“Những con mắt biển”, tập thơ văn viết về biển đảo do Hội Nhà văn Đà
Nẵng xuất bản tháng 10 – 2015, là tình cảm của những công dân Việt Nam cầm bút
đối với quê hương, đất nước.
Gần 350 trang, với nhiều thể loại,
từ những bài ký đậm chất chính luận kết hợp với tự sự, đến những bài thơ, tùy
bút đầy chất trữ tình, từ những phóng sự vẫn còn tính thời sự, đến những truyện
ngắn với những nhân vật, sự kiện… đã nói lên sự phong phú, đa dạng trong từng
phong cách của người viết, nhưng tất cả đều thể hiện cái chung là tình yêu biển
đảo, quê hương, con người Việt Nam.
Đầu tập sách là “Biển Đông – biển của hòa bình”, ký của
Bùi Văn Tiếng, và cuối tập sách là “Đảo gọi”,
truyện ngắn của Phan Trang Hy, như gói gọn thông điệp, chuyển tải khát vọng hòa
bình của dân Việt, cùng tình yêu biển đảo của mọi công dân để bảo vệ hòa bình
trên biển Đông như lời dặn của Nguyễn Bỉnh Khiêm: “Vạn lý Đông minh quy bả ác/ Ức niên Nam cực điện long bình.” (tạm
dịch: “Biển Đông vạn dặm dang tay giữ/ Đất
Việt muôn năm vững trị bình”).
Khát vọng hòa bình, tình yêu biển
đảo như lan tỏa từng trang viết. Dù nhiều cung bậc, cách nghĩ khác nhau, nhưng
tất cả là đồng ca, là dõi nhìn một hướng. Tình yêu, khát vọng đã trở thành niềm
tin trong mỗi người dân Việt, được nuôi dưỡng từ dòng lịch sử hào hùng của Như
Nguyệt, Bạch Đằng, Chi Lăng, Đống Đa để mỗi chúng ta thấy tình yêu, hòa bình là
thiêng liêng biết chừng nào, bởi đó là niềm tin chính nghĩa:
“Tôi một lòng tin như mọi lần rồi bão dữ sẽ tan
Tổ quốc tôi lại mênh mang màu
xanh từ đất liền ra biển đảo”
(Nguyễn Kim Huy, Bài thơ nhỏ tôi dâng lên Tổ quốc)
Tình yêu quê hương, khát vọng hòa
bình đâu chỉ ở người đang sống mà có cả ở hồn người đã khuất, hồn của những ngư
dân, chiến sĩ hòa trọn hình hài vào biển Việt Nam:
“Các anh đang ở đâu giữa lòng biển khơi
Nghĩa trang quê nhà vẫn ghi
tuổi tên, nhưng là những nấm mộ gió
Các anh bây giờ đã thành người
thiên cổ…”
(Nguyễn Văn Tám, Hồn biển)
Chính tình yêu, khát vọng hòa
bình đã hóa thành tình yêu cụ thể về con người, vùng đất.
Hình tượng “biển” trở thành hình
tượng thơ từ khi nào chẳng rõ. Hình tượng ấy cũng đã ở trong thơ của Xuân Diệu,
Xuân Quỳnh… Và giờ đây, hình tượng biển lại gắn liền với bi tráng của dân tộc,
gắn tiếng lòng của thi nhân cùng biển:
“ Đất nước trăm con sông đều xẻ đường hướng biển
Trăm ngọn núi Trường Sơn
đau đáu phía Trường Sa
Chiều chiều bước chân tôi
thong dong trên cát
Nghe muối biển Đông thấm
mặn thịt da mình”.
(Nguyễn Nho
Khiêm, Biển)
Đâu chỉ “nghe muối biển Đông thấm
mặn thịt da mình” mà hồn của người dân Việt như đau nỗi đau tột cùng khi đảo
quê hương rơi vào tay giặc. Nỗi đau ấy là thực như thời gian còn ghi trong bài
ký “Gửi hồn ra biển Đông” của Văn
Thành Lê: “Chiều 30 Tết Giáp Dần, 1974, đúng 3 ngày sau khi thất thủ Hoàng Sa,
nhà thơ Phạm Lê Phan từ Gia Định cầm lòng không đậu đã viết Bài cho hải đảo hờn căm với những câu
thơ thê thiết cháy lòng: Lời biển gọi cuối
năm/ Hờn căm trừng mắt lửa/ Hỡi Hoàng Sa, hỡi Hoàng Sa… Mẹ đứng mũi Sơn Chà/ Gửi
hồn ra Đông Hải…”.
Đó còn là con mắt yêu biển. Yêu
biển gắn liền tình yêu Tổ quốc. Tổ quốc của ngư dân là biển cả. Cả tháng năm
mưu sinh, lòng người dân làng cá gắn với vị mặn của biển, gắn với gió nồm, gió
nam, gắn với đi khơi, đi lộng, gắn với những đêm lênh đênh trên biển. Và niềm
tin ở họ là niềm tin về một ngày yên bình, về những ngày cùng lòng, chung sức
trên vùng biển quê hương. Chính những ngư dân minh chứng hùng hồn về quyền làm
chủ biển Đông. Bởi họ là: “Những con người
quen với bão giông/ Quen với những lao đao, nhọc nhằn, gian khổ/ Quen với những
cuộc tình dang dở/ Nhưng không quen nô lệ dẫu chỉ một ngày/ Ở quê hương tôi, ở
đất nước này/ Có hàng triệu những con người như thế” (Phạm Minh Giang, Ngư dân).
Đó còn là con mắt dõi về biển đảo,
lòng “Nghĩ về biển đảo” (Lê Huy Hạnh).
Đó cũng là tình yêu của những người quặn đau con chữ để viết về những người con
giữ biển đảo. Này là hình ảnh người lính giữa trùng khơi hiển hiện hình hài như
trong truyền thuyết cội nguồn dân tộc Việt: “Dáng
người lính giữa đảo trời lồng lộng? Như từ trong từng trứng nở dần ra…” (Nguyễn
Minh Hùng, Những quả trứng nở ra).
Đó cũng là những con mắt hướng về
Trường Sa, nơi đầu sóng ngọn gió, nơi người lính luôn vững chắc tay súng canh
giữ biển trời. Nơi ấy, chắc rằng người lính đang chờ thư người yêu, nơi ấy chắc
rằng bài hát về biển trời luôn vang vọng, nơi ấy có quả bàng vuông, có san hô,
có những điều bình dị thấm vị mặn mồ hôi, và hòa cùng gió biển là mùi lính biển,
mùi của ngư dân. Đó là “Sóng ở Gạc Ma”
(Lê Thanh My), “Chiếc áo Trường Sa”
(Lê Đào), “Viết cho người lính biển”
( Phạm Thị Phương Thảo), “Ký ức người
lính đảo” (Sương Thu), và đó cũng là tình cảm với Trường Sa của Huỳnh Thúy
Kiều, Võ Thị Hồng Tơ, Bích Chi Hoàng Kim, Quốc Long, Phạm Anh Xuân…
Đó còn là con mắt luôn hướng về
tương lai, dẫu biết rằng “Cơn bão ấy đi
qua, còn bao cơn bão khác/ Chỉ phía bờ một hướng với nhau thôi/ Cuộc sống ở
phía bờ trông cả ở ngoài khơi/ Không biết trước điều gì vẫn phải ra phía ấy/
Kinh nghiệm bão đổi chiều cho chúng ta lớn dậy/ Cùng ngư dân đi đánh bắt xa bờ”
(Nguyễn Hưng Hải, Viết sau bão). Hướng
về tương lai để tin vào thế hệ tương lai, thế hệ của những ngư dân trẻ, của những
công dân biển với khát vọng vươn ra khơi xa, khát vọng luôn canh cánh bên lòng,
khát vọng mặn nồng vị biển, để rồi, những đứa trẻ - công dân biển ấy tự biết
mình những điều cần và đủ: “Những đứa trẻ
cần được may áo mới/ Những đứa trẻ cần tự biết ra khơi” (Đinh Thị Như Thúy,
Những đứa trẻ).
Đó là con mắt ký sự viết về Hoàng
Sa, Trường Sa, biển Đông. Mỗi con mắt có một cách nhìn. Có cái nhìn vào quá khứ,
vào những gì đã qua, in dấu ấn “79 ngọn hải
đăng trải dài dọc ven biển hình chữ S của đất nước”, dấu ấn của Nguyễn Đình
Lạc, “người có cơ hội trở thành phóng viên
ảnh đặt chân ra vùng biển Hoàng Sa sớm nhất (2004)” (Trần Trung Sáng, Ký ức những con mắt biển và Hoàng Sa – Trường
Sa). Đó cũng là con mắt suốt cuộc hải trình “Ký sự Trường Sa” (Trúc Giang). Đó còn là phóng sự của Trần Công
Khanh “Giữa Hoàng Sa cùng “Chiến mã”
KN762”, là bút ký “Hướng ra biển lớn”
của Nguyễn Thị Thu Sương, ký “Khi Tổ quốc
nơi đầu sóng” (Thuận Tình), là “Để
Bình Ba bình yên” (Chế Diễm Trâm)…
Còn biết bao con mắt nữa! Con mắt
của biển, con mắt tâm hồn của người viết về nỗi yêu thương, viết về biển, về
tình yêu với biển, về những địa danh, con người trong những tình huống cụ thể.
Đó là “Tổ quốc nhìn từ biển” (Nguyễn
Việt Chiến), “Lính đảo” (Đỗ Như Thuần),
“Từ biển” (Trần Mai Hường), “Chim biển” (Ngân Vịnh), …; đó cũng là “Tiếng của biển” (Hoàng Trọng Dũng), “Trường ca biển” (Hữu Thỉnh),“Dấu chân người lính biển” (Mai Hữu Phước),
“Gửi nghìn trùng” (Nguyễn Nhã Tiên),
“Hạnh ngộ biển” (Vô Biên), “Cuối năm với biển” (Trương Điện Thắng),
“Điểm hẹn giữa trùng khơi” (Nguyễn
Sơn Trà), “Sóng” (Nguyễn Nho Thùy
Dương), “Nhớ xóm chài quê” (Hùng Cường),
“Cảm nhận từ Lý Sơn” (Huỳnh Viết Tư),
“Làng chài quê tôi” (Phạm Tuấn Vũ).
Và đây là những con mắt của Trương Vũ Thiên An, Xuân Hiệu, Nguyễn Xuân Tư, Phạm
Thị Ngọc Thạch, Lý Thị Minh Châu, Phạm Hồng Sương, Trần Xuân Thành, Bùi Công
Khanh, Ngô Thế Lâm, Nguyễn Ánh Tuyết Trinh, Võ Khoa Châu, Phú Thiện, Hoàng Bạch
Nga, Nguyễn Thị Anh Đào, Mai Văn Hoan, Vạn Lộc, Ngũ Hành Sơn, Nguyễn Nho Anh Tuấn,
Hoa Hướng Dương, Trần Văn Thọ, Tường Huy, Nguyễn Hoàng Thọ…
Đặc biệt, là con mắt ngóng về
Hoàng Sa – quần đảo Cát Vàng. “Hoàng Sa
trong trái tim người Đà Nẵng” (Bùi Văn Tiếng), Hoàng Sa trong trái tim người
dân Việt! Nỗi nhớ về Hoàng Sa luôn canh cánh bên lòng. Đó là nỗi nhớ của những
người từng một thời sống ở Hoàng Sa, “đất
trời Hoàng Sa đã thấm máu thịt, thành một phấn cơ thể của họ” (Thu Sương, Hoàng Sa một thời tuổi trẻ). Hoàng Sa,
hai tiếng thiêng liêng nào ai không gọi? Hoàng Sa một thời trong tim bao người
dân Việt. Biết bao lần hai tiếng Hoàng Sa vang lên uất nghẹn trong lòng. Mãi
mãi Hoàng Sa là của Việt Nam:
“Dẫu một nghìn năm sau và mãi mãi
Hoàng Sa muôn đời là máu thịt Việt Nam”
(Đặng Hoàng
Thám, Hoàng Sa trong tôi).
Hoàng Sa mãi trong tim người Việt
là thực, thực đến độ như Tổ quốc gắn liền với đất nước, gắn liền với biển đảo,
thực như đồng bào ngư dân Việt xem Hoàng Sa là ngư trường nuôi vợ con, gia đình
họ. Và ở họ cũng “Rọi nỗi đau lên hồn ta
Hoàng Sa đất Việt/ Gió trời sóng biển trùng khơi vẫn từng đợt từng đợt vỗ về
chân đảo biếc” (Trần Nguyên Thạch, Xin
gửi Hoàng Sa). Và biết bao con mắt dõi về Hoàng Sa trong nỗi nhớ. Chỉ chớp
giật biển xa, ta cũng giật mình vì nơi xa ấy là Hoàng Sa ruột thịt quê hương: “Chớp biển phía ấy/ Phía Hoàng Sa/ Bãi Cát
Vàng sáng lên/ Phút chốc/ Ta kịp thấy lô nhô bóng quân xâm lược” (Thanh Quế,
Đêm Đà Nẵng nhìn chớp giật biển xa).
Nỗi nhớ Hoàng Sa là nỗi nhớ cụ thể,
nỗi nhớ về một vùng biển trời, hải đảo mà trong tâm tưởng người Việt Nam ai
cũng muốn một lần về lại Hoàng Sa. Nỗi mong chờ ấy, ước mơ ấy luôn âm ỉ trong
lòng. Tôi cũng vậy! Và tôi chợt nghĩ về dân tộc Do Thái đã từng chào nhau “See you
next year in Jerusalem – hẹn gặp nhau sang năm tại Jerusalem.” Và người Việt Nam cũng từng mơ một ngày nào đó về lại Hoàng
Sa. Giấc mơ ấy có thành hiện thực? Cứ mơ! “Mơ
về lại Hoàng Sa” (Phan Trang Hy, Hoàng
Sa). Và cứ tin! Tin một ngày ta về lại Hoàng Sa: “Như đứa con xa/ trở về với mẹ/ bãi san hô gành đá Hoàng Sa/ sẽ trở về đất
tổ quê cha/ Tôi sẽ đến Hoàng Sa/ bởi lẽ giản đơn, không thể nào không đến/ Tôi
sẽ đến Hoàng Sa/ cho ngày vui trọn vẹn!/ Tôi sẽ về Hoàng Sa/ như về nơi chôn
rau cắt rốn!/ Tôi sẽ về Hoàng Sa/ như tình yêu đã hẹn!...” (Lưu Trùng
Dương, Nhớ Hoàng Sa). Và còn rất nhiều
những câu chữ trải lòng với Hoàng Sa thân yêu. Những câu chữ ấy như những đợt
sóng vỗ vào quần đảo Cát Vàng. Đó là những câu chữ của Hoàng Anh, Phương Hồng,
Lê Anh Phong… như những con sóng quấn quýt Hoàng Sa.
Những
con mắt biển – những con mắt luôn dõi về biển Đông, dõi về Hoàng Sa, Trường Sa.
Những con mắt đang ánh ngời ánh sáng tình yêu biển đảo Việt Nam. Chắc rằng, những
giọng điệu mỗi người có khác nhau, âm vực khác nhau, nhưng điều quý là đều
chung một tiếng lòng, tiếng lòng cất lên từ tâm hồn Việt khát vọng hòa bình.
“Những
con mắt biển” nhìn về một hướng: Biển Việt Nam! “Những con mắt biển” – những
con mắt khát vọng hòa bình!
PHAN TRANG HY
_________________
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét