Bạn gọi về quê nói với má Tết không về quê được. Má cười,
không sao đâu con, công việc quan trọng hơn. Giọng má nghèn nghẹn, bạn cảm thấy
từng giọt nước mắt như giục nhau rơi nhanh, từng giọt từng giọt chạm vào nhau.
Má gác điện thoại. Bạn thẩn thờ theo từng lời má
nói. Hai năm bạn không về quê ăn Tết. Bạn nhìn những dòng người tất bật để kịp
về quây quần bên mâm cơm tất niên mà lòng đau như cắt. Hai năm ăn Tết xa nhà, hai năm bạn
không được đắm chìm trong không khí gia đình. Đó là một khoảng trống không thể
nào lấp đầy trong bạn.
Những ngày giáp Tết, bạn thấy mình trơ trọi như cả thế giới
đều quay lưng lại với bạn. Bạn nhớ nhà. Nhớ tất cả những gì thuộc về nhà. Dẫu
đó chỉ là cái góc bếp nơi má ngồi cời lại bếp lửa, dẫu chỉ là chiếc ra-đi-ô cũ nhàu mà ba hay bật cải lương vào mỗi buổi tối hay chỉ
là tiếng côn trùng kêu vang cả góc
trời quê.
Đàn én chao nghiêng trong mùa xuân đoàn tụ. Bạn vẫn thấy mình
lẻ loi. Giá như bạn như cánh chim trời ấy, có đi qua chớp bể mưa nguồn thì vẫn
cho mình mùa đoàn tụ. Cô chủ nhà trọ ghé phòng tặng
bạn hai đòn bánh tét. Cô nhìn bạn ,cái nhìn thương xót. Cô không còn kêu bạn
đón giao thừa cùng gia đình cô nữa, bởi cô biết bạn không muốn cảm thấy bị thừa thãi ở nơi không thuộc về mình, bạn sẽ đứng ở đâu
trong câu chuyện của gia đình hạnh phúc. Họ quây quần bên nhau, họ kể cho nhau
nghe những buồn vui dâu bể. Nếu bạn có ở nhà, bạn vẫn muốn mình sống trong cái
không khí đó, sống trong những câu chuyện không đầu không cuối của ba, những
chuyện rau cải ngoài chợ của má, chuyện chị hai, anh ba lên chức ông bà...
Hai năm bạn không biết Tết. Dường như cuộc sống đủ để biến
bạn thành một người khác, bạn không dám nhận bản thân mình mạnh mẽ để vượt qua
những phút cô đơn yếu lòng ấy. Thành phố rộng quá, rộng đến nỗi nếu để lạc mất
nhau ta chẳng thể nào tìm thấy được. Bạn, dẫu lạc hàng trăm lần giữa những ngã
tư ken dày
người xa lạ. Bạn vẫn cố lách mình qua những điều xa lạ ấy, để nhận lại nỗi buồn
nuôi sống những cô đơn.
Khoảnh khắc giao thừa thiêng liêng nhất, bạn ngồi nhớ lại
những mùa Tết đã qua. Ngoảnh lại mới thấy mình đã đi rất xa, con đường về càng
sâu hun hút. Bạn nhớ
giao thừa, má thường thắp nhang nguyện cầu bình an, ba ngồi bên ấm trà thơm khề
khà câu chuyện cũ, thím Tư bên nhà vọng sang câu chúc Tết. Giờ này ở quê chắc
ba má cũng mong ngóng những đứa con xa. Bạn hối hận. Hối hận gì đã dập tắt tia
hy vọng của ba má. Giá như bạn học thêm cách tâng bốc, xua nịnh người đời thì
biết đâu đấy, bạn sẽ được ngồi bên mâm cơm tất nhiên đầm ấm. Nhưng cái phần
người trong bạn không cho phép. Vậy nên bạn vẫn là bạn của bao năm làm người
của phố.
Ngoài kia những ô cửa vẫn sáng đèn. Những tiếng cười giòn tan rót vào đêm lãng đãng, mọi
người vui cười thắp lên phiến ngày vệt
sáng. Chợt bạn thấy ấm lòng, khi đứa trẻ nhỏ sang phòng dúi vào tay bạn phong
lì xì mừng tuổi, bé nhoẻn miệng cười: bà nội cháu lì xì cho chú.
Gió xuân thổi qua làm xào xạc những hàng cây đứng tuổi. Bạn
ngồi mơ về miền quê nhỏ, nơi bạn gọi là nhà...
Một giờ sáng, má gọi cho bạn. Má bảo, tiền bây gởi về má hỏng
có xài. Sang năm bây về đi, má mở tiệm photocopy gần trường cho bây làm. Có cô
giáo vẫn nhắc bây hoài, nó nói nó đợi đứa nào đi làm xa. Bây về đi. Bây đi xa,
má nhớ... Bạn như nuốt cạn từng lời của má.
Giao thừa đã qua. Một năm mới lại bắt đầu với bao kỳ vọng. Và biết đâu đó, năm sau bạn không còn phụ lòng ba má, không
để người thương mỏi mắt đợi trông. Tiếng đồng hồ tích tắc, tích tắc rẽ những
đường kim chạy mải miết. Những tháng ngày cơ cực sẽ qua thôi. Bình minh lại đến
qua từng ô cửa. Mùa xuân bao giờ cũng thắp lên cho ta hy vọng và tin yêu...
NGUYỄN CHÍ NGOAN
____________________
BÔNG
TRÀM CHUYÊN ĐỀ ĐẶC BIỆT
XUÂN
ĐINH DẬU & NGÀY THƠ VIỆT NAM 2017
>>
Vui lòng nhấp chuột vào hình ảnh bên dưới để vào chuyên đề đặc biệt <<

Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét