“Bầu” Nhanh, một chủ dàn âm thanh
ở chợ Cái Dầu cho biết: “Mở nhạc nhỏ vừa phải chủ nhà đâu có chịu anh ơi, thông
thường hơn bảy giờ tối mới bắt đầu phục vụ văn nghệ buổi tối (đám cưới thông
thường phục vụ văn nghệ hai buổi: buổi tối nhóm họ và buổi sáng đãi khách), vậy
mà mới ba giờ chiều đã phải chở âm thanh tới rồi mở nhạc ầm lên, người ta trả
tiền mà biết làm sao bây giờ”. Buổi tối thường là mười một giờ nghỉ, nhưng
các đám trong quê bao giờ phần hai của chương trình cũng là phần ca cổ tài tử.
Hứng chí, các “tài tử ca” nghiệp dư chơi tới một, hai giờ sáng là
chuyện thường tình. Đám nào có người hát khá còn dễ chịu, gặp đám toàn là “ca
sĩ nhậu”, mạnh ai nấy giành micro hát không đầu không đuôi, nhạc lời chẳng đâu
ăn vô đâu thì kể như là bị tra tấn bằng âm thanh. Một xóm mà cùng lúc có hai
đám cưới đều thuê âm thanh phục vụ văn nghệ thì đêm ấy xóm giềng lãnh đủ. Bình
thường còn đỡ, gặp phải khi gia đình có người già đau ốm thì thật là phiền phức
khó chịu. Người dân ở miền Tây vốn tính xuề xoà, dễ thông cảm, lâu lâu một lần
nhà người ta mới có đám cưới nên đành phải cố chịu, xí xoá thông cảm cho qua.
Theo quan niệm dân gian, đám cưới
thông thường được chọn vào những ngày tốt trong tháng, chủ yếu tập trung vào
các ngày mồng bảy, mồng tám, mồng chín hoặc mười bảy, mười tám, mười chín.
Trong những ngày này khi đi trên các con đường quốc lộ cũng như ở nông thôn,
đâu đâu ta cũng bắt gặp các đám cưới, có khi trong một xóm diễn ra hai ba đám
cưới cùng lúc. Nhu cầu về âm thanh, về nhạc công để phục vụ âm nhạc cho đám cưới
trong những ngày này là khá lớn. Chỉ tính trên địa bàn huyện Châu Phú (An
Giang) đã có đến vài chục dàn âm thanh chuyên phục vụ các đám tiệc. không cần
phải biết nhạc, chỉ cần bỏ ra hơn trăm triệu đồng là đã có thể là "Bầu
sô", làm chủ một dàn âm thanh đảm bảo phục vụ tốt cho yêu cầu văn nghệ ở
các đám cưới.
Anh Ngọc Lắm tài xế xe tải (ngụ ở
xã Vĩnh Thạnh Trung-Châu Phú-An Giang), thấy người bạn cùng xóm cho thuê dàn âm
thanh đám cưới có thu nhập tương đối, anh bán luôn chiếc xe tải và đầu tư cùng
lúc hai dàn âm thanh. Sau đó anh cho thằng con trai đang học THCS đi học đánh
đàn organ rồi bỏ học phổ thông theo anh đi phục vụ âm nhạc cho các đám tiệc. Ở
các làng quê thấy nghề cho thuê âm thanh nhàn nhã, lại có thể kiếm sống được
nên có người bán cả đất ruộng đầu tư vào mua sắm âm thanh. Để cạnh tranh với
nhau, các chủ cho thuê dàn nhạc cũng không ngần ngại đầu tư âm thanh chất lượng
cao, công suất lớn, đèn màu, đèn quay sân khấu…có khi còn có cả màn phun khói.
Đáp ứng nhu cầu phục vụ đệm đàn
các đám tiệc, những năm gần đây cũng xuất hiện một đội ngũ “nhạc công” khá đông
đảo, tuy nhiên rất ít trong số họ được đào tạo bài bản. Một số là những giáo
viên âm nhạc THCS ngoài giờ dạy đi làm thêm để cải thiện thu nhập. Mặc dù không
xuất sắc lắm nhưng cũng có thể xem là có nghề vì đã được học trong trường sư phạm
về lý thuyết, thẩm mỹ âm nhạc nên chất lượng đệm hát có thể chấp nhận được. Số
còn lại phần đông là những người có chút năng khiếu, chỉ cần đi học thực hành
trên đàn dăm bảy tháng, thuộc lòng cỡ dăm ba chục bài rồi bỏ tiền mua một đàn
organ có tính năng hỗ trợ USB là đường hoàng làm nhạc công ở đám cưới rồi. Dĩ
nhiên với vốn liếng như thế thì chỉ có thể đệm hát dựa vào phần nhạc đệm tự động
của đàn organ chứ không thể là một "organist" cho một ban nhạc với đầy
đủ trống, basse, guitar...
Một số gia đình khá giả có điều
kiện kinh tế mới thuê cả ban nhạc, còn lại thông thường các đám cưới chỉ thuê
dàn âm thanh và một nhạc công đánh đàn organ (Keyboard electric). Đến dự nhiều
đám cưới có phần văn nghệ với một người đệm đàn, người nghe có chút am hiểu về
nhạc không tránh khỏi những lúc thất vọng với “tay nghề” của nhạc công. Sau phần
giới thiệu bài hát, nhạc dạo trỗi lên thật chuẩn mực, thật đẹp, nhưng khi người
hát vào bài thì phần hoà âm của nhạc nền bắt đầu lộn xộn, hợp âm không hoà với
giai điệu bài hát, sử dụng âm sắc tuỳ tiện, câu nhạc phần đệm đôi lúc làm cho
người hát không biết phải vô nhạc lúc nào. Với tính năng đọc được các file hổ
trợ từ USB, đa phần khi nghe giới thiệu bài hát, nhạc công sử dụng các bài được
soạn trước (intro style), phát phần nhạc dạo theo tên bài hát đã được thu sẵn
(các file này được chia sẻ nhiều trên các trang mạng). Tuy nhiên, các file này
chỉ hòa âm phần dạo đầu (intro), đến phần giai điệu chính của bài hát, người
đánh đàn phải tự đệm nên đã xảy ra những tình huống dở khóc dở cười khi nhạc
công không thuộc hoặc không biết bài hát. Đối với lực lượng “ca sĩ” được thuê
hát phục vụ, giải pháp tốt nhất khi gặp phải trường hợp này là hát với nhạc nền
thu sẵn trên đĩa CD.
Đặc thù của ca nhạc đám cưới là
không được tập dợt trước như những chương trình biểu diễn ở sân khấu, hơn nữa
"ca sĩ" thuộc đủ thành phần nên chuyện nhạc đánh “tông” này, ca sĩ lại
chơi “tông” khác, nhạc đi một đường, lời đi một nẻo là chuyện rất thường tình.
Chỉ một vài đám có thuê người hát (ca sĩ đám cưới) còn lại chủ yếu là "ca
sĩ" cây nhà lá vườn. Chỉ cần có chút rượu vào thì ai cũng là ca sĩ, ai
cũng có thể lên sân khấu góp vui bằng mấy bài tủ của mình. Từ "Tiếng đàn
Ta lư", "Năm anh em trên một chiếc xe tăng" cho đến "Hoa sứ
nhà nàng", "Ai cho tôi tình yêu"....Không cần biết bài hát chủ đề
gì, miễn sao được hát hò, nhảy múa. Ngày mừng đám cưới nhưng những bài hát có nội
dung chia ly, mất mát vẫn được mọi người vỗ tay tán thưởng.
Với tiêu chí vui là chính nên hầu
như các bài hát đều được chơi với một tiết tấu nhanh (các tiết điệu disco,
dance, hip-hop, chachacha…được tận dụng tối đa) cho không khí sôi nổi lên mà
không cần chú ý đến tính chất âm nhạc hay sắc thái tình cảm mà tác giả sáng tác
đã gửi gắm vào đó. Bất kỳ bài hát nào dù là những bài nhạc ngọt ngào mềm mại
hay trữ tình nhẹ nhàng cũng đều được hát thật sôi động để thực khách phía
dưới nhảy nhót vui vẻ. Có những vị khách hứng chí vì kích động với sự cuồng
nhiệt ủng hộ của đám đông đang ngà say, chơi luôn những bài hát với lời tự chế,
tục tĩu khó nghe vô cùng.
Rõ ràng không thể thưởng thức âm nhạc trong
các buổi văn nghệ phục vụ đám cưới. Âm nhạc ở đây chỉ để làm cho không khí đám
tiệc thêm phần sôi nổi, đình đám chứ chưa mang lại sự phát triển tích cực cho
âm nhạc của các địa phương. Ở một góc độ nào đó, sự xô bồ, lộn xộn của buổi văn
nghệ chẳng những không thể xây dựng một môi trường âm nhạc lành mạnh cho người
nghe mà nó còn ảnh hưởng tai hại tới thẩm mỹ âm nhạc của giới trẻ. Âm nhạc phản
ánh cuộc sống với những thông điệp, những cái hay, cái đẹp một cách tinh tế nhất,
âm nhạc cũng là phương tiện giáo dục, hoàn thiện nhân cách và nuôi dưỡng tâm hồn
con người. Môi trường âm nhạc ảnh hưởng trực tiếp tới mặt bằng dân trí và nuôi
dưỡng tài năng trẻ, vì vậy có một đời sống âm nhạc đa dạng, phong phú và lành mạnh
sẽ nâng cao tầm mức hưởng thụ văn hoá và thẩm mỹ âm nhạc của giới trẻ nói riêng và quần
chúng nhân dân nói chung. Các buổi văn nghệ phục vụ đám tiệc mặc dù mục đích chỉ
là sự góp vui cho không khí của các buổi tiệc nhưng nó cũng có những tác động
không nhỏ vào sự phát triển của văn hóa cộng đồng.Vì vậy cũng cần nâng cao chất
lượng âm nhạc để nó có thể tác động vào sự hình thành thị hiếu âm nhạc, làm đẹp
thêm tâm hồn và nhân cách con người trong các mối quan hệ xã hội. Nên chăng các
ngành liên quan cần chú trọng quan tâm đến các hoạt động âm nhạc trong các đám
tiệc, mở các lớp tập huấn về chuyên môn, về định hướng thẩm mỹ âm
nhạc cho lực lượng nhạc công, ca sĩ. Bên cạnh, cần có các quy định cụ thể về
âm lượng, thời gian phục vụ văn nghệ trong các buổi đám tiệc, làm môi trường âm
nhạc ngày càng trong sạch góp phần thúc đẩy nền âm nhạc địa phương phát triển
lành mạnh, đúng hướng.
PHAN VÕ HOÀNG NAM (tác giả giữ bản quyền)
_________________________________________
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét