Sau thời khóa công phu
chiều, tôi tản bộ ra ngắm vườn rau dưới ánh hoàng hôn. Vài luống cải cúc cuối cùng cũng chịu cười giòn tan khi khoác lên mình bộ
cánh vàng dịu nhẹ dưới ánh nắng chiều
tà. Chúng tinh nghịch, nhún nhảy chơi đùa cùng với gió. Vậy mà tôi cứ tưởng
chúng đang cùng nhau nhảy điệu Tango đón xuân về.
“Dăm ba
ngày nữa tin xuân tới
Pháo nổ nhà ai một tiếng đùng”
(thơ Nguyễn
Khuyến)
Thế là đông tàn xuân đến.
Thế là một mùa Tết nữa lại ngấp nghé gần kề bên bậu cửa rồi ư! Bản nhạc Trịnh
quen thuộc của cô bé Phật tử cạnh chùa tiếp tục vang lên: “Nhiều khi muốn đi… về nơi phố xa. Nhiều khi muốn quay về… ngồi yên dưới
mái nhà…”. Tôi ngồi đó, dựa lưng vào cội bồ đề, mông lung suy nghĩ, và để
âm thanh sâu lắng của bản nhạc hòa quyện cùng tiếng chim sâu ru tôi chìm vào
trong giấc ngủ. Rồi giấc mơ cứ thế nhẹ nhàng đến với tôi lúc nào tôi cũng không
hay biết. Trong giấc mơ, tôi nhìn thấy mình của cái Tết mười năm về trước.
Năm đó nhà tôi chẳng
giàu có gì. Ngược lại, còn thuộc vào diện gia đình nghèo nhất xóm. Ba tôi mất sớm,
để mẹ một mình bươn chải lo cho tôi ăn học. Nên cuộc sống vốn đã khốn đốn nay lại
càng khốn đốn hơn. Ngày cuối năm, các bạn được diện quần áo mới vui đùa, còn
riêng tôi vẫn với bộ quần áo vá đùm vá đụp mà mẹ mới xin về được cho tôi từ ông
anh họ. Mẹ bảo “Cũ người mới ta”. Và tôi cũng tin là thế.
Cuối năm nhà nào cũng bận
rộn. Nhà tôi không ngoại lệ. Tuy còn nhỏ, tôi cũng biết phụ mẹ dọn dẹp và trang
hoàng nhà cửa. Trong khi tôi hái những quả dành dành về vẽ hoa, dán báo lên tường
và ngồi bện ổ rơm thành đệm nằm, thì mẹ đi bòn mót những ngò khoai và rau cải sậy
ở bờ mương về làm món ăn trong mấy ngày Tết. Món ăn tôi thấy sang nhất có lẽ là
món đậu phụ sốt cà chua (mà có lẽ cũng chỉ những ngày này tôi mới được ăn).
Xong việc được giao,
tôi ba chân bốn cẳng chạy ùa ra ngã ba Bà Đài để vui cùng tụi bạn. Ngày đó trò
ưa thích nhất của chúng tôi là pháo. Có rất nhiều pháo tự chế đầy sáng tạo, mà
tôi nghĩ, người lớn, dù có tài giỏi đến mấy cũng chẳng phát minh ra.
Pháo đầu tiên là pháo
diêm. Chúng tôi lấy những đầu đỏ của que diêm gói gọn vào trong tờ giấy báo, rồi
cắm vô bãi phân trâu. Sau khi cả lũ tụ tập đi vòng quanh thì đứa đầu trò sẽ
châm lửa. Pháo nổ, đứa nào không chạy kịp sẽ bị phân trâu bắn tung tóe đầy người.
Pháo thứ hai là pháo điền thanh. Chúng tôi đốt những cây điền thanh đã được
phơi khô. Lấy tro gói vào trong giấy báo, sau đó châm lửa và ném lên bụi tre.
Những lúc đó, xác tro bay ra như những xác
pháo nhộn nhạo giữa bầu trời cao xanh sao mà đẹp thế!
Trò chơi mà cho đến bây
giờ nghĩ lại tôi vẫn thấy rợn người vì bẩn, lại là trò từ đất. Cuối đông nên ruộng
nào cũng khô, chỉ còn trơ gốc rạ. Chúng tôi ra đồng lấy đất về trộn vào nước và nặn thành hình tròn to bằng lòng bàn tay
và ở rỗng giữa. Sau đó nhổ nước bọt vào lỗ rỗng rồi ném mạnh xuống lòng đường.
Tiếng nổ tanh tách cứ dồn dập từ đứa này qua đứa khác nghe thật vui tai.
Ngày ba mươi Tết, như tất
cả những gì người lớn thường làm, chúng tôi cũng đua đòi tụ tập nấu bữa cơm tất
niên sum họp. Những đứa trẻ tham gia vào bữa tiệc đầy ý nghĩa này đều là lũ
choai choai trong xóm. Không đứa nào bảo đứa nào, nhưng tất cả chúng tôi đều biết
mình cần phải làm gì. Như một chiếc máy tính đã được lập trình sẵn, cả lũ lao
vào công việc của mình mà không cần đợi ai sai bảo. Đứa thì kiếm củi, đứa vo gạo,
đứa kiếm vỏ chai để làm nồi nấu cơm, đứa hái lá dâm bụt nấu canh, đứa đi kiếm
quả đay rang lên giã làm vừng. Và đứa nào khéo tay nhất sẽ đi hái lá dứa về làm
vương miện, cho cả lũ đội đầu…
Khi
tất cả các công việc được hoàn thành đâu vào đấy, chúng tôi sẽ bày cỗ ra
những tàu lá chuối và xếp bằng tròn quanh đó. Trong khi chờ đợi thằng Thiệu
tuyên bố lý do của bữa tiệc, đứa nào đứa nấy đều nhắm mắt và lẩm bẩm cầu nguyện.
(Tôi không biết chúng nó cầu gì mà lẩm bẩm lâu thế. Riêng tôi, chỉ mong nhận được
nhiều tiền lì xì đỏ thắm và có cái váy màu vàng rụm như con Dung mặc trong buổi
học cuối năm).
Rồi chúng tôi hát. Từ
bài “Hai con thằn lằn con” đến bài “Bốn phương trời”, “Nối vòng tay lớn”. Chẳng
bài nào ăn nhập chủ đề, nhưng rõ ràng tất cả chúng tôi đều cảm nhận được không
khí sum họp đầy ấm áp của bữa cơm tất niên mà cái Tết diệu kỳ mang lại.
Giờ đến lúc lao vào cuộc
đua ăn uống. Và dù đó là bữa tiệc với toàn những món… không ăn được, nhưng miệng
đứa nào cũng xuýt xoa, giả bộ hít hà mùi vị ngậy béo và thơm phức. Thỉnh thoảng,
tôi liếc qua tất cả lũ bạn và khựng lại ở chỗ con Thúy béo. Trong lúc “tràn trề
cảm xúc”, nó cao hứng đưa cái lưỡi dài
thều lều liếm quanh môi rồi nuốt nước bọt rụp một cái qua kẽ răng. Nghe đến là
thèm. Có đứa giả bộ cầm lấy cái chai nhựa đưa người lắc lư, bước chân loạng choạng
và xiêu vẹo như mấy ông bố say rượu vẫn thường làm, khiến chúng tôi bò lăn ra
cười nắc nở.
Bữa tiệc chỉ tàn khi một
đứa nào đó kịp nhìn thấy những ông bố bà mẹ với nét mặt nghiêm nghị, trên tay cầm
cái roi mây dài và to tổ bố. Cả lũ nhộn nhạo, có đứa vứt cả dép để bỏ chạy. Sau
những trò nghịch ngợm ấy, bao giờ chúng tôi cũng bị ba mẹ nện cho một trận nhừ
đòn. Thế mà chẳng đứa nào chừa được. “Nước đổ lá khoai”, đâu rồi lại đóng đấy.
Mồng một Tết, mẹ lấy lọ
nước hoa ra xức khắp người tôi cho thơm (mà cho đến tận bây giờ tôi mới biết lọ
nước hoa đó là… lọ dầu gió xanh Thiên Thảo). Mẹ bảo tôi khai bút trước khi đi
chúc Tết ông bà và cô, dì, chú, bác. Năm đó cũng là năm đầu tiên tôi biết làm
thơ. Bài thơ ấy cho đến tận bây giờ đọc lại, tôi vẫn có một cảm xúc mênh mang,
bồi hồi khó tả.
“Ô kìa hạt
sương
Đọng trên đầu ngọn lá
Con chim xa uống cạn
Tan thành ban mai
Đang miên man miên man.
Chợt có ai khẽ lay nhẹ bờ vai gọi. Tôi giật mình tỉnh dậy, bên cạnh là sư phụ với
nụ cười điềm đạm. Không biết sư phụ có đọc được giấc mơ của tôi không, nhưng người
không nói gì. Chỉ thung dung rảo bước vào nhà, vừa đi vừa đọc bài kệ:
“Buông xuống
đi, hãy buông xuống đi
Đắm chấp làm chi có ích gì
Thở ra chẳng lại còn chi nữa
Vạn pháp vô thường, buông xuống đi”.
THÍCH NHẬT MINH
_____________________
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét