Một chiều, tôi hận hạnh được nhà thơ
Xuân Thao mời tham dự buổi ra mắt tập thơ của anh tại một nhà hàng tương đối
sang trọng. Vốn là một con dế mới biết gáy nên tôi không quen biết ai trong
giới văn nghệ sĩ tại Đà Nẵng ngoài Xuân Thao và Thế Lộc. Tôi ngồi lặng lẽ ở một
góc bàn, nhìn quý vị quan khách lần lượt vào, bắt tay chào hỏi nhau thân thiện.
Một vài vị chào nhẹ tôi, còn đa số thì như không thấy tôi ngồi đó.
Bên cạnh tôi
cũng có một người ngồi rất lặng lẽ. Anh ta có dáng dấp nho nhã và trầm tư.
Thỉnh thoảng anh đưa máy ảnh lên chụp rồi lại ngồi yên lặng. Thế nhưng, khác
với tôi, nhiều nhà thơ, nhà văn bước vào đều đến vồn vã chào anh trước. Họ gọi
anh là Hư Vô. Có lẽ đó là bút hiệu của anh. Anh điềm đạm trả lời và chẳng thấy
anh ưu tiên niềm nở riêng một người nào. Tôi nghĩ trong bụng, đây chắc là một lãnh đạo ngành văn hóa hiện nay rồi. Về
nhà hỏi Thế Lộc, thì Thế Lộc bảo là không phải, Hư Vô chỉ là một nhà thơ thường
dân. Tôi nghĩ, một nhà thơ thường dân mà được chào hỏi như vậy phải là một con
người đặc biệt. Từ đó tôi có cái nhìn thiện cảm với nhà thơ đó. Hôm nay lại hân
hạnh được Hư Vô gởi tặng tập thơ “Tay nâng giọt lệ” là một niềm vui lớn đối với
tôi.
Xuất bản tập thơ với tựa đề “Tay nâng
giọt lệ”,
nhà thơ Hư Vô lấy ý từ hai câu thơ “Ta quì xuống giơ hai tay bệ vệ/ Để xin nâng
một giọt lệ êm đềm” của Bùi Giáng, được ưu tiên đặt nó trên bài “Thưa”, là lời
tác giả thưa cùng bạn đọc, được in ở trang đầu tập sách. Như thế ta phải hiểu
nhà thơ không bi thảm giọt lệ, nhà thơ nâng giọt lệ của mình hay của ai đó để
nó được rơi êm đềm.
Hãy đọc đại ý của một bài thơ để hiểu
thêm về tác giả. Bài thơ có 16 câu, tôi xin rút gọn:
Tay
tôi nâng giọt lệ
Tay
tôi đỡ
nụ cười
…
Nụ
cười làm
tươi tắn
…
Giọt lệ cảm hóa người
…
Và một ngày nào đó
Môi tôi thêm nụ cười
Mắt
tôi khô ráo lệ
An
nhiên giữa cuộc đời.
(Giọt lệ và nụ cười)
Hãy tưởng tượng, nụ cười và giọt lệ nắm
song song trên đôi tay của thi sĩ. Để làm gì? Để thi sĩ biến hóa giọt lệ hòa
nhập trong nụ cười. Cả hai sẽ biến thành viên kim cương trong vắt. Đó là bùa hộ
mệnh đem bình an đến cho mình và cho nhân gian. Vậy thì, ước vọng của nhà thơ
không phải chỉ làm thơ để gởi mình vào đó mà còn làm thơ để đem cái năng lực vô
biên của thơ, cái tình yêu cả “lá xanh và lá vàng” cao cả của Thượng đế xóa nước mắt, bồi đắp nụ cười. Nụ cười
ấy như là đóa hoa trên môi. Đóa hoa ấy thể hiện sự an nhiên trong lòng mình và
trong lòng nhân loại.
Vậy thì, thơ của Hư Vô không chỉ là từ
cảm hứng của con tim yêu bình thường, mà còn là từ cảm hứng triết lý sống sâu
xa, bắt nguồn từ cái tâm hư vô cúa Phật, cái triết lý vô vi của Lão và sự khải
thị hóa giải
đau thương của Đấng tối cao. Cái tâm ấy thật ra tôi thấy lần đầu tiên, nó là
của Hư Vô, vì từ xưa đến nay, nhà thơ thì khóc cho đau thương, cười cho niềm
vui, nhà tu thì dạy làm lành để vơi đi khổ đế, mấy ai lại bày làm thơ để “Môi
tôi thêm nụ cười/ mắt tôi khô ráo lệ” nghĩa là làm thơ để hóa giải niềm đau.
Biết đâu (nói vui) Hư Vô sáng tạo một “đạo thi ca” cho riêng mình!!!
Từ quan niệm về thơ một cách siêu việt
đó, đưa đến quan niệm về người thi sĩ trong tâm hồn Hư Vô có khác. Cũng giống như mọi
nhà thơ, Hư vô cho rằng , thi sĩ như con ve “mười năm vùi trong đất/ đổi một mùa hoan ca”, thi sĩ như con tằm
làm chiếc kén “kết thúc một vòng đời/ chưa
trọn một mùa
trăng”. Thế nhưng với mọi người, con ve và con tằm sau khi dâng hiến cho đời
thì chết trong đau thương. Ngược lại với Hư Vô thì:
Ta
viết dòng chữ nhỏ
Làm
chiếc kén đời người
Vào
ngủ yên trong đó
Một
giấc sầu hóa thân
(Thi Sĩ)
Đừng nghĩ rằng “một giấc sầu” của Hư Vô
là một sự đau khổ, vì sự đau khổ không bao giờ vào trong giấc ngủ. Giấc ngủ từ
xưa đến nay chỉ có công dụng làm vơi đi niềm đau mà thôi. Vậy thì “giấc sầu”
của Hư Vô là một giấc thụy du miên viễn. Nỗi sầu trong giấc thụy du đó biến
thành một cơn đau êm ái, biến thành một cái thú đau thương mà không một thi
nhân nào không muốn được thụ hưởng nó, để đưa tâm hồn mình bay vào trong xứ lạ
của mộng mơ. Đây là một tâm hồn rất lãng mạn. Bởi sự lãng mạn đó nhà thơ tưởng tượng mình được yên ngủ một giấc sầu hóa thân mãi mãi.
Cũng từ cái định hướng cho sự nghiệp làm
thơ là “tay nâng giọt lệ êm đềm” nhà thơ Hư Vô đã có một ước vọng trọng đại cho
cuộc đời mình. Một ước vọng hy sinh cái linh hồn nhỏ bé của mình cho công việc
vĩ đại của đời. Hư Vô khiêm nhường nhận mình rằng; “Tôi là hạt sỏi nhỏ/ Thô thiển và vụng về” nhưng lại “Xin làm nền móng/ Những lâu đài ngàn năm”. Hư Vô cho hồn
mình ở “vùng đất hạn” chỉ “Trồng một thân cây nhỏ” nhưng lại muốn thân cây ấy “Hoa ngạt ngào tỏa hương”.
Khát vọng của nhà thơ là dâng hiến cho đời. Khát vọng ấy cháy bỏng như Hỏa Diệm sơn trong một thái độ trầm tư và
điềm đạm mà tôi đã thấy khi ngồi bên nhà thơ:
Tim
tôi từ Hỏa
Diệm
Yên
ngủ đã mấy mùa
Dẫu
tình yêu câm nín
Còn
ấp ủ dung nham
(Tôi là cát sỏi)
Còn tình yêu cúa Hư Vô thì sao? Đó là
thứ tình yêu bao dung. Xin đọc bài thơ có 25 câu. Người viết xin rút ngắn để
lấy đại ý còn 14 câu:
Em
phương trời cánh mõi
Ta
ngao du bến bờ
…
Gởi
lòng qua phiến lá
Lay
bay buổi giao mùa
…
Chiều
qua miền ký ức
Lũy
tre xưa điêu tàn
…
Người
đi từng ngày tháng
Nắng
gió và âm thanh
…
Ta
dại khờ quá đổi
Tin
những vì sao rơi
…
Ngước
về miền đất hứa
Giữa
chập chùng mê cung
Ôi
vầng trăng lặng lẽ
Thu
nguyên màu bao dung
(Thu nguyên màu bao dung)
Nhà thơ đã nhận ra mình “dại khờ qua
đổi” rồi nhưng vẫn ngước mắt về miền đất hứa để trong mắt mình thấy một “vầng
trăng lặng lẽ” của trời “thu nguyên màu bao dung”. Vầng trăng lặng lẽ là hình
ảnh của khối tình đã trở thành “Giọt lệ”. “Thu nguyên màu bao dung” là tâm
trạng của người thất tình nhưng tay vẫn “nâng giọt lệ” vì lòng đã “bao dung”.
Sự bao dung đó đã làm cho tâm hồn nhà thơ vẫn êm ái như buổi trời thu. Đọc thơ
ở đây, ta thấy một triết lý yêu khoáng đạt, một tình yêu lớn vượt lên hết tất
cả sự tầm thường của con người xương thịt. Cũng nhờ thứ tình yêu bao dung đó mà
nhà thơ Hư Vô đã nhận được hạnh phúc trên đời dầu trong nghịch cảnh:
Ai cũng biết yêu là đi tìm
hạnh phúc
Nhưng mấy ai có được trọn
vẹn hạnh phúc trên đời
…
Dầu có lúc tia nắng hồng
thiêu đốt
Và trùng dương gây phong
vũ thủy triều
Hãy nắm tay nhau khi nào còn có thể
Để sa mạc đời thêm những
giọt sương.
(Nói với người dưng)
Hư Vô không cần mưa trên sa mạc, nhà thơ
chỉ cần những giọt sương thôi thì hoa Xương Rồng vẫn nở, cũng như nhờ đó nhà thơ
sẽ “Gieo những hoài vọng ước mơ về vĩnh cửu”.
Ai là bạn của Hư Vô thì cũng biết nhà
thơ chịu nhiều nghịch cảnh cay đắng giữa cuộc đời nầy. Ta hãy nghe Hư Vô tâm sư
về anh:
Một ngày chưa biết lớn
khôn
Đi qua buổi chợ máu tanh
thịt người
Vai thêm cặp nạng không
lời
Đôi chân gỗ đá một đời
buồn tênh
(Tang thương)
Có thể nói rằng, Hư Vô sinh ra “dưới một
ngôi sao xấu”. Vậy dưới ngôi sao xấu đó nhà thơ sống như thế nào? Xin nghe đây:
Ta sinh ra đất bùn, cẩm
thạch
Ta lớn lên hề lửa hồng đêm
đen
(Tự tình)
Thuở ấy đời toàn màu đen
tối
Ta hòa ra mực viết câu thơ
Thơ bay qua đỉnh sầu chất
ngất
Gặp đóa phù vân đẹp ngẩn
ngơ
Phù vân đôi lúc rơi thành
lệ
Nhỏ xuống long lanh những phiến buồn!
(Những phiến buồn)
Như vậy, cuộc đời trong tâm hồn Hư Vô
vẫn quý giá như cẩm thạch, vẫn rực nóng như lửa hồng, và vẫn long lanh như
những câu thơ kết tủa từ nhưng nỗi buồn quyện với phù vân trên đỉnh cao chất
ngất.
Hãy tưởng tượng những đám mây hóa thành
mưa. Mưa rơi xuống trần gian thật buồn. Buồn thì buồn đó nhưng mưa đem lợi ích
cho nhân gian biết là chừng nào. Không những thế, mưa ấy hóa từ mây và mây ấy
còn là thơ từ trong màu đen tối mà thành. Hóa ra, tất cả vẽ đẹp đó là từ những
khổ đau mà đời cho Hư Vô. Nó đã hóa thành lệ. Lệ đó Hư Vô không đổ đi, không
làm thành hư vô như bút hiệu của mình. Nhà thơ nhận tất cả và lấy tâm hồn bao
dung của mình làm cho nó đẹp, rồi gởi nó vào đời như mưa. Mưa ấy “nhỏ xuống
nhân gian nhừng giọt buồn” đẹp và ích lợi biết bao.
Có nhà phê bình thơ cho rằng, thơ mà chỉ
viết bằng lý trí thì không phải là thơ. Đọc toàn bộ thơ của Hư Vô, tôi cảm nhận
nhà thơ viết bằng lý trí của mình. Thứ lý trí đó không những là thơ mà còn là
thơ hay! Cái lý trí đó hướng dẫn tâm hồn lãng mạn của nhà thơ đi đúng con đường
chân lý. Những người sinh ra dưới ngôi sao xấu, dầu là trí thức vẫn thường có
ba cách sống. Một là sa lầy trong tội lỗi, hai là lao vào giành dật trong cuộc sống, ba la khinh
đời, ngạo mạn và đau khổ. Ngược lại ở Hư Vô, từ trong thơ anh, ta thấy một
phong cách sống thoát ra, ôm gọn niềm đau trên tay và bay bổng thanh thản trên
những hệ lụy của đời. Nhà thơ không cần nhờ đến triết lý tôn giáo riêng biệt
nào để thoát khổ đau. Thế nhưng trong thơ anh, hình như tất cả những triết lý
cao siêu của tôn giáo, đã hóa thân vào trong “tay nâng giọt lệ”, làm cho nội
tâm nhà thơ và con mắt nhìn của nhà thơ trở nên êm ái. Nhờ đó Hư Vô đã nhìn
thấy “cõi bụi” “ đẹp muôn ngàn hư áo”:
Rồi
một mai thuyền xa bờ dâu bể
Bỏ
sau lưng vừng nhật nguyệt tứ thời
Hoa
cỏ mùa xuân hay lá úa thu rơi
Tiếc
cõi bụi đẹp muôn ngàn hư ảo.
(Cõi Bụi)
Thơ của Hư Vô hầu như không có một câu
thơ nào được đánh bóng, không có một khổ thơ nào được nhấn mạnh cho thanh âm
kích thích tai người. Đó là một tiếng thơ trầm như con suối lặng lờ , mà ngắm
nó, khách phải đưa tầm mắt nhìn bao quát dòng trôi, khách phải có con mắt ít
nhiều thẩm mỹ và khách càng trường trãi với bất trắc của cuộc đời thì khách càng thú vị biết
bao. Đây là những giọt lệ rơi trong lý trí, và bởi một tâm hồn yêu sự “trong
trẻo vô biên” đã làm cho vết thương trong con Sò thành ra hạt ngọc trai qúy
hiếm.
Cái có trong cái không, rốt ráo là gì?
Đó là Phật. Cái còn lại rốt ráo trong tâm Hư Vô là gì? Là giọt lệ thành thơ
vậy!!!
Châu Thạch
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét