45 tuổi, chưa từng qua trường lớp hội họa, nhưng thầy giáo dạy nhạc Phan Võ Hoàng Nam (ấp Vĩnh Phúc, thị trấn Cái Dầu, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang) đã có riêng một triển lãm tranh khá độc đáo, với chất liệu sáng tác là... đá cuội.
Trong một lần đi tham quan cảnh Thiên Cấm Sơn ẩn hiện trong sương mù bảng lảng, đẹp như tranh, ông Nam đã bật lên ý nghĩ phải ghi lại cảnh đẹp quê mình bằng chất liệu đặc trưng của xứ sở: những viên đá cuội Bảy Núi.
Mùa hè 2008, ông rong ruổi khắp các mỏ đá ở Tri Tôn, Tịnh Biên, Châu Đốc..., lựa từng cục đá rồi dùng búa đập ra xem bên trong. Nếu thấy đạt chuẩn ông cho vào bao, về nhà đập nhỏ ra rồi bỏ vào cối giã thành những hạt đá nhỏ li ti, xong sàng chọn ra những hạt thuần màu, phân loại kích cỡ cho vào hũ nhỏ.
Ông Nam cho biết: “Sau khi phác thảo trên giấy nền, công đoạn quan trọng là tạo hình: rải những hạt đá lớn làm nền, hạt vừa tạo sự chuyển màu, còn hạt nhỏ tạo sự tinh tế. Tất cả đòi hỏi sự chu đáo, tỉ mỉ đến từng li, nếu không bức tranh sẽ hỏng. Sau đó dùng keo dán những hạt đá lại. Khâu này lúc đầu cũng lắm trầy trật, khi dán xong nền đá bị biến dạng làm mặt tranh xấu. Thử mãi cuối cùng tôi cũng tìm được loại keo tự chế thích hợp”.
Nửa năm trời ngồi giã, sàng, rải những hạt đá li ti... bức tranh Chiều Bảy Núi cũng hoàn thành. Nhưng tính vốn cầu toàn, nhìn sản phẩm chưa đạt cái thần như mình muốn, ông cảm thấy bứt rứt như nợ nần ai đó, thế là bắt tay làm lại. Vì thế nên “đứa con” đầu tiên với đá cuội Bảy Núi ông làm đến lần thứ 10, mất thêm ba tháng nữa.
Giờ thành thạo nắm được bí quyết nên trung bình mỗi bức tranh ông làm chỉ 10 ngày. Cuối tháng 4-2010, để chào mừng kỷ niệm 35 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, 34 bức tranh bằng đá cuội giới thiệu quê hương, con người miền Tây, chân dung Bác Hồ... và 30 bức thư pháp của ông được Hội Văn học nghệ thuật huyện Châu Phú tổ chức triển lãm.
Theo ông Nam, màu sắc tự nhiên của đá cuội Bảy Núi rất hợp với màu nguyên sơ của thiên nhiên và tính bình dị của cuộc sống miền Tây, phù hợp cốt cách phóng khoáng, nghĩa hiệp, chất phác của cư dân miệt vườn nhiệt đới này. Những hạt đá được rải thành những mảng màu trắng, đen phối hợp hài hòa, bố trí theo quy luật sáng tối, xa gần, thể hiện tối đa các hiệu ứng mong muốn.
Từ đôi bàn tay khéo léo của ông, đá cuội đã trở thành hình ảnh làng mạc, thôn xóm, dãy Thất Sơn hùng vĩ cao chót vót giữa mây trời vùng biên viễn, hay cảnh rừng tràm Trà Sư rộn ràng tiếng chim lúc buổi sớm, hoặc những chiếc xuồng ba lá dập dềnh sông nước Cửu Long, những thôn nữ duyên dáng trong chiếc áo bà ba hái những chùm bông điên điển...
Ông Nam ví von: “Tôi làm tranh giống như nông dân đi làm ruộng vậy. Cũng đi chọn giống rồi bỏ vào cối giã, sàng. Việc làm tranh cũng như chăm sóc cây lúa. Phải mang lại cảm giác bình yên, thanh thản, đầy sức sống để người vui nhìn thấy đời tươi hơn, người đang phiền toái sẽ thấy lòng dịu lại”.
Ông Trịnh Bửu Hoài, nguyên chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh An Giang, nhận xét: “Anh Nam là người đầu tiên của đồng bằng sông Cửu Long dùng đá cuội làm chất liệu sáng tác. Tranh của anh khiến người ta hồi tưởng về ký ức vùng quê An Giang nói riêng và vùng đồng bằng sông Cửu Long nói chung. Từ đây An Giang có thêm một loại sản phẩm nghệ thuật độc đáo góp phần làm phong phú thêm diện mạo văn hóa quê hương”.
Đồng lương giáo viên eo hẹp nhưng thầy giáo Hoàng Nam may mắn có được người bạn đời ủng hộ mình.
Ông thổ lộ: “Tôi dự định mở phòng tranh tại nhà để vừa có thể đeo đuổi đam mê vừa giúp gia đình, đồng thời cũng mong muốn quê hương An Giang có thêm một “đặc sản” để níu chân du khách trong và ngoài nước”.
Mời xem website Tranh đá Bảy Núi: http://tranhdabaynui.weebly.com
MINH TÂM
__________________
ĐÓN ĐỌC BÔNG TRÀM CHUYÊN ĐỀ ĐẶC BIỆT
DẤU ẤN VŨ TRỌNG PHỤNG
>> Vui lòng nhấp chuột vào ảnh để về mục lục chuyên đề đặc biệt <<
Những bức tranh lạ mắt ! Quả thật là một dòng tranh hết sức độc đáo. Ngoài nội dung mà BT giới thiệu, tôi cũng đã vào trang web Tranh đá Bảy Núi theo địa chỉ link mà BT cung cấp để xem thêm, quả rất phong phú, hấp dẫn. Chúc mừng anh.
Trả lờiXóaTưởng là kiếp đá vô tri
Trả lờiXóaNgờ đâu có lúc dậy thì nõn non
Cũng má phấn, cũng môi son
Cũng em thiếu nữ trăng tròn… trong tranh !
Rất cảm ơn bạn Phanthanhtam và Vĩnh Thông. Mình cũng mong muốn tạo nên một dòng tranh riêng biệt góp phần vào sự đa dạng văn hóa của địa phương
Trả lờiXóa