Chuyện xảy ra hồi đầu năm. Khi nghe thiên hạ xôn xao
bàn tán chuyện ông Ba Nhơn ở xã bên trúng giải an ủi hai tờ vé số được 200
triệu và bỏ tiền mua 2 tấn gạo giúp cho những hộ nghèo, Thới được dịp bình luận
nghĩa cử trên. Trong quán cà phê Sáu Mập, giọng Thới oang oang:
- Theo tôi thì ông Ba Nhơn dở ẹc!
Tôi trúng số cỡ đó, muốn làm việc thiện phải tổ chức đàng hoàng, chính mình
đứng ra phát gạo cho từng hộ nghèo có quay phim, chụp hình lưu niệm đàng hoàng.
Đàng này ổng lại giao hội Nông dân xã…
Cậu ruột Thới, ông Tư gạt ngang:
- Lòng tốt đâu cần phô trương mậy! Ví dụ nay mai ông
Thần tài chấm ngay mày, tính chơi đẹp với bà con làng xóm sao đây?
Đặt ly trà xuống bàn, Thới chỉa ngón tay cái vào ngực,
giọng tự đắc:
- Tới bến luôn! Cháu hứa tặng cậu chiếc hon đa ngon
lành thay cho chiếc xe đạp cổ lỗ sỉ … sút sên, tuột líp. Kế
đó quay con heo cúng, mời hết bà con tới dự, khi về còn tiết mục tặng quà kỷ
niệm không thiếu một ai!
Chị Hậu bán xôi phía trước quay vô góp chuyện:
- Đừng quên tui nghen cậu Thới! À… ông Ba Nhơn giàu rồi
sao khuya này tui còn thấy ra ruộng nhổ gốc rạ về chất trồng nấm rơm vậy ông
Tư?
Thới lại khoát tay khinh bạc:
- Già cả, có tiền còn hành xác chi cho cực thân… Gặp
tay tôi là phải biết năng động, lên thành phố làm ăn lớn mới phất, lúc đó mặc
tình hưởng thụ…
Có lẽ không mấy đồng tình với câu nói trên, thầy giáo
Hải ôn tồn đưa ý kiến:
- Quê mình nhiều đời lấy nông nghiệp làm căn bản, việc
cố gắng canh tác, sản xuất phụ là đáng hoan nghênh lắm chứ! Vợ chồng ông Ba
Nhơn dù vất vả quanh năm, nhưng nuôi dạy được hai con học hành giỏi giang, sắp
tốt nghiệp đại học. Dù đã trúng số, ông vẫn làm lụng bình thường, nêu tấm gương
lao động khiến mọi người cùng con cái thương yêu, quí trọng mình hơn. Chuyện đó
sao gọi là hành xác?
Thới đuối lý im lặng một lúc rồi bước ra. Ông Tư chậm
rãi nói:
- Thằng Thới này có cái lò ấp vịt nhỏ xíu, hoạt động
bết bát, lại nói năng thiếu chín chắn, quen thói coi trời bằng vung. Thầy giáo
đừng buồn nghen!
Hải xách cặp đứng lên, cười xoà:
- Có chi đâu mà buồn bác Tư! Mỗi người có quan niệm
riêng về cách sống, cách sử dụng đồng tiền mà. Thôi, cháu chào bác để tới
trường…
… Đời có nhiều sự trùng hợp lạ kỳ! Đúng tuần lễ sau,
ông Thần tài gõ ngay cửa nhà Thới. Dịp cùng Tài, đứa em rể lên thành phố thăm
bà má vợ bệnh, lúc về ở bến xe Thới mua hai tờ vé số lẻ, tặng em một vé. Chiều
dò số, Thới trúng giải đặc biệt 1 tỉ 500 triệu, Tài được vé an ủi 100 triệu.
Gia đình anh cố giấu, nhưng qua ngày sau cả xã ai cũng biết tin qua lời của Tài.
Chủ nợ kéo tới bủa vây đầy nhà Thới buộc lòng thanh toán hết rồi vắng nhà luôn,
bỏ mặc lò ấp vịt cho vợ, một phụ nữ chơn chất, hiền lành đến mức thụ động trong
mọi việc. Sinh hoạt của anh thay đồi tức thì: sắm xe Nouvo, đồng hồ, mắt kính,
quần áo bảnh bao… cùng với cử chỉ kênh kiệu, hợm hĩnh, ít
qua lại hàng xóm như trước kia…
Một sáng nọ, khi Thới chạy xe ngang quán cà phê Sáu
Mập thì nghe ông Tư gọi mấy tiếng. Miễn cưỡng bước vào, Thới không chào ai mà
lặng lẽ ngồi nơi góc bàn. Mọi người trong quán chỉ nhìn lướt qua anh, rồi bình
thản tiếp tục chuyện đồng áng, thời tiết… Cảm thấy mình lạc
lõng, Thới gợi chuyện cùng ông cậu:
- Xe đạp cậu Tư sửa chưa? Nghĩ tức thiệt, phải chi cháu
lấy số cặp trúng được nhiều hơn. Thành ra chỉ được một vé, uổng quá chừng!
Ông Tư móc bịch thuốc rê vấn hút, thong thả nói:
- Mày nói ngon mà cho tao có năm chục ngàn, đâu đủ sửa
xe! May mắn trúng số một vé hơn tỉ bạc, còn tiếc gì nữa? Ông bà thường nói có
an cư mới lạc nghiệp, cái nhà lá của mày xập xệ quá, sao hổng lo cất lại?
Vuốt mái tóc bóng mượt, Thới cười trả lời:
- Chuyện nhỏ! Cháu chuẩn bị hùn hạp làm ăn ở Sài Gòn,
nhà cửa đây nhằm nhò gì, sau này mua nhà phố chợ ở cho sướng đời. Lò ấp vịt mà
cháu còn bỏ phế mà cậu!
Anh Chất lò rèn nhịp nhịp tay xuống bàn, giọng ồm ồm:
- Khi trước mày có hứa nếu trúng số lớn sẽ mua heo quay
đãi bà con chòm xóm, chừng nào thực hiện vậy Thới? Bữa mày nói có đủ mặt, cậu
Tư, thầy giáo Hải, chị Hậu… nè!
Thới coi bộ lúng túng, ngó bâng quơ ra ngoài:
- Tại… tại tôi kẹt bỏ vốn hùn hạp, đầu tư với gởi ngân
hàng hết rồi. Chừng đủ tháng, lãnh tiền lãi thì tôi sẽ mời hết, chuyện đâu còn
đó mà…
Với giọng chế giễu, anh Chất rụt vai:
- Khỏi mời tao! Tiệc tùng toàn đồ mặn, tao thì chay lạt
tới hết tháng lận…
Cả quán cười rộ lên khiến Thới hơi sượng mặt, anh bật
dậy đi nhanh ra cửa. Khi chiếc Nouvo lướt băng băng trên lộ, ông Tư chợt ngao
ngán nhìn ly cà phê Thới uống xong mà… quên trả tiền!
Làng trên xóm dưới giờ đây lại xì xào chuyện Thới dẹp
lò ấp vịt để mở quán giải khát. Bán suốt ngày chưa được hai chục ly nước mía
với trà đá, vậy mà Thới dám thuê cô Chanh lỡ thì ở xóm Cây Gáo, người anh từng
si mê, đứng trông coi. Hợp đồng bao ăn ở, tháng trả 2 triệu, sắm quần áo đẹp
cho cô chưng diện. Vợ Thới không ý kiến, sống nhẫn nhục lo việc nhà, coi sóc ba
đứa con nhỏ, không chút hờn ghen; chẳng ai hiểu vì sao? phục tùng chồng một
nước chăng? Dần dà, chị cũng biết việc chồng mình mở quán giải khát làm cái cớ
để tằng tịu với cô Chanh. Điều lạ là chị chẳng ngại bỏ ra cả buổi để mắng chửa,
xỉa xói bất cứ ai đá dộng đến chuyện sai trái, khó coi ấy. Bà mẹ vợ Thới khỏi
bệnh về, đôi lần đến khuyên dẹp quán để tránh lời ra tiếng vào thì vợ chồng anh
câng câng mặt chối phắt, rồi thi nhau nguyền rủa thậm tệ “đứa nhiều chuyện, ăn
cơm nhà nói chuyện người ta”. Bà tức giận, đứng trước quán cà phê Sáu Mập phân
bua:
- Hai đứa này chắc uống phải bùa mê thuốc lú của con
Chanh rồi! Sống kiểu ăn xổi ở thì, loại đó làm sao vững bền, tao ráng chống mắt
coi bây… của thiên trả địa!
Cô Huệ, em gái Thới thỉnh thoảng đến để cải vã về
chuyện tiền bạc, nợ nần sao đó. Vào một đêm, em rể Thới là Tài cùng hai thanh
niên bộ vó bặm trợn đi xe máy xộc thẳng vào gây sự, đòi Thới phải trả 20 triệu đồng
mượn trước đó. Thì ra, khi biết tờ vé số mình tặng trúng 100 triệu, Thới nhỏ
nhen thầm tiếc nên vờ tìm lý do để mượn đỡ 20 triệu và… quên luôn. Trước sự
quyết liệt của những kẻ đòi nợ, Thới sợ điếng hồn, đành bóp bụng trả đủ tiền
cho vợ chồng Tài. Thiên hạ lại một phen cười nhạo sự tham lam, lật lọng của Thới
với em mình…
Sáu tháng trời qua mau, bây giờ khuya sớm Thới cơm đùm
cơm nắm lùa bầy vịt ba trăm con lớn bằng cổ chân ra đồng tới tối mịt mới về. Vợ
anh cặm cụi cuốc xới mảnh vườn rau, biếng nói ít cười, vẫn lam lũ tất bật như
ngày nào. Cô Chanh thì trong tình trạng dùng dằng, hay nằm võng cạnh xe nước
mía để tâm sự cùng anh Chín xe ôm mà lâu nay cô có chút cảm tình. Hình như
chính ông bệ vệ xưng danh đại gia nhà đất ở Sài Gòn thường đi ô tô du lịch đưa
đón Thới, đã lừa anh một vố chí mạng. Cộng thêm tính ưa tâng bốc, thói ăn chơi ngốc nghếch hoang đàng của Thới khiến tiền bạc ra đi rất nhanh
chóng. Đề tài hấp dẫn còn lại là mối quan hệ tay ba chưa kết thúc trong gia
đình Thới. Vẫn tại quán cà phê Sáu Mập, chị Hậu bán xôi chép miệng tiếc rẻ:
- Trúng số tiền tỉ mà lớp cho gái ăn, lớp đầu tư vào
họng bọn lừa đảo. Có đó rồi mất đó, thiệt uổng!
Anh Chất lò rèn tặc lưỡi:
- Từ nhỏ đến lớn ở quê thì biết quái gì mà hùn hạp với
mấy lão gian manh, có sạn có sỏi trong đầu… Cũng tội nghiệp nó, phải chi…
Đang đứng trong quầy, chủ quán Sáu Mập trầm ngâm:
- Tôi chỉ khó hiểu nổi tâm lý vợ thằng Thới, đàn bà lơ
ngơ như vậy cũng hiếm thấy. Còn con Chanh xóm Cây Gáo sớm muộn cũng… bay, sống
kiểu kỳ cục quá. Chắc nó nấn ná cho tới cuối tháng để đòi… tiền lương? Đúng như
lời bà má vợ nó rủa là… của thiên trả địa!
NGUYỄN KIM
______________
Đúng là của thiên trả địa, nghe tên tác phẩm của anh Nguyễn Kim cũng thấy vui, đọc cũng nhiều thấm thía.
Trả lờiXóaCảm ơn bạn Bình Nguyễn đã xem và nhận xét. Chúc bạn luôn vui khỏe.
Xóa