Chị Năm, húp tô nước bún bò xì xụp, ngon không thể tả, chị
ăn vẫn không thấy đã miệng chút nào, định bụng gọi thêm tô nữa, ăn cho hết cơn
thèm, vì đây là món khoái khẩu của chị, nhưng nghĩ đến tiền, cảm thấy phí quá, để tiền mai còn đi chợ, nấu
ăn ở nhà lợi hơn rất nhiều, so đo, nhẩm tính, so thiệt hơn đủ thứ trên đời là
cái thói quen chi tiêu của chị, với lại ăn nhiều lại tăng cân, xấu xí, ai cũng
chê cười, mặc cảm ngoại hình lắm lắm, nghĩ đến những điều đó, thì cái sự thèm
thuồng, cái vị nồng nồng cay cay của ớt sa tế, mùi thơm của thịt bò, dĩa rau
xanh mướt mát, giòn tan trong miệng mới được xua đi, và tô kế tiếp phải dừng
lại.
Nhỏ con gái, ăn không hết phần của mình, nó nói- mẹ ăn giúp
con đi. Thế là, chị lùa chừng ba muỗng, vèo hết sạch cái tô bún, còn chừng lưng
nửa của con nhỏ. Bởi vậy, người ta nói không sai, nhìn cách ăn của người đàn bà
là biết họ mạnh mẽ như thế nào, chị nghe loang loáng đâu đó, có người đã nói
như vậy, chị không tin, nhưng giờ soi lại cách ăn của mình, đi đôi cái cách
mình tồn tại, với cuộc đời này, chị tự vưỡn mình lên rằng, mình đã cứng cáp như
thế nào, để tự hào, tự cổ vũ cho chính mình. Phải tự động viên bản thân thôi,
chứ ngồi đợi người khác tới dỗ dành, có khi chị đã trầm cảm nặng rồi. Cái số
phận, không nương nhờ được đàn ông, thì phải tự thân đứng lên thôi.
Chị tự thấy, chị thì quá dữ rồi, chẳng còn nhớ mình là đàn
bà, khi tự tay thay cả bóng đèn, sửa phích điện, chạy xe băng băng trên đường
giữa dòng xe container chật cứng, nhúc nhích từng khoảng trống trong thời khắc
kẹt xe. Khói-bụi-tiếng kèn inh ỏi-có lúc chị ngỡ như chiếc xe máy của chị như
đang bị hút vào những hung thần của xa lộ kia. Dép kẹp, áo phông- không khẩu
trang, chị vừa chạy vừa oang oang, dặn hai đứa nhỏ phải ôm mẹ cho chặt vào.
Cảnh tượng, có khác gì con gà mái mẹ đang ấp trứng, giữa vô vàn rình rập hiểm
nguy. Có lúc chị xù lông dữ tợn kiểu con nhím, có lẽ- màu sắc đời chị không có
bầu trời xanh trong, chỉ thấy đó là nắng gắt, là mây đen, mưa bão đi rồi lại
đến. Chị sợ nhiều thứ quá, ám ảnh nhiều điều, đau đáu từng giọt nước mắt của
con gái:
- Mẹ ơi, cho con tiền nha.
- Để làm gì?
- Để con bỏ ống heo- dành tiền chuộc ba con về.
Một cái lạnh từ sóng lưng lên tới mang tai, truyền qua từng
sợi dây thần kinh đang căng cứng trong cái đầu bị ức chế, kích thích, kiểu như
lúc người ta dùng cà phê quá mức cho phép. Như vừa chết lặng, khi nghe câu nói
vô tư - trong trẻo- xa xót của một đứa bé lên 5 tuổi. Chị xa xăm- vô định nhiều
tuần sau đó. Màu mắt buồn mênh mông, vô tận, nước mắt không còn rơi nữa, khi sự
cô đơn, lạc lõng giữa nơi đông người khiến chị lẻ loi, mặc cảm. Không được phép
buồn, càng phải xa lạ với việc khóc, cố kiếm nụ cười, niềm tin yêu vào cuộc
sống.Vậy mà- giờ đây bị chùng xuống, hình thái của một quả bóng đang xì hơi
giữa một cuộc chơi.
Câu nói"Cho con
tiền con bỏ ống heo chuộc ba về", chỉ cần nghĩ đến là lưng tròng vị
mặn chát môi, cay cay nơi khóe mắt.
Con gái chị, đã bắt đầu nhớ ba, người ba mà chỉ biết suốt
ngày nướng mình trong canh bạc, mong kiếm tiền bằng những trận cá độ bóng đá,
bỏ bê mẹ con nó, không một lời quan tâm, không chia sẻ việc nhà, không cùng đón
con, không chăm lo kinh tế gia đình. Người ba mà, bỏ mẹ nó ra đi, để lại là
những khoản nợ nần từ việc đỏ đen ấy, tai tiếng, những lời miệt thị người ta
dành hết cho mẹ nó.Vây mà, nó vẫn nhớ, nó cứ nhắc đi nhắc lại câu nói đó, mục
đích kiếm những đồng tiền lẻ cho con heo đất ăn, ấp ủ ngày nào đó, nó sẽ chuộc
ba nó về. Chắc chắn là, nó biết - (con gái chị) đã hiểu hết câu chuyện về gia
đình mình, ba nó vì sao không thể ở nhà được nữa, phải trốn đi, bởi có ai chứng
kiến rõ ràng như anh em nó đâu, người ta đến đòi nợ mỗi ngày. Cảnh mẹ nó một
mình phải đối diện với những đàn anh đàn chị, dân cờ bạc, cho vay nặng lãi, đến
hăm dọa, tìm cách bắt mẹ nó trả nợ. Mẹ nó chẳng sợ - oanh oanh từng lời, thách
đố, ai dám bắt cóc anh em nó thì có chuyện to. Thế là, ngày qua ngày, cái mạnh
oang oang, không liên quan thì không sợ, đã khiến bọn ưa làm phiền người không
liên quan ấy- rút lui. Anh em nó không còn canh cánh mỗi khi đi học, đi chơi có
người bắt đi, để buộc mẹ trả nợ cho ba.
Đó là, những gì trong suy nghĩ non nớt của một đứa con gái
cần tình thương của một người ba. Chị hiểu. Chị nhận ra trong tình cảm của một
đứa trẻ con, khi nhìn bạn bè có ba đưa đón đi học, đi chơi, được làm nũng với
ba, cái thiếu thốn ấy, dù có cố gắng bù đắp mấy chị cũng nhận ra sự bất lực của
mình. Chị đã dành hết thời gian có thể cho con, chị bỏ quên cả khao khát đàn
bà, đang độ tuổi thanh xuân nhất định, tâm niệm - lý tưởng nuôi dạy các con nên
người. Song - chị không thể nào là bờ vai- rắn chắc- cơ bắp cho con tựa, là mùi
đàn ông trong ngôi nhà, là một gia đình hoàn hảo được.
Cố gắng mấy thì, kiểu đàn bà nuôi con đơn thân vẫn chịu
những thiệt thòi, tủi hổ nhất định. Biện minh cho sự tự do, thoải mái, nhằm
vững tin mà bước, do cái số mình, ông trời ổng đày vậy, chứ ai mà muốn, trong
một con người, sống để tận hưởng những giây phút vui tươi của đời người, chị
phải gánh vác nặng cả hai vai. Phải mạnh để con có một người ba, và phải dịu
dàng nữa, để cac con còn nhận ra mẹ cũng là người phụ nữ.
Nuôi dạy những đứa con trong một gia đình đủ đầy hạnh phúc -
vật chất người ta đã thấy rằng quá khó khăn, trước những thử thách của xã hội
hiện đại. Huống chi, cái cảnh của chị, cái tình chẳng có, mà cái sự nghèo nó cứ
đeo bám mãi, chạy ăn, chạy học, chạy quần áo, và vô số thứ không tên khác, đã
khiến chị bần tiện, ki bo, ki kiết. Bạn bè dần dần xa lánh, họ hàng trở nên xa
xôi. Cái sự mặc cảm, tự ti nó khiến con người ta không muốn bước ra khỏi nhà,
khư khư đếm từng đồng tiền kiếm được, canh me nơi nào giảm giá thức ăn, quần
áo, để đến, cố chen chân mua cho bằng được, mang về cho con. Chị là loại đàn bà
như thế, bủn nhủn từng ngàn lẻ, xếp thật ngăn nắp cho vào ví, rồi lại dành ít
tiền chẳn thì gửi vô sổ tiết kiệm nho nhỏ. Đến nỗi, cô nhân viên ngân hàng mệt
mỏi với chị, mỗi lần gửi thêm vào một đến ba triệu thôi, vậy mà đều đều có
tháng nào cũng đến. Chị để dành làm gì, chị cũng chẳng biết, nhưng nhìn thấy số
dư ngày càng tăng lên, thì an an trong dạ.
Đôi khi, chị buồn cho số phận. Trách giận bản thân. Ai oán
cuộc đời. Đàn ông tốt trong xã hội có rất nhiều mà. Bằng chứng, nhiều lần treo
"status" oán đàn ông, nhiều đàn bà vô "comment" không bằng
lòng, chị chỉ biết cười thầm một mình. Cảm xúc cá nhân mà, ai biểu quan tâm chị
làm gì. Chị lại cười trễ môi trên. Đặt nhiều câu hỏi, tại sao và tại sao, cũng
là phụ nữ, nhiều người rất đang được tận hưởng niềm vui của một mái ấm gia
đình, đặc ân của những người đàn bà. Còn chị - bi thảm quá- “status” tiêu cực
về đàn ông, khái niệm tin tưởng vào một người đàn ông không còn trong tâm cảm
nữa. Chị buộc phải tự cười trong cơn khóc tái tê của nội tâm, buộc mình phải
kiên cường, giỏi giang, Thật sự là bi hài. Khi chính mình không dám thành thật
với cảm xúc của mình. Buồn giả bộ vui. Oán hận mà giả bộ tha thứ. Chị cũng là
con người mà, mà lại là người nữ, chị làm gì để hóa ra mình trở thành một người
đàn ông rồi, mà ngay cả chính chị cũng không nhận ra mình đã là hai trong một
trong một hình hài- một tâm hồn. Chị là đàn bà trong sức chịu đựng của cơ thể
của một người đàn ông, vì ai cày được như chị. Một ngày lao động của chị dài lê
thê, chị chẳng muốn kể ra chi cho nó dài dòng, nghe quê mùa, chán ngấy.
Ai có thể hiểu, ai cảm thông, điều ấy không còn quan trọng
nữa, không ý nghĩa, với cuộc đời chị nữa. Vì rằng, trái tim chị đã buộc phải
đóng lại, không thể đến được với người đàn ông nào nữa, không phải chị tự làm
khó mình, không cho mình cơ hội, mà là chỉ tại ông trời, ổng xui khiến làm sao,
nó thành ra như thế đó. Khi chị đau đẻ, trời ơi- nó đau dữ dội, quằn quại,
thiết thê tới chừng nào, nên giờ hễ con của chị cựa mình khi trái gió trở trời
thôi lòng chị canh cánh âu lo. Cái số nó vậy, cái thiên mệnh đàn bà nên làm gì
cũng nghĩ đến con, nên chị cứ thế mà làm tròn thiên chức. Dù đôi khi, khùng
lên, cơn bốc hỏa của đàn bà khi đến thời kỳ kinh nguyệt, bức bối trong công
việc, dồn lên cái sự bình yên của tụi nhỏ trong nhà chị.
Qua cơn đó, chị lại hối hận, lại làm lại từ đầu, nhỏ nhẹ,
kiên nhẫn, dạy bảo con học, đọc sách con nghe. Ấy- là cái sự rối trong con đàn
bà của chị, mâu thuẫn, khó hiểu. Chị chẳng biết mình đang đúng hay sai, mà cũng
chẳng có thuyết nào là đúng với hướng đi cho việc làm của chị đang mỗi ngày cố
sức thực hiện.
Chị cứ vậy, con gái càng lớn càng ngoan, là chị vui. Con
trai khôn khôn hơn một chút là chị an yên đi vào giấc ngủ. Không bận tâm về
việc bằng bạn bè, bằng chị em nữa.
"Con gái mười hai bến nước,
biết bến nào trong, biết sông nào đục…". Ngày chị đi lấy chồng, mẹ chị đã hát bài vọng cổ đó. Chị
vừa xúc động vừa giận mẹ. Ai biểu, hát bài đó ngày đám cưới làm chi, cho cuộc
đời của chị, từ ngày lấy chồng nó đen thui, hoang hoải như vầy. Lấy chồng là để
hạnh phúc, để cảm cho được cái đặc ân mà thượng đế trao tặng cho đàn bà. Chứ ai
dè. Ai dè như cái ngày dài của chị bắt đầu từ khi mặt trời mọc, tới gần giờ đi
ngủ mới xong. Giận ghê. Giận cuộc đời quá. Chị ôm cái gối ôm, xoay mặt vào
tường, ngủ, không quên chúc hai đứa nhỏ ngủ ngon. Vừa đắp cái chăn kín người,
thì nhỏ con gái thỏ thẻ lí nhí trong miệng, như đủ cho mình chị nghe:
- Con ngủ ngoan, mai mẹ cho con tiền con bỏ ống heo, chuộc
ba về nha. Nghen mẹ!
Chị hét lên:
- Ngủ đi. Nhiều
chuyện quá.
Trong căn phòng,
không còn lặng yên như mọi đêm nữa, từ giây phút đó, chị khóc, hay con gái
khóc, mà người nghe được những tiếng khóc thầm, khóc thút thít trong tiếng đêm ấy,
có câu chuyện về một đứa trẻ đòi chuộc ba về, nghe đắng cay, chát mặn nơi khóe
mắt. Họ khóc theo.
Hồ
Xuân Đà
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét