Gọi là Tết xưa,
cho nó có lớp bụi thời gian, chớ thật ra Tết ấy chỉ xảy ra hơn sáu mươi năm trước
mà thôi. Đó là tôi muốn nói đến Tết vào những năm 1950, sau 1945 nhưng trước
năm 1954, thời gian Tết trong những năm chiến tranh ở vùng miền Tây.
Thời gian đó, đất
miền Tây là đất thuộc địa của Pháp, lực lượng Hòa Hảo hùng cứ nhiều nơi, như
Cái Vồn - Cần Thơ thuộc tướng Nguyễn Văn Soái tức Năm Lửa, Ô Môn - Cần Thơ thuộc
Lê Quang Vinh tức Ba Cụt, Chợ Mới - Long Xuyên thuộc tướng Nguyễn Giác Ngộ, Cái
Dầu - Châu Đốc thuộc tướng Lâm Thành Nguyên tức Hai Ngoán. Dân chúng sống trong
những vùng này, tạm được yên bình, chiến tranh bình định giữa quân đội viễn
chinh Pháp và cách mạng, chỉ xảy ra ở những vùng xa xôi hẻo lánh như ở miệt Bảy
Núi, ở rừng tràm Rạch Giá, Cà Mau.
Làng tôi nằm trên
cù lao Năng Gù, vào những năm 1946 - 1947 thỉnh thoảng cũng bị “Tây bố”. Tôi nhớ
có lần vào mùa nước nổi, bị “Tây bố”, mẹ tôi ôm em gái tôi chưa đầy thôi nôi, lội
ra sau nhà ngâm mình trốn gần bụi tre. Đến chừng “Tây bố” đi qua rồi, mẹ tôi bồng
em vào nhà, nó bị lạnh quá môi tím đi, may mà sau đó không bệnh hoạn. Còn ông
em rể của bà nội tôi, năm đó chừng 60 tuổi, trước ông từng làm Hương Quản, ông
cũng lội nước ra vườn cây trốn, nhưng ông sợ quá nên rung, làm cho nước gần chỗ
ông ngâm mình trốn có những làn sóng nhấp nhô, chẳng khác nào “lạy ông tôi ở bụi
nầy”.
Thời kỳ đó, miền
Tây đất đai bỏ hoang vì thế chiến thứ hai, lúa gạo không xuất cảng được, chiến
tranh gây ra chết chóc, người ta bị bắt cóc thủ tiêu, bị giết thả trôi sông. Nhân
tâm bất an, người ta lo tu hành theo Sấm giảng của Huỳnh Giáo Chủ, Tứ Thánh, Sư
vãi bán khoai… Do đó ruộng đất bỏ hoang, vải vóc, hàng hóa tiêu dùng không được
nhập cảng, đời sống đa số quần chúng trở nên khốn khó.
Nhu cầu tối thiểu
về đời sống là “ăn no mặc ấm”. Ăn thì ruộng đất phì nhiêu, cá tôm đầy đồng, người
ta làm chơi mà ăn thật, trẻ con ở nhà quê lên 5 lên 7 có thể bắt cua, bắt cá,
mò ốc, bắt tép. Nhưng về mặc ấm thì người ta phải trồng cây bông vải, để dệt vải
ta, vải thưa, có người dùng bao bố tời may quần, may áo.
Muốn cho có ánh
sáng ban đêm, đi ngoài đường người ta dùng đuốc bó bằng cọng lá dừa hoặc cộng
rơm, ở trong nhà dùng đèn dầu. Đèn là cái chén hay cái tô mẻ, đổ dầu cá vào đó,
dùng giẻ rách xe thành cái tim nhỏ bằng đầu đủa ăn, để tim vào chén dầu rồi đốt
ở đầu tim, còn dầu thắng từ những con cá có nhiều mỡ, như cá linh, cá heo...
Những năm tháng
đó, ban đêm mẹ tôi thường cho mặc quần áo đẹp, người bảo chẳng may ban đêm có
giặc giả, phải chạy loạn thì cũng có bộ quần áo lành lặn, tránh được một phần
đói rách.
Tết thì hầu hết
nhà nào cũng quết bánh phồng, gói bánh Tét. Đó là thứ bánh truyền thống của người
miền Nam.
Bánh phồng thì chỉ có nếp với đường thùng, còn bánh tét thì cũng chỉ có nếp, đậu
xanh, đậu đen. Bánh phồng nướng với lửa ngọn, có khách bày ra dĩa ăn, uống trà,
còn bánh Tét, treo ở giàn bếp có thể ăn đến ra giêng, gặp lúc chạy giặc, xách
theo đòn bánh tét, ăn no đủ đôi ba ngày không cần nấu nướng.
Những năm tháng
đó, tôi chỉ là đứa trẻ con, Tết thích được “mừng tuổi” cha mẹ và người thân được
cho tiền với nhừng tờ giấy 10 xu màu vàng, 20 xu màu nâu, 50 xu màu xanh lá
cây, nhiều lắm là Một Đồng Vàng có hình người con trai gánh dừa.
Còn một cái thích
nữa là được mặc quần áo mới, được cha mẹ cho phép cùng những trẻ con khác tung
tăng đi chơi ngoài đường, nhưng những
năm tháng ấy hiếm có quần áo mới với màu sắc rực rở, mặc được bộ “bà ba” vải
ta, màu trắng ngà ngà là quí rồi.
Để đón Tết cho được
vui mắt, rộn tai. Người ta treo đèn ngoài đường cho được sáng vì đêm tối 30, muốn
có đèn, người ta lấy những vỏ ốc bưu khoét một cái lỗ trên thân nó ở gần miệng ốc,
lấy một sợi dây từ bao bố dài chừng 2 tấc,
cột ở đầu dây giữa khúc chân nhang dài chừng 1, 5 phân để làm cái ngán, xong xỏ
dây có cái ngán vào lỗ ốc, đầu dây kia cột vào sợi dây giăng dọc theo hàng rào.
Làm nhiều cái đèn bằng vỏ ốc như vậy, cột vào sợi dây giăng cách nhau chừng 1
thước một cái đèn, mỗi cái đèn vỏ ốc có một cái tim ở miệng ốc, đổ vào đó dầu
cá để đốt đèn. Nhà nọ thấy nhà kia làm, người ta làm theo, nên cả xóm đêm 30 Tết
cũng sáng sủa, soi đường cho trẻ con giung giăng, giung giẻ đi chơi với những bộ
quần áo mới.
Dĩ nhiên thời đó
cùng không có pháo nhập từ “Hương Cảng”, nên người ta chế ra “Ống lói”, là một
thứ nổ lớn chát tai, tiếng nổ vang dội đi xa, làm cho ngày Tết càng thêm rộn
ràng.
Ống lói là một
cái ống có đường kính chừng 1 tấc, dài chừng 2 thước, một đầu bịt kín và một đầu
hở, đầu bịt kín, cách đáy chừng 1 tấc rưỡi trở lại, người ta khoét một cái lỗ
tròn chừng 1 phân. Thường ở nhà quê người ta chặt một gốc tre dài chừng 2 thước,
gốc tre có vỏ dầy trên 1 phân, nó có nhiều mắt, người ta lấy xà-beng hay vật
chi cứng chắc, thọc cho bể những mắt dọc theo ống, nhưng chừa mắt cuối cùng, rồi
khoan một cái lỗ cách mắt cuối cùng chừng 1 tấc đến 1 tấc rưỡi.
Người ta dựng ống
lói nghiêng chừng 45 độ, bỏ vào đó những cục “khí đá”, tên hóa học là Calcium
Carbide (CaC2), rồi đổ nước vào, theo phản ứng hóa học: CaC2 + H2O
= C2H2 + Ca(OH)2. Khi nghe nó sôi, người ta
dùng cây rọi đưa vào chỗ cái lỗ, nó sẽ phát ra tiếng nổ to, để tránh nguy hiểm,
cây rọi phải có thân dài chừng 3 - 4 tấc và ở trên miệng ống đừng để vật chi, nếu
ta để cái mủn vùa, cái mủn vùa sẽ bay đi, nếu miệng bị bịt kín, ống lói sẽ bể
văng miểng gây thương tích cho người chung quanh.
Đốt nổ bằng “ống
lói” tuy có nguy hiểm, nhưng tiếng nổ to. Thời đó, nghe tiếng nổ rền vang của ống
lói, cũng làm cho lòng người trong vùng rộn ràng khi đón xuân về.
Những năm Tết
nghèo khó đó, miền Nam đã đẩy lùi vào dĩ vãng từ lâu, bởi vì sau những Tết đó,
kinh tế miền Nam dần dần phục hồi, Tết về trẻ con mặc quần áo mới màu sắc sặc sở,
pháo đốt hàng dây, khói pháo mịt mù, xác pháo đỏ thắm ngoài sân. Lúc đó người
ta quên những cái Tết nghèo khó hoặc người ta không biết bộ quần áo mới vải ta,
tiếng ống lói đì đùng, đã có một thời ngự trị ở miền Nam đất Việt.
HUỲNH ÁI TÔNG
_________________
ĐÓN ĐỌC BÔNG TRÀM CHUYÊN ĐỀ ĐẶC BIỆT
CHÀO XUÂN ẤT MÙI 2015 & NGÀY THƠ VIỆT NAM LẦN XIII
>> Vui lòng nhấp chuột vào ảnh để về mục lục chuyên đề đặc biệt <<
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét