- Trang chủ
- |
- Giới thiệu
- |
- Quy ước
- |
- Tác giả
- |
- Thư ngỏ
- |
- Lá thư Bông Tràm
Tác phẩm kỷ niệm 10 năm hoạt động của Bông Tràm, có sự góp mặt của 50 tác giả với trên 100 tác phẩm. Sách dày 312 trang, khổ 13 x 19 cm, giá 100.000 đồng.
Về thăm lại Thất Sơn vào mùa lễ hội, tôi đã nghe biết bao huyền thoại nơi vùng đất thiêng phương Nam này. Trong những câu chuyện mà tôi được nghe qua lời kể của các vị lão làng ở đây, có lẽ chuyện Bạch hạc Thất Sơn là tôi nhớ nhiều hơn cả.
Dưới ánh trăng ngà, tôi cùng với anh Văn là khách uống rượu của những người dân Bảy Núi. “Trà tam rượu tứ” - bốn “ông tiên” đang ngồi nhâm nhi rượu đế với rắn hầm sả. Bác Tư Sơn, người già nhất, đầu búi tóc, râu ba chòm, mặc bộ bà ba đen vừa uống rượu vừa kể chuyện. Nhấp đúng nửa ly, đưa qua tôi, bác nói:
- Uống đi, rồi bác sẽ kể cho cháu nghe sự tích về con hạc trắng linh thiêng ở Bảy Núi.
Ngày xưa, khoảng độ năm 1870, khi Pháp chiếm Nam Kỳ, Châu Ðốc cũng bị Pháp đóng đồn. Nhân dân căm ghét Pháp, họ trốn vào đồng sâu hoặc trong rừng núi. Trong những người lánh giặc có ông đồ Bình - một nhà nho tài giỏi, yêu nước nhưng không gặp thời. Học trò của ông có nhiều người đỗ đạt. Trong những người học trò theo ông bấy giờ, có hai người xuất sắc, đó là Lý Thừa và Lâm Trực. Khi sắp qua đời, thầy có gọi Lý Thừa và Lâm Trực đến dặn dò:
- Lúc nước biến mới biết lòng dân. Lúc hữu sự mới biết lòng học trò. Ta thương các con đã theo ta trong cơn nguy biến. Ta sẽ không sống được bao lâu nữa. Các con còn trẻ, đường tương lai còn dài, ta chỉ khuyên các con một điều: Làm điều gì cũng phải nghĩ đến dân, đến nước phải nhớ rằng mình là người Đại Nam[1].
Trăn trối bấy nhiêu lời, rồi thầy nhắm mắt xuôi tay về với người xưa. Chôn cất thầy xong, hai anh em vẫn ở chung với nhau. Hàng ngày họ sống với những người dân lánh giặc.
Một hôm Lâm Trực nói với Lý Thừa rằng:
- Phải cùng nhân dân đánh Tây giành lại quê hương.
Lý Thừa can ngăn:
- Mình nghĩ chuyện đánh Tây chẳng khác nào lấy trứng chọi đá.
- Quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách[2]. Chúng ta không thể ngồi nhìn giặc giày xéo quê hương. Lâm Trực trả lời một cách thẳng thắn.
- Anh nói rất đúng nhưng tôi thấy rằng ở trong núi rừng mãi thế này tôi không thể nào chịu nổi. Hay là tôi với anh cùng trở về Châu Ðốc?
Nghe Lý Thừa nói xong, Lâm Trực bỗng nhớ lại lời dặn của thầy ngày trước: Lý Thừa học giỏi nhưng thiên lương của nó không lành vững. Nó không bền chí và thích hưởng thụ. Kẻ như thế dễ trở thành tay sai cho người khác. Con phải biết nó, hết lòng giúp đỡ nó để tình huynh đệ còn lâu bền. Nếu không, giữa thời buổi nhiễu nhương này sẽ có nhiều điều không hay cho con, cho nó.
Ðến hôm nay ngẫm nghĩ, Lâm Trực thấy lời thầy nói linh nghiệm quá! Anh nói trong lòng: “Lý Thừa muốn trở về với giặc”. Lý Thừa hỏi Lâm Trực:
- Bây giờ ý anh thế nào?
- Tôi sẽ ở lại Bảy Núi này với nhân dân.
Không đợi Lâm Trực hỏi, Lý Thừa tuyên bố ý định của mình:
- Hai chúng ta không cùng chung chí hướng, vậy thì đường ai nấy đi.
- Anh không nhớ lời thầy dặn dò trước khi mất hay sao?
- Anh cứ ở lại thực hiện đúng lời thầy dạy.
Nghe Lý Thừa nói như thế, Lâm Trực biết không thể nào ngăn được việc làm của bạn đồng môn.
Mấy hôm sau Lý Thừa mang hành lý lên đường về Châu Ðốc.
Lâm Trực đổi chỗ ở và cùng với nhân dân Thất Sơn chống Pháp. Lý Thừa trở về Châu Ðốc một thời gian rồi ra đầu quân đi lính Tây. Vì có chữ nghĩa, nên hắn lên chức nhanh như diều gặp gió. Lý Thừa biết đường đi nước bước của nhân dân Bảy Núi, hắn lại ra sức “chó săn”, nên nhân dân vùng này điêu đứng vì hắn. Những người nông dân áo vải chống Pháp lần lượt sa lưới của Lý Thừa. Trong đó có cả Lâm Trực cũng bị bắt giải về Châu Ðốc. Lính Tây và bọn tay sai làm mưa làm gió ở Bảy Núi.
Theo lệnh của quan Tây, Lý Thừa gặp và dụ Lâm Trực đầu hàng. Lý Thừa mở đầu:
- Lâm huynh, hôm nay tôi muốn nói với huynh một điều quan trọng. Nó quyết định vận mạng của huynh tồn tại hay không tồn tại. Sung sướng hay khổ nhục là do huynh mà thôi.
- Muốn ta đầu hàng chớ gì?
- Ðúng thế. Người Tây rất trọng kẻ sĩ nên mới nhờ tôi đến thuyết phục huynh. Về với họ ta sẽ góp bàn tay mình vào việc khai hóa cho dân.
- Ta với ngươi bây giờ không còn là huynh đệ nữa. Bắt được ta ngươi cứ giết ta. Còn chuyện bọn Phú Lang Sa[3] khai hóa hay nô lệ dân tộc này chắc ngươi đã biết, ta không phải nói.
- Nếu huynh cứ khăng khăng chống Tây thì chớ trách anh em.
- Nước mất, nhà tan, thân ta không còn gì phải tiếc, chỉ tiếc không đuổi hết bọn Tây Dương ra khỏi nước, diệt hết bọn tay sai sâu dân, hại nước. Lời ta nói như gươm tạc vào đá. Ngươi hãy về lo cho tương lai và danh vọng của mình đi.
- Tôi về. Huynh ở lại và hãy giữ cái đầu của mình.
Ba ngày sau, trong một buổi sáng đẹp trời người ta thấy Lâm Trực bị dẫn ra pháp trường. Ðội hành quyết súng máy gắn lưỡi lê sáng quắc, đằng đằng sát khí. Trước đó một ngày Lâm Trực được bọn coi tù hỏi rằng:
- Ngày mai ngươi phải ra pháp trường, ông Lý Thừa hỏi ngươi trước khi chết có yêu cầu gì thì cho hay để ông ấy giúp cho ngươi được ngậm cười nơi chín suối.
Lặng người hồi lâu, Lâm Trực nói:
- Hãy cho ta một bộ đồ trắng và hãy cho ta nhìn về đỉnh Thất Sơn.
Yêu cầu đó đã được đáp ứng. Trước lúc nổ súng người ta thấy một cảnh tượng xưa nay chưa từng có: Người tử tù bị trói chặt vào cọc, người mặc đồ trắng tinh mắt hướng thẳng về Bảy Núi. Khi súng nổ: đoàng, đoàng, đoàng, máu đẫm trên vải trắng. Lâm Trực đã thành người thiên cổ.
Kể đến đây, bác Tư dừng lại uống với anh Văn một ly. Khà một cái, ông nói tiếp:
- Theo lời của ông nội tôi, nơi Lâm Trực bị hành hình, đêm đêm có một ánh lửa sáng lên. Ngọn lửa của tấm lòng yêu nước đời đời bất diệt.
Trong những đêm trăng sáng như đêm nay, người ta nói rằng nơi Lâm Trực bị hành hình có một ngọn lửa bùng cháy. Từ những đốm lửa bùng cháy đỏ, một con hạc trắng cất cánh bay lên. Con hạc trắng bay mãi, bay mãi về hướng Thất Sơn.
Văn Kim Khanh
__________
[1] Quốc hiệu chính thức của Việt Nam từ năm 1839 đến năm 1945.
[2] Nghĩa: Nước nhà hưng thịnh hay suy vong, dân thường cũng phải có trách nhiệm – Danh ngôn Trung Hoa.
[3] Tên trước đây người Việt Nam dùng để gọi nước Pháp.
© Tác giả giữ bản quyền. Vui lòng ghi rõ nguồn Bông Tràm khi sử dụng lại nội dung này.
|
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét