Con đường vẫn tấp nập xe
cộ, các chàng trai cô gái hẹn hò đang về nhà, từ xa vọng lại tiếng chuông tan
tầm ca hai của một khu công nghiệp, những chuyến xe hàng tranh thủ chạy về đêm
vì đường sẽ không ùn tắc, những vị khách cuối cùng của những gánh hàng dong đã
bắt đầu về. Những bác xe ôm cũng đang về thì phải, đúng rồi giờ này các bác
cũng đâu có khách nữa.
Mọi người đang về nhà, bây giờ đã gần mười giờ khuya, ít
phút nữa mình cũng sẽ lên xe nhưng không phải là về nhà, mà là để đi xa, đi đến
một nơi đã ghi tên nó, nơi mà như mọi người vẫn nói “Quê hương thứ hai”. Lẽ ra
lúc này nó nên nghĩ đến tương lai, nên mơ về những thành công sẽ chờ đón mình,
nên háo hức, hồi hộp tưởng tượng xem ở nơi mới mình sẽ được chào đón như thế
nào! Nhưng hình ảnh mọi người hối hả trở về nhà lại làm cho nó muốn quay ngược
trở lại. Nó đang nhớ, từ nhớ ngôi nhà vừa mới chỉ xa cách đây
hơn một giờ đồng hồ. Rồi nhớ, hình như nó đang lục lại trí nhớ xem vì sao mình
lại đứng đây? Vì sao lại không quay về nhà dù đang nhớ đến quay quắt?
Tốt nghiệp đại học ba
năm, cũng ba năm nó là cô giáo dạy hợp đồng. Cứ mỗi mùa hè khi những học sinh
vui sướng vì được tạm gác việc học để vui chơi, những đồng nghiệp vui vẻ vì
được tạm gác công việc để nghỉ ngơi thư giãn thì lòng nó lại buồn hơn ai hết.
Cái suy nghĩ mình sẽ là người thất nghiệp cứ dày vò tâm trí khiến nó khó chịu
vô cùng, “Thời gian ơi sao ba tháng hè lại dài khủng khiếp thế, quy luật vũ trụ
thay đổi rồi chắng?”, nó vẫn đếm thời gian rồi tự hỏi như vậy dù biết đó là câu
hỏi thừa. Đã bao lần Hiền – cô em cũng dạy hợp đồng cùng trường hỏi nó:
- Không biết bao giờ mới có thi công
chức chị nhỉ? Cứ như thế này, em nản lắm rồi!
- Chị cũng không biết nữa, mà có thi
liệu mình có đỗ được không? Giờ nhân tài như lá rừng chứ không phải như lá mùa
thu như xưa nữa đâu.
- Vâng, em cũng biết thế. Thôi kệ
- Từ bỏ à em?
- Không chị, nhưng nghĩa đến thế em
lại cũng nản. Chả chắc mình đỗ đâu mà mong.
- Nếu đỗ thì sao?
- Thì sướng chứ sao. Nếu đỗ đầu tiên
em sẽ gào lên cho trời đất dung chuyển, sau nữa là moi hết tiền ra để khoe,
khao mọi người. Mà đỗ thật thì có bao nhiêu tiền em moi ra bằng sạch, moi sạch
để khao mọi người.
Lúc đó sao nó ước ao được nhìn thấy
tên mình trong danh dách trúng tuyển nào đó thế không biết. Chắc nó cũng sướng
đến phát điên, cũng gào lên cho dung trời chuyển đất như thế. Nó sung sướng mà.
Nếu nơi nào cho mình một sự ổn định, tôi cũng sẽ đi, ở cùng trời cuối đất cũng
đi, nhất định là như thế!
- Cháu ơi, mua ít kẹo ngậm lát lên xe
đỡ say. Cháu đang đợi xe à?”- Tiếng của người bán hàng dong làm
nó giật mình trở lại với thực tại.
Để đỡ lời, nó cười
chừ và mua vài chiếc kẹo bạc hà.
- Lúc nãy nghĩ
gì mà cười một mình thế cháu, sao lại đi bắt xe một mình mà không có ai đưa
cháu đi thế ?
- Dạ không có gì
đâu ạ, cháu lớn rồi mà.
Nó lớn
rồi ! Phải, lớn lắm rồi. Lẽ ra phải thành đạt lắm rồi mới phải. Ba mươi
tuổi, thế mà giờ mới đỗ công chức, có nghĩa rằng tất cả giờ mới bắt đầu với nó
có phải hay không ?
Vâng, có lẽ với
một người học hành muộn màng như nó niềm vui sướng khi trúng tuyển viên chức sẽ
nhân gấp bội mới phải. Thế mà lúc biết mình đã đỗ, trong lòng nó lại như chút
đi một gánh nặng, nó cảm thấy nhẹ nhõm phần nào; nhưng trong suy nghĩ có một
thứ vô hình khiến nó không gào lên sung sướng như nó đã tưởng, nó lờ mờ cảm
nhận áp lực mới đang đè lên tâm trí. Thật huyễn hoặc, xưa nay nó tự tạo cho
mình bao áp lực, khiến mình không biết tận hưởng trọn vẹn niềm vui, cũng làm
cho nó dần trở nên sống khép kín hơn.
Sau vòng thi đầu
tiên, từ hai trăm hai nhăm người dự thi môn Văn, giờ còn lại mười lăm. Nó thấy
tên mình, cảm thấy nhẹ nhõm “Có lẽ mình không đến nỗi tệ” - nó nghĩ thế
để tự an ủi mình “Được rồi ! thi tiếp để thử sức, nếu không đỗ thì coi như
đi học vậy”. Nó buồn cười, hình mình nó lại sắp thốt lên câu cửa miệng của mấy
đứa đi thi công chức “Thi để lấy kinh nghiệm”
Phải cố cho hết sức, nó mong muốn được biết thực sự “Nó đang ở đâu trong
cuộc sống gần như là ảo này”.
Sau vòng thi thứ hai. Tổng điểm nó
đứng thứ năm, tất cả các phần thi đều đạt. Lấy ba mươi nhăm, liệu có được không
nhỉ ? Không biết, chưa có gì là
chắc chắn. Nó gọi về nhà để hỏi đứa bạn xem đã có quyết định kí hợp đồng mới
chưa.
- Chưa có đâu nàng ạ. Mà sao một tháng lên đó chơi những hai lần thế ? Có
gần đâu, nàng dạo này cứ như chim ấy nhỉ ?
- Ừ, đi cho đỡ
chán, ở nhà nghĩ đến công với việc, tôi mệt mỏi thêm.
- Chẳng biết bao
giờ mới thi công chức nàng nhỉ ? Mà thôi, tôi chẳng mong, mấy đứa bạn tôi
năm ngoái bảo thi mà cứ đọc lệnh những hơn hai trăm triệu, mà tôi với nàng thì
tự lực, làm gì có mà công với việc.
Câu nói của cô
bạn khiến nó không còn để ý đến vị trí
thứ năm ấy nữa. Nó lên đây chỉ mang theo “Cái đầu” nên thôi, vị trí thứ năm đó
chắc vô nghĩa. Vậy nên nó cười mừng khi một tiếng sau nhận tin sẽ kí tiếp hợp đồng, không
nghĩ ngợi gì nữa nó khoác ba lô lên thành phố để bắt xe về. Trước khi về nó sẽ
vào nhà anh chị họ để chào, anh chị đã lo cho nó xuất mấy ngày đi thi, mong anh
chị đừng thất vọng về nó.
- Cô đi đứng
kiểu gì mà cả nhà gọi không được.
Anh họ vừa mở
cửa xe, vẻ mặt vừa lo lắng vừa tức giận nhìn nó. Vẫn chưa tháo được chiếc mũ
bảo hiểm ra, nó sợ hãi, tái mặt.
- Em tắt chuông
điện thoại, có việc gì sao cả nhà gọi em thế ạ ?
- Không về nữa,
ở lại để nhận quyết định, có quyết định đỗ rồi cô ạ.
À ra thế, thật
nhẹ nhõm, rồi lại suy nghĩ cũ hiện lên trong đầu nó "Ừ, mình cũng không
đến nỗi tệ”. Tự dưng nó cảm thấy suy nghĩ trước kia của mình là tiêu cực. Phải,
nó đã nghĩ không có tiền thì chuyện thi đỗ chỉ là ảo tưởng. Giờ nó thấy tôi đã
sai. Nó cười vì nhận ra điều đó. Và một niềm tin lại như nảy nở, sinh sôi nơi
vùng đất lạ này.
Chiếc xe của nó đã đến kia rồi. Đến để đưa nó lên Tây Bắc. Và nó sẽ bắt đầu
từ cuộc sống mới ở vùng núi Tây Bắc này. Mặc những tiếng nói thì thầm của những
người khách đồng hành, nó chỉ nghe thấy tiếng lòng mình. Nó đã tìm được lí do
vì sao mình đứng đợi chuyến xe giữa đêm khuya, đôi chân không còn nghĩ đến việc
xoay ngược trở lại để chạy về nhà nữa. Nó đặt lên chán như để đè nén, để sắp
xếp lại những cảm xúc, những suy nghĩ đang dồn chứa trong đầu.
Trên vùng đất lạ nó sẽ sống thế nào nhỉ ? Ba mươi năm gắn bó với một
vùng quê, trong thời gian đó bảy năm đôi chân nó đi về giữa Hà Nội với Tuyên
Quang. À, nó đã từng bảy năm ở Hà Nội. Đó là bảy năm cuộc sống cuộc sống của
một người công nhân nhà máy cùng quãng đời sinh viên đẹp và vui. Trong bảy năm
ấy, nó vẫn không nguôi nhớ quê, và khi quãng thời gian sinh viên kết thúc, nó ngồi
trên chiếc xe phóng thẳng về quê lòng sung sướng. Sao lúc này nó thấy mình vô
tình với Hà Nội đến vậy, nó về quê cứ như đang chạy bỏ nơi đã cưu mang mình
suốt bảy năm dài. Không, Hà Nội ơi, nó
yêu Hà Nội lắm, nhưng không thể so sánh Hà Nội với quê được.
“Mình đã ở quê
hơn 20 năm. Chắc cũng phải cần từng ấy năm mới đủ để mình yêu Hà Nội giống như
yêu quê mình”.
Thế thì bao giờ
nó mới yêu vùng đất mới này như quê mình nhỉ ? Quê ơi, nó đi xa quê vì
cuộc sống mưu sinh hay cũng vì chính ước mong của mình. Trên vùng đất lạ ấy nó
đã từng mỉm cười nhẹ nhõm, nơi vùng đất lạ này cũng đã ươm mầm trở lại niềm tin
trong nỗi vô vọng kéo dài bấy lâu nay của nó. Đó là điều bắt đầu, cuộc sống nơi
đâu đều có chông gai, nó sẽ đặt đôi chân trần lên vùng đất lạ đấy bước đi để
cảm nhận tất cả, kiên nhẫn dù bàn chân thấm đau vì những mũi gai, để từ đó trân
trọng, giữ gìn, chắt chiu sự ngọt lành, êm ái của những tấm lòng yêu thương con
người. Con đường trải hoa hồng và trải cả những chông gai sẽ đợi, sẽ thử thách
đôi bàn chân của nó. Nó có lí do hay có duyên đến nơi đây, thì con đường hoa
hồng hay chông gai kia cũng là con đường mà nó phải chinh phục. Đau thì cứ
khóc, hạnh phúc thì hãy mìm cười. Hãy cứ xé màn đêm mà đi, hay cứ tiến về phía
trước như chiếc xe đang đưa nó đến vùng đất mới này vậy. Nó sẽ vượt lên tất cả
bằng đôi chân của mình như những gì đã từng làm trước đó.
Nó nhìn qua tấm
kính, ánh điện thưa thớt của những ngôi nhà ven đường loang loáng trôi lại phái
sau. Nó tưởng như những ánh sáng ấy đang chảy thành dòng, sóng sánh rồn về tạo
thành những con chữ quen thuộc, thật rõ ràng, lòng nó như reo lên cùng dòng chữ
ấy
“Đứng dậy, khoác
ba lô lên. Và đi !”
Nguyễn Bích Phượng
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét