Có một dạo chẳng hiểu vì sao
ta chẳng còn thích biển. Hình
như khi đứng trước biển ta lại cảm thấy mình nhỏ bé giữa những con sóng lăn tăn
nhấp nhô chạy vào bãi cát dài vô tận. Từng con sóng, từng cơn gió cứ đến rồi đi
không hẹn trước để mặc cho con người ở lại với bao nỗi niềm của những thứ gọi
là mông lung.
Chắc có lẽ, ta sợ cái cảm giác đối diện với những thứ quá lớn lao
chăng? Và hình như chính ta cũng cảm thấy mình nhỏ bé. Ta tự khép mình lại với
những thứ vốn dĩ rất gần gũi thân quen. Đâu đó thấp thoáng từng cánh hải âu xa
xứ từ đâu bay đến, những cánh chim trời cũng giống như một cuộc đời của mỗi con
người, có lúc thong dong, có lúc lạc đàn mỏi cánh với muôn vàn cái được và mất.
Con người ta rồi sẽ lớn dần lên và liệu rằng có mấy ai không nhớ những lúc dại
khờ với một thời bon chen muốn khẳng định bản thân mình.
Trước biển, dường như
những cảm xúc cũng trở nên mơ hồ hơn với những mặc định của biển. Biển ồn ào.
Biển rợn sóng. Nhưng có ai hiểu được nỗi lòng của sóng. Ta lớn dần lên ở một
vùng biển đầy nắng và gió, cái vị mặn mòi của biển đã ấp ủ che chở nuôi ta lớn
lên. Sao chợt thèm quá cái
cảm giác ngồi trước biển với những suy nghĩ mông lung.
Ngày ấy mỗi khi đi học về,
chúng tôi thường chạy ra những chiếc tàu đánh cá vừa cập bến để phụ giúp mọi
người. Nói là phụ giúp chứ thật ra là để kiếm một chút tiền của các chủ tàu cho
hay kiếm vài ba con cá về cho mẹ nấu cơm chiều. Chúng tôi đua nhau chạy dọc
theo những triền cát, cùng nhau nghịch sóng, nhặt nhưng vỏ sò kết thành nhưng
chiếc chuông gió xinh xắn hay áp sát tai mình vào những vỏ ốc biển nghe những
“khúc hát” của đại dương. Có hôm vì nghịch quá, bị ba cầm roi dọa
đánh. Mà hình như những đứa trẻ vùng biển quê tôi chẳng bao giờ sợ đòn roi. Bởi
cái mặn mòi của biển đã khiến chúng tôi rắn rỏi hơn.
Nhớ những ngày biển
động, mọi người cùng nhau ngồi quây quần bên nhau, họ kể cho nhau nghe về những
khó khăn của nghề biển, về chuyện học hành, con cái, chuyện làng chuyện nước,
đủ thứ chuyện trên trời dưới biển...những câu chuyện vốn dĩ không đầu không
đuôi ấy lại khiến cho những người dân vùng biển mặn quê như thân thiết hơn, họ
thương nhau bởi cái tình, cái vị mặn mòi của biển. Mọi người chẳng phân biệt
giàu nghèo, chủ tớ! Một cút rượu đế, dăm ba con khô vừa phơi vội cũng đượm tình
dân xứ biển. Họ cùng nhau ôm đàn hát. Khi là những câu hát mang đầy nỗi niềm
của người đi biển, khi thì những câu giọng cổ ngọt như mía lùi được cất lên như
xua đi cái cơ cực của cuộc đời, họ bỏ lại sau lưng mình gánh nặng cơm áo gạo
tiền. Nhớ lắm, những lúc gối đầu lên chân ba ngủ khi cùng các chú bài tiệc
những hôm biển động. Rồi ta cũng hát, cái giọng lơ lớ, đớt đác của ta khiến mọi
người cười nức nẻ. Rồi ta khẽ chui đầu vào lòng ba thiếp đi từ lúc nào không
hay?
Để một ngày rời xa cái miền
biển nắng gió. Ta lại sợ biển. Sợ cái cảm giác mông lung nhỏ bé trước biển hay
sợ cái cảm nhớ về tuổi thơ một thời với biển? Từng đoàn tàu vẫn hướng ra biển,
hướng ra cái nơi mà ta luôn tự hỏi đi ra biển rồi sẽ tới đâu? Đưa mắt nhìn về
phía cuối chân trời. Bỗng thấy cuộc đời người ngắn ngủi quá, mới hôm qua đây
thôi giờ đã là ký ức. Giá như giữa những biến cố của cuộc đời con người ta vẫn
giữ cho mình một thói quen thì hay biển biến. Cái thói quen hướng mắt về biển
của ta dường như đã không còn bởi cái thành phố phồn hoa tất bật. Và khi ta lớn
lên, hành trình với bao nhiêu cái đi qua rồi ta mới hiểu. Hiểu vì sao tóc cha
bạc, vì sao nước mắt mẹ rơi và hiểu cả những nỗi lòng của biển.
Một chiều, từng nụ bình minh
bung trải khắp nơi, làn gió biển rì rào du dương từng tiếng nhạc. Chợt ta nghe
thuyền về chở nặng cá, tôm.
Hôm nay, ta - một mình trước
biển…
NGUYỄN CHÍ NGOAN
______________________
Tình cờ đọc được bài viết này. Không biết đã gửi khi nào? Cám ơn BBT đã đăng. Bài viết này gần như là bài viết đầu tay và giờ đọc lại nao nao lắm. Nhờ đọc lại mà thấy 1 vài chỗ sai do lúc trước đánh máy.
Trả lờiXóa"Giá như giữa những biến cố của cuộc đời con người ta vẫn giữ cho mình một thói quen thì hay BIẾT MẤY"
"Một SỚM, từng nụ bình minh bung trải khắp nơi, làn gió biển rì rào du dương từng tiếng nhạc"