|
Bìa "9 thập kỷ tân nhạc Việt Nam
Lê Thiên Minh Khoa |
Kỳ 4: CÔNG CHÚNG CA
NHẠC THỜI NAY
Quá
trình sáng tạo của văn học - nghệ thuật nói chung bao gồm ba thành tố: tác giả -
tác phẩm - công chúng. Còn quá trình nầy trong âm nhạc, nhất là trong ca khúc
thì qua thêm nhiều trung gian hơn: tổ chức sản xuất, quảng bá nhạc phẩm, biểu
diễn ca khúc nên ít nhất phải có năm thành tố sau: tác giả - ca khúc - người
điều phối - ca sĩ - công chúng. Quá trình nào thì công chúng tiếp nhận, hưởng
thụ tác phẩm cũng là đối tượng cuối cùng và là trung tâm của sáng tạo nghệ
thuật.
Trở lên, trong khi bàn về bốn thành tố trước, đã không thể
không đề cập đến thành tố trung tâm của ca nhạc này - công chúng. Nên trước khi
trình bày cụ thể các lớp công chúng ca khúc ngày nay, xin mượn lời của người có
nhiều trách nhiệm với ca nhạc Việt Nam hiện nay, TS-NS Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Hội Nhạc
sĩ Việt Nam để khái quát về công chúng ca nhạc
hôm nay: “Hiện nay, công chúng số đông thường chỉ chú ý vào các ca khúc thị
trường ra đời một cách vội vàng với ca từ đơn giản, sáo rỗng, âm nhạc lai căng,
thậm chí “lấy cắp” từ nhạc nước ngoài, theo dõi các ca sĩ, các “Diva”, các
“Sao”, các giọng ca dòng nhạc nhẹ nổi lên một thời gian như cồn nhờ công nghệ
lăng xê. Công chúng, đặc biệt là giới trẻ quên đi hoặc không biết tới dòng âm
nhạc chính thống, kinh điển bác học (thanh nhạc cũng như khí nhạc) và dòng âm
nhạc cổ truyền - dân tộc” (“Âm nhạc Việt Nam trên đường đổi mới và hội
nhập quốc tế” tài liệu đã dẫn).
Nói như thế, có nghĩa dòng
ca khúc nhạc nhẹ có chất lượng tư tưởng - nghệ thuật, dòng âm nhạc kinh điển bác học và
dòng âm nhạc cổ truyền - dân tộc vẫn còn có một lớp công chúng riêng. Nhưng
đang nói đến “công chúng số đông” với
ca khúc thị trường.
Số đông bạn trẻ ngày nay đều thích nghe nhạc trẻ,
nhất là các thể loại nhạc Rock, Pop
Ballad, V-pop hoặc những thể loại nhạc mạnh như “Dance remix” hay dùng cho các vũ trường… Nhưng như đã nói ở
trên, do thị
hiếu thẩm
mỹ chưa sâu sắc, cơ bản, còn nhất thời như một thứ "mốt”, cho nên khả năng
đánh giá, sự lựa chọn thẩm mỹ chưa định hình rõ nét, mà thành ra khả năng cảm
thụ âm nhạc thấp, có khi thông tục; lệch chuẩn và phiến diện, cực đoan một
chiều. Xin nói rõ hơn về từng loại thị hiếu này.
Về cảm thụ âm nhạc cực đoan một chiều: vì
quá say mê dòng nhạc trẻ thị trường hiện nay, họ xếp tất cả các dòng nhạc nhẹ
khác trước 1975: nhạc vàng, nhạc tiền chiến, nhạc vàng, tình khúc, nhạc xanh,
nhạc trẻ… đều là nhạc sến tuốt, là nhạc lạc hậu so với thời đại, trong khi chính bản thân mình
cũng không biết chọn loại nhạc giá trị theo đúng nghĩa của nó để
thưởng thức, chỉ biết nghe loại nhạc thị trường đậm chất “sến” do
các “nhạc sĩ thị trường” tạo nên.
Về thị hiếu âm nhạc lệch lạc, không đúng đắn, lành mạnh: Một bộ phận giới trẻ có xu hướng và thói quen thưởng thức âm nhạc bằng
mắt hơn bằng tai vì ca từ làm sao họ hiểu nổi (ca từ tiếng nước ngoài hoặc ca
từ tiếng việt thì sáo rỗng, vô nghĩa) và
bằng chứng là những ca sĩ nào có vũ đạo đẹp, lạ, sôi động và ăn mặc mát
mẻ sẽ thu hút được nhiều khán giả trẻ hơn.
Còn về khả năng cảm thụ âm nhạc thấp lùn, thông tục thì vô số sự kiện minh họa:
Ở trên có nhắc đến MV Oh my
chuối, ca khúc có ca
từ nhố nhăng, lố bịch, tục tĩu và nữ ca sĩ
biễu diễn với mấy bộ váy áo cũn cỡn, vũ điệu gợi dục. Đáng
ngạc nhiên là theo một bài báo thì: "nhiều
ý kiến cho rằng Oh my chuối là thảm
họa của V-pop, nhảm nhí, tục tĩu và gợi
dục và xếp MV này vào một trong những sản phẩm "rẻ tiền", "lố
lăng”, thì MV Oh my chuối lại thu hút nhiều người xem trên Youtube.
Rồi cuối năm 2013,
trong một buổi biểu diễn tại Hải Phòng, hai nam rapper trẻ trình bày một ca
khúc khá nổi tiếng với lời "chế" tục tĩu, đáng nói là lời
"chế" này lại được khán giả tại buổi biểu diễn ủng hộ! Hai ca sĩ này
còn cùng một vài ca sĩ khác thuộc dòng nhạc underground biểu diễn ca khúc Phiếu bé ngoan gồm hai
phần, đều có các ca từ vô cùng tục tĩu, phản cảm, mang tính khiêu dâm trần trụi
và được đăng tải trên một số trang nghe nhạc trực tuyến. Đáng tiếc là trong khi
có bạn đọc nhận xét trên Youtube: "YANBI
sáng tác ra ca khúc này quả là con người quá bệnh hoạn. Ca từ dung tục, trần
trụi không một chút nghệ thuật dẫu là nghệ thuật của tầng lớp sến, hạ cấp...
Chắc khi sáng tác bài này YANBI đang ở thời kỳ bệnh... nặng về thần kinh"
thì vẫn vẫn có nhiều người ủng hộ, bênh vực, có ý kiến cho rằng: “Đó là thể loại nhạc riêng tách biệt với
những thể loại âm nhạc đại chúng, và họ hát là vì niềm say mê âm nhạc” (!?)
Ba sự kiện này và
nhiều sự kiện khác trong các đoạn trên khi nói về nhạc sĩ, ca sĩ, giới sản
xuất, tổ chức quảng bá, biểu diễn, vai trò của truyền hình, báo chí và các
phương tiện thông tin đại chúng… cho thấy, thực tế đời sống âm nhạc ở Việt Nam
hiện nay, một bộ phận công chúng yêu
thích các ca khúc rất thiếu văn hóa,
giai điệu nhạt nhòa, na ná nhau, ca từ hời hợt, dễ dãi, thậm chí ca sĩ rất sex
và phản cảm thể hiện lại được hâm mộ và tôn thành “thần tượng”.
Thực tế đó khiến dư luận phải đặt câu hỏi:
Phải chăng thị hiếu âm nhạc của một bộ phận công chúng, nhất là công chúng trẻ,
đang trong xu hướng xuống cấp nghiêm trọng?
Trong một xã hội mà nền kinh tế thị trường mới khai mở, những
hỗn loạn là không thể tránh khỏi khi đạo đức xuống cấp và chủ nghĩa sex (Sexual
Marxism) đang lên ngôi. Đại
gia và một số quan chức khi ăn, uống phải có em “nhà nghèo” ngồi cạnh. Chương
trình trực tiếp bình luận bóng đá World đá” cup 2018 trên VTV năm nay, bao giờ cũng có một em trẻ đẹp gọi là yêu bóng đá, mê cầu thủ nào đó
ngồi trên diễn đàn chung với ba vị khách mời đáng kính trọng là các chuyên gia
bóng đá, phóng viên thể thao hàng đầu của Việt Nam. Người say mê bóng đá chân
chính vừa bực mình, vừa buồn cười, vừa thấy tội nghiệp khi nghe các em uốn éo
trả lời nhợt nhạt, “vô tư” trước những câu hỏi của biên tập viên truyền hình có
tính chuyên sâu về chiến thuật, chiến lược, đấu pháp… của trận đấu, của bóng
đá nằm “ngoài chuyên môn” của các em.
Nhưng để chủ nghĩa tình dục trên hết lan sang và nhúng chàm vào lãnh vực âm
nhạc, một bộ môn nghệ thuật có tính đại chúng cao và có ảnh hưởng lớn đến văn
hóa, lối sống của công chúng thì khác, thì thành quá nghiêm trọng rồi!
Công bằng mà nói, bộ
phận giới trẻ này dù yêu thích đến say mê loại nhạc rẻ tiền, lố bịch và phản
cảm như thế, nhưng được cái, đó là niềm đam mê chân thực, nhiệt tình, có khi
đến “điên cuồng” của họ. Như có người sẵn sàng làm mọi thứ để được
gặp mặt, được xem thần tượng. Họ khóc, nài nỉ, thậm chí… đe dọa tự tử với bố mẹ
chỉ để được đi xem trực tiếp thần tượng của mình biểu diễn. Rồi, sau khi đã
được gặp thần tượng, họ sẽ bắt chước từ đáng đi, kiểu ăn mặc, kiểu tóc... của
thần tượng và sẵn sàng “ăn thua đủ” với những ai nói xấu thần tượng... Chuyện
bi hài mà nhiều kênh đã đăng: một nhóm bạn trẻ quỳ xuống và hôn chiếc ghế của ngôi sao ca nhạc Hàn Quốc
- Bi Rain đã ngồi, trong đêm lưu diễn tại Nhà hát lớn Hà Nội!
Lệch sang một hướng khác, có một bộ phận công
chúng bây giờ chỉ yêu thích nhạc vàng. Giới này gồm những người lớn tuổi thuộc
tầng lớp bình dân, trong đó có tầng lớp mới giàu và một bộ phận giới trẻ bây
giờ, mà đáng ngạc nhiên là có cả thanh niên có học, có cả cử nhân, thạc sĩ,
tiến sĩ trẻ. Một số trong họ đã đối lập nhạc vàng trước 1975 với tất cả các
dòng nhạc khác (nhạc đỏ, nhạc tiền chiến, nhạc phản chiến, du ca, tình khúc,
nhạc trẻ…) và tự nguyện gọi dòng nhạc mà họ thích là nhạc sến với với sắc thái biểu cảm dương
tính = ca ngợi, đam mê, yêu thích…, khác với giới có học, trung lưu ở miền Nam
trước kia, chỉ thích dòng nhạc sang (nhạc
tiền chiến, phản chiến, tình khúc …) gọi dòng nhạc đó là nhạc sến với sắc thái
biểu cảm âm tính = coi thường, thấp kém… Chuyện vui cực ngắn: "Em
muốn hát nhạc sến cơ! Bấm cho em bài Hương xưa của Cung Tiến(?) đi
anh !..." như lời một cô sinh
viên nói với bạn trai trong phòng
karaoke!...
Lượng công chúng yêu nhạc vàng đông đảo trở thành
một phong trào, và như đã nói trên, đến nổi nhiều nhà sản xuất ca nhạc ra nhiều
băng từ bolero, nhiều ca sĩ chuyển dòng nhạc, nhiều ca sĩ bolero mới nổi lên,
nhiều nhạc hội, nhiều sàn diễn bolero được tổ chức, nhiều trang mạng đăng nhạc
bolero, nhiều đài truyền hình tổ chức nhiều chương trình nhạc bolero… để đáp
ứng nhu cầu của họ và để tăng thu lợi nhuận. Báo chí và các phương tiện thông
tin khác cũng không thể bỏ qua đề tài “ăn khách” nầy để thu hút độc giả, khán thính giả…
Thực ra, điệu bolero trữ tình
vốn sang trọng, ngọt ngào, tiết tấu chậm buồn, nhẹ nhàng, có thể nói đến chia ly, cô
đơn, nhưng không quá đau đớn, sầu não, bi lụy… như thực trạng do ca từ của nhạc sĩ và lối hát
của ca sĩ hiện nay tạo nên. Điều
đáng nói, là công chúng yêu dòng nhạc bolero đương thời lại nhận thức chưa đúng
đắn chân giá trị cốt lõi của dòng nhạc này, tưởng chất bolero là: sướt mướt, sến sẩm, ủy mị, quằn
quại, khổ đau, bi sầu, rên rỉ… như các ca sĩ ngày nay thể hiện và đánh đồng
nhạc bolero với nhạc sến, khi nó bị khai thác “quá đà” và “biến dạng” thảm hại
trên truyền hình và nhạc hội, sàn diễn ngày nay.
Như đang có cơn sốt bolero, một biểu hiện “hội chứng đám đông”, theo
“mốt”, mang tính phong trào quá rõ. Thị hiếu âm nhạc của một bộ phận công chúng
không còn là tự thân, mà đang bị truyền thông thương mại dẫn dắt với mức độ
thái quá. Lên xe đò, thường được
nghe miễn phí, những bài hát thuộc dòng nhạc bolero. Quà tặng cho nhau, giờ có
thêm sản phẩm mới, là đĩa nhạc, cái USB chứa bài hát bolero. Quán karaoke cho
đến đám cưới bây giờ, nhạc bolero được người ta chọn nhiều hơn. Thậm chí, đám
tang người ta cũng “xài” bolero, khi đám
thanh niên hát buồn về khuya trong rạp
đám và đội kèn hòa tấu trên đường đưa đám, toàn bolero. Mở truyền hình, vặn
đài, hết show này đến chương trình khác, thi tài hát bolero. Báo chí, truyền
thông xã hội giành nhiều diện tích, thời lượng luận bàn về dòng nhạc này.
Dư luận đàm tiếu nhiều
về thị hiếu âm nhạc của đám trọc phú mới nổi: Ông chủ thì chỉ thích nghe nhạc sến Việt với giai điệu
lèn phèn và lời ca đơn sơ hợp với “gu” của họ; còn “cô cậu chủ”, con cái họ thì
chỉ đủ sức cảm nhận loại nhạc sến Tây phương ồn ào thô tục. Đám trọc phú này đã
tung tiền để bảo trợ những chương trình ca nhạc nhảm nhí trên các sân khấu và
đài truyền hình khắp các địa phương và
thể hiện rõ đặc trưng của “trọc phú” là tính chơi ngông với tiền bạc, tương tự
như công tử Bạc Liêu xưa và Cường Đô La ngày nay: Trong những dịp tiệc tùng như
sinh nhật và cưới hỏi, họ dám thuê hàng chục ca sĩ tiếng tăm, với thù lao cả
hàng ngàn đô la Mỹ mỗi người, để hát những bài ca sến mà họ ưa thích.
Một
chuyện có thật: Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tổ chức một đêm Nhạc Hoàng Việt, người nhạc sĩ sinh ra và lớn lên ở Bà Rịa, mời
đoàn nhạc giao hưởng TP. HCM cùng nhiều ca sĩ nhạc nhẹ hàng đầu VN về biểu
diễn, cho xe ca đưa cán bộ, nhân dân từ các huyện thị về TP. Vũng Tàu. Đêm nhạc
hoành tráng, sang trọng với những ca khúc nổi tiếng thuộc nhiều dòng nhạc của
Hoàng Việt: Tiếng còi trong
sương đêm, Nhạc rừng, Lên ngàn, Quê mẹ, Tình ca, Tình ca 2… và bản Giao hưởng đầu tiên của Việt
Nam: Quê hương (1965). Nhưng rạp hát Điện Biên với
vỏn vẹn 500 chỗ, mở cửa tự do, không bán vé vẫn còn lỏng lẻo người. Trong khi
đó, đêm nhạc Tình ca bolero do Trung
tâm VH-TT tỉnh tổ chức ở TP. Bà Rịa mời các ca sĩ hạng hai thể hiện tại hội
trường lớn, Nhà biểu diễn đại chúng của Trung tâm có sức chứa trong cả hai tầng
gần 1.000 chỗ, gấp hai lần rạp hát trên, lại chật nêm người mua vé vào cửa,
trong đó ngoài lứa tuổi trung niên, cao niên còn có đông đảo lớp người trí thức
trẻ.
Lý giải cho hiện tượng nhạc trẻ bùng lên và
nhạc vàng trỗi dậy, ngoài những nguyên nhân kinh tế - xã hội, có những nguyên
nhân xuất phát từ phía chủ quan công chúng yêu nhạc. Đó là tâm lý “quen quá, hóa chán”, “cũ người, mới ta”,
và “thiếu gì, thích nấy”. Công chúng
yêu nhạc trước đây nghe toàn nhạc đỏ, “quen quá, hóa chán”, bảo hòa rồi, nay mở
cửa được "mở mắt" thấy được
bầu trời âm nhạc rất đa hệ, phong phú,”thiếu gì thích nấy” nên “cũ người mới ta” say mê các dòng
nhạc mình tưởng là mới lạ. Nhưng lý giải thế nào về hiện tượng một
bộ phận trí thức trẻ bây giờ lại yêu thích nhạc vàng, trong khi dòng nhạc này
trước 1975, ở Miền Nam chỉ được giới
bình dân ở nông thôn, thị thành và lính hát, còn giới có học, như sinh
viên, bác sĩ, kỹ sư, thầy giáo, sĩ quan… chỉ nghe các dòng nhạc sang? Cho nên, thời đó muốn nghe nhạc vàng thì phải
vào câu lạc bộ (CLB) Hạ sĩ quan & Binh sĩ, còn muốn nghe nhạc tiền
chiến, tình khúc, nhạc phản chiến… của Trịnh Công Sơn, Phạm Duy,
Đoàn Chuẩn, Nguyễn Văn Thương, Văn Cao… thì phải vào CLB Sĩ quan (những
người có tú tài trở lên). Có một độ chênh trong nhận thức và cảm thụ thẩm
mỹ giữa các thế hệ!
Có
thể lý giải hiện tượng này bằng năng lực
thẩm mỹ. Không phải cứ biết chữ là đọc được thơ, cứ có mắt là xem được
tranh tượng và không phải cứ có tai là thưởng thức được nhạc. Điều đó còn
tùy thuộc vào năng lực thẩm mỹ của mỗi người. Riêng năng lực thẩm mỹ âm nhạc là khả năng của mỗi cá nhân
trong khi thưởng thức sản phẩm âm nhạc, từ đó nhận định về sự hay - dở, xác
định thái độ thích hay không thích đối với tác phẩm một cách
đúng đắn, lành mạnh. Năng lực thẩm mỹ âm nhạc của mỗi người tùy thuộc vào nhiều
yếu tố tổng hòa lại: văn hóa - giáo dục, năng khiếu, truyền thống, sự trải nghiệm, tự
học tập rèn luyện… của mình. Do đó, năng lực thẩm mỹ, xu hướng thẩm mỹ của mỗi
người mỗi khác
nhau do các thành tố tạo nên khác nhau, nhưng thị hiếu thẩm mỹ vẫn có mẫu số
chung, đó là giúp con người hướng tới các giá trị chân - thiện - mỹ, tiếp nhận
nghệ thuật không chỉ để thỏa mãn nhu cầu, để giải trí, mà qua đó thu nạp những
giá trị có ý nghĩa xã hội - nhân văn, thu nạp tri thức, làm phong phú đời sống
tinh thần và đặt mình vào xu hướng luôn hành động sao cho có thể vừa làm đẹp
bản thân, vừa góp phần làm đẹp xã hội.
Trong nhiều yếu tố tổng hòa để hình
thành năng lực thẩm mỹ, quan trọng nhất là yếu tố văn hóa - giáo dục.
Yếu tố văn hóa - giáo dục không mâu thuẩn với, nhưng khác với yếu tố bằng cấp.
Bằng cấp ngày nay thường chỉ công nhận về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, tay
nghề của anh, nhưng thường không thể hiện cấp độ văn hóa và mức độ “có giáo
dục” của anh. Chuyện thường ngày: Thời trước, mỗi giờ học Việt văn, anh say mê
vì giáo sư làm cho anh yêu cái đẹp, yêu văn chương - nghệ thuật, từ đó dần dần
nâng cao khả năng cảm thụ nghệ thuật của anh theo một lý tưởng thẩm mỹ đúng đắn
và lành mạnh, góp phần làm cho anh cảm thụ, nhận biết được ca khúc nào là có giá trị tư tưởng - nghệ
thuật để anh chọn. Còn bây giờ, có những tiết Giảng văn, anh nhàm chán vì có những
giáo viên bình giảng văn chương như lên lớp bài Chính trị, Đạo đức, Giáo dục
công dân, bởi giáo viên chỉ chú trọng
đến ba mục đích yêu cầu: giáo dục (truyền bá tư tưởng, đạo đức), giáo dưỡng
(cung cấp kiến thức) và rèn kỹ năng, mà
quên mục đích yêu cầu thứ tư của môn Văn học là giáo dục thẩm mỹ, một yếu tố để
hoàn thiện nhân cách con người. Xong tiết học, anh không những không yêu thêm
văn chương - nghệ thuật mà còn “hãi” nó. Từ đó, làm cho anh dần vô cảm với cái
hay, cái đẹp của văn chương - nghệ thuật.
Rất mừng là còn công chúng
thứ ba là đối tượng của “nhạc sang”. Họ
là những người có học: trí thức cũ (ở Miền Nam ), trí thức cách mạng (ở Miền
Bắc), lớp trẻ có văn hóa thời nay và một lớp người thuộc thành phần trung lưu
am hiểu về âm nhạc, nhiều người trong họ biết chơi đàn, phổ biến là guitar.
Nhạc sang của họ là những ca khúc có giá trị, nổi tiếng một thời thuộc nhiều
dòng nhạc: nhạc đỏ, nhạc tiền chiến, tình khúc…
và các ca khúc nhạc nhẹ chính thống đương thời của các nhạc sĩ không chạy theo dòng nhạc thị
trường bị thương mại hóa.
Nhắc đến thực trạng âm nhạc
hôm nay, lại nhớ đến một nhận định trong bài viết khá công phu và nhiệt huyết “Âm
nhạc Việt Nam xưa và nay !!!” của Phan
Nguyên Luân trên
cuuhocsinhphuyencom.wordpress.com ngày 29.02.2016. Tác giả đã trích dẫn lời của
nhà xã hội học cổ đại Tuân Tử:“Một trong những đặc trưng của thời loạn là
âm nhạc nhố nhăng, bông lông” (Tuân Tử - Chương Bàn
Về Nhạc, Giản Chi và Nguyễn Hiến Lê, trang 314) để khái quát:“Việt Nam hiện nay không có chiến tranh,
nhưng lại có những dấu hiệu (sắp) đang ở trong thời loạn… Mà âm nhạc của Việt
Nam hiện nay thì quả thật quá nhố nhăng và bông lông”. Lập luận của tác giả
theo tam đoạn luận gồm ba mệnh đề: tiền đề là câu nói của Tuân Tử, thân đề (đặt
ở cuối) là nhận xét về thực trạng âm nhạc VN hiện nay “quá
nhố nhăng và bông lông”, kết đề (đặt ở giữa) là kết luận về xã hội VN“có những dấu hiệu (sắp) đang ở trong thời
loạn…”. Lời phán truyền của bậc hiền triết Tuân Tử là chân lý rồi, thực
trạng âm nhạc VN được nhận định như thế là quá xác đáng rồi, nhưng dù đồng cảm
với tác giả trên, cũng không thể hoàn toàn đồng ý hoàn toàn với kết luận của
ông. Bởi dù khái niệm “nhạc” trong Nho giáo có những nét tương đồng với khái
niệm âm nhạc hiện đại: Nhạc là sự hòa hợp
các thứ âm thanh mà tạo thành, thể hiện sự rung cảm của lòng người đứng
trước ngoại vật. Thiên còn lại
trong Sách Nhạc (bị thất lạc
bởi chính sách “đốt sách” của Tần Thủy Hoàng) ghép trong Kinh Lễ có viết về nhạc rằng: “có thể khiến
cho lòng dân trở nên tốt lành, có thể cảm lòng người rất sâu và làm phong tục
dời đổi được…”. Nhưng Nhạc trong quan niệm Nho giáo cao hơn và khác với âm nhạc hiện đại, Khổng Tử viết:.“Lễ
để chỉ đạo ý chí, Nhạc để điều hòa thanh âm, Hành chính để thống nhất hành động,
Hình pháp để ngăn ngừa tội ác. Lễ, Nhạc, Hành chính,
Hình pháp có mục đích cuối cùng là một, tức là thống nhất lòng dân để thực hiện
một nền thạnh trị.”. Như vậy, nhạc trong Nho giáo còn là đạo trị nước như Hành chính, Hình pháp. Quan niệm như vậy, thì ở thời xa xưa đó,
nhạc loạn thì nước loạn là đúng rồi. Còn âm nhạc hiện đại là một trong 7 loại
hình nghệ thuật (1.Kiến trúc và trang trí, 2. Điêu khắc, 3. Hội họa, 4.
Âm nhạc, 5. Văn Chương, 6. Sân khấu, 7. Điện ảnh). Nên tuy âm nhạc rối loạn, xuống
cấp có góp phần vào việc làm rối loạn, xuống cấp đời sống xã hội, nhưng không thể đủ sức đẩy
đất nước vào “thời loạn” được. Ở đây, xin nói cho rạch ròi, cặn kẽ: Tác giả
trên đã đánh tráo khái niệm trong lập luận: đồng hóa hai nghĩa của một từ đồng
âm, từ đa nghĩa, hay một từ dùng trong hai phong cách ngôn ngữ khác nhau, khi
“cào bằng” nghĩa cổ và nghĩa mới của từ Nhạc (âm nhạc). Kiểu như lập luận ngụy
biện trong tam đoạn luận vui sau: Vật
chất tồn tại mãi mãi, không bao giờ mất đi mà chỉ chuyển hóa dạng này qua dạng
khác. Bánh mì là vật chất, Vậy bánh mì tồn tại mãi mãi, mua một ổ ăn suốt đời!
Tiền đề và thân đề đều đúng nhưng kết đề lại… hài hước, gây cười, vì tác giả đã
đánh tráo khái niệm của từ đa nghĩa “vật chất”: “vật chất” trong mệnh đề 1 là
thuật ngữ triết học, dùng trong phong cách ngôn ngữ khoa học, “vật chất” trong
mệnh đề 2 là ngôn ngữ thông thường dùng trong phong cách khẩu ngữ tự nhiên. Một
vỏ vật chất của từ “vật chất” chứa hai tinh thần ngữ nghĩa khác xa nhau!
Để có tạm kết lạc quan hơn
cho phần này, xin mượn lời ba nhạc sĩ có uy tín đương thời. Nhạc sĩ Đức Trịnh, Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội, Phó Chủ tịch thường trực
Hội Nhạc sĩ Việt Nam, cho rằng: Âm nhạc giống như một dòng sông chảy qua nhiều
đoạn. Có những đoạn chảy êm đềm, cũng
có những đoạn chảy thành nhánh, khúc khuỷu, bâng quơ. Nhưng cuối cùng, những
nhánh đó vẫn sẽ nhập vào dòng chảy chính và mọi thứ lại trở nên tốt đẹp. “Từ xưa
đến nay, âm nhạc có những khi khủng hoảng nhưng không đến mức xuống dốc, hay
đáng lo ngại. Bởi sau cùng, giá trị chân thực mới tồn tại được”, ông chia
sẻ.
Cũng đồng ý với quan điểm của
nhạc sĩ Đức Trịnh, nhạc sĩ Hoàng Lân, Hiệu trưởng trường Cao đẳng Nghệ
thuật Hà Nội, cho rằng: Mọi thứ sẽ được sàng lọc bởi thời gian và
công chúng. Những gì là ngọc quý có giá trị sẽ trường tồn với thời gian. Còn
những gì phản cảm, vô giá trị sẽ nhanh chóng bị rơi vào quên lãng.
Nhận xét về âm nhạc thị trường hiện nay của Nguyễn Ánh 9 đã gây ra phản ứng trái chiều trong công luận: “Nhạc thị trường sẽ rớt dần
và tới một giai đoạn nào đó, nghệ thuật sẽ lên ngôi. Nhạc thị trường tự động
phát sinh rồi sẽ tự động chết bởi những gì không hay sẽ không tồn tại… Đời
tôi không thấy nhưng đời con, đời cháu của tôi sẽ thấy điều này”.
Đáng lạc quan cho nền âm nhạc Việt Nam là
ý kiến đồng thuận với Nguyễn Ánh 9 chiếm số đông công chúng, trong đó có ca sĩ nổi tiếng như Ánh
Tuyết, đặc biệt thái độ “trân trọng” của những người có trách nhiệm cao nhất
với âm nhạc Việt Nam hiện nay: PGS.TS-NS Đỗ Hồng Quân và NS Cát Vận, Chủ tịch
và Phó CT Hội Nhạc sĩ VN trước “nhận xét rất chân thành, bình tĩnh, có trách nhiệm và nhiều trăn trở
đối với đời sống âm nhạc” (Đỗ Hồng Quân) của tác
giả của “Buồn ơi, chào mi”.
Xin đừng lo: "Hãy cứ vui chơi cuộc đời/ đừng cuồng điên mơ trăm năm
sau..." (Trịnh Công Sơn - Hãy cứ vui như mọi ngày). Rồi các
thế hệ công chúng âm nhạc sẽ giữ lại cái tinh túy và thời gian sẽ cuốn trôi
những rác rưởi. Rõ ràng trước mắt đó: Bây giờ ta đã có "Những tình khúc bất tử", "Những tình khúc vượt thời gian”, "Những
tình ca xuyên thế kỷ", "Những ca khúc nổi tiếng một thời",
"Những bài hát truyền thống - cách mạng", "Những bài ca đi
cùng năm tháng", "Những bài ca bất hủ", "Những bài ca
không quên", v.v và v.v... rồi đó.
(Kỳ tới: NHẠC VIỆT HẢI NGOẠI SAU 1975).
Lê Thiên Minh Khoa
(Trích trong
cuốn sách “9 THẬP KỶ CA KHÚC TÂN NHẠC VIỆT NAM” -
nghiên
cứu & nhận định của Lê Thiên Minh Khoa - sắp xuất bản,
2018).
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét