Tác phẩm kỷ niệm 10 năm hoạt động của Bông Tràm, có sự góp mặt của 50 tác giả với trên 100 tác phẩm. Sách dày
312 trang, khổ 13x19 cm, giá 100.000 đ. Mời quý bạn đọc ủng hộ!
Bà kéo vội mảnh áo bà ba, móc đống tiền lẻ ra đếm lẩm bẩm một mình rồi xếp chúng lại cẩn thân nhét vô túi nhỏ trước bụng, lấy kim băng móc lại. Bên cạnh, thằng nhỏ đang bưng mấy cái thúng con chứa đầy những bánh xếp gọn gàng theo hàng trước mặt bà cụ rồi lễ phép cúi chào bà chạy như bay đến trường. Bà ngồi đó nhỏ thó lạnh lẽo nép mình bên phiên chợ sáng. Bóng dáng bà nhỏ bé đến độ không mấy ai đi qua neo lại, đã thế cây trứng cá to sụ mà bà đang nép mình vào lại tỏa bóng cả một khoảng đường như ôm chặt che lấy bà.
Bà bán bánh ở chợ ven này cũng mấy chục năm rồi. Bà làm bánh ngon và khéo tay, với đủ loại bánh truyền thống ngày xưa: từ bánh chưng, bánh dày dịp lễ Tết, đến các loại bánh ăn thường ngày như bánh tai vạc, bánh ít mặn, bánh bèo, bánh dạt… Đặc biệt, bà làm các loại bánh như bánh xu xuê, bánh cốm, bánh da lợn, hay bánh bò rất ngon, các loại kẹo bà tự tay làm như kẹo đường cát, kẹo tán, kẹo đậu phộng đặc biệt được lũ trẻ thích mỗi khi tan trường thể nào cũng ghé mua một hai thanh. Thế rồi chợ mới mọc lên, chủ chợ bắt đầu thu tiền các tiểu thương, chỗ tạp hóa nhỏ bà vẫn hay buôn bán cũng nằm trong khu quy hoạch rồi được bán lại cho thuê khiến bà không đủ tiền thuê nữa. Kinh tế dần sa sút, một mình bà nuôi hai đứa con lớn dần chỉ nhờ vào quang gánh bánh mà bà xin chủ chợ cho ngồi bán ở một góc chợ.
Thế rồi mấy năm trước hai đứa con trai mà bà yêu thương nuôi dưỡng qua đời trong một lần săn bắt cướp. Trong khi đứa con út qua đời khi chưa kịp lấy vợ sinh con thì anh con trưởng có một người vợ, nhưng khi anh mất được vài tháng, đã lấy hết tiền hỗ trợ, từ thiện người ta gửi cho gia đình “hiệp sĩ đường phố” rồi đi mất bỏ lại mình bà neo đơn trong căn nhà nhỏ tự nuôi lấy mình rồi nhang đèn cho hai đứa con trai. May thay nhà hàng xóm kế bên có thằng nhóc tên Nhân, vẫn hay qua giúp bà làm bánh rồi đèo bà ra chợ từ sớm, đến chiều lại chở túc tắc đi học về là chạy đến chở bà về.
Ngày hôm ấy cũng như mọi hôm, phiên chợ trưa vẫn rất buồn. Dường như thời gian ban trưa bỏ quên sự náo nhiệt, để rồi dù mới sớm hôm chợ trời tấp nập người qua lại thì nay đã vắng teo, chỉ còn vài người lai vãng vì đi làm về trễ chỉ kịp nhặt nhạnh vài con cá, dăm miếng rau còn sót lại. Lại cũng chẳng ai để ý đến bà cứ như bà đã bị bỏ quên lại bên cuộc đời. Bà ngước mắt nhìn khu chợ buồn, vài người đương dọn dẹp hàng quán, vài sạp chủ yếu là bán quần áo thì vẫn để đấy bán xuyên trưa, còn lại cũng chuẩn bị dọn dẹp ăn cơm cả rồi. Quang gánh của bà vẫn còn đầy bánh, dường như xã hội xô bồ hiện đại lãng quên mất mấy thứ bánh xum xê, bánh ít, bánh in, bánh thuẫn bà bỏ đầy hai quang gánh. Hoặc cũng có lẽ đủ thứ bánh kẹo xanh đỏ tím vàng đầy màu sắc ở những cửa hàng lớn hút mắt hơn là những thứ bánh chân quê đã theo bà đi cùng năm tháng. Nhân vừa đạp xe tới, liếc vội mớ bánh vẫn còn đầy không nói gì, vai vẫn mang khăn quàng đỏ, áo trắng học trò lấm tấm mồ hôi do chạy vội, nó chỉ kịp lấy cà mèn cơm trong giỏ xe đẩy lại phía bà rồi thấy ai đi ngang qua lại í ới:” Cô chú mua bánh xu xuê đi ạ, năm ngàn hai cái đại hạ giá đây ạ.” Ban trưa yên tĩnh được khuấy động bởi thằng nhỏ, vài người tạt qua mua ít ngàn bánh rồi lại đi, khi cảm thấy giấc trưa đã yên nó mới ngồi cạnh bà, ăn mớ cơm còn lại trong chiếc cà mèn bà ăn còn, chẳng nói gì.
Nhân là một đứa trẻ mồ côi được bà nội nuôi nấng. Vài tháng trước bà nội nó cũng qua đời trong một cơn bạo bệnh, nó sống vò võ một mình từ bấy, việc gì cũng tự lập. Nó tháo vát nhưng lại ít nói, cứ lầm lầm lì lì, cả khi nó giúp bà nó cũng chỉ tự giác dành việc, thế mà nó lại là điểm sáng duy nhất trong cuộc sống cô đơn của bà lúc bấy. Một già một trẻ cứ nương tựa vào nhau mà sống, Nhân ít khi cười mà cười cũng chỉ cười khi ở cạnh bà hoặc khi bà bày nó làm bánh. Mỗi khi bánh ế mang về nó cũng cười bảo: "Thay bữa chiều bà ơi, nay con quên nấu cơm". Rồi còn đùa ăn hết cả một quang gánh bánh của bà cũng được. Cứ tưởng hai người tựa nương nhau mà sống thì bà lại bị tai biến mà qua đời, trước khi mất bà để lại căn nhà nhỏ cho Nhân một phần vì bà không con cháu gì, một phần bà lại xem Nhân như cháu ruột nhưng trước sự làm chứng của chính quyền Nhân lại quyết không lấy mà giao lại cho chính quyền để hỗ trợ cho những người lang thang cơ nhỡ hoặc làm từ thiện. Nhiều người bảo Nhân ngốc, dăm kẻ họ hàng lại dụ Nhân cứ lấy rồi sang tên, những người trước xem Nhân như người dung nay bỗng dung nhận họ hàng vô số nhưng Nhân vẫn quyết tâm:
- Xem cháu ngốc cũng được vì dù gì cháu cũng chỉ là một đứa trẻ. Bà thương cháu nên bà cho cháu căn nhà nhưng cháu thương bà vì cháu xem bà như bà của cháu chứ không phải vụ lợi gì. Còn nhà để ở, cháu cũng vẫn sống trong nhà bà nội để lại, với cháu vậy là đủ rồi. Cháu tin bà sẽ hiểu cho cháu.
Người ta vẫn bàn tán về suy nghĩ của một đứa trẻ, vài kẻ tiếc nuối, đôi kẻ hậm hực, lại có những người cảm thấy đứa trẻ này còn trưởng thành hơn cả người lớn. Còn Nhân, không biết nó nghĩ gì chỉ biết nó rất buồn khi bà ra đi nhưng cũng rất vui khi trong thâm tâm nhận ra mình vừa làm được một điều gì đó rất chân thành.
Lê Hứa Huyền Trân
© Tác giả giữ bản quyền. Vui lòng ghi rõ nguồn Bông Tràm sử dụng lại nội dung này.
|
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét