- Con nhớ giữ kín chuyện này giùm dượng Hai
nghen Vũ.
Giọng ông
Hai Nguyên thì thào, nghèn nghẹn trong cổ. Khuôn mặt ông nheo lại, đôi mắt nhìn
mênh mang theo những con sóng xô nhau trong ánh nắng vàng nhạt.
- Dạ con hứa. Dượng ráng giữ gìn sức khoẻ, chớ
lo nghĩ hoài rồi bịnh nặng thêm. Thôi Dượng vô nhà đi, con về bển còn sửa soạn
đồ đặng sớm mai ra chợ đón xe đò lên Sài Gòn.
Vũ bước
nhanh xuống chiếc xuồng be mười cặp dưới mé sông. Xuồng chòng chành trên sóng,
rồi từ từ lách mũi ra, hướng ngược chiều dòng nước lớn đang chạy về phía chợ
Tắc Vân. Vũ mạnh tay chèo, xuồng nhích lên theo từng nhịp đều đặn…
***
Huệ là con
thứ ba của ông Hai Nguyên, chế Hai nó đương học Anh văn trên trường Cao đẳng sư
phạm Bạc Liêu, còn thằng Dũng mới lên lớp bảy. Nhưng nghe đồn Huệ không phải là
con ruột của ông bà Hai Nguyên. Chuyện đó đã lâu không ai muốn nhắc tới, nhưng
với Huệ thì nó chỉ mới xảy ra bữa trước.
Ngày đó Cà
Mau còn bị Ngụy chiếm giữ, Ông Hai Nguyên ra miền Bắc tập kết, còn bà Ba Vẹn
thì theo chồng xuống miệt rừng U Minh hạ. Một bữa ông Ba Vẹn cùng mấy người du
kích lần vô xóm lấy gạo thì bị tụi giặc phát hiện. Ông Ba không quay về nữa,
lúc đó bà Ba Vẹn đương có mang chừng năm tháng…
Hoà bình
về, Ông Hai Nguyên được bầu làm chủ tịch xã Định Thành, sau đó lên chức bí thư.
Khi ông ra Bắc tập kết đã quen và lấy một cô du kích người Huế, rồi dắt díu
nhau vô Cà Mau.
Bà Hai
Nguyên được bầu là Hội trưởng phụ nữ của xã được vài năm, thì xin nghỉ đặng lo
buôn bán tiệm nước cặp bến đò ngang. Ông bà hiếm muộn nên khi bà Hai Nguyên
mang bầu rồi sinh được đứa con gái đầu lòng, thì ông Hai Nguyên mừng hơn lượm
được vàng. Ông đặt tên con là Lan.
Một thời
gian sau không thấy ông bà Hai Nguyên sanh nữa. Khi Lan được mười ba tuổi, thì
Huệ xuất hiện. Nghe ông bà Hai gọi là con, nhưng không ai thấy bà Hai Nguyên
mang bầu. Mọi người bàn tán xầm xì, sau đó thì lắc đầu không nhắc tới nữa.
Số là bà Ba
Vẹn ngày trước sinh được một đứa con gái, mỗi ngày cô chèo xuồng ra chợ Năm Căn
đón mua cá, rồi chèo về bán dọc bờ sông. Sau đó cô quen và lấy một thuỷ thủ
tuổi chừng hơn ba chục, làm ghe cào ở cửa biển Gành Hào, thường ghé ngang Năm
Căn.
Dăm ba bữa
thì anh ta về nhà thăm vợ một lần. Bữa nọ, sau khi nhậu xỉn về, con gái bà ba
có công chuyện đi vắng, còn bà thì đương bị bịnh nằm trong buồng. Vậy là chàng
rể đã làm chuyện bất chính với bà…
***
Đứa
nhỏ ra đời. Chế Hai nó đã bỏ nhà đi từ khi bà Ba Vẹn mang bụng lùm lùm. Người
đàn bà quá bụa ôm đứa con bất hạnh trong lòng, hai mẹ con với hai quãng đời cách
biệt. Bà Ba Vẹn phải đi mò cá mò tép ở ven sông để hai mẹ con sống qua ngày,
những lúc đó mầm sống nhỏ bé của bà phải nằm đỡ trong bịch vải treo trên lùm
cây mắm hay bất cứ một loại cây nào gánh đỡ được sức nặng của nó…
Ba tháng trôi qua chậm chạp. Một buổi chiều,
mấy người dân chèo xuồng qua một khúc sông vắng thì nghe tiếng trẻ con khóc
thét lên. Lần tìm ra đứa nhỏ trên cây, mọi người đau xót cho nó vì bị kiến vàng
cắn đỏ mình mẩy. Đưa đứa trẻ về nhà, chờ tới khuya cũng không thấy bà Ba Vẹn
về, cả xóm bắt đầu bàn tán tùm lum.
Sáng sớm
bữa sau thì mấy chiếc tàu đò chở khách ra chợ thấy xác bà Ba Vẹn bị vướng trong
bụi cây ôrô. Công an xã vớt xác bà lên thì biết bà bị rắn cắn, nghe nói năm đó
bà bốn mươi ba tuổi.
***
Ông
Hai Nguyên vội vã kêu người chạy giỏ lải xuống Năm Căn lo chuyện ma chay cho bà
Vẹn, rồi đón đứa cháu về nuôi. Mười bảy năm, giờ Huệ đã là cô thôn nữ đẹp nhất
nhì xã.
Mỗi
ngày ngoài việc phụ bà Hai Nguyên coi chừng tiệm nước thì Huệ lo quản việc thu
tiền khách đi đò ngang. Huệ xin nghỉ khi tốt nghiệp tiểu học, cô mắc phải chứng
bệnh nhức đầu kinh niên, hễ bị căng thẳng là không chủ động được mình.
Rồi
mọi người lại xầm xì chuyện Huệ bị người ta chiếm đoạt. Hắn ta là Ngọc, làm dân
quân xã được hai năm. Ông Hai Nguyên thật sự đau đầu khi Ngọc quỳ xuống xin
được cưới Huệ.
Gia
đình anh ta từ dưới Cái Nước vội vã lên xin lỗi ông bà Hai Nguyên và mong
được kết sui gia. Đám cưới được tổ chức cuối tháng đó, bà con đến dự rất đông,
mọi người thấy chú rể là người hạnh phúc nhất.
***
- Hia Vũ vìa hồi nào vậy?
Huệ nặng
nhọc đặt nồi nước lên bếp củi, rồi lên tiếng .
- Tui mới về sáng nay. Chế Huệ khoẻ không?
- Dạ khoẻ! À Hia có ra sau vườn chưa?
- Chưa, thấy dượng Hai bịnh nên Vũ qua thăm
chút xíu thì về.
Huệ khẽ thở
dài, rồi từ từ bước tới bộ phản dối diện chỗ Vũ ngồi.
- Chuyện gì vậy?
- Hia Ngọc đã bứng bỏ mấy cây huệ phía sau cửa
sổ rồi, kỳ này vìa Hia Vũ hổng còn được nhìn bông huệ tím nữa.
- Chuyện này đâu phải lỗi tại chế. Mà nãy giờ
tui cũng đâu gọi Huệ tím nữa.
- Xin Hia hãy gọi Huệ tím như ngày xưa, được
hông?
Huệ khẽ lắc
đầu, đôi mắt nhìn qua cửa sổ, xa xa dòng sông đã phủ bóng đêm đặc quánh.
- Chế nói gì tui không hiểu, mà sao hổng thấy
hia Ngọc đâu vậy?
- Ảnh qua trạm y tế lấy thuốc cho ba. Mà hia
Vũ nè, sau này đừng kêu Huệ là chế nghen, Huệ thua Hia tới ba bốn tuổi mà.
- Bữa nay chế kỳ quá, trước giờ tôi vẫn gọi
chế mà. Tại dượng Hai lớn hơn ba tui chục tuổi lận.
- Huệ muốn kể cho Hia nghe một câu chuyện,
mong rằng sau này Hia sẽ viết tặng cho Huệ một bài thơ hay truyện nào đó. Bữa
trước Huệ qua thăm dì dượng Ba, đọc được mấy truyện của Hia đăng trên báo, thấy
hay lắm. Mai mốt rảnh, Hia viết tặng cho Huệ một truyện như vậy nghen, để người
ta hiểu giùm cho tâm trạng của Huệ.
- Vũ không dám hứa, nhưng sẽ cố gắng.
- Thật ra chuyện Huệ và Hia Ngọc chỉ là dàn
cảnh thôi. Huệ đã bày ra kế này và nhờ nấy anh công an xã làm rùm beng lên, để
ba má phải gả Huệ cho hia Ngọc. Ảnh thương Huệ dữ lắm nhưng lại mặc cảm cái
nghèo.
- Vậy Huệ có… bao lâu rồi?
- Sáu tháng. Sau đám cưới thì Huệ mới có. Hia
thấy Huệ có đáng trách hông?
Vũ khẽ mỉm
cười.
- Chừng nào hai người về dưới Cái Nước?
- Tuần sau, Huệ vìa thăm ba má lần này rồi ở
lại dưới đó luôn. May mà có Hia vìa, nếu không Huệ phải viết thư gởi lại dì Ba…
***
Má viết thư
cho Vũ, báo tin Huệ mất, sau ngày thôi nôi em bé. Trong phong bì còn có lá thư
của Huệ gởi trước đó mấy tháng.
Những dòng
chữ ngả nghiêng, xiêu vẹo.Vũ không ngờ Huệ đã chờ đợi, nhưng ngày một tuyệt
vọng. Ông Hai Nguyên đã biết chuyện này nên xin Vũ giữ kín. Vũ hiểu ra sự thật
thì quá muộn.
THANH BÌNH NGUYÊN (tác giả giữ bản quyền)
____________________________________________
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét