Nhân kỷ niệm 151 năm Ngày Anh hùng dân tộc Trương Định tuẫn tiết
(20/8/1864 - 20/8/2015), đồng thời ôn lại truyền thống đấu tranh chống xâm lược
của quân và dân Gò Công (nay thuộc tỉnh Tiền Giang). Xin mạn phép lược trích
những tra cứu, sưu khảo về các địa danh, con người và sự kiện liên quan đến cuộc
kháng chiến hào hùng chống thực dân Pháp do Trương Định lãnh đạo. Những đoạn
lược trích này từ 2 quyển “Gò Công cảnh cũ người xưa” tác giả là cụ Việt Cúc
(1906 - 1990), một lương y, nhân sĩ Gò Công biên soạn và in năm 1969.
- Vàm sông Bao Ngược: Từ
Sài Gòn đến Cần Đước, sang địa phận Gò Công phải qua một khúc sông rộng, trong
sông Vàm Cỏ. Người xưa đặt tên Bao Ngược có nghĩa là một khúc sông bao quát tất
cả nhiều nguồn rạch đổ về. Như nước sông Vàm Cỏ từ Bến Lức chảy xuôi về đây,
lại từ Mỹ Tho sang Chợ Gạo chảy thông Sông Tra đổ ra, là nước biển ngoài Soài
Rạp tràn vào theo thủy triều. Nhiều mối nước đổ xô cuồn cuộn xoáy mạnh, lòng
sông sâu, gây nhiều bất trắc. Đây cũng là khúc sông lịch sử chống Pháp. Khi đồn
Chí Hòa thất thủ (1859), hai năm sau quân Pháp tiến đánh Gò Công. Nhiều chiến
thuyền từ cửa Soài Rạp vào Vàm Cỏ và Bao Ngược. Quân ta đắp đồn kiên cố, mai
phục tại đập Bà Thái (phía ngoài xã Bình Xuân) để ứng chiến đường thủy. Dưới
Sông Tra, cho đến Vàm Sơn Quy đều đóng cọc cách khoảng, nhằm ngăn tàu thuyền
giặc. Cách bến đò Mỹ Lợi khoảng 3 km về hướng Tây bắc, thường gọi ngã ba Bình
Xuân và là Truông Cóc, nơi quân Trương Định tập kích chiến thuyền Pháp bằng hỏa
công. Dùng vài ba chiếc thuyền liên kết thành bè, trên đó chất nhiều đồ dẫn lửa
như: rơm , lá, dầu chai. Ban đêm, đợi nước xuôi dòng, gió Đông nam mạnh, quân
ta thả trôi êm năm, bảy bè. Gần tới chiến thuyền Pháp thì phát hỏa, nương theo
lửa khói mù mịt mà nổ súng, bắn tên, quyết liệt tấn công. Trận đánh kéo dài gần
suốt đêm, quân Pháp thảm bại nên hôm sau rút khỏi Bao Ngược, quay về Mỹ Tho.
- Đám Lá Tối Trời: Đám
lá này nằm dưới xã Gia Thuận một đổi. Xưa là nơi hoang vu, u tịch, bàu rạch
ngang dọc, bao bọc nhiều lớp rừng cây già, cây cóc. Dừa nước (lá dùng lợp nhà)
mọc chen chúc, tàn cao bóng rợp che khuất ánh mặt trời, rậm rạp mênh mông. Đi
vào vùng ấy như đi vào đêm tối, nên gọi là Tối trời. Năm 1863, quân Pháp chiếm
thành Gò Công, Trương Định cùng tùy tướng phá vòng vây về đây lập căn cứ, chiêu
mộ thêm quân tiếp tục kháng chiến. Binh Pháp nhiều lần kéo xuống đây, nhưng
quân ta có địa thế hiểm yếu, chận đánh bất ngờ gây cho chúng nhiều tổn thất. Và
đây cũng chính là nơi Trương Định bị giặc bao vây, chiến đấu đến trọng thương
đành tuẫn tiết. muôn thuở lưu danh. Nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu viết bài
ai điếu, trong đó có câu:
“Ôi! trời Bến Nghé mây mưa sùi
sụt, thương đấng anh hùng gặp lúc gian truận
Đất Gò Công cây cỏ ủ ê, cảm
niềm thần tử hết lòng trung ái”.
- Trại Cá: Bãi biển
Rạch Bùn chạy dài đến Rạch Cùng (xã Tân Thành) đều là đất phù sa bồi đắp nhiều
năm thành bùn lầy, lùm bụi sầm uất, xen dưới rừng cây to. Có nhiều rạch nước
nhỏ chảy quanh co, cùng các đầm nước đọng. Thiên nhiên ưu đãi, cá tôm, cua ốc,
sò hến…nhiều ăn không hết. Dân cư thưa thớt, sản vật lại nhiều nên họ tìm giồng
đất cao ráo, rộng rãi để cất nhà xẻ cá, làm mắm. Nhiều nhà quần tụ thành xóm
làm ăn giống nhau, nên gọi là xóm Trại Cá. Cũng chính nơi đây, Trương Định đã
có mưu trí chiến lược tổ chức trận đánh khiến binh Pháp kinh hãi và tổn thất
nặng nề. Là xóm vựa cá tôm, lính Pháp thường ra vào mua về cung cấp cho binh
sĩ. Ta thăm dò quy luật, chuẩn bị phục binh đánh úp chúng. Vào tháng 11 âm lịch
(năm 1863 ?) biển lặng, Trương Định cho trang bị 2 chiếc thuyền buồm với 100
nghĩa binh có cấp đội chỉ huy, xuất phát từ rừng Gia Thuận đi ngã biển Vàm Láng
lên Rạch Cùng, Tất cả đổ bộ lên mé rừng phía trong Trại Cá, rồi kín đáo ra phục
binh gần đường bọn Pháp hay qua lại. Ngày sau, quân Pháp kéo vào mua cá tôm như
thường lệ. Lúc trở về, bất thần quân ta xông ra nổ súng, xáp chiến, dùng gươm
đao mà tấn công. Chúng trở tay không kịp nên chết và bị thương gần hết, chỉ năm
ba tên chạy thoát. Nghĩa binh Trương Định thắng lớn, thu được mười hai khẩu
súng, mấy chục viên đạn cùng đồ quân trang. Sau trận này, ta còn bao vây đánh
đồn Bến Chùa một trận. Trong bài văn tế Trương Định, nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu
có câu:
“Rạch Lá Gò Công mấy trận người
thấy đã kinh
Cửa Khâu, Trại Cá các nơi ai
nghe chẳng hãi”
- Gò Bầu: Nhiều gò đất
cao nối tiếp nhau kéo dài từ Bình Phục Nhì đến Bình Phú thành vùng đất rậm rạp,
cây trâm bầu mọc lên dày đặc, gọi chung là Gò Bầu. Thời kỳ quân Pháp chiếm Định
Tường, sau đó tìm đường kéo binh từ Chợ Gạo tới Thạnh Nhựt rồi xuống Gò Bầu. Trương
Định đem binh nghinh chiến, nhờ địa thế hiểm yếu, gò nổng ngang dọc, nhiều điểm
phục binh. Giặc chưa thông thuộc đường sá, bị ta đánh chận gây cho chúng nhiều
tổn thất. Nhờ vậy, Gò Công được giữ vững khá lâu. Sau có Bá hộ Huy theo Pháp,
chỉ vẽ đường lối phục binh của ta để đánh vào các nơi hiểm yếu. Đồng thời dẫn
toán quân khác đánh thẳng vào Gò Công, chiếm thành và bắt giết huyện Thoại (Đỗ
Trình Thoại) là người chống Pháp. Bá hộ Huy được giặc cho giữ chức Huyện trấn
thủ nơi đây. Lúc ấy Trương Định đang đi liên kết với các lãnh đạo kháng chiến ở
xa. Hay tin Gò Công thất thủ, Trương Định đem binh đánh chiếm lại, giết Bá hộ
Huy, đuổi quân Pháp chạy về ngả Gò Bầu, lại bị phục binh ta đánh cho tan tác.
Gò Bầu thuở xưa là một tiền đồn phía Tây, mấy lần đánh giết quân Pháp. Cho nên
Trương Định giữ Gò Công được hơn ba năm. Sau khi Gò Công thất thủ, Trương Định
tuẫn tiết, có lời thơ bình như sau:
“Gò Công mấy trận thắng Gò Bầu
Địa hiểm, Trương công dụng
võ mầu
Quốc biến, loạn thần cùng
phản tặc
Một trung, hai nịnh, khó
đương đầu”
(Hai nịnh: 1/ là Lãnh binh Huỳnh Công Tấn dẫn đường bọc hậu lấy thành Gò
Công. 2/ là tên Xã Tại tư thông giặc Pháp bao vây Đám Lá Tối Trời)
- Ông Súng Cà Lăm: Là
một thớt súng thần công đặt trên mô đất cao phía Nam, giữ mặt sông Cửa Tiểu,
Bến Chùa và đồn binh Trại Cá của nghĩa binh Trương Định. Súng dài hơn 1 mét,
phần sau lớn bằng một ôm tay trẻ nhỏ, có núm, thon dài tới nòng súng cỡ cái
chén ăn cơm. Súng thần công xưa, khi bắn phải nhồi thuốc và đạn xong mới châm
ngòi, mấy phút sau sẽ phun khói, khạc ra một phát đạn. Đã chậm chạp như vậy,
súng còn “bệnh hoạn” hay “chứng chứng làm eo”, cứ lập bập mà không nổ. Vì vậy
mà đặt tên là Ông Cà Lăm. Khi chiến thuyền Pháp vào sông Cửa Tiểu, chuẩn bị đổ
bộ lên Bến Chùa, thì súng thần công phải chớp nhoáng phun lửa nhả đạn để phá
thuyền và giết giặc. Bao nhiêu binh tướng đồn Trại Cá với vũ khí thô sơ đều
mong “Ông” nhả đạn cứu đồn. Giờ phút nghiêm trọng, giặc sát bên đồn, “Ông” thần
công vẫn cà lăm, phát nổ, phát không. Quân ta không chống đỡ nổi với giặc đông,
vũ khí nhiều nên đành bỏ đồn. Đồn Trại Cá bị san bằng, quân Pháp đổ bộ lên,
đánh bọc hậu từ Bến Chùa tới Tăng Hòa, Hòa Nghị. Sau đó, thành Gò Công thất
thủ.
- Ngôi mộ Xóm Gò và các tướng
sĩ: Sau khi chủ soái Trương Định tuẫn tiết, căn cứ Đám Lá Tối Trời bị
phá hủy, nhiều tướng sĩ hy sinh hoặc bị bắt. Một số theo Phó Đô đốc Trương Công
Luận về Rạch Bùn (xã Tân Bình Điền) rừng cây sâu rộng, thông lên Rạch Cùng (xã Tân
Thành) để lập căn cứ, nhờ dân giúp sức chiêu mộ thêm quân tiếp tục kháng Pháp.
Những trận đánh phục kích khiến binh Pháp thiệt hại nhiều. Chúng dò la đường
lối, thừa cơ ta bất cẩn tiến vào bao vây bắt được Phó Đô dốc cùng nhiều nghĩa
binh đưa về bến ghe Gò Công (nay là đường Bạch Đằng) xử chém. Dân làng Tăng Hòa
đưa thi hài Phó Đô đốc Trương Công Luận về an táng tại Xóm Gò, Ngôi mộ ở xóm Lò
Gạch gần bên đường lộ đi Tân Thành, có lập ngôi miễu cúng kiến hàng năm vào
ngày mùng 7 tháng 6 âm lịch.
- Ông Nguyễn Ngọc Chấn (người làng Tân Niên Tây) tham gia cuộc khởi
nghĩa Trương Định năm 1859, lập nhiều chiến công trong trận Sông Tra, trận phục
kích Xóm Tre (Bình Thạnh Đông), giồng Sơn Quy… và được phong chức Đốc binh.
Thành Gò Công thất thủ, ông theo chủ soái rút về Gia Thuận. Ngày 20/8/1864 giặc
bao vây căn cứ, Trương Định bị trúng thương nơi đùi và tuốt gươm tuẫn tiết. Đốc
binh Chấn bị thương nơi vai vẫn còn đủ sức nhảy đến đỡ chủ soái lên cho tới khi
Ngài tắt thở trên tay. Bị giặc bắt tra tấn, mua chuộc không được, chúng đày Đốc
binh Chấn ra Côn đảo. Chín năm sau được trả tự do, ông về quê mở trường dạy học
và cùng dân lập đền thờ chủ tướng cùng nghĩa binh hy sinh. Đốc binh Nguyễn Ngọc
Chấn mất năm 1907 tại Giồng Tháp, phần mộ tọa lạc xã Tân Tây.
- Có hai câu liển ca ngợi bậc anh hùng nghĩa khí còn truyền khẩu đến
nay:
“Vĩnh Hựu Tình Chung chơn nghĩa
khí
Tân Niên Hòa Quới thị anh
hùng?
Làng Vĩnh Hựu có Đốc binh Tình và Phó Đốc binh Chung phò tá Trương Định
chống giặc, hết lòng vì nước vì dân. Sau thất thế, hai ông bị Pháp vây bắt tại
Chợ Giồng và xử bắn nơi đó. Nhân dân địa phương thương tiếc dựng miễu thờ cúng
hàng năm.
Làng Tân Niên Trung có hai ông Hòa và Quới, đều theo Trương Định nhiều
năm. Ông Hòa chưa tìm được lai lịch. Riêng ông Quới giỏi nghề mộc nên lãnh
nhiệm vụ coi đóng cọc cây, xóc rạo ngăn tàu Pháp nhiều chặn, từ sông Tra đến
sông Gò Công và vàm Sơn Quy. Ông nổi tiếng về sự gan dạ như lặn dưới sông Tra
xáp vào tàu giặc để dò xét binh tình, dùng đục sắt đục tàu. Có tin ông bị
thương trong trận thất thủ thành Gò Công. Từ đó, không ai nghe biết tăm hơi gì
về ông Hòa và ông Quới. Có phải họ đã tử trận, hay bị bắt làm tù binh rồi chết
cùng các nghĩa binh vô danh chăng?
- Tương tự trường hợp trên, nhiều người trong nghĩa binh Trương Định sau
khởi nghĩa thất bại bị giặc bắt, đến nay vẫn chưa rõ gốc gác, hoàn cảnh. Có
điểm chung, tất cả đều là những người vì nước quên thân. Như ông đội Mưu, đội
Được, đội Sai bị Pháp bắt giam cầm mấy năm, khi tự do thì về làm ruộng. Ông đội
Tung bị đày ra Côn đảo rồi chết ngoài ấy. Ông đội Lang bị cầm tù 4 năm, lúc
được thả ông về làm ruộng, dựng nhà ở gần mé rừng, dạy học trò rất đông. Nơi
ông ở gọi là Xóm mới Đội Lang (Gia Thuận - Vàm Láng…
- Một số nghĩa binh trốn vào rừng ẩn náu, quyết không đầu hàng, hợp tác
với giặc, trong số đó có ông Niên. Ông và số người đồng chí hướng tìm nơi địa
thế hiểm trở, rạch sâu nhiều lối quanh co, đắp đất cất chòi, rào giậu kín đáo
để phòng ngự thú rừng. Lúc đầu, quân Pháp còn ruồng rập, quyết bắt cho bằng hết
người chống đối. Nhưng về sau chúng thấy không hiệu quả nên thôi. Nhóm ông Niên
hàng ngày bắt cua, đặt cá… rồi lén ra xóm dân đổi gạo sống qua ngày. Dần dần họ
khai phá ruộng cấy lúa, một đời ẩn thân giữa rừng sâu hoang vắng. Con rạch ngày
xưa ấy được gọi là rạch Ông Niên (Gia Thuận) cho tới bây giờ…
Cuộc chiến đấu hào hùng của quân và dân Gò Công dưới sự lãnh đạo của
AHDT Trương Định tuy chỉ diễn ra vài năm, nhưng đã khơi dậy, hun đúc tinh thần,
truyền thống yêu nước của cả vùng đất Nam bộ. Còn biết bao tấm gương chịu đựng,
hy sinh để giữ gìn khí tiết của những nông dân áo vải tạm rời cày cuốc, cầm
súng mang gươm mà không ai biết được tuổi tên. Tất cả vẫn mãi tỏa sáng hào khí
trong lòng dân tộc. Những chuyện kể truyền khẩu hoặc ghi chép về các sự kiện,
nhân vật cùng các di tích trên đây, có thể còn chưa xác thực chi tiết vì nhiều
ký do, nhưng tất cả đều liên quan ít nhiều đến lịch sử kháng chiến chống ngoại
xâm ở Gò Công (Tiền Giang). Thật đáng để trân trọng và tự hào.
NGUYỄN KIM
_________________
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét