- Trang chủ
- |
- Giới thiệu
- |
- Quy ước
- |
- Tác giả
- |
- Thư ngỏ
- |
- Lá thư Bông Tràm
Tác phẩm kỷ niệm 10 năm hoạt động của Bông Tràm, có sự góp mặt của 50 tác giả với trên 100 tác phẩm. Sách dày 312 trang, khổ 13 x 19 cm, giá 100.000 đồng.
Thư, ba tháng nay cứ quanh quẩn trong căn nhà thuê chưa đầy 50 mét vuông và gần 40 mét vuông để thợ làm xưởng dụng cụ thể hình. Ở thành phố mà thuê được căn nhà thế này là quý lắm. Đất chật, người đông, chủ yếu thuê có chỗ làm chỗ nghỉ ngơi sau giờ phút lao động mệt nhọc là tốt rồi.
Sinh năm 2000, cái tuổi mới vừa
trưởng thành Thư đã yêu một chàng trai lớn hơn chục tuổi quê ở một huyện giáp
ranh với huyện của mình. Cũng là nông thôn nhưng anh ấy thuê nhà mở xưởng sản
xuất dụng cụ cho người dân có nhu cầu tập thể thao. Thi thoảng mới về quê một
lần. Thư và anh ấy quen nhau trên facebook. Mỗi lần về quê, anh ghé thăm Thư.
Ban đầu chưa hiểu nhau, cũng chưa thân thiết và có lẽ duyên nợ kiếp trước nên
sau hơn năm trời hai người mới lấy nhau. Rồi Thư theo chồng vào thành phố lập
nghiệp. Vẫn ngôi nhà anh ấy thuê ở một huyện thuộc thành phố. Với bốn người
toàn là anh em trong họ hàng. Ngày ngày chồng Thư và hai đứa em trai cặm cụi
cắt sắt, hàn, sơn rồi lắp ráp thành những dụng cụ thể thao mà người ta đặt hàng
hoặc làm những dụng cụ tập gym để sẵn bán. Ban đầu Thư vào cũng giúp cho chồng
ít việc như nấu cơm giặt đồ, dọn nhà… Một thời gian Thư có bầu nên mệt mỏi
không giúp gì được cho anh ấy, chỉ nằm. Lúc khỏe thì giúp việc nhà lúc mệt thì
anh ấy tự làm. Thấy chồng cực khổ mải lo kiếm tiền, Thư cũng buồn nhưng sau
quen dần. Thì anh ấy lo làm cũng tốt để kiếm tiền sau này còn lo cho con cái
nữa. Thời gian hơn ba tháng trôi nhanh lúc này Thư ốm dần do không ăn được và
không có người chăm sóc lúc nghén nên Thư quyết định về nhà nhờ mẹ. Mẹ Thư còn
trẻ nhưng chịu thương chịu khó một mình nuôi hai chị em Thư, còn cha thì theo
người khác, đánh đập mẹ tàn nhẫn và ly hôn với mẹ, không quan tâm đến con cái
cũng chẳng hề chu cấp tiền nuôi con. Ở với mẹ đúng một tháng, sức khỏe Thư dần
dần ổn định. Nhớ chồng Thư lại vào thành phố cho vui buồn sướng khổ có nhau.
Nhưng lần đi này Thư lại gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống mà trước giờ chưa
từng chịu đựng…
Đó là bắt đầu từ sự kiện hai ngày
lễ lớn trong năm 30/4 và 1/5. Trong lúc tình hình dịch covid-19 đang căng thẳng,
nhưng khách du lịch thập phương về thành phố tham quan cũng khá đông. Nhất là
cái Hội thánh truyền giáo gì đó bị dương tính covid-19 phát tán ra cộng đồng.
Từ đó đến nay hơn ba tháng trời Thư cứ ru rú trong nhà không dám đi đâu cũng
không dám ra ngoài. Ước mơ đêm đêm cùng chồng dạo khắp thành phố giờ không được
nữa rồi. Buồn quá! Chán cảnh như giam trong nhà! Nhưng biết làm sao đây khi mà
cả nước bùng phát dịch bệnh càng ngày càng nhiều. Lúc đầu, Thư còn theo dõi số
người mắc bệnh từ 3 ca bệnh sau đó tăng dần lên đến con số hàng trăm rồi đến
hàng nghìn ca trong một ngày. Có ngày thành phố thống kê nhiễm hơn 4 nghìn ca,
như ngày 30/7/2021 là 4282 ca. Đỉnh cao như ngày 27/7 là 6.318 ca Trước tình hình căng thẳng như vậy hệ thống y
tế thành phố quá tải. Thư căng thẳng quá. Không biết rồi sẽ ra sao. Ở quê, gia
đình đang mong ngóng con trở về nhưng mình làm sao về được. Nhìn các anh chị
cùng với hàng nghìn người đi xe máy về quê, nhiều người không có xe phải đi bộ
hàng nghìn cây số để về quê, mà Thư thêm bồn chồn lo lắng. Xe máy thì không đi
được rồi vì thai gần tám tháng. Đi máy bay hoặc tàu lửa thì sợ lây nhiễm. Thư trong
giai đoạn kiêng thuốc, kiêng xông hơi… Nên chỉ nằm trong nhà mong cầu dịch bệnh
được khống chế. Nhưng tình hình này căng quá! Hàng nghìn rồi đến vài chục nghìn
người lần lượt rời thành phố về quê. Theo dõi trên mạng mà Thư nghẹn ngào.
Người dân thật là khổ. Nhiều gia đình chở nhau trên chiếc xe máy có con nhỏ. Có
người ẵm theo con mới sinh gần mười ngày. Có người đi xe độ, có người bị tai
nạn giao thông trên đường về… Và cũng có nhiều nhà hảo tâm đón người dân Sài
Gòn về trên đường quốc lộ để hỗ trợ, tiếp sức. Họ cho bánh mì, nước uống, xăng
xe, có người còn nhận thêm 500 nghìn nữa. Lại được xe công an của mỗi tỉnh đón
và dẫn đoàn vượt qua địa phận tỉnh mình. Thế mới biết người dân nước mình đùm
bọc yêu thương nhau vô cùng. Như cha ông từng khuyên: “Nhiễu điều phủ lấy giá gương/ Người trong một nước thì thương nhau cùng”.
Cảm động trước những tấm lòng nhân ái, trước sự quan tâm của chính quyền địa
phương các nơi, và cũng thật xót xa cho những cảnh người di chuyển trên đường
về quê! Chỉ thị 16 ở thành phố thực hiên cũng đã giảm nhiều ca mắc mới nhưng
vẫn chưa khống chế. Lại tiếp tục gia tăng thời gian giãn cách xã hội chặt chẽ
hơn. Nhiều người không chống chọi với căn bệnh này được cũng rời bỏ gia đình mà
đi trong cô độc không người đưa tiễn. Thật khủng khiếp! Mỗi lần nghĩ tới Thư
rùng mình, lòng buồn tê tái. Ngẫm mà thương kiếp con người. Tại sao còn có
những con người vì lòng tham gieo nên tội ác. Nghe nói con vi rút này bắt đầu
từ Vũ Hán?! Vậy ai tạo ra nó? Họ tạo ra để làm gì? Trời ơi, nghĩ nát óc mà buồn,
mà thương cho dân nghèo cực khổ phải chạy trốn dịch trong hoàn cảnh bất đắc dĩ.
Bao nhiêu triệu người thất nghiệp. Hàng trăm nghìn người nhiễm bệnh, hàng trăm
nghìn người cách ly… Cứ nghĩ là Thư đau cả đầu. Chồng an ủi động viên có dịp là
sẽ đưa Thư về nhưng thành phố gia hạn chỉ thị 16 thêm, nên không thể đi được. Dù
vậy nhưng ý định về nhà cứ thôi thúc Thư. Chồng thì thuê nhà làm nhiều năm ở
thành phố vẫn không mua nổi một mảnh đất để “an cư lạc nghiệp” Thư khuyên chồng
về quê để “làm lại cuộc đời”, mình còn trẻ còn có cơ hội. Tuy về quê không kiếm
nhiều tiền hơn ở thành phố nhưng trước tình hình dịch bệnh đang căng thẳng lúc
này, thất nghiệp, tiền thuê nhà không có trả, nhiều thứ chi phí nhất là lúc
sinh con ở bệnh viện lại quá tải bệnh nhân covid 19 thì lại càng khổ hơn. Chồng
Thư hiểu điều đó nhưng chỉ thị 16 còn thì không về được. Thư đã đăng ký với Hội
đồng hương huyện nhà để được tỉnh nhà hỗ trợ đón về quê. Là người con đất Bình
Định, Thư cũng tự hào về mảnh đất nơi chôn nhau cắt rốn của mình, mảnh đất có
nhiều danh nhân văn hóa như Đào Tấn, Xuân Diệu, rất nhiều anh hùng như Quang
Trung-Nguyễn Huệ, Nguyễn Trung Trực, Ngô Mây, và nhiều anh hùng khác; nhiều
danh thắng như Hầm Hô, Bảo tàng Tây Sơn, Ghềnh Ráng –Tiên Sa, Đàn tế trời,
Thành cổ Hoàng Đế, Eo gió, Kỳ Co… Nhất là lần này, tỉnh nhà có kế hoạch đón
những người con của đất Bình Định sống, làm việc và học tập ở thành phố có hoàn
cảnh khó khăn về tránh dịch, vừa giảm tải cho thành phố vừa dang rộng đôi tay
như của người mẹ đón con về tổ ấm của gia đình. Cả nghìn người được đón về quê.
Ngày 23/7, 26/7 rồi 30/7… Thư vẫn chưa tới lượt. Thư lo lắng! Ở lại mà không ra
đường mua thức ăn được thì ốm gầy không đủ dinh dưỡng cho thai nhi. Về thì lại
sợ trong quá trình đi máy bay đông người dễ bị lây nhiễm. Nhưng ý định về quê,
về nhà mình - nơi mình sinh ra, lớn lên, nơi gắn bó nhiều kỷ niệm tuổi thơ… cứ
thôi thúc Thư. Thư chợt nhớ hai câu ca dao: “Ta về ta tắm ao ta/ dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn” rồi những câu
ca dao mẹ ru Thư thuở nằm nôi văng vẳng bên tai: quê hương mỗi người chỉ một/ như là chỉ một mẹ thôi…(Đỗ Trung
Quân), Thư mở bài hát “Bình Định quê hương tôi” do ca sĩ Thu Hiền thể hiện nghe
cho đỡ nhớ nhà. Chợt điện thoại đổ chuông…
- Alo, đây có phải là điện thoại
của cô Thư không?
- Dạ, Thư đây. Có gì không Bác?
- Tôi là chủ tịch Hội đồng hương đây. Cô chuẩn
bị đồ đạc chiều ngày 4/8 lên máy bay về quê theo kế hoạch của tỉnh mình nhé!
- Dạ vậy trường hợp của cháu đang
mang thai có được về cách ly tại nhà không, hay cách ly tập trung.
- Có thể cách ly tại nhà được đó
em, nhưng khi về tới nơi còn tùy vào sự bố trí của địa phương và tùy tình hình
kiểm tra sức khỏe nữa nhé!
- Dạ!
- Chúc em về quê an vui nghen!
Điện thoại đầu bên kia tắt. Thư
thấy lòng mình rộn hẳn lên. Một niềm vui khôn tả. Nao nao trong người. Chồng
Thư cười:
- Thấy em vui anh cũng vui theo! Thôi
chuẩn bị thu xếp đi, còn có hai ngày đó. Anh thì ở lại chờ về sau. Cố gắng giải
quyết xong công việc ở đây anh sẽ về với em.
Đêm nay không có ánh trăng nhưng
nhìn lên bầu trời lấp lánh ngàn sao Thư thấy lòng mình lâng lâng đến lạ. Thư
lấy điện thoại gọi mẹ, nói tình hình cho mẹ nghe. Nhìn mẹ qua zalo thấy mẹ khóc
Thư xúc động an ủi:
- Thôi mẹ, vài bữa nữa con về mẹ
đừng lo chi, con lớn rồi mà.
- Ừ, con nhớ cẩn thận đó, nhất là
lên máy bay tiếp xúc với nhiều người phải thận trọng nghe con.
Mẹ dặn Thư đủ hết, nhiều lắm Thư
không nhớ nổi nhưng Thư thấy mẹ lo cho mình quá nhiều. Mẹ già hơn so với lúc
mình chưa lấy chồng. Mẹ cực khổ nuôi chị em mình nên không nghĩ đến việc phải
đi bước nữa. Thư hiểu điều đó, Thư muốn mẹ vui! Nghĩ đến mẹ, Thư giận người cha
vô tâm không hề thăm hỏi mình một lời… Càng nghĩ càng thương mẹ nhiều hơn. Thư
chợt nhớ hai câu thơ rất hay của nhà thơ Chế Lan Viên viết: “Con dù lớn vẫn là con của mẹ/ Đi suốt đời
lòng mẹ vẫn theo con…”. Thế mới hiểu người mẹ nào cũng thương con cái. Bây
giờ sắp làm mẹ Thư mới dần dần ngộ ra điều này. Nằm nghe nhạc, Thư lại nhớ nhà,
nhớ tiếp về quê hương. Thư nhớ những ngày cùng mẹ và em đi ăn mì cay, nhớ những
ngày đi may cùng mẹ. Nhớ ngoại, nước mắt lăn dài trên khuôn mặt hao gầy. Thư
nghe môi mình mặn chát! Giấc ngủ chìm vào quên lãng…
- Dậy em ơi! Chuẩn bị xếp đồ ra sân
bay!
Nghe chồng gọi, Thư mở mắt. Đã 5
giờ sáng. Hôm nay ngày 4/8 rồi mình sắp được về nhà rồi! Thư bật dậy. Đồ đạc
đêm qua đã xếp sẵn, giờ chuẩn bị vệ sinh cá nhân rồi ăn sáng mới ra sân bay. 6
giờ có mặt làm thủ tục xét nghiệm covid-19. 13 giờ lên máy bay. Khoảng 14 giờ
15 tới sân bay Phù Cát. Xe tới đón Thư ra sân bay. Sau khi làm xong thủ tục để
đủ điều kiện lên máy bay về quê, Thư ngồi cách những người kia ba mét. Đoàn về
kỳ này 194 người, không biết có ai dương tính không? Mong sao đừng có ai. Ba
tiếng, bốn tiếng trôi qua 10 giờ rồi. Sao mà lâu quá vậy. Hồi nhỏ giờ chưa có
lần nào Thư trông thời gian lâu đến như vậy. Nóng khiếp. Bộ đồ bảo hộ mặc trong
người cộng với sức nóng thời tiết làm Thư đuối sức. Thư thấy thương các y, bác
sĩ trong các bệnh viện và cả những người tham gia chống dịch. Họ làm việc cả
ngày này sang ngày khác với bộ đồ bảo hộ sao mà chịu nổi. Nghe nói có nhiều bác
sĩ đã mắc bệnh vì bộ đồ bảo hộ không chịu nổi cái nóng bức, mồ hôi túa ra như
tắm, ướt cả y phục trong người. Nếu mình là bác sĩ chắc cũng không chịu nổi như
họ. Thật đáng kính phục!
Điện thoại reo từ đầu giây bên kia,
tiếng mẹ vang lên:
- Sao rồi con, lên máy bay chưa
con?
- Dạ chưa mẹ, khoảng 13 giờ mới
lên. Con ngáp ngáp rồi nè!
- Cố gắng lên con gái ngoan của mẹ.
Về mẹ kho cá lóc cho mà ăn, những món con thích mẹ đã mua cả rồi! Đây nè con
nhìn đi!
Mẹ chiếu điện thoại vào nồi cá kho,
nồi canh cá lóc, sầu riêng… Trời ơi sao mà thèm quá! Bụng sôi lên. Thư thấy đói
rồi nhưng vẫn chưa ăn, có lẽ lên máy bay về mới ăn sau. Khuôn mặt của mẹ sạm đi vì lo lắng, mắt mẹ
thâm quầng có lẽ mất ngủ. Nhưng khuôn mặt mẹ vẫn ánh lên nét đẹp mà Thư yêu quý
tôn thờ. Thư phấn chấn nghĩ đến sắp về nhà mà khỏe lên. Có lẽ vài tiếng nữa
thôi xuống sân bay mình sẽ đón ta-xi về trạm y tế khai báo, xong họ cho về nhà
cách ly. Mình sẽ thưởng thức những món khoái khẩu mà lâu nay ở thành phố không
có…
13 giờ 5 phút 194 công dân Bình
Định lần này được địa phương đón về lên máy bay. Thư để điện thoại chế độ máy
bay. Sau 15 phút khởi động, máy bay cất cánh. Thư hơi ngửa người về phía sau.
Có chút nhức đầu. Thư nhìn qua cửa kính máy bay thấy cảnh vật phía dưới đất nhỏ
dần, rồi những đám mây bay dưới thân máy bay. Những ngôi nhà nhỏ, những dòng
sông, suối ngoằn ngèo vẽ trên mặt đất như một bức tranh sống động. Và rồi Thư
không nhìn thấy gì dưới đất. Có lẽ máy bay đã ở độ cao trên mấy nghìn mét. 30
phút trôi qua mà Thư cứ ngỡ sao mà lâu quá. Máy bay hạ thấp, chúi xuống, nghe
dây thắt an toàn căng lên. Thư nhìn thấy sân bay. Máy bay đang tiếp đất, rồi
dừng lại. Hai chiếc xe trờ tới rước hành khách. Cả đoàn ra sân bay chờ kiểm tra
và xe đón đưa đi cách ly. Nghe nói lần này cách ly tại trường quân sự Phù Cát.
Thư hỏi xem mấy người có bầu có được về nhà cách ly không. Không ai biết được.
Chỉ được biết chờ xe đón về khu tập trung. Xe đến. Thư bước lên xe về khu cách
ly mà lòng lo lắng. Không biết trường hợp mình có về nhà được không?
16 giờ xe đến khu cách ly. Mọi
người được kiểm tra dịch tể lại lần nữa. Sau đó phụ trách phân phòng cho công
dân được đón về. Thư ở cùng phòng với hai vợ chồng chú kia và đứa con 10 tuổi.
Phòng có 4 giường. Ngồi một lát thì điện thoại đổ chuông:
- Sao tới rồi hả con. Về tới đâu?
Mẹ báo với Trạm y tế rồi, con về là họ kiểm tra, xong cho người đưa về nhà!
- Không mẹ ơi! Con được cách ly tập
trung rồi. Họ không thấy nói cho về gì cả mẹ!
Qua màn hình zalo Thư thấy hai hàng
nước mắt mẹ chảy dài trên gò má. Thư chưa bao giờ thấy mẹ khóc. Mẹ cứng cỏi
lắm! Ngày bà ngoại mất mẹ cũng không khóc. Lo xong hậu sự, đêm đêm mẹ ngủ với
ngoại 49 ngày. Có lần Thư bắt gặp mẹ nức nở. Thư giục mẹ ngủ nhưng mẹ vẫn nấc
lên. Mẹ nói: ngoại con về với mẹ tối giờ,
lúc thức dậy thì ngoại đi rồi. Thư
không biết làm sao chỉ ôm lấy mẹ và khóc theo…
Lần này mẹ khóc làm Thư ứa nước mắt.
Nhưng để động viên mẹ, Thư nói:
- Thôi không sao đâu mẹ, để mai con
hỏi thăm rồi xin họ về, không được thì 7 ngày sau con sẽ về nhà thôi. Sau đó 21
ngày mẹ con mình sẽ ôm lấy nhau khóc một bữa no nê mẹ nhé!
- Hi, Cái con này!
Mẹ cười, nụ cười thật ấm áp làm
sao!
Thư tắt máy. Thư sợ mình không cầm
lòng khóc theo mẹ người ta thấy cười cho.
Khu cách ly là một trường quân sự
của tỉnh nên cơ sở vật chất khá khang trang. Dãy nhà hai tầng. Có giường có chiếu
và mùng màn đầy đủ. Có điều Thư lo nhất là mỗi phòng có bốn người. Giá như mỗi
phòng một người thì hay hơn vì cách ly càng ít thì độ an toàn càng tốt hơn. Nhưng
số phòng thì ít, mà người thì đông nên phải đành phân công như vậy. Thư biết
cho dù có ưu tiên cho những người có bầu về nhà cách ly cũng phải tuân thủ mức
độ an toàn phòng chống dịch. Thư tin tưởng vào cách làm việc của địa phương
trong việc quản lý công dân. Tắm xong, Thư về phòng ăn cơm. Thư nhận được hộp
cơm và ăn rất ngon. Cơm có thịt gà, có cá, canh cải và còn có chôm chôm tráng
miệng. Như vậy là quá tốt rồi. Được nhà nước đón về cho ăn ở không tốn tiền thế
này quả thật còn gì bằng. Những ngày ở thành phố chỉ mì tôm liên tục, chứ biết
gì ăn, không dám đi mua ở đâu cả. Giờ được ăn cơm thấy thật ngon. Ăn xong Thư
vận động 30 phút cho thư giãn, đỡ mỏi sau đó nằm nghỉ lưng. Đã hơn 18 giờ 30
phút. Điện thoại lại reo. Mẹ lại gọi. Mẹ kể về giấc mơ lúc chiều tối mẹ thiếp
đi thấy nằm bên con nói thôi con hãy ngủ
đi mai thức dậy sẽ thấy ngủ ở nhà mình. Sau đó mẹ nói con ngủ đi chứ mệt.
Rồi mẹ tắt máy.
Thư trằn trọc không ngủ được. Chỉ
còn khoảng 20 cây số là tới nhà mình. Đi xe máy khoảng 30 phút. Thôi hôm nay cứ
cách ly theo quy định. Xác định bảy ngày về nên Thư cũng đỡ bớt suy tư. Đang
nằm thì có người mặc đồ bảo hộ lên phòng hỏi ai là Thư. Thư giơ tay. Người đó
đưa cho Thư tờ giấy bảo điền thông tin, kê khai đang có bầu và nói là để sắp
xếp cho về nhà cách ly. Thư nói: Cháu cứ nghĩ xuống sân bay là được về như
nhưng giờ cách ly buồn quá! Mơ ước về nhà liền là không được rồi. Người kia cầm
tờ giấy Thư khai xong nói: em yên tâm sắp
được về rồi đó, ngủ ngon nghen!
Thư mừng quá cầm máy gọi về mẹ như
để sẻ chia niềm vui mới nhận được. Trò chuyện với mẹ một lát thì chồng Thư gọi.
Thư chào mẹ và nghe điện thoại của chồng…
Ngày thứ hai trên chiếc giường ở
khu cách ly, Thư chợt thức. Đêm qua thức quá khuya nên 5 giờ sáng mới dậy. Thư
vệ sinh cá nhân rồi vận động nhẹ tay chân cho khí huyết lưu thông. Buổi sáng,
bữa ăn cho công dân trong khu cách ly là món cháo thịt bằm nhuyễn. Buổi trưa là
cơm hộp khá tươm tất có cả thị cá, rau và canh rất ngon. Thư bắt đầu đỡ mệt và
ăn ngon miệng. Nghĩ lại Thư thấy mình còn may mắn hơn nhiều người…
Mặt trời đã ngả về chiều. Thư nhìn
về Khu Đông, nơi quê nhà có mẹ và em trông mong từng ngày. Nghĩ đến cảnh tung
tăng trên cánh đồng quê hương vừa gặt sau những ngày cách ly, nghĩ đến gặp lại
mẹ, gặp lại em gái và những người thân yêu của mình, nhất là được nằm ngủ trong
ngôi nhà nhỏ gắn bó 20 năm với mình Thư thấy lòng phấn chấn hẳn lên. Xa xa
những cánh chim bay về tổ ấm để chuẩn bị sum vầy với các con và nghỉ ngơi sau
một ngày mưu sinh vất vả…
Tuy Phước, 6 tháng 8 năm 2021
Lê Bá Duy
© Tác giả giữ bản quyền. Vui lòng ghi rõ nguồn Bông Tràm khi sử dụng lại nội dung này.
|
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét