Chưa bao giờ mà chúng ta thấy lo âu và
bất an như hiện nay. Hàng loạt vụ thảm sát xảy ra. Chỉ tính trong vài tháng nay
thôi, vừa xong vụ ở Bình Phước lại đến Nghệ An, vừa xong Nghệ An lại Yên Bái...
những vụ giết người không ghê tay, toàn do những người trẻ thực hiện, giết
nhiều người, hành vi man rợ...
Tất nhiên là rồi lại sẽ tập trung lực
lượng vây bắt, có vụ huy động đến 500 người. Và cũng tất nhiên là bắt được. Vấn
đề là, các nhà quản lý vĩ mô phải tìm ra nguyên nhân của những tội ác ấy. Tại
sao bây giờ lại có những kiểu giết người, những loại người giết người không ghê
tay thế. Nhiều người đổ tại cho internet, cho phim ảnh bạo lực. Theo tôi là
không đúng. Đấy là văn minh nhân loại, cả thế giới người ta tiếp cận chứ có
phải mình mình đâu. Và chắc gì những kẻ giết người ấy đã vào mạng nhiều hơn
người khác, nhất là các “phây thủ” suốt ngày ôm máy tính chém gió.
Còn nhớ năm nào, mấy phu trầm ở Quảng
Trị bị giết tập thể, cả xã hội xôn xao, rồi đến Lê Văn Luyện cũng thế, nhưng
giờ, có vẻ sự xôn xao nó không còn lay động như những ngày ấy, bởi nó... nhiều
quá, chưa kịp xôn xao vụ này vụ kia đã lại gối đầu.
Cũng còn nhớ
năm nào có một vụ án rất khủng khiếp. Một nữ sinh viên cầm đầu đường dây buôn
ma túy. Chỉ nghi ngờ bạn mình cũng là một nữ sinh viên lấy trộm ma túy khi mang
đi bán mà đã lạnh lùng bắt bạn, trói bỏ vào va ly rồi chở đến một cánh đồng
và... đốt sống bạn dù bạn đã gào thét van lạy. Nhà văn Nguyễn Bình Phương đã
đưa chi tiết này vào tiểu thuyết “Xe lên xe xuống” rất hay của mình. Điều này
nói rằng, nhiều nhà văn đã không đứng ngoài cuộc khi lên án và ngăn chặn cái
ác, bằng cách của mình. Vấn đề là, hiện nay có bao nhiêu người đọc sách.
Có thể nói,
nhân cách một bộ phận người Việt đang có vấn đề. Đấy là sự lạnh lùng vô cảm, là
sự chỉ quan tâm đến mình, là sự co mình trong cái tôi, là những mâu thuẫn đến
khốc liệt giữa những hành xử thiện ác, tốt xấu, chung riêng... thậm chí là cả sự
nhân danh những điều lớn lao thiêng liêng để thực hiện mục dích riêng của mình.
Nó có ảnh hưởng
rất lớn từ gia đình, nhà trường và môi trường xã hội.
Chúng ta đã
quan tâm quá nhiều đến thành tích mà quên đi phải dạy con người biết lễ độ với
nhau và với chính mình. Đi học thì phải học giỏi, bằng mọi giá có bằng càng cao
càng tốt. Đi làm thì luôn luôn phải thi đua, rất hình thức, chứ nếu thi đua thực
chất thì tốt. Bandron chăng đầy đường khiến con người luôn trong không khí hội
hè, luôn căng mình ra trong không khí lễ hội, hào nhoáng và hoành tráng, con
người cứ bồng bềnh trong ảo giác...
Con người trở
nên thực dụng, chỉ biết mình, chỉ nhăm nhăm vun vén cho mình, và chỉ lo thỏa
mãn các nhu cầu thực dụng ấy.
Trong khi sách
văn học đích thực thì rất ít người đọc, và cũng ít được khuyến khích đọc. Nó trở
thành một thứ xa xỉ.
Thói quen đọc
sách hiện nay đang rất đáng báo động. Có sự liên quan chăng giữa việc đọc sách
và gia tăng tội ác? Theo tôi là có.
Tôi hình dung
một sa mạc khô cằn, lơ thơ những bụi cỏ cứng nhọn và sắc. Sách như những giọt
nước làm mềm đi những lá cỏ nhọn hoắt kia. Chúng sống trên sa mạc khô cằn quen
rồi, không có nước chúng vẫn sống được, nhưng rõ ràng là chúng vô cùng cằn cỗi
và nguy hiểm, những cái lá nhọn hoắt kia có thể sát thương được, trong khi bản
chất của cỏ là mềm mại, dịu dàng và xanh mát...
Có hai câu nói rất
hay của người làng Chùa hay được nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, một người con của
làng Chùa nhắc: “Thơ không làm ra thóc
vàng gạo trắng, nhưng thơ làm ra giấc mơ cho người gieo trồng” và “Thuộc một bài thơ hay thì quên đi một câu
chửi độc”. Câu này chính là đúc rút của các cụ làng Chùa trong hành
trình sống đời này qua đời khác về sự hóa giải cái ác, cái xấu bằng thơ, bằng
văn chương. Cũng như thế, sách không làm ra của cải, nhưng nó làm cho tâm hồn
con người phong phú thêm, ở đó có những giấc mơ hướng thiện, có những ý tưởng đẹp,
và ở đó, con người chắc chắn sẽ sống lành mạnh hơn, tử tế hơn. Chỉ cần tử tế
hơn một chút, con người sẽ tránh xa tội ác được một khoảng cách rất dài...
VĂN CÔNG HÙNG
__________________
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét