Lật
từng trang bản thảo, đọc đi đọc lại từng bài thơ một cách chăm chút. Cây bút
trên tay sẵn sàng chỉnh sửa, đánh dấu, gạch dưới, khoanh tròn... Vĩnh Ái dự định
sẽ cho ra đời đứa con tinh thần đầu tiên, tập thơ “Thuyền giấy qua sông”, cùng
lúc khi tốt nghiệp ra trường.
Một
ánh chớp sáng lòe làm Vĩnh Ái giật mình. Đặt bản thảo tập thơ lên giá sách,
nhìn ra ngoài cửa sổ rồi lại nhìn đồng hồ. Chưa tới bốn giờ chiều mà tối sầm sập,
có lẽ trời sắp mưa lớn, một cơn giông đầu hè sẽ xua tan
cái nắng nóng vốn đã gay gắt mấy ngày qua.
Bốn
năm học đại học, Vĩnh Ái đã quen với thời tiết khó chịu của Huế, lạnh cũng kinh
mà nóng cũng dữ. May là nhà dì Hoa xây kiểu biệt thự, có vườn cây bao bọc nên
cái nóng cái lạnh cũng giảm bớt phần nào.
Bật
thêm ngọn đèn, căn phòng sáng lên, lấy xấp tài liệu đầy ắp chữ chuẩn bị viết
khóa luận tốt nghiệp đặt bên cạnh bản thảo tập thơ như tự nhắc nhở chính mình:
phải xong hai việc này cùng lúc hoặc ngụ ý: hai việc này có ý nghĩa nhất trong
cuộc đời của mình. Thời gian trôi nhanh thật, đã tích lũy đủ số tín chỉ, đã đi
thực tập sư phạm, chỉ còn chờ ngày bảo vệ khóa luận nữa là xong. Cô giáo văn
tương lai mỉm cười mãn nguyện. Thế là đã thực hiện được mong ước của cha của mẹ
rồi.
Cha
Vĩnh Ái trước đây cũng là sinh viên sư phạm Huế. Một chàng trai xứ Quảng đẹp
người, hoạt bát, năng động đã để lại đất thần kinh bao kỷ niệm vui buồn một thời
tuổi trẻ. Chợt nhớ tụi bạn trong lớp cứ tranh luận từ mấy hay từ thấy trong hai
câu quen thuộc: học trò ở Quảng ra thi mấy
cô gái Huế bỏ đi không đành. Trường
hợp của cha Vĩnh Ái thì từ nào cũng đúng cả. Cha Vĩnh Ái, học trò ở Quảng ra
thi, và dì Hoa, cô gái Huế, đã yêu nhau, ngặt nỗi cả hai đều là con một, cha
Vĩnh Ái không thể ra Huế ở rể, dì Hoa không thể vào Quảng làm dâu. Họ đành xa
nhau, rồi tình yêu lại chuyển ngược thành tình bạn cho đến bây giờ. Cha, mẹ và
cả dì Hoa nữa rất rõ ràng rất công khai mối quan hệ của họ, Vĩnh Ái còn được
cha mẹ gởi ở nhà dì Hoa ăn học nữa, dì cũng thương yêu chăm sóc Vĩnh Ái như con
cái trong nhà.
Cha
mẹ ơi, dì ơi, có phải tình yêu trước kia và tình bạn bây giờ là thật? Tất cả
người lớn đều nghĩ như thế, đều ứng xử như thế hay chỉ là trường hợp cá biệt của
nhà mình? Biết bao câu hỏi đặt ra nhưng Vĩnh Ái không trả lời được, có lẽ tuổi
mười tám đôi mươi chưa đủ khôn đủ lớn để tìm ra lời giải.
Ban
đầu Vĩnh Ái rất gượng gạo và khó chịu, cái cảm giác là lạ trong mối quan hệ của
người lớn cứ vướng víu trong đầu. Nhưng rồi bốn năm đã qua Vĩnh Ái mới nhận ra
quan niệm về tình yêu tình bạn của cha, của mẹ, của dì Hoa thật đơn giản và
trong sáng. Tuổi trẻ của Vĩnh Ái bây giờ có gì khác biệt chăng? Mà dù có khác
biệt mấy đi nữa thì vẫn có điểm chung, đó là sự chân thực của mỗi người trong
cuộc.
Sấm
chớp dữ dội, trời đổ mưa lớn, Vĩnh Ái kéo màn cửa nhìn ra ngoài vườn. Bé Quỳnh
Anh, con dì Hoa đi học về, cô bé không vội vào nhà mà đứng trên hiên hứng chặn
dòng nước từ ban công đổ xuống tung tóe ra vẻ thích thú lắm. Cây cối trong vườn
ưỡn mặt uốn mình nhún nhảy tắm gội thỏa thuê, trên con đường lát gạch đất nung màu
nâu đỏ những bong bóng nước nối nhau xuất hiện, vỡ tan hay trôi về đâu chẳng biết.
Quỳnh Anh vẫn đứng ngắm mưa nghịch giỡn nước.
Ngày
xưa Vĩnh Ái còn lãng đãng hơn cô bé này nhiều. Đôi mắt chợt dõi về xa xăm, nơi
một làng quê nhỏ ven dòng sông Thu, có chàng cu Dũng, bạn thuở tồng ngồng của
Vĩnh Ái. Nhà Mậu Dũng cách nhà Vĩnh Ái một cái mương nước nhỏ. Mỗi chiều giông,
Mậu Dũng thường chạy sang rủ Vĩnh Ái bò lăn trên sân gạch tắm mưa dầm nước, đập
vỡ không biết bao nhiêu là bong bóng, đuổi theo những chiếc lá đang trôi chảy
thành dòng. Rồi lại xếp những con thuyền giấy giả đò chở nhau qua bên kia sông,
thực ra con sông chỉ là cái mương nước giữa hai nhà. Vui vẻ, hồn nhiên vô tư
chi lạ! Ừ! Vĩnh Ái thì vô tư rồi, còn Mậu Dũng có hồn nhiên vô tư? Sao không rủ
con Thanh, con Thủy cũng cùng xóm mà cứ rủ Vĩnh Ái chứ? Mà không chỉ tắm mưa
thôi đâu, mưa tạnh lại đi bắt dế, sau mưa hang dế ngập nước, dế chui lên tha hồ
bắt. Hình như Mậu Dũng chế tạo ra một dụng cụ gì đó để bắt dế, Vĩnh Ái quên rồi.
Bạn ấy giỏi thật, cái gì cũng biết, cũng làm được! Những cái bẫy cái vợt Mậu
Dũng tự làm ra để bắt chuột, bắt ve ve, đến cây sào hái ổi hái mận mới khéo
léo, mới hiệu quả làm sao!
Vĩnh
Ái phục lăn tài vặt của Mậu Dũng, đã nhiều lần Vĩnh Ái hỏi bạn:
-
Ai dạy bạn mấy thứ ấy?
Mậu
Dũng cười khì:
-
Chẳng ai dạy cả, cứ làm rồi sẽ rút ra được kinh nghiệm cho mình!
Qua
những năm cùng học cấp ba, Vĩnh Ái không chỉ phục lăn tài vặt của Mậu Dũng mà còn ngưỡng mộ chàng trai chắc nịch,
đen đúa, đầu bù tóc rối, miệng nói tay làm, dễ gần dễ mến.
Thông
minh, sáng dạ, học giỏi nhưng Mậu Dũng không thi vào đại học, lại theo ông chú
học nghề mộc ở làng bên kia sông. Bạn cùng lớp đều bảo thằng Dũng trở chứng,
Dũng hâm, Dũng khùng... Mậu Dũng không giận mà lấy làm thích thú với quyết định
của mình. Những đứa học chẳng ra chữ, đầu óc trống không cũng quyết đòi cha mẹ
cho tiền đi thi đại học, đến khi biết tin Mậu Dũng đi học nghề, cha mẹ chúng lại
đổi ý, mất cơ hội đi “du lịch” có đứa chỉ thẳng mặt Mậu Dũng mắng:
-
Mày định chơi khăm bọn ta hả? Mày định làm anh hùng hả? Đồ đểu!
Ngay
cả Vĩnh Ái, bạn thân thiết nhất của Mậu Dũng cũng bất ngờ, cũng bức xúc, cũng tức
giận. Vĩnh Ái ấp ủ bao nhiêu dự định, thế là hỏng tất cả rồi, ước mơ như bong
bóng vỡ ngày mưa! Muốn rủ Mậu Dũng cùng ra Huế học sư phạm cho có bạn, có đôi,
có lứa, ai ngờ...
Có
phải từ đó những bài thơ ngưỡng mộ, yêu thương, nuối tiếc, hoài niệm một thời cứ
ám ảnh Vĩnh Ái suốt những năm tháng ngồi trên giảng đường đại học. Như cơn
giông chiều nay, cợm lòng chợt nhớ chiều
giông, tuổi thơ hai đứa tồng ngồng tắm mưa, mắt chìm trong ký ức xưa, xếp con
thuyền giấy mà đưa nhau về. Đưa nhau về, làm chi có chuyện đó! Mà về đâu? Đưa
nhau qua bên kia con sông tưởng tượng là cái mương nước giữa hai nhà thì có!
Anh
chàng Mậu Dũng hiền lành đến ngu ngơ, thật thà đến ngốc nghếch, không biết khi
nào Vĩnh Ái vui buồn chi cả! Hay hắn không cần biết? Chỉ có cười, lại cười thỏa thích cả khi Vĩnh Ái giận
dỗi, lẫy hờn, thế mà, khuôn mặt ấy, tính cách ấy, nỗi niềm ấy cứ đi vào thơ của
Vĩnh Ái một cách suôn mượt, đằm sâu, đau đáu. Cho đến một ngày...
Cơn
mưa nhỏ hạt rồi tạnh hẳn từ bao giờ, đến khi bé Quỳnh Anh đã thay bộ áo quần mới
xuất hiện trước cửa phòng Vĩnh Ái mới hay mới biết.
-
Chị nhớ anh Tân hay nhớ ai mà thờ thẫn thế?
Vĩnh
Ái không giấu được con bé này rồi, mà nó cũng chuẩn bị thi đại học chứ nhỏ nhoi
gì, nhạy cảm chuyện yêu đương lắm lắm!
Tân
mà Quỳnh Anh nhắc đến là chàng sinh viên cùng khóa sư phạm với Vĩnh Ái, bám đuôi
Vĩnh Ái từ năm thứ hai đến giờ, là bạn thân cũng đúng, là người yêu cũng chẳng
sai. Thực ra, Vĩnh Ái cũng chẳng biết mình có yêu anh chàng công tử này không,
nhưng hễ mỗi lần gặp Tân là Vĩnh Ái thấy vui vẻ hơn, dễ chịu hơn, hoạt bát hơn.
Bạn bè gọi Tân là Tân công tử bởi khuôn mặt trắng trẻo rất là thư sinh, áo quần
lúc nào cũng chăm chút bảnh bao, ăn nói lựa lời lựa ý chỉnh chu lắm. Tân cũng
yêu văn chương thơ phú như Vĩnh Ái. Những bài thơ Tân viết riêng cho Vĩnh Ái
sâu nặng ân tình và ăm ắp cảm xúc. Chả bù anh chàng Mậu Dũng, phơi sương phơi nắng,
sạm chắc, như gã nông điền. Sao lại nhắc đến Mậu Dũng chứ, hắn có nhớ đến mình
đâu, mà mình cũng quên hắn từ lâu rồi mà!
-
Chị đang nghĩ gì thế, đi với em ra dạo vườn sau mưa, những giọt nước còn đọng
trên lá trên hoa đẹp lắm!
-
Gần đến giờ cơm rồi, phải phụ giúp dì thôi!
Bé
Quỳnh Anh phụng phịu bỏ đi, không quên nhắc:
-
Chị đừng quên khi nào về Quảng Nam cho em đi theo với, mạ đồng ý rồi đó
nghe!
Cuối
năm học qua, Vĩnh Ái đã đưa bé Quỳnh Anh và cả Tân nữa cùng về thăm quê rồi,
con bé lại muốn đi nữa sao!
Nhớ
hoài chuyến đi này.
Ngày
ấy, Tân và Mậu Dũng lần đầu tiên gặp nhau. Vĩnh Ái giới thiệu hai người làm
quen rất vui vẻ, rất tự tin:
-
Đây là Mậu Dũng, cùng xóm cùng quê, bạn học suốt thời phổ thông, đây là Tân,
người Huế, bạn học sư phạm của mình, còn đây...
Quỳnh
Anh nhanh nhẩu tự giới thiệu:
-
Em là Quỳnh Anh, người cùng nhà với chị Vĩnh Ái.
Tân
nhìn Mậu Dũng có chút e dè khách sáo:
-
Chào bạn! Rất hân hạnh được làm quen với bạn.
Mậu
Dũng cười thoải mái:
-
Ừ! Chào bạn! Mình cùng Vĩnh Ái sẽ làm hướng dẫn viên đưa các bạn thăm quê mình
nhé. Huế của các bạn là mộng là mơ là thơ là nhạc, còn xứ Quảng của mình thì...
thì... nói sao đây Vĩnh Ái hè?
Vĩnh
Ái giật mình:
-
Ừ, thì... Quảng Nam hay cãi, mà không, đất Quảng Nam chưa mưa đã thấm...
Tân
hùa theo:
-
Rượu hồng đào chưa nhấm đã say.
Mậu
Dũng nhìn Quỳnh Anh pha trò:
-
Uống nước sông Hương có khác, cô bé dễ thương ghê, bạn Tân cũng vậy! Các bạn có
thích rượu Hồng Đào không? Uống chưa say chưa về nhé! Đùa cho vui thôi, mình sẽ
tặng các bạn hộp bút bằng gỗ do mình tự làm, các bạn đồng ý chứ?
Quỳnh
Anh thích lắm, cứ bám riết Mậu Dũng,
khen Mậu Dũng ăn nói có duyên, việc gì cũng làm được, khéo tay khéo miệng. Mậu
Dũng chỉ cười, dễ ghét thật, cái gì cũng cười. Vĩnh Ái đâm ra bực mình, may mà có
Tân bên cạnh...
Qua
những ngày rong ruổi từ đầu sông đến cuối sông, từ làng bên này sông qua làng
bên kia sông, Vĩnh Ái thấy bé Quỳnh Anh chẳng nói sai. Thêm lần nữa, chàng Mậu
Dũng vẫn đáng yêu và đáng nể thật!
Bên
Mậu Dũng chắc nịch, cái gì cũng biết, Tân cảm thấy mình ẻo lả quá, còn thiếu
nhiều thứ lắm, nhất là những kiến thức từ trường đời. Một thoáng buồn nhưng rồi
lại tự khuyên nhủ mình, được cái này thì mất cái khác, hơi đâu so đo hơn thiệt.
Quỳnh
Anh không nghĩ thế, Vĩnh Ái càng không nghĩ thế.
Còn
nhớ, khi Mậu Dũng chèo thuyền đưa cả bọn sang sông, tự nhiên Vĩnh Ái cao hứng cầu
trời mưa lớn. Tân bực mình hậm hực:
-
Ưa chi chuyện mưa với gió!
Mậu
Dũng thì lại vui, còn đánh đố các bạn:
-
Trời mưa thì mặc trời mưa... Đố các bạn nếu mưa thật thì làm sao cho khỏi ướt?
Quỳnh
Anh thật thà:
-
Ở giữa dòng sông này đành chịu ướt thôi!
Vĩnh
Ái hình như vẫn đang đắm chìm trong ký ức xa xăm:
-
Mưa thì tắm luôn cho mát, ngày xưa...
Mậu
Dũng vẫn vô tư:
-
Muốn không ướt thì mặc áo mưa vào, mình đã mang theo sẵn đây rồi.
Quỳnh
Anh lại khen:
-
Anh đã tính trước tính sau hết, chu đáo quá!
-
Mùa hè buổi chiều thường có giông, gặp mưa đôi lần thì biết phải làm gì mà!
Vĩnh
Ái lầm bầm, chắc anh chàng này quên hết chuyện ngày xưa rồi, mình nhớ hắn làm
chi chứ! Nhớ làm chi? Mà sao suốt buổi đi chơi Vĩnh Ái chỉ lặng thinh. Có lẽ, giông xưa ướt một nỗi buồn, tìm trong chớp bể
mưa nguồn bóng ta, yêu thương bỗng chốc vỡ òa, hóa thân thành giọt, rơi, và...
cô đơn.
-
Các anh ơi! Chị Vĩnh Ái khóc rồi nè!
Nghe
Quỳnh Anh hô hoán lên, Vĩnh Ái hoàn hồn rồi hoảng hốt chối đây đẩy:
-
Mắc mớ chi mà khóc chứ! Tự nhiên xót con mắt quá, hình như bụi...
Tân
bối rối, không phải vì Vĩnh Ái khóc, mắc mớ chi mà khóc chứ, có lẽ chưa tìm ra
cách gì giúp bạn, đã nghe Mậu Dũng cười lớn, chẳng biết là nói thật hay đùa:
-
Nếu là bụi, đừng dụi mắt sẽ trầy võng mạc đó, giả bộ buồn đau, giả bộ thương nhớ
thật thảm thiết vào cho nước mắt trào ra thế là bụi sẽ trôi theo.
Nhưng
sao lại giả bộ nhớ thương, giả bộ buồn đau chứ? Khóc thật mà! Vĩnh Ái giận Mậu
Dũng lắm:
-
Ừ! Mình khóc thật đây!
Thế
là nước mắt trào ra, trào ra...
Chuyện
đã gần một năm rồi. Sau chuyến về quê đó, hình như do bận rộn chuyện kiến tập,
thực tập, lại tìm tư liệu cho các môn học cuối khóa, Vĩnh Ái và Tân ít gặp nhau
hơn. Đúng là Vĩnh Ái không muốn gặp Tân nữa, mỗi khi nghe Quỳnh Anh nhắc đến
Tân là Vĩnh Ái phải dẫn sang chuyện khác. Chẳng hiểu vì sao!
Quỳnh
Anh gọi xuống ăn cơm, Vĩnh Ái vội vàng rửa mặt, mắt đỏ hoe, may là trời cũng tối
chắc không ai nhìn thấy. Ba Quỳnh Anh đi công tác, anh chị Quỳnh Anh đi học xa,
bữa cơm gia đình chỉ có dì Hoa, Quỳnh
Anh, Vĩnh Ái và chị giúp việc nhưng lúc nào cũng thân mật ấm áp vui vẻ. Dì Hoa
có nét duyên thầm, rất khéo gợi chuyện, sẵn sàng chia sẻ buồn vui với mọi người.
Vĩnh Ái nghĩ thầm, chắc ngày xưa dì và cha hạnh phúc lắm, nếu không nặng nợ gia
đình dễ gì họ chia tay nhau.
Mới
ngồi vào bàn ăn Quỳnh Anh đã phụng phịu:
-
Thi đại học xong con về quê chị Vĩnh Ái một chuyến nữa mạ nhé!
Dì
Hoa nhỏ nhẹ:
-
Ừ! Mạ hứa! Nhưng đợi chị ra trường rồi cùng về luôn!
Nghĩ
đến chuyện về quê Vĩnh Ái cứ bồn chồn rạo rực. Sẽ đoàn tụ với gia đình, sẽ được
gặp Mậu Dũng, một người bạn tốt, một chàng trai có thể chia ngọt xẻ bùi, có thể
gởi gắm tình yêu và cuộc sống...
Thấy
Vĩnh Ái cứ yên lặng, dì Hoa gợi chuyện:
-
Cháu đã viết xong khóa luận tốt nghiệp chưa, dì có thể đọc và góp ý cho cháu
không?
-
Cháu đã có đủ tư liệu rồi, khi viết xong sẽ nhờ dì đọc.
-
Dì sẽ đọc, sao mấy lâu nay không thấy Tân đến chơi?
Vĩnh
Ái hăm hở như khẳng định với chính mình:
-
Bọn cháu chia tay nhau rồi, tập trung lo học hành mà dì!
Quỳnh
Anh định xen chuyện nhưng kịp thấy nháy mắt của mạ nên lại ngồi yên. Một lát
sau dì Hoa mới ướm hỏi:
-
Bạn bè ở quê còn đứa nào không, có lẽ đi học xa như cháu hết, hè này về họp mặt
chắc là vui lắm!
Chị
giúp việc bỏ đũa vụt đứng dậy, vừa đi vừa nói:
-
Nhắc đến bạn bè ở quê mới sực nhớ, có ai gởi thư cho cháu.
Chị
vào nhà trong lấy ra một phong bì. Vĩnh Ái ngờ ngợ, đứa nào gởi thiệp mời đám
cưới đây rồi. Quỳnh Anh giục:
-
Mở ra xem đi chị!
Vĩnh
Ái mở bì thư, đúng là thiệp cưới rồi! Ôi chao! Sao là của Mậu Dũng!
Như
có một luồng điện chạy dọc sống lưng, Vĩnh Ái trân người chịu đựng, nhưng không
kịp nữa rồi, chới với, hụt hẩng... Cả nhà đã nhận ra, dì Hoa dìu Vĩnh Ái về
phòng.
Trời
lại đổ mưa sau thời gian tạnh ráo, cơn mưa vô tình hay cố ý khơi nỗi buồn giông
xưa.
Nguyễn Bá Hòa
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét