- Chiều nay bà bị trượt chân té. Tôi thấy cháu
nội hớt hải chạy vội đến đỡ lên, lo lắng, tôi thương quá bà ạ! Từ khi mình bị
liệt nửa người do tai biến đã 5 năm lần té này đã là lần thứ ba rồi đó nghe.
Mình phải cẩn thận chứ!
- Không sao là may ông à! Chuyện đã qua ông bận
tâm làm gì cho mệt! Bà Sáu nhìn ông Sáu cười...
Sau câu nói của bà Sáu, ông Sáu trầm ngâm. Ông
đang nghĩ về những ngày đã qua...
Lần đầu bà té sau chín tháng bệnh. Lần đó, ông
Sáu để bà tập đi đã tương đối vững và bà bỏ gậy để tự đi một mình. Trước hè
gạch men ướt, trời mới mưa xong, bà bị trượt chân té, may mà té dựa vào vách
tường làm bà nứt xương đòn gánh tay trái liệt, phải mất ba tháng mới lành, đau
nhức đã đành những cứ mỗi lần tắm ông phải khó khăn lắm mới cởi áo ra được và
mặc áo vào cho bà lại càng khó khăn hơn. Lúc ấy, vợ chồng thằng Năm còn ở chung
nên ông đỡ vất vả vì còn có con dâu thay nhau chăm sóc cho bà. Lần thức hai, bà
té ở cầu tiêu cách lần té đầu hai năm do bà ỉ lại vào cái móc sắt. Cẩn thận ông
Sáu dùng sắt 8 chôn vào tường để bà Sáu mỗi lần ngồi xuống đứng lên vịn dậy.
Trong khi bà Sáu ngồi chân trái đau còn giãn chưa có thế trụ chân thì đã kéo
đứng dậy làm cái móc bị giãn ra thế là té nhào. May mà lực té không cao lắm.
Khi nghe kêu, ông Sáu chạy ra thì bà đã nằm dưới sàn cầu. Đầu gối lên bàn cầu.
Ông sợ hãi vội đỡ bà dậy thay áo quần rồi dìu bà vào nhà xem xét có bị sao
không. Lúc ấy các con đều ở riêng cả. Chỉ còn hai ông bà nên nhất cử nhất động
của bà ông luôn để mắt theo dõi. Đôi khi ông cũng lơ là... Sau lần té thứ hai
đó, ông Sáu luôn để tâm chú ý mỗi khi bà đi tiểu hoặc đi loanh quanh đâu đó
trong nhà, nhất là mỗi khi trời mưa gió... Ông đem đồ tiểu vào phòng cho bà và
đi đổ sau khi bà đi xong, ông làm thế vì không muốn bà đi lại sợ vấp ngã thì
khổ. Khổ vì tuổi đã cao mà không khéo sinh bệnh tật thì các con sẽ khổ...
Đang miên man suy nghĩ bà Sáu gọi to:
- Ông nó lấy giùm tôi chai dầu nóng bóp tay tôi
một chút! Ông nghĩ gì mà tôi nói ba lần rồi mà ông không nghe vậy?
- Ừ, tôi lấy ngay! Gớm bà khó chịu thế.
Tôi đang nghĩ cho bà mà!
Bà Sáu cười:
- Xin lỗi ông, tôi làm ông cực quá phải
không?
- Cái bà này... Vợ chồng mà bà còn khách sáo!
Bà nằm yên để tôi xoa chỗ đau cho.
Bà Sáu im lặng, nước mắt chảy dài trên gò má.
Những giọt nước mắt vừa xa xót vừa hạnh phúc! Bà nhìn ra ngoài trời. Mặt trời
sắp chìm vào dãy núi xa xôi phía Tây như quả trứng đỏ của thiên nhiên sắp chìm
vào lòng đất mẹ. Lòng bà lại rung lên những cảm giác khó tả...
Ông Sáu lúc ấy thầm ao ước có các con trong
nhà để cùng chia sẻ với ông. Ông định gọi điện thoại cho các con nhưng ông lại
thôi. Tụi nó bận công tác mà...
Ông Sáu có năm người con. Ba trai hai gái. Đứa
nào cũng có nhà riêng ở nơi gần cơ quan mà chúng công tác. Đứa con gái đầu lòng
năm nay ngoài bốn mươi tuổi, đã lập gia đình ở riêng. Hai vợ chồng đều là kỹ sư
nông nghiệp, con thì còn nhỏ, gọi chúng về thì khổ chúng quá. Thằng Ba cũng đã
lập gia đình ở riêng hơn mười bảy năm rồi. Vợ chồng nó là công nhân viên chức
quần quật suốt ngày với công việc nhà nước. Vả lại hai đứa con chúng đi học xa,
cả tuần mới về một lần. Gọi lúc này chúng sẽ bỏ cơ quan và suy nghĩ nhiều ảnh
hưởng công tác. Vợ chồng con Bốn ở riêng khá xa gọi về cũng phải mất cả buổi
mới đến. Cả ngày phải buôn bán nữa. Chúng chạy ăn từng bữa nuôi con, nghỉ một
bữa lấy chi mà ăn. Còn vợ chồng thằng Năm cũng là công viên chức nhà nước, đi
dạy suốt ngày, lại còn phải gửi con nhỏ, phải đưa đón cháu sáng chiều. Thằng út
thì ở tận miền Nam, tốt nghiệp Đại học, ra trường lập nghiệp tạo dựng sự nghiệp
ở thành phố. Đứa nào cũng có công việc, gọi đứa nào cũng khó. Không báo chúng
nó thì khi về, chúng biết chúng nó sẽ trách móc bố. Nhưng cho nó biết thì làm
khổ cho nó. Thà ông chịu khổ một mình được lúc nào hay lúc ấy vậy.
Lần té thứ ba này của bà Sáu cũng là lần đi
tiểu như thường lệ. Đi từ nhà trước ra nhà sau hơn mười mét, khi quẹo qua hiên
nhà sau để đi ra cầu bà vịn vào cửa chẳng may cửa bật ra bà chụp vào bếp, kệ
bếp trơn quá không víu được nên té ngã. Nghe bịch, thằng cháu nội vừa đi học về
thấy vậy vội chạy đến đỡ, ông cũng chạy đến. May mà bà không sao, ông rất mừng,
nhưng thằng cháu nội thì một phen hoảng hồn...
Ông nhìn bà Sáu vừa nhăn mặt khi ông bóp vào
tay trúng chỗ đau của bà. Ông dịu giọng nói với bà:
- Mình ơi, đã ba lần mình té rồi đó nghe!
Tôi đã dặn bà phải cẩn thận nếu cảm thấy đi không được vững thì bà phải gọi tôi
dìu mình đi chứ!
Thấy bà im lặng, ông nói tiếp:
- Tôi biết mình ngại làm phiền tôi khổ. Sợ chút
chuyện gì cũng đến tay tôi, Nhiều lúc bà nhìn tôi chảy nước mắt mỗi khi tôi
khâu áo quần sổ chỉ cho mình, mỗi ngày tôi tắm giặt cho mình. Bà than thở với
tôi: "Tôi xót ruột quá thấy ông làm những việc của tôi làm hằng ngày, còn
phục vụ tôi kiêm cả y tá, hộ lý... làm sao tôi không tủi thân
được..." Tôi đã nói với mình rồi. Mình đừng lo lắng. Đừng ngại gì vì chúng
ta đã sống với nhau 45 năm rồi. Tôi chỉ mới chăm sóc bà 1/8 thời gian, mà dù
cho chăm sóc mình ba bốn chục năm nữa cũng chưa đủ cái nghĩa tình đối với chúng
ta. Chúng mình đã cùng nhau có năm đứa con, Năm tết Mậu Thân đến năm 1975 nhiều
gia đình chạy ly tán, mất mát, nhưng chúng ta vẫn bảo bọc về quê hương xây
dựng, nuôi dạy con. Mình là hậu phương vững nhất của tôi để tôi yên tâm công
tác trong ngành y phục vụ chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân trong xã 28 năm đến
khi về hưu. Mình đã giúp tôi trong suốt 37 năm làm thầy thuốc, được tiếng khen,
không hổ thẹn lương tâm chút nào... Bây giờ các con đã có nghề nghiệp, đã
trưởng thành. Trưởng thành ở phương diện xã hội ấy đều là nhờ công lao của bà
tất cả. Người ta nói: "Người phụ nữ thành đạt là do các con thành đạt!"...
Lần này bà Sáu không cầm được lòng bà nức
nở:
- Làm sao tôi quên được hả ông... Ông
thường dặn tôi khi dạy các con: " Cha là mặt trời, mẹ là mặt
trăng khi dạy con..." Ông thì dạy chúng như sức nóng nung rèn giũa, của
mặt trời, còn tôi dịu dàng thẻ thọt với chúng: Ba các con thương các con nên
mới nghiêm khắc dạy bảo. Con nên nghe lời cha mẹ sau này mới nên người...
- Ừ, bà như vậy là hiểu tôi đấy. Mình thương
con thương cháu, thì tự mình chăm sóc lẫn nhau để chúng đỡ bận tâm vì mình bà
nhé!
Bà Sáu gật đầu, hình như bà hiểu đằng sau những
lời đằm thắm ân tình của ông đối với bà và đối với các con. Bà cười:
- Vậy nếu ông xem việc chăm sóc tôi là tình
nghĩa là niềm vui thì ông cười lên đi, không tôi sẽ khóc nữa ông coi!
Ông sáu bật cười. Bao nhiêu mệt nhọc, vất vả
chìm đi trên gương mặt hao gầy của ông. Ông bật truyền hình lên nghe thời sự.
Chợt ông lại lo lắng khi nghe tin bão khẩn cấp do Đài truyền hình thông báo:
"TIN BÃO XA..."...
Lê Bá Duy
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét