm cho không ít nơi của Tây Bắc trở nên quyến rũ và thu hút, lôi cuốn người về. Giữa những mùa hoa như thế ta đâu còn thấy Tây Bắc là một miền núi non cách trở hoang vu xa lạ. Đất trời Tây Bắc đã trở nên gần gũi, thân quen và luôn hiện hình cùng loài hoa sơn quỳ trong biết bao bức ảnh của khách lãng du cùng những nam thanh nữ tú trên khắp mọi miền trong một khoảnh khắc cảm xúc dâng trào lên đến tột đỉnh.
Tây Bắc ngàn xa. Tây Bắc ngàn thiêng. Tây Bắc giá lạnh. Tây Bắc mù sương. Tây Bắc hoang vu. Tây Bắc chập chùng với bản “sương giăng” cùng “đèo mây phủ”. Tây Bắc hùng vĩ với “ngàn thước lên cao ngàn thước xuống”. Tây Bắc mùa ban. Tây Bắc hoa đào. Tây Bắc hoa mận… Và bây giờ trong ta
còn có cả một Tây Bắc sơn quỳ cuối năm thơ mộng, quyến rũ … khó quên!
Giang Hiền Sơn
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét